Quyết định 1026/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2020
Số hiệu: 1026/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Lữ Văn Hùng
Ngày ban hành: 04/07/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1026/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 4 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN VỊ THỦY ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vị Thủy đến năm 2020, bao gồm những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

(1) Phát huy đồng bộ sức mạnh tổng hợp của tỉnh, của huyện và các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển; khai thác nội lực đóng vai trò là nhân tố quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Phát triển kinh tế - xã hội của huyện phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

(2) Ưu tiên đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển (kết cấu hạ tầng then chốt, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, công nghệ và nhân lực); đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mà huyện có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh như sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn trái, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng, dịch vụ kho bãi và vận tải hàng hóa,…

(3) Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng với phát triển các lĩnh vực xã hội, nhất là giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao; coi phát triển, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; phát triển kinh tế là nhiệm vụ nền tảng và liên tục.

(4) Quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt. Gắn quá trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới với phát triển các ngành kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất bền vững, có hiệu quả kinh tế cao.

(5) Phát triển kinh tế ở mức độ phù hợp, đảm bảo tính bền vững, gắn phát triển kinh tế với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực đô thị với nông thôn.

(6) Phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng, phát triển Vị Thủy giàu về kinh tế, phát triển về văn hoá, xã hội, mạnh về an ninh, quốc phòng và đảm bảo môi trường sinh thái; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc.

- Thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

- Thực hiện các biện pháp đồng bộ để đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể

(1) Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 3,15%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

(2) Cơ cấu giá trị sản xuất đến năm 2020 (giá cơ bản): khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,57%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 20,37%, khu vực thương mại - dịch vụ 26,07%.

(3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng (giá hiện hành) cho giai đoạn 2016 - 2020, bình quân 1.000 - 1.200 tỷ đồng/năm.

(4) Thu ngân sách đạt 1.500 - 2.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020 (giá hiện hành), trong đó thu nội địa đạt 150 - 170 tỷ đồng.

(5) Phấn đấu đến năm 2020 có 05 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

(6) Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên 2%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

(7) Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 36% vào năm 2020. Tạo việc làm mới bình quân từ 2.500 - 3.000 lao động/năm giai đoạn 2016 - 2020.

(8) Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80% vào năm 2020.

(9) Số bác sỹ/1 vạn dân đạt 5,5 bác sỹ; số giường bệnh/1 vạn dân đạt 15 giường bệnh vào năm 2020.

(10) Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 10,85% vào năm 2020.

(11) Duy trì và nâng chất tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt trên 90% vào năm 2020.

(12) Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93 - 94%; tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch từ 91 - 95% vào năm 2020.

(13) Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn ở đô thị và trung tâm các xã đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 98,4% vào năm 2020; trong đó tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn đạt 100%.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC ĐẾN NĂM 2020

1. Nông nghiệp và thủy sản

Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ nhu cầu đô thị và công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị, dần hình thành các vùng chuyên canh nông sản ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Phấn đấu giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp tăng bình quân 0,73%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.296 tỷ đồng (giá cơ bản) và 1.951 tỷ đồng (giá so sánh 2010).

1.1. Trồng trọt

Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và có khả năng phát triển thị trường tiêu thụ như lúa chất lượng cao, cây ăn trái, rau, củ, quả, thực phẩm chất lượng cao, hoa cây cảnh,…Đến năm 2020, diện tích lúa gieo trồng 45.500 ha, bắp 270 ha, rau đậu các loại 2.510 ha, dừa 700 ha, cây ăn trái 2.050 ha.

1.2. Chăn nuôi

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học. Hướng chính trong phát triển chăn nuôi là đẩy mạnh phát triển đàn heo, duy trì phát triển đàn trâu và đàn bò, khôi phục và từng bước phát triển đàn gia cầm. Thực hiện chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp - bán công nghiệp để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh một cách kịp thời và có hiệu quả, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Từng bước đưa các cơ sở giết mổ tập trung ra khỏi các khu vực phát triển đô thị tập trung (đô thị Nàng Mau). Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động chăn nuôi, nhất là trong công tác kiểm soát dịch bệnh và môi trường, chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, quy mô đàn trâu 250 con, đàn bò 350 con, đàn dê 100 con, đàn heo 16.700 con, đàn gia cầm 655.000 con.

1.3. Thủy sản

Phát triển đa dạng các phương thức nuôi trồng thủy sản nước ngọt chủ lực, bao gồm: nuôi cá thát lát, cá rô, cá lóc, cá bống tượng,… thâm canh trong ao, hầm ven kênh rạch lớn; nuôi cá, tôm luân canh với lúa, xen canh trong mương vườn và nuôi thủy đặc sản khác. Thường xuyên cập nhật, đổi mới công nghệ, quy trình nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản 550 ha, trong đó nuôi chuyên 50 ha, nuôi kết hợp 500 ha; nuôi lồng bè, bể bạt 1.000 cái.

2. Công nghiệp - xây dựng

2.1. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

Tăng cường công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư và vận dụng tối đa cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đối với mọi thành phần kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, gia công hàng may mặc, gia công các sản phẩm cơ khí nông nghiệp, sản phẩm kim loại, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,… theo hướng đầu tư chiều sâu, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất; gắn phát triển công nghiệp chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, bền vững và ổn định; tăng cường công tác quản lý chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh trạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, xây dựng thành công nông thôn mới. Tăng cường thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ; đồng thời, chú trọng đến xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 7,48%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 689 tỷ đồng (giá cơ bản) và 478 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).

2.2. Xây dựng

Từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện; trong đó ưu tiên thực hiện những dự án trọng điểm, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện như nâng cấp hệ thống chợ - trung tâm thương mại, khu du lịch Việt Úc, nâng cấp một số Đường tỉnh đi qua huyện, xây dựng bến xe huyện,… Huy động tổng hợp các nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị Nàng Mau, đô thị Vịnh Chèo; đồng thời, khuyến khích kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn. Sớm hoàn thành đưa vào khai thác và sử dụng có hiệu quả dự án cấp nước đô thị, dự án thoát nước và xử lý nước thải. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng bình quân 7,12%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 257 tỷ đồng (giá cơ bản) và 211 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).

3. Thương mại - dịch vụ

3.1. Thương mại

Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch, trao đổi hàng hóa; gồm: nâng cấp, mở rộng chợ Nàng Mau thành trung tâm thương mại; nâng cấp, mở rộng chợ Vĩnh Trung, chợ Vị Thắng, chợ xã Vị Trung, chợ Vĩnh Tường, đạt tiêu chuẩn chợ hạng III; xây dựng mới chợ Hội Đồng (xã Vị Đông).

Khuyến khích mở rộng mạng lưới các đại lý cung ứng vật tư thiết bị sản xuất, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng,… cũng như hệ thống đại lý, kho chứa thu mua hàng nông - thủy sản, đảm bảo phát triển rộng khắp, phục vụ tốt nhất nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa, sản phẩm của địa phương ra thị trường trong nước và thế giới. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác khách hàng ổn định, tiếp cận các thị trường có nhu cầu về sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, thường xuyên cập nhật tin tức cung cầu thị trường, nhất là thị trường nông thủy sản đến với người sản xuất. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực thương mại - dịch vụ bình quân đạt 6,70%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, giá trị sản xuất khu vực thương mại - dịch vụ đạt 1.211 tỷ đồng (giá cơ bản) và 657 tỷ đồng (giá so sánh 2010).

3.2. Du lịch

Tăng cường công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tạo điều kiện ưu đãi thu hút đầu tư các dự án khu du lịch, khách sạn, nhà hàng đủ điều kiện thu hút du khách trong và ngoài nước lưu trú dài ngày, dần đưa du lịch trở thành ngành dịch vụ tạo ra nguồn thu lớn cho địa phương.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện như du lịch tham quan làng nghề, tham quan rừng tràm, tham dự các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, ẩm thực kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch miệt vườn sông nước, du lịch dã ngoại phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi trong các khu vực nông thôn dạng. Gắn phát triển du lịch với phát triển các làng nghề nông thôn, gìn giữ và phát huy những khu vực có giá trị du lịch như khu rừng tràm, các vườn cây ăn trái, cánh đồng lúa mang đậm nét đặc trưng của đồng quê Nam bộ; lấy du lịch làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành nghề, cải thiện môi trường sống nông thôn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương. Thực hiện hợp tác sâu rộng với các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch tiềm năng.

3.3. Vận tải - kho bãi

Đa dạng hóa các loại hình vận tải hàng hóa và hành khách, khuyến khích các doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải, kho bãi mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư nâng cấp trang thiết bị và mua sắm phương tiện vận tải, bốc xếp hàng hóa đảm bảo đủ điều kiện phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa an toàn, chất lượng và nhanh chóng. Phấn đấu nâng lượng hành khách vận chuyển lên 11,32 triệu lượt người vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,42 triệu tấn vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

3.4. Bưu chính - viễn thông

- Bưu chính: Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính, thực hiện liên thông, liên kết giữa hoạt động bưu chính với các ngành dịch vụ khác như viễn thông, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, thương mại điện tử, thu phí điện, nước,… đồng thời, phải đảm bảo phổ cập và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính ngày một tốt hơn, thân thiện và tiện lợi hơn đối với người dân.

Tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động của hệ thống điểm bưu điện - văn hóa xã, từ đó xây dựng định hướng phát triển hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã cho phù hợp với tình hình thực tế. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có từ 16 - 18 điểm phục vụ bưu chính, đảm bảo dân số phục vụ bình quân từ 6.500 - 7.000 người/điểm phục vụ.

- Viễn thông: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng để mở rộng các ứng dụng trên mạng như xây dựng nền hành chính điện tử, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, từng bước hình thành và phát triển thương mại điện tử, đào tạo và các dịch vụ gia tăng khác, đáp ứng được nhu cầu dịch vụ viễn thông ngày càng cao của người dân và nền kinh tế; đồng thời, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cung cấp các dịch vụ viễn thông với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020, số thuê bao điện thoại/100 dân đạt 90 thuê bao; số thuê bao internet băng thông rộng cố định/100 dân đạt 10 thuê bao; tỷ lệ dân số thường xuyên sử dụng internet đạt 80 - 85%.

3.5. Tài chính - ngân hàng

Tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng mở chi nhánh, phát triển mạng lưới các điểm giao dịch trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020 mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 điểm giao dịch. Phát triển các tổ chức tài chính, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, làm các dịch vụ kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài chính,...

4. Khoa học và công nghệ

Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ theo hướng ứng dụng, tập trung đầu tư sâu vào những đề tài, dự án khoa học và công nghệ có quy mô lớn, tạo ra mô hình sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa - hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư nghiên cứu sáng chế, cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới, hợp lý hóa quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan hữu quan cấp trên, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với huyện Vị Thủy. Từ đó, xây dựng hệ thống các giải pháp một cách khoa học và khả thi nhất nhằm ứng phó tốt với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo phát triển bền vững.

5. Phát triển các lĩnh vực xã hội

5.1. Giáo dục - đào tạo

Triển khai thực hiện tốt chương trình cải cách, đổi mới giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 80% số trường học đạt Chuẩn quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2020, huy động trẻ ra lớp (nhỏ hơn 2 tuổi) đạt 20%; đối với trẻ từ 3 - 5 tuổi, tỷ lệ đến lớp đạt trên 80%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%; đối với bậc tiểu học đạt 100% và 90% ở bậc học trung học cơ sở.

5.2. Y tế và chăm sóc sức khỏe

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã. Coi trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ, khả năng cập nhật và sử dụng thành thạo các trang thiết bị và công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Phấn đấu đến năm 2020, số bác sỹ/1 vạn dân đạt 5,5 bác sỹ; số giường bệnh điều trị nội trú/1 vạn dân đạt 15,0 giường; có 100% số xã, thị trấn đạt 10/10 tiêu chí quốc gia về y tế xã; đảm bảo 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ, y sỹ sản, nhi và thầy thuốc đông y; các ấp đều có nhân viên y tế cộng đồng, các trường phổ thông đều có từ 1 - 2 cán bộ y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, mạng lưới các đại lý, cửa hàng thuốc tây rộng khắp trong các khu dân cư nhằm giảm tải cho hệ thống y tế công lập, thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh.

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về y tế và chăm sóc sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi còn 10,85% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin trong chương trình tiêm chủng quốc gia đạt trên 95,0%.

5.3. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - thể dục thể thao

a) Văn hóa

Tiếp tục đầu tư xây dựng từng bước hoàn chỉnh các công trình văn hóa cấp huyện như: tượng đài liệt sỹ, thư viện huyện, nhà truyền thống, các khu công viên cây xanh, công viên bờ kè dọc sông,… Tranh thủ và huy động các nguồn vốn khác nhau để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa cấp xã, ấp theo tiêu chí nông thôn mới.

Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã văn hóa, trong đó có trên 40% số xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới; 100% các đô thị đạt chuẩn văn minh đô thị. Thực hiện nâng chất đối với tiêu chí ấp văn hóa, gia đình văn hóa; phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% số hộ đạt tiêu chí hộ gia đình văn hóa.

b) Thể dục thể thao

Từng bước đầu tư xây dựng sân thể thao các xã, nhà văn hóa - khu thể thao các ấp theo chuẩn quy định. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thể dục thể thao trong các khu dân cư, nhất là các sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, các hồ bơi tư nhân tại các khu dân cư tập trung,... nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của nhân dân. Phấn đấu nâng tỷ lệ người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao lên 65% vào năm 2020.

5.4. Lao động, việc làm và an sinh xã hội

Đào tạo nghề theo hướng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nắm chắc cung - cầu lao động làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn và các địa phương xung quanh. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36%.

Triển khai và tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm; giảm nghèo lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác và các giải pháp tạo ra nhiều việc làm mới. Phấn đấu giải quyết việc làm mới bình quân cho khoảng 2.500 - 3.000 lao động/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện phối hợp đồng bộ các biện pháp, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo. Tập trung đầu tư giảm nghèo cho các xã vùng sâu vùng xa, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã có đông đồng bào dân tộc. Mở rộng đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, cung cấp tín dụng ưu đãi để người nghèo có cơ hội việc làm và tự tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiến hành dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho đối tượng hộ nghèo, người tàn tật, neo đơn,… Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2%/năm trở lên trong giai đoạn 2016 - 2020.

6. Ứng phó với biến đổi khí hậu

Trên cơ sở đánh giá cụ thể mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến các khu vực, các ngành nghề và đối tượng trên địa bàn sẽ xây dựng hệ thống độ mốc cao tại các khu dân cư, cung cấp cốt cao độ xây dựng và cảnh báo mức độ nguy cơ ngập lũ. Tiến hành khảo sát và xây dựng các khu tái định cư tại chỗ, các cụm dân cư vượt lũ cho những khu vực có nguy cơ ngập sâu do biến đổi khí hậu.

Xây dựng hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo khép kín vùng sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu áp dụng công nghệ trữ nước ngọt vào mùa mưa để sử dụng trong mùa khô hạn. Quy hoạch, duy tu bảo dưỡng và xây mới hệ thống cấp nước và xử lý nước thải nhằm giảm thiểu tác hại và từng bước thích ứng tốt hơn với điều kiện biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu điều tra cơ bản về biến động lòng kênh và bờ kênh, từ đó đề xuất các biện pháp phòng chống sạt lở cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Từng bước đầu tư xây dựng hệ thống tường kè bảo vệ bờ, chống sạt lở cho các khu vực bị sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu.

Khi xây dựng hệ thống đường giao thông phải đảm bảo đồng bộ với hệ thống kênh rạch, cầu cống hiện có trong việc tiêu thoát lũ. Nghiên cứu đổi mới quy trình trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới để tăng tính thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu được độ mặn cao. Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân.

7. Quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng

7.1. Giao thông

a) Giao thông đường bộ

* Các tuyến giao thông đối ngoại:

- Quốc lộ 61C (Đường nối Vị Thanh - Cần Thơ): đoạn chạy qua huyện dài 15,3 km, bắt đầu từ giáp ranh thành phố Vị Thanh tại xã Vị Trung chạy qua xã Vị Thanh, xã Vị Bình đến giáp ranh huyện Châu Thành A, sẽ được tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 theo kế hoạch của tỉnh.

- Một số Đường tỉnh đi qua huyện, sẽ do tỉnh xem xét đầu tư theo kế hoạch của tỉnh.

* Hệ thống đường huyện:

Tiếp tục nâng cấp một số tuyến đường huyện hiện hữu (ĐH. 8, 12, 16, 17, 18, 22, 23) đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng, nền rộng 7,5m, gồm 02 làn xe, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

* Hệ thống đường đô thị:

Thực hiện nâng cấp hạ tầng giao thông nội thị của thị trấn Nàng Mau và tiến hành đầu tư hệ thống giao thông của đô thị Vịnh Chèo theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

* Đường giao thông nông thôn:

Đối với các tuyến đường xã đóng vai trò kết nối từ trung tâm xã đến nhà văn hóa các ấp phấn đấu xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng, mặt đường rộng 3,5m, nền rộng tối thiểu 6,5m, đất bảo trì đường mỗi bên 1,0m, hành lang bảo vệ đường mỗi bên 4,0m. Các tuyến nằm trong quy hoạch khu trung tâm xã, các khu dân cư tập trung sẽ được xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Các tuyến còn lại từng bước được đầu tư nâng cấp đảm bảo đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A (nền đường rộng 4 - 5m, mặt đường rộng 3 - 3,5m), loại B (nền đường rộng 3,5 - 4m, mặt đường rộng 2 - 3m) theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt. Hệ thống cầu cống trên đường được đầu tư xây dựng kiên cố có tải trọng từ 2,5 - 10 tấn. Phấn đấu xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đạt các cấp đường theo tiêu chí nông thôn mới đạt từ 50 - 60% vào năm 2020.

* Hệ thống bến bãi:

Trong giai đoạn quy hoạch, ngoài bến xe Hậu Giang tại xã Vị Trung quy mô 5,0 ha đã được triển khai xây dựng, trên địa bàn huyện Vị Thủy sẽ dành quỹ đất để xây dựng các bến bãi sau:

- Quy hoạch bến xe huyện quy mô khoảng 1,0 ha tại thị trấn Nàng Mau.

- Quy hoạch 02 bến xe trung chuyển, quy mô mỗi bến khoảng 0,5 ha tại xã Vị Thanh và Vĩnh Trung.

- Quy hoạch 01 bãi đậu xe (xe buýt, xe taxi, xe tải) quy mô 0,3 ha tại thị trấn Nàng Mau.

- Quy hoạch 01 kho bãi tập kết hàng quy mô khoảng 0,2 ha tại thị trấn Nàng Mau.

b) Giao thông đường thủy

Phát triển giao thông thủy đồng bộ giữa hệ thống bến bãi, tuyến luồng và đội tàu vận tải, gắn kết giữa các tuyến giao thông đường thủy với giao thông đường bộ, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Về quy hoạch hệ thống bến tàu: nâng cấp, mở rộng bến tàu thị trấn Nàng Mau lên quy mô 1,0 ha. Ngoài ra còn xây dựng thêm 02 bến tàu diện tích khoảng 0,5 ha tại xã Vĩnh Trung và Vị Thanh nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và bốc dỡ hàng hóa đường thủy trên địa bàn huyện.

7.2. Thủy lợi

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động trong công tác ngăn mặn, tiêu úng, kiểm soát và khai thác lũ, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương; nhất là hệ thống đê bao và cống ngăn mặn dọc sông Cái Lớn, hệ thống cống, trạm bơm điện thuộc dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No.

Xây dựng kế hoạch nạo vét, khơi thông luồng lạch đối với hệ thống kênh rạch trên địa bàn, đảm bảo tiêu úng tốt trong mùa lũ cũng như cung cấp nước thuận lợi trong mùa khô.

7.3. Cấp điện

Từng bước thay thế, cải tạo lưới điện trung thế về cấp điện áp chuẩn 22kV. Cải tạo lưới điện hạ thế, nâng cao chất lượng phục vụ điện và giảm tổn thất điện áp. Lắp đặt công tơ trực tiếp vào nhà dân, thực hiện ngành điện bán điện trực tiếp đến từng hộ dân nhằm nâng cao chất lượng phục vụ điện năng. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng điện an toàn đạt trên 99,9%.

7.4. Cấp, thoát nước và xử lý rác thải

a) Cấp nước sạch

Nâng cấp cải tạo nhà máy nước Nàng Mau lên công suất 3.000 m3/ngày đêm; đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp đảm bảo tất cả các khu trung tâm xã đều có trạm cấp nước tập trung công suất từ 600 - 1.000 m3/ngày đêm. Đối với các khu vực vùng sâu vùng xa, mật độ dân cư thấp có thể phát triển các trạm cấp nước mini công suất từ 250 - 500 m3/ngày đêm. Phấn đấu nâng tỷ lệ số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh lên 94% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ dân số thành thị được cấp nước sạch đạt trên 99,9% với định mức cấp nước sạch từ 120 - 150 lít/người/ngày đêm.

b) Thoát và xử lý nước thải

Từng bước thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát và xử lý nước thải tại các khu dân cư đô thị hiện hữu. Đối với các khu dân cư đô thị mới, trên cơ sở quy hoạch xây dựng chi tiết, triển khai thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ với các công trình kết cấu hạ tầng. Ở từng khu vực xây dựng hai hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng biệt. Nước thải từ nhà dân, các công trình công cộng phải được xử lý bằng bể tự hoại trước khi thoát ra cống thu gom nước thải về khu xử lý nước thải, sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn mới thải ra hệ thống kênh sông rạch.

c) Thu gom và xử lý rác thải

Định hướng đến năm 2020, mỗi xã, thị trấn đều có trạm trung chuyển rác quy mô từ 1.000 - 2.000m2. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở, phương tiện chuyện dụng để thu gom, vận chuyển rác thải. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị và trung tâm các xã được thu gom đạt trên 98,4%; trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn y tế đạt tiểu chuẩn đạt 100%.

8. Quốc phòng - An ninh

8.1. Quốc phòng

Củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Vị Thủy trở thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng trong hệ thống chính trị và toàn dân. Từng bước đầu tư xây dựng các công trình quân sự theo quy hoạch thế trận khu vực phòng thủ. Làm tốt công tác quản lý đất, các công trình quốc phòng và các khu vực địa hình có giá trị cho nhiệm vụ quốc phòng. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, thường xuyên và định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập thực binh nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương; thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và giao nhận quân hàng năm. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên tổng số dân đạt 1,71%. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

8.2. An ninh

Tăng cường công tác nắm tình hình, giữ vững an ninh trật tự trong mọi tình huống. Chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh nhằm kiềm chế thấp nhất sự gia tăng tội phạm, tai nạn giao thông, cháy nổ, các tệ nạn xã hội; đảm bảo trật tự công cộng, kỷ cương xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại địa bàn dân cư, xây dựng ấp, xã (thị trấn) an toàn, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

9. Định hướng chia tách đơn vị hành chính, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới

9.1. Định hướng chia tách đơn vị hành chính và phát triển đô thị

a. Tái lập xã Vĩnh Hiếu

Định hướng đến năm 2020 sẽ tái lập xã Vĩnh Hiếu trên cơ sở lấy một phần diện tích của xã Vĩnh Tường (các ấp Bình Phong, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Quới), xã Vĩnh Trung (các ấp 2, 3, 4). Xã Vĩnh Hiếu sau khi tái lập sẽ có diện tích tự nhiên 2.490 ha, dân số từ 9.000 - 10.000 người.

b. Thành lập thị trấn Vịnh Chèo

Thị trấn Vịnh Chèo được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Vĩnh Thuận Tây. Định hướng đến năm 2020, Vịnh Chèo sẽ là đô thị loại V với quy mô dân số khoảng 1 - 1,2 vạn người; diện tích khoảng 2.295 ha. Trong đó, diện tích khu trung tâm thị trấn khoảng 151,70 ha, phát triển dọc theo Đường tỉnh 925B, tuyến Đường huyện 10 và tuyến kênh xáng Nàng Mau, sông Cái Lớn.

c. Định hướng phát triển đô thị Nàng Mau

Phát triển đô thị Nàng Mau hướng tới các tiêu chí của đô thị loại IV, trở thành đầu mối giao thương hàng hóa gắn với phát triển du lịch, là đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”; khai thác các thế mạnh về hệ thống giao thông vận tải, thương mại, các dịch vụ tài chính - ngân hàng, khách sạn, nhà hàng,… để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Định hướng đến năm 2025, đô thị Nàng Mau sẽ bao gồm toàn bộ diện tích của thị trấn Nàng Mau hiện nay và một phần diện tích của các xã Vị Trung, Vị Thắng. Trong đó, khu vực trung tâm đô thị có diện tích khoảng 359,4 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 2,5 vạn người.

9.2. Xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện, đồng bộ, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông thôn cả về hệ thống cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có 05 xã được công nhận xã nông thôn mới (xã Vị Thanh, Vị Thủy, Vị Thắng, Vị Trung và xã Vị Bình), các xã còn lại đạt từ 10/19 tiêu chí trở lên.

IV. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020 (phụ lục đính kèm)

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: phải được ưu tiên sử dụng cho các công trình hạ tầng quan trọng, các công trình trọng điểm như giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, hạ tầng đô thị, các công trình phúc lợi xã hội như y tế, văn hóa, giáo dục,… và các dự án thuộc các nhóm ngành công nghiệp, thương mại đòi hỏi vốn đầu tư lớn, có khả năng ảnh hưởng, tác động lan tỏa đến các ngành khác.

- Nguồn vốn tín dụng: vốn tín dụng từ các quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ tập trung cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh theo đối tượng ưu tiên, thuộc các ngành: chế biến nông, thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, nuôi thủy sản, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…

- Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, vốn nhàn rỗi trong dân.

- Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI, NGO).

2. Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề; khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề tại chỗ, ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế, đào tạo lao động cung cấp cho các cơ sở công nghiệp trên địa bàn và các địa phương lân cận. Tổ chức, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, quân nhân xuất ngũ; đào tạo, tập huấn nhân rộng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản cho nông dân.

Hỗ trợ các mô hình truyền nghề, đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, đào tạo lao động theo địa chỉ. Áp dụng các mô hình giáo dục, đào tạo nghề với chương trình giảng dạy phù hợp với đặc thù của từng đối tượng, từng khu vực.

Đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu thị trường lao động và xuất khẩu lao động. Công tác đào tạo phải lấy chất lượng làm đầu. Tăng cường thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng lớn, có uy tín trong khu vực và cả nước. Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp cả về chuyên môn nghiệp vụ và khả năng ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

3. Giải pháp về triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ

Điều chỉnh phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ của huyện, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Xây dựng quy chế trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Huyện chủ động mua kết quả khoa học và công nghệ trong trường hợp có nhu cầu.

Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của huyện. Hình thành các mô hình liên kết giữa khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo, sản xuất, kinh doanh; hướng vào khai thác các lợi thế của huyện về các điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, hình thành các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu bệnh tốt, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện.

4. Giải pháp về liên kết vùng và hợp tác với các sở, ngành tỉnh

Tăng cường liên kết với các địa phương lân cận, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao được chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành vùng sản xuất lớn, thu hút được các nhà đầu tư.

Phối hợp với các địa phương khác để cùng phát triển theo quy hoạch thống nhất, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng địa phương. Hợp tác, liên kết phát triển giữa huyện và các địa phương tập trung vào các lĩnh vực: phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; phát triển du lịch, dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và các lĩnh vực xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hình thành các hành lang kinh tế; phối hợp bảo vệ môi trường,...

Phối hợp chặt chẽ giữa huyện với các sở, ngành cấp trên trong việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình do cấp trên quản lý trên địa bàn huyện.

5. Giải pháp về phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia và giám sát của nhân dân, kiện toàn và phát huy vai trò của bộ máy chính quyền các cấp vào xây dựng chủ trương, đường lối và chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nề nếp quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

6. Giải pháp về cải cánh hành chính

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hướng tới xây dựng nền hành chính điện tử, đáp ứng yêu cầu điều hành xã hội trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách hành chính công nhằm tăng cường hiệu quả, sự minh bạch của chính sách nhà nước và công cụ cung cấp dịch vụ; đảm bảo mối quan hệ cởi mở, minh bạch và ổn định giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của địa phương quản lý, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư mới và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn huyện.

7. Giải pháp về phát triển thị trường

Chú trọng công tác định hướng phát triển thị trường, cả thị trường trong nước và thị trường thế giới, thị trường truyền thống và thị trường mới. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện.

Hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh hội nhập cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống kiểm soát và quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển các ngành, nghề mới, sản phẩm mới thông qua các chính sách hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

8. Giải pháp về bảo vệ môi trường

Tổ chức thực hiện chương trình quản lý môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch để giám sát, cảnh báo những tác động môi trường từ các hoạt động kinh tế, xã hội, có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường, tham gia giám sát bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình tự chủ, tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường ở các cộng đồng dân cư; phát động phong trào tình nguyện của học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên trong bảo vệ môi trường.

9. Giải pháp đảm bảo trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Chú trọng chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hoá ngày càng cao, với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải về an ninh, trật tự từ cơ sở.

Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

VI. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH

- Giao Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy tổ chức công bố, phổ biến Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vị Thủy đến năm 2020 cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong huyện và trên các phương tiện truyền thông để huy động các nguồn lực thực hiện và giám sát thực hiện. Các phòng, ban theo lĩnh vực phụ trách của mình phối hợp với các cơ quan hữu quan của sở, ngành cấp tỉnh để thực hiện quy hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

- Các cấp, các ban ngành của huyện phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện lồng ghép, bổ sung quy hoạch tổng thể vào các quy hoạch chuyên ngành, các kế hoạch phát triển 5 năm, hàng năm và các chương trình, dự án đầu tư để thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch theo từng giai đoạn đến năm 2020.

- Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân huyện chủ trì, phối hợp các ngành, các cấp tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch. Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- UBND huyện Vị Thủy;
- Lưu: VT, TH.KM
d\2016\6\QĐ phe duyet DCQH TP> Vị Thuy

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Văn Hùng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Ban hành kèm theo Quyết định số: 1026/QĐ-UBND Ngày 04 tháng 7 năm 2016 của UBND tỉnh Hậu Giang

STT

Tên dự án

Địa điểm

Nguồn vốn

I

Nông nghiệp - Thủy lợi

 

 

1

Kè chống sạt lở kênh Mương Lộ 61 (đoạn cầu vượt nút giao)

Xã Vị Trung

NSNN

2

Bờ kè nội ô thị trấn Nàng Mau

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

3

Nạo vét kênh mương nội đồng

Các xã

NSNN +XHH

4

Đường kênh 9 Thước, hạng mục: Đường đan bê tông cốt thép 3m (tổng chiều dài 1.580m), cầu kênh 12.000, cầu kênh 12.500, cầu kênh 13.000, cống ngầm

Xã Vị Thanh

NSNN

II

Khu thương mại, chợ

 

 

1

Khu du lịch sinh thái Việt Úc (gđ 1)

X. Vĩnh Tường

Doanh nghiệp

2

Khu du lịch sinh thái Việt Úc (gđ 2)

X. Vĩnh Tường

Doanh nghiệp

3

Nâng cấp chợ Nàng Mau thành TTTM

X. Vị Đông

NSNN + Doanh nghiệp

4

Xây dựng chợ Vĩnh Trung (ấp 7)

X. Vĩnh Trung

NSNN + Doanh nghiệp

5

Nâng cấp, mở rộng chợ Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN + Doanh nghiệp

6

Nâng cấp, mở rộng chợ xã Vị Trung

X. Vị Trung

NSNN + Doanh nghiệp

7

Nâng cấp, mở rộng chợ Hội Đồng

X. Vị Đông

NSNN + Doanh nghiệp

8

Nâng cấp, mở rộng chợ Vĩnh Tường

X. Vĩnh Tường

NSNN + Doanh nghiệp

9

Hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn

Các xã

Doanh nghiệp

10

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

X. Vĩnh Trung

Doanh nghiệp

III

Công trình giao thông

 

 

1

Nâng cấp QL. 61

Huyện Vị Thủy

NSNN

2

Nâng cấp QL. 61C (Đg. nối Vị Thanh-Cần Thơ)

Huyện Vị Thủy

NSNN

3

Cơ sở hạ tầng nội ô thị trấn Nàng Mau

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

4

Đường GTNT xã Vị Thắng

Xã Vị Thắng

NSNN

5

Đường nối 14.000 - 9 Thước

Xã Vị Thanh

NSNN

6

Đường kênh 9 Thước

Xã Vị Thanh

NSNN

7

Đường GTNT các xã

Các xã

NSNN

8

Bờ kè nội ô thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, hạng mục: Kè bảo vệ vĩa hè, cây xanh, đèn trang trí

TT Nàng Mau

NSNN

9

Đường Lê Hồng Phong nối dài

TT Nàng Mau

NSNN

10

Giao thông nông thôn xã Vĩnh Thuận Tây, hạng mục: Đường Kinh Ngang

Vĩnh Thuận Tây

NSNN

IV

Cấp thoát và xử lý nước

Các trung tâm

NSNN + XHH

V

Đất bãi thải, xử lý chất thải

 

 

1

Trạm trung chuyển rác các xã, thị trấn

Các xã, thị trấn

NSNN

VI

Điện

 

 

1

Nâng cấp hệ thống điện

Các xã, thị trấn

NSNN

2

Hệ thống điện chiếu sáng

Các xã, thị trấn

NSNN + XHH

VII

Giáo dục - đào tạo

 

 

1

Mầm non Hoa Hồng

Xã Vị Thanh

NSNN

2

Mẫu giáo Vị Thắng

Xã Vị Thắng

NSNN

3

Tiểu học Nàng Mau 1

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

4

Tiểu học Vị Thủy 2

Xã Vị Thủy

NSNN

5

Tiểu học Vĩnh Trung 2

Xã Vĩnh Trung

NSNN

6

Tiểu học Vĩnh Trung 3

Xã Vĩnh Trung

NSNN

7

Tiểu học Vị Bình 2

Xã Vị Bình

NSNN

8

Tiểu học Vị Thanh 1

Xã Vị Thanh

NSNN

9

Tiểu học Vị Thanh 2

Xã Vị Thanh

NSNN

10

Tiểu học Vị Thanh 3

Xã Vị Thanh

NSNN

11

Tiểu học Vị Đông 1

Xã Vị Đông

NSNN

12

Tiểu học Vị Đông 2

Xã Vị Đông

NSNN

13

Tiểu học Vị Đông 3

Xã Vị Đông

NSNN

14

THCS Vị Đông

Xã Vị Đông

NSNN

15

THCS Ngô Quốc Trị

TT Nàng Mau

NSNN

16

THCS Vị Thắng

Xã Vị Thắng

NSNN

17

Mầm non Vĩnh Tường (điểm Nông Trường Tràm)

Xã Vĩnh Tường

NSNN

VIII

Y tế

 

 

1

Nâng cấp trạm y tế xã Vị Thắng

Xã Vị Thắng

NSNN

IX

Văn hóa - Thể thao

 

 

1

Nâng cấp nhà văn hóa các xã Vĩnh Trung

Xã Vĩnh Trung

NSNN

2

Nâng cấp nhà văn hóa các xã Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

3

Nâng cấp Đài truyền thanh huyện

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

4

Nâng cấp Đài truyền thanh các xã, thị trấn

Các xã, thị trấn

NSNN

5

Trung tâm văn hóa xã Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

6

Khu thể thao xã Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

7

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 6, Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

8

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 7, Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

9

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 10, Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

10

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 8, Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

11

Nhà văn hóa ấp 11, Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

12

Nhà văn hóa ấp 12, Vị Thắng

X. Vị Thắng

NSNN

13

Trung tâm văn hóa xã Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

14

Khu thể thao xã Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

15

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 7, Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

16

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 9, Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

17

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 8, Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

18

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 10, Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

19

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 11, Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

20

Nhà văn hóa - khu thể thap ấp 13, Vị Trung

Xã Vị Trung

NSNN

X

Công trình trụ sở cơ quan

 

 

10

Kho lưu trữ huyện Vị Thủy

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

11

Nâng cấp trung tâm bồi dưỡng chính trị

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

12

Kho Lưu trữ huyện Vị Thủy

Huyện Vị Thủy

NSNN

13

Nâng cấp, mở rộng Hội trường UBND các xã thuộc huyện Vị Thủy

Huyện Vị Thủy

NSNN

14

Nâng cấp trụ sở UBND huyện

Thị trấn Nàng Mau

NSNN

Ghi chú: về vị trí, qui mô, tổng mức vốn và nguồn vốn đầu tư của các dự án được tính toán, điều chỉnh cụ thể trong giai đoạn trình duyệt dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng năm, riêng các dự án được ghi vốn ngân sách là những công trình chuyển tiếp và khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của tỉnh.