Quyết định 10/2003/QĐ-UB ban hành quy chế hoạt động của Ban điều hành khuyến công tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 10/2003/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 16/01/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2003/QĐ-UB

Tam Kỳ, ngày 16 tháng 01 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH KHUYẾN CÔNG TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Quyết định số 78/2002/QĐ-UB ngày 30/12/2002 của UBND tỉnh Quảng Nam về hoạt động khuyến công;

Căn cứ Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 15/01/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam về thành lập Ban điều hành khuyến công tỉnh Quảng Nam;

Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Công văn số 637/CV-CN ngày 16/12/2002 và của Trưởng Ban TCCQ tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ''Quy chế hoạt động của Ban điều hành khuyến công tỉnh Quảng Nam''.

Điều 2. Chánh Văn phòng HĐND&UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận
- Như điều 2
- TVTU
- TTHĐND&UBND tỉnh
- Lưu VT, KTN, KTTH

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Phúc

 

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

CỦA BAN ĐIỀU HÀNH KHUYẾN CÔNG TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2003/QĐ-UB ngày 16/01/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định các hoạt động của Ban điều hành khuyến công tỉnh Quảng Nam và các nguyên tắc cơ bản về quản lý, điều hành nguồn kinh phí khuyến công tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Ban điều hành khuyến công tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Ban điều hành) được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam. Ban Điều hành có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban thường trực và số uỷ viên thuộc các ngành liên quan. Cơ quan thường trực của Ban điều hành là Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Nam. Ban điều hành được mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam và sử dụng khuôn dấu của Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Nam để giao dịch.

Điều 3. Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình khuyến công chủ yếu do ngân sách cấp hằng năm và phần thu hồi từ các dự án có vay vốn khuyến công. Ngoài ra còn được huy động từ các nguồn kinh phí khác (nếu có) như tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; trích một phần từ lợi nhuận doanh nghiệp do được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh; trích một phần từ nguồn thu thuế để lại của Trung ương.

Chương II

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH KHUYẾN CÔNG

Điều 4. Chức năng nhiệm vụ của Ban điều hành .

Ban điều hành là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hoạt động của Ban điều hành nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau :

1. Huy động, quản lý và điều hành việc sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh.

2. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến công hằng năm và 5 năm. Xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí hoạt động khuyến công hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các chương trình khuyến công; dự án sản xuất; các cơ chế chính sách về phát triển CN-TTCN; các tiến độ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới; thị trường tiêu thụ sản phẩm; hội thảo, hội gnhị liên quan đến phát triển CN- TTCN.

5. Thẩm định các chương trình dự án, đề xuất mức (%) hỗ trợ kinh phí khuyến công và tính chất hỗ trợ (cấp 100%, cấp một phần kinh phí hoặc cho vay) đối với các chương trình, dự án trình UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định phê duyệt theo sự uỷ quyền của UBND tỉnh.

6. Ký kết các hợp đồng kinh tế liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện các hạot động khuyễn công của UBND tỉnh như : hợp đồng đào tạo, xây dựng các dự án sản xuất để giới thiệu cho các cơ sở hoặc kêu gọi đầu tư, các dự án nghiên cứu phát triển ngành nghề, làng nghề, và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

7. Hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra các cơ sở, các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến công và phát triển ngành nghề, làng nghề.

8. Tổ chức các cuộc tham quan, khảo sát trong và ngoài nước nhằm rút ra kinh nghiệm trong sản xuất, mô hình sản xuất, tìm kiếm đối tác đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm, công nghệ mới...

9. Tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ nhằm đánh giá tình hình hoạt động khuyến công và kịp thời đề xuất UBND tỉnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, những tồn tại trong quá trình thực hiện chương trình khuyến công.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên trong Ban điều hành.

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban :

- Quyết định và chịu trách nhiệm chung trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Ban điều hành.

- Chủ trì và kết luận về những nội dung được thảo luận tại các cuộc họp của Ban điều hành.

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành để thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công của tỉnh.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của phó ban :

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công hoặc lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

- Tổ chức thực hiện theo kết luận của Trưởng ban, theo dõi và quản lý việc sử dụng nguồn quỹ khuyến công.

- Đăng ký và mở tài khoản của Ban điều hành tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam.

- Ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động khuyến công. Xử lý những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp và báo cáo với Ban điều hành tại cuộc họp gần nhất. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Trưởng ban uỷ quyền.

- Trực tiếp chỉ đạo trung tâm khuyến công và bộ phận giúp việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban.

- Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về kết quả điều hành các nhiệm vụ do Trưởng ban phân công.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các uỷ viên :

- Phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành thôgn qua Phó ban để tổ chức triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của Ban, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, cơ sở thực hiện các hoạt động khuyến công.

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình để chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ có liên quan theo kết luận của Trưởng ban, phải có trả lời bằng văn bản về các vấn đề liên quan khi có yêu cầu của Ban điều hành (trường hợp không tổ chức được cuộc họp của Ban điều hành).

- Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban. Trường hợp đặc biệt không dự họp được phải xin phép Trưởng ban. Đề xuất với Trưởng ban tổ chức cuộc họp bất thường để giải quyết vấn đề cấp bách.

4. Tổ chuyên viên :

Giúp việc cho Ban điều hành có tổ chuyên viên.

Tổ chuyên viên chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm của các Sở, Ban, ngành. Tổ chuyên viên giúp việc có nhiệm vụ giúp Ban đièu hành xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện các chương trình của Ban điều hành. Các nhiệm vụ cụ thể của tổ chức chuyên viên do Trưởng ban quy định.

5. Nhiệm vụ của thư ký :

- Giúp Phó ban thường trực chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp. Soạn thảo các văn bản cần thiết của Ban điều hành trong quá trình điều hành hạot động chương trình khuyến công.

- Giúp Ban điều hành dự thảo các cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - TTCN.

- Tổ trưởng tổ chuyên viên giúp Ban điều hành xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban điều hành.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban, Phó trưởng ban giao.

Chương III

NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH NGUỒN KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG

Điều 6. Đối tượng được sử dụng nguồn kinh phí khuyến công.

Tất cả các tổ chức, cá nhân hoạtd dộng nhằm phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều được cho phép sử dụng nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh.

Điều 7. Phạm vi hỗ trợ :

1. Cấp 100% theo dự toán được duyệt cho các chương trình dự án mang tính sự nghiệp khuyến công cho các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện như : hỗ trợ, đào tạo nghề, nghiên cứu các dự án, tham quan học tập kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu tư.

2. Cấp một phần kinh phí dự toán được duyệt (cấp không thu hồi theo từng chương trình, dự án cụ thể) đối với các chương trình dự án do cơ sở hoặc địa phương tổ chức thực hiện nhưu : đào tạo nghề cho doanh nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, sản xuất thử sản phẩm mới, cấy nghề, du nhập nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm...

3. Cho các cơ sở sản xuất vay theo tỷ lệ % của dự án hoặc phương án sản xuất đựoc UBND tỉnh duyệt với lãi suất 0% trong thời hạn tối đa không quá 3 năm (có cộng tfhêm chi phí quản lý 0,1%/tháng) để cơ sở đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, đổi mới thiết bị, công nghệ...

Điều 8. Nguyên tắc điều hành nguồn kinh phí khuyến công.

Kinh phí khuyến công hằng năm được sử dụng theo nguyên tắc sau :

1. Dành 20% - 25% kinh phí khuyến công hằng năm để cấp 100% theo dự toán được duyệt cho các hoạt động khuyến công do các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện.

2. Dành 75% - 80% kinh phí khuyến công hằng năm để cấp một phần theo dự toán được duyệt (cấp không thu hồi) đối với các hoạt động khuyến công do cơ sở tự tổ chức thực hiện và cho các cơ sở sản xuất vay đầu tư phát triển sản xuất. Mức cho vay và thời hạn cho vay Ban điều hành xem xét quyết định đối với từng dự án.

3. Đối với các chương trình dự án có mức sử dụng kinh phí khuyến công từ 50 triệu đồng trở xuống UBND tỉnh uỷ quyền cho thường trực Ban điều hành xem xét quyết định.

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN ĐIỀU HÀNH

Điều 9. Mối quan hệ với các ngành, các địa phưong trong tỉnh.

- Ban điều hành giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với tất cả các ngành, các địa phương trong tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Ban điều hành và phù hợp với các chương trình phát triển của các ngành, các địa phương trong tỉnh.

- Khi có ý kiến khác nhau giữa Ban điều hành với các ngành, địa phương về những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của Ban điều hành thì các bên cùng đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định.

Điều 10. Các thành viên của Ban điều hành và các chuyên viên giúp việc không chuyên trách làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chế độ thù lao được vận dụng theo Thông tư liên tịch số 45/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT này 18/6/2001 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học công nghiệp & Môi trường ''hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ''. Trung tâm khuyến công được hưởng lương từ kinh phí sự nghiệp khuyến công.

Điều 11. Ban điều hành làm việc chủ yếu qua các phiên họp gồm :

- Họp thường kỳ : định kỳ 6 tháng 1 lần Ban điều hành họp thường kỳ để kiểm điểm, đánh giá các hoạt động trong kỳ, giải quyết tồn tại, vướng mắc và đề ra kế hoạch hoạt động cho kỳ sau.

- Họp bất thường : Ngoài các cuộc họp thường kỳ, Ban điều hành được tổ chức các cuộc họp bất thường để giải quyết các vấn đề đột xuất, cấp bách. Cuộc họp bất thường được tiến hành khi có 50% thành viên của Ban điều hành đề nghị.

- Các phiên họp của ban điều hành thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, ý kiến kết luận của chủ trì phiên họp bắt buộc các uỷ viên nghiêm túc thực hiện.

- Các cuộc họp của Ban điều hành chỉ được tiến hành khi có 2/3 thành viên trở lên dự họp. Ngoài các thành viên của Ban điều hành, khi xét thấy cần thiết Ban điều hành có thể mời thêm đại diện các cơ quan ban ngành, địa phương liên quan và một số chuyên viên giúp việc dự họp.

Chương V

ĐIỀU 12. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH :

- Trong quá trình tổ chức thực hiện Ban điều hành có trách nhiệm rà soát và trình UBND tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung bản quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Ban điều hành chương trình khuyến công tỉnh, các Sở, Ban, ngành, các địa phương, cơ sở sản xuất có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy chế này./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.