Quyết định 10/2006/QĐ-UBND về Quy định tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 10/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Võ Văn Một
Ngày ban hành: 20/02/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 10/2006/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 20 tháng 02 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ DI TÍCH VĨNH CỬU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

Căn cứ Công văn số 3715/CV-BNN-KL ngày 01/12/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu và Công văn số 870/KL-BTTN ngày 04/10/2005 của Cục Kiểm lâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền có ý kiến về việc đổi tên Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Quyết định số 3744/QĐ/BVHTT ngày 29/11/1997 của Bộ Văn hóa Thông tin về việc công nhận Di tích lịch sử Chiến khu Đ;

Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 5624-CV/TU ngày 14/6/2005 về bộ máy tổ chức hoạt động của Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu;

Xét đề nghị của các ngành có liên quan tại Biên bản cuộc họp số 1675/BB-SNV ngày 22/12/2005 về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu;

Xét Báo cáo thẩm định số 09/BC-STP ngày 13/01/2006 của Sở Tư pháp và theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 132/TTr-SNV ngày 08/02/2006 về việc thành lập khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ DI TÍCH VĨNH CỬU TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2006 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu là đơn vị sự nghiệp khoa học có thu trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các di tích lịch sử trên địa bàn nằm trong diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu.

Điều 2. Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thông tin và Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Chương 2.

NHIỆM VỤ

Điều 3. Nhiệm vụ của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu.

1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về công tác của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu.

2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Nghiên cứu, tổ chức bảo tồn các sinh cảnh rừng, cảnh quan tự nhiên, các nguồn gien động, thực vật rừng nhằm khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng cây họ Dầu thuộc lưu vực sông Đồng Nai và góp phần mở rộng nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã.

4. Tổ chức quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn theo các quy định hiện hành.

5. Lập hồ sơ xếp hàng di tích, dự án trùng tu, tôn tạo di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hiện vật về di tích.

6. Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, các loài động vật hoang dã, thực vật rừng. Thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Tổ chức ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên thuộc phạm vi quản lý.

7. Phối hợp tổ chức ổn định dân cư trong vùng đệm gắn với công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và di tích lịch sử. Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật và mô hình phát triển vùng đệm.

8. Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học thuộc phạm vi được phân công.

9. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; bảo vệ di tích lịch sử và truyền thống cách mạng.

10. Tổ chức các hoạt động văn hóa có liên quan đến di tích và phát triển du lịch sinh thái.

11. Tổ chức các hoạt động hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực, chức năng được phân công và theo các quy định hiện hành.

12. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ, cung cấp số liệu phục vụ công tác quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ.

13. Quản lý công chức, viên chức, người lao động và tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành về tình hình thực hiện nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực công tác được giao.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Trách nhiệm và Quyền hạn của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu.

1. Được kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn và phạm vi quản lý.

2. Thực hiện việc quản lý rừng, đất rừng và các di tích lịch sử trên địa bàn theo các quy định hiện hành.

3. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo quy định.

4. Quản lý tài chính, tài sản của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Chủ trì phối hợp với địa phương và các cơ quan đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

6. Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, về những phương án, văn bản do Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu dự thảo đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

7. Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương 4.

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 5. Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có 01 Giám đốc và không quá 04 Phó Giám đốc.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ được giao. Các Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác cụ thể và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về những phần việc được phân công.

Giám đốc và các Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của Nhà nước.

Việc khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các phòng chuyên môn của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu.

1. Phòng tổ chức hành chính.

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính.

3. Phòng Khoa học - Kỹ thuật.

4. Phòng Hỗ trợ kỹ thuật phát triển vùng đệm và thông tin tuyên truyền.

5. Trung tâm Bảo tồn di tích và Du lịch sinh thái.

6. Hạt Kiểm lâm.

Các phòng chuyên môn và các đơn vị thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu thực hiện chức năng nhiệm vụ theo từng lĩnh vực công tác do Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu phân công.

Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương được Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu bổ nhiệm theo quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, chức danh và thẩm quyền quản lý cán bộ.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có trách nhiệm ban hành bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.

Điều 7. Số lượng biên chế của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu do cấp có thẩm quyền quyết định trong tổng số biên chế hàng năm của tỉnh.

Điều 8. Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu bảo đảm chế độ giao ban theo định kỳ để kiểm điểm công tác đã thực hiện trong thời gian qua và xây dựng chương trình công tác cho thời gian kế tiếp.

Tổ chức hội nghị tổng kết công tác chuyên môn cuối năm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có thể tổ chức các cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc của cấp trên có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn.

Chương 5.

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 9. Với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai:

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chấp hành các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thường xuyên báo cáo công tác với Ủy ban nhân dân tỉnh theo chế độ quy định.

Điều 10. Với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực sinh thái, tài nguyên rừng và phát triển nông thôn.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyên môn và cung cấp thông tin tài liệu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chế độ định kỳ và yêu cầu đột xuất.

Điều 11. Với Sở Văn hóa Thông tin:

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Sở Văn hóa - Thông tin về việc quản lý, Bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử và văn hóa trên địa bàn quản lý.

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyên môn và cung cấp thông tin tài liệu cho Sở Văn hóa Thông tin theo chế độ định kỳ và yêu cầu đột xuất.

Điều 12. Với Chi cục Kiểm lâm:

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm về lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng, chống, chữa cháy rừng. Hạt kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm về việc thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Điều 13. Với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh:

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức năng có liên quan của từng cơ quan để thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 14. Với Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu:

Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu để thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ kỹ thuật phát triển vùng đệm, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định dân cư trên địa bàn quản lý.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện bản quy định về tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu trong toàn cơ quan.

Điều 16. Bản quy định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Việc sửa đổi, bổ sung bản quy định này do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu và Giám đốc Sở Nội vụ.