Quyết định 1008/QĐ-UBND năm 2006 quy định mức khoán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: | 1008/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Trần Minh Cả |
Ngày ban hành: | 31/03/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1008/QĐ-UBND |
Tam Kỳ, ngày 31 tháng 3 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUY ĐỊNH MỨC KHOÁN CHI PHÍ QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CƠ QUAN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND & UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 139/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;
Căn cứ Nghị định số 54/1998/NĐ-CP ngày 21/7/1998 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 16/CP ngày 20/3/ 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan;
Căn cứ Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại tờ trình số 2777 TT/TC-GCS ngày 29/12/2005 về việc ban hành Quy định khoán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định về mức khoán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cụ thể như sau:
1. Đối tượng, phạm vi áp dụng khoán chi phí:
a. Các cơ quan nhà nước thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền ra quyết định hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tài sản, tang vật, phương tiện sung công quỹ nhà nước, gồm: Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan và các lực lượng khác (của tỉnh, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn) được Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xử phạt vi phạm hành chính: tạm giữ, bắt giữ, cưỡng chế tịch thu tài sản (kể cả tài sản tạm giữ chờ xử lý, công tác chống làm hàng giả, kém chất lượng) theo quy định hiện hành của Pháp luật;
b. Sở Tài chính, phòng Tài chính các huyện, thị xã (gọi chung là cơ quan tài chính) được giao quản lý, xử lý và bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước;
c. Cơ quan có chức năng bán đấu giá tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, Hội đồng bán đấu giá tài sản tịch thu qung quỹ nhà nước.
2. Mức khoán chi phí cho các cơ quan:
a. Mức khoán:
- Cơ quan Tài chính: 4%;
- Cơ quan làm Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá tài sản: 3%;
- Cơ quan Kiểm lâm : 43%;
(Đối với lâm sản và tang vật, phương tiện vận chuyển lâm sản do cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, ... phát hiện bắt giữ, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu thì tỷ lệ 43% nêu trên được phân phối như sau: cơ quan trực tiếp bắt giữ được thanh toán 38%, cơ quan kiểm lâm 5%. Trường hợp có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng khác thì các đơn vị trực tiếp bắt giữ, quyết định tịch thu căn cứ mức được trích để thanh toán lại chi phí cho các cơ quan phối hợp trong tổng số mức trích 43%).
- Cơ quan Quản lý thị trường: 33%;
- Cơ quan Công an: 33%;
- Bộ đội Biên phòng: 45%;
- Cơ quan Hải quan: 30%;
- Các cơ quan khác: 20%;
Đơn vị thụ hưởng mức khoán nêu trên có trách nhiệm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả và đúng mục đích, tự cân đối cho từng vụ việc có số thu và các vụ việc không có số thu (như hàng giả, hàng kém phẩm chất phải tiêu hủy) hoặc số thu thấp. Trường hợp đặc biệt, chi phí vụ việc của các cơ quan trực tiếp xử lý vi phạm phát sinh quá lớn mà mức khoán nêu trên không bảo đảm cho việc thanh toán chi phí thì cơ quan Tài chính kiểm tra chứng từ và nguồn kinh phí hiện có được trích của đơn vị hoặc từ số tiền bán tài sản tịch thu của vụ việc đó để thanh toán.
- Chi phí điều tra, xác minh, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật, xử lý vi phạm; chi phí khai quật, trục vớt, kiểm kê, giao nhận, bốc dỡ, bốc xếp, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, bảo quản, kiểm nghiệm, giám định tài sản và bồi thường tổn thất tài sản sung qũy Nhà nước do nguyên nhân khách quan (nếu có).
Trường hợp cơ quan ra quyết định tịch thu đã được Nhà nước bố trí kho bãi, biên chế, phương tiện vận tải, kinh phí thường xuyên, thì không thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc vận chuyển, bảo quản tài sản đó;
- Chi phí mua tin (nếu có).
Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính: phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả;
- Chi phí xăng, dầu cho phương tiện, chi bồi dưỡng làm thêm giờ, bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm của các cá nhân tham gia điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu, chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ chiến sĩ hoặc gia đình cán bộ, chiến sĩ bị tai nạn, bị thương, bị hy sinh khi làm nhiệm vụ;
- Chi bổ sung mua sắm, sửa chữa phương tiện, dụng cụ cần thiết để phục vụ công tác chống buôn lậu, bảo quản hàng hóa, tài sản của cơ quan ra quyết định và cơ quan quản lý, xử lý bán tài sản tịch thu;
- Chi sửa chữa tài sản tịch thu sung qũy Nhà nước để tổ chức bán (nếu có);
- Các chi phí phát sinh trong quá trình xử lý bán tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bao gồm: chi phí dán tem, khảo sát giá, tổ chức định giá, họp hội đồng định giá, tổ chức thông tin, quảng cáo, trưng bày tài sản và cho xem tài sản đấu giá, chi phí in ấn tài liệu hồ sơ bán đấu giá, phí bán đấu giá trả cho cơ quan có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước, chi phí bán đấu giá do Hội đồng bán đấu giá thực hiện (trong trường hợp bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá tài sản),...;
- Chi hỗ trợ để bổ sung kinh phí cho các lực lượng tham gia xử vi phạm hành chính theo quy định hiện hành của Pháp luật, chi cho công tác tuyên truyền, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ;
- Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quản lý, xử lý tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước;
- Chi hội họp, sơ kết, tổng kết công tác chống buôn lậu, công tác quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Chi phí tạm giữ hàng hoá, tài sản không bán được (như trả lại tài sản cho khách hàng, chuyển tài sản cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng, chuyển tài sản sang cơ quan thuế xử lý, thả động vật vào rừng, ...), chi phí tiêu huỷ hàng hoá kém phẩm chất, độc hại không sử dụng được ...;
- Chi thuê giám định kỹ thuật, định giá tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước (nếu cần thiết);
- Chi sơ cứu, nuôi dưỡng, chăm sóc động vật;
- Các khoản chi phí khác có liên quan đến việc bắt giữ, tịch thu, bảo quản, quản lý, xử lý tài sản tịch thu.
Điều 2. Quản lý, sử dụng và quyết toán mức khoán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước:
1. Các cơ quan hưởng mức khoán chi phí nêu tại Điều 1 Quyết định này, căn cứ vào các chế độ, định mức hiện hành do Nhà nước quy định để xây dựng quy chế chi tiêu và thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm về các khoản chi tiêu đó. Cuối năm, cơ quan không sử dụng hết nguồn kinh phí này thì được bổ sung vào kinh phí phục vụ chống buôn lậu, kinh doanh trái Pháp luật, chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép, công tác quản lý, xử lý tài sản tịch thu;
2. Các khoản chi phí này thanh toán cho các cơ quan trực tiếp quản lý, xử lý tài sản tịch thu và không được thanh toán nguồn kinh phí này trùng với nguồn kinh phí chi thường xuyên và kinh phí khác;
3. Việc hoạch toán, thanh quyết toán nguồn kinh phí này thực hiện theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành;
4. Hồ sơ, chứng từ gốc về các khoản chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu được bảo quản, lưu trữ tại các cơ quan theo chế độ Nhà nước quy định và có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Tài chính và cơ quan Pháp luật khi có yêu cầu;
5. Mức khoán chi phí nêu trên được áp dụng trên số thu của các cơ quan trực tiếp bắt giữ, xử lý tài sản tịch thu tồn đọng (kể cả các khoản đã tạm ứng) và phát sinh trên tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành;
6. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày khách hàng nộp tiền mua tài sản vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước, cơ quan Tài chính lập thủ tục trích chuyển kinh phí được khoán về cơ quan trực tiếp bắt giữ, quản lý và xử lý bán tài sản tịch thu để sử dụng theo đúng quy định;
7. Đến ngày 31/01 của năm sau, cơ quan thụ hưởng kinh phí khoán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu có trách nhiệm quyết toán kinh phí của năm trước với cơ quan Tài chính.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này thay thế Quyết định số 70/2004/QĐ-UB ngày 08/9/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Thông tư 72/2004/TT-BTC hướng dẫn quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính Ban hành: 15/07/2004 | Cập nhật: 02/04/2013
Nghị định 139/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản Ban hành: 25/06/2004 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 134/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 Ban hành: 14/11/2003 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 54/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan Ban hành: 21/07/1998 | Cập nhật: 09/12/2009