Quyết định 100/2007/QĐ-UBND về Quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
Số hiệu: 100/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Hoàng Xuân Lộc
Ngày ban hành: 30/01/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 100/2007/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 30 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH YÊN BÁI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 16 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26/02/1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29/4/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP , ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước; Nghi định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ xung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP , ngày 10/10/2003 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 71/2003/NĐ-CP , ngày 19/6/2003 của Chính phủ quy định về phân cấp quản lý biên chế hành chính sự nghiệp Nhà nước; Nghị định số 112/2004/NĐ-CP ngày 08/04/2004 của Chính phủ qui định cơ chế quản lý biên chế đối với sự nghiệp nhà nước; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP , ngày 25/04/2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 14/2006/QĐ-BNV ngày 06/11/2006 của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế quản lý hồ sơ cán bộ, công chức;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 04/TTr-SNV, ngày 05/01/2007 về việc Quyết định ban hành Quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước tỉnh Yên Bái,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các Quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh trước đây về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Lộc

 

QUY ĐỊNH

TUYỂN DỤNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 100/2007/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 01 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

1. Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh bao gồm: Các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; cấp huyện; Y tế xã, phường, thị trấn; Các Hội được giao chỉ tiêu biên chế hàng năm (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp).

2. Cán bộ, công chức trong Quy định này (sau đây gọi chung là viên chức) là công dân Việt Nam, trong chỉ tiêu biên chế, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật .

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định tại Điều 50, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước và các qui định khác của pháp luật về lĩnh vực này.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

1. Tổng hợp kế hoạch biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ.

2. Tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định. Báo cáo kết quả thi tuyển, xét tuyển về Sở Nội vụ để thẩm định. Sau khi có thông báo kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, thực hiện hợp đồng làm việc theo quy định.

3. Tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch cho các cán bộ, viên chức có ngạch tương đương với ngạch chuyên viên trở xuống. Báo cáo kết quả thi nâng ngạch, xét nâng ngạch về Sở Nội vụ để thẩm định. Sau khi có thông báo kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, ra quyết định nâng ngạch. Được quyết định bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, xếp ngạch, xếp lương, nâng bậc lương cho các cán bộ, viên chức có ngạch tương đương với ngạch Chuyên viên trở xuống; điều động, luân chuyển cán bộ, viên chức từ đơn vị này sang đơn vị khác thuộc quyền quản lý; cử cán bộ, viên chức thi nâng ngạch, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

5. Tổng hợp, báo cáo thống kê chất lượng, kết quả nâng bậc lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu và các chính sách khác đối với cán bộ, viên chức theo quy định.

6. Đánh giá và quản lý hồ sơ viên chức lãnh đạo thuộc quyền quản lý và diện tỉnh quản lý.

7. Khen thưởng, kỷ luật và đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức theo quy định..

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp.

1. Lập kế hoạch biên chế, cơ cấu đội ngũ viên chức của đơn vị, báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý.

2. Bố trí, phân công viên chức trong đơn vị.

3. Thống kê, báo cáo về đội ngũ cán bộ, viên chức của đơn vị.

4. Đánh giá viên chức hàng năm, quản lý hồ sơ gốc của cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

5. Khen thưởng, kỷ luật và đề nghị khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức theo quy định.

6. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác thực hiện theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 121/2006/NĐ-CP, ngày 23/11/2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP .

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao quyền tự chủ.

Quyết định việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, nâng ngạch, chuyển ngạch, xếp lương, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật theo quy định, giải quyết chế độ chính sách, lập và quản lý hồ sơ gốc viên chức thuộc quyền quản lý.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Được quyết định về biên chế trên cơ sở định mức theo quy định, quyết định việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, nâng ngạch, chuyển ngạch, xếp lương, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật theo quy định; giải quyết chế độ chính sách, lập và quản lý hồ sơ gốc viên chức thuộc quyền quản lý.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ.

1. Tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp Nhà nư­ớc của tỉnh hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh; trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giao biên chế hàng năm cho các đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh.

2. Quyết định tiếp nhận, điều động cán bộ, viên chức từ tỉnh khác về và ngược lại; từ đơn vị quản lý nhà nước sang; từ huyện, thị xã, thành phố này sang huyện, thị xã, thành phố khác; từ huyện, thị xã, thành phố về ngành và ngược lại; từ ngành này sang ngành khác đối với cán bộ, viên chức ngoài diện tỉnh quản lý và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp nhận, điều động cán bộ, viên chức thuộc diện tỉnh quản lý.

3. Thẩm định, phê chuẩn cơ cấu đội ngũ, kết quả thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức các đơn vị sự nghiệp được giao biên chế.

4. Tổng hợp, thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức; kết quả nâng bậc lương, điều chỉnh lương tối thiểu viên chức sự nghiệp toàn tỉnh và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ theo quy định.

5. Thanh tra, kiểm tra việc thi tuyển, xét tuyển, nâng ngạch, chuyển ngạch và thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước về viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện Quy định này.

Điều 9. Trong quá trình thực hiện, Qui định này có thể được sửa đổi, bổ sung khi cơ quan nhà nước cấp trên có văn bản mới điều chỉnh về lĩnh vực này./.