Quyết định 09/2016/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: | 09/2016/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Nai | Người ký: | Nguyễn Quốc Hùng |
Ngày ban hành: | 05/02/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2016/QĐ-UBND |
Đồng Nai, ngày 05 tháng 02 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 3720/TTr-SCT ngày 18 tháng 12 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
1. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực đối với những chợ đang lập phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa được phê duyệt thì tiến hành lập lại phương án theo Quyết định này.
2. Đối với những phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì áp dụng theo phương án đã được phê duyệt. Trường hợp phương án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện có mức bồi thường, hỗ trợ thấp hơn quy định này thì lập lại phương án theo Quy định này.
3. Đối với trường hợp đã ban hành Quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường trước và sau ngày 01/7/2014 thì thực hiện theo phương án đã được phê duyệt. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi phải thanh toán thêm khoản tiền chậm chi trả cho tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi theo quy định hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công an tỉnh, Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VIỆC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI BỐ TRÍ KHI DI DỜI, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG HOẶC CẢI TẠO, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẠI CHỢ THEO QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đối với các chợ trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động hoặc thực hiện cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới.
1. Phạm vi điều chỉnh: Đối với các chợ trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động hoặc thực hiện cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, nhân viên thuộc Ban/Tổ quản lý chợ hoặc doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý chợ.
b) Các tổ chức, cá nhân có điểm kinh doanh cố định, thực hiện đầy đủ phí, lệ phí và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và có mã số thuế (đối với các hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn), đối với các hộ kinh doanh không sử dụng hóa đơn không yêu cầu có mã số thuế.
c) Các đối tượng khác:
- Các hội, hiệp hội và nghiệp đoàn được thành lập hợp pháp hoạt động phục vụ trực tiếp tại chợ.
- Người buôn bán nhỏ, lẻ không có điểm kinh doanh cố định nhưng đã trực tiếp kinh doanh ổn định với thời gian liên tục từ 02 năm trở lên, có thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc phí và lệ phí với Nhà nước.
3. Đối tượng không được bồi thường, hỗ trợ:
Các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ quy định tại Khoản 2 Điều này.
1. Phạm vi chợ: Là khu vực được quy hoạch dành cho hoạt động chợ bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (như: Bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác) và đường bao quanh chợ.
2. Chợ kiên cố: Là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng trên 10 năm.
3. Chợ bán kiên cố: Là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng từ 05 đến 10 năm.
4. Điểm kinh doanh tại chợ: Bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3 m2/điểm.
5. Hệ số K: Là hệ số được tính theo vị trí thuận lợi, lợi thế cao của điểm kinh doanh và không quá 1,5 lần so với vị trí không thuận lợi và lợi thế cao.
6. Ban Chỉ đạo giải tỏa, di dời chợ cấp huyện: Viết tắt là Ban Chỉ đạo được thành lập và thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định tại quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định về trình tự, thủ tục giải tỏa, di dời chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
7. Vốn Nhà nước bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý.
Điều 3. Bồi thường, hỗ trợ về quyền sử dụng đất
1. Đối với các chợ được xây dựng trên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc xây dựng trên đất do Nhà nước đã giao cho đơn vị của Nhà nước hoặc cho Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ mà không phải nộp tiền sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi sẽ không tính tiền bồi thường, hỗ trợ về quyền sử dụng đất.
2. Đối với những chợ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Đối với đất của hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh trên mặt bằng chợ, có nguồn gốc đất hợp pháp (đất không do Nhà nước trực tiếp quản lý) được bồi thường, hỗ trợ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
Điều 4. Bồi thường, hỗ trợ về giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh trong phạm vi chợ
1. Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ về giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh:
a) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ thuộc phạm vi chợ được đầu tư bằng 100% nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và đóng góp của các hộ kinh doanh tại chợ:
- Trường hợp nguồn chi bồi thường, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì không tính bồi thường, hỗ trợ phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã đóng góp. Đối với phần vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ được tính bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
- Trường hợp nguồn chi bồi thường, hỗ trợ không từ ngân sách Nhà nước thì tính bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
b) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ thuộc phạm vi chợ do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước, đã xây dựng hợp pháp mà không thể tháo rời và di chuyển được thì tính bồi thường, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đó theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
c) Đối với nhà lồng chợ có thể tháo dỡ và di chuyển được thì chỉ tính hỗ trợ chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại.
d) Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các chợ phải di dời có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh và đã trả trước tiền thuê thì được hoàn trả lại số tiền thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời gian sử dụng điểm kinh doanh còn lại theo hợp đồng. Số tiền hoàn trả được tính thêm lãi suất theo chế độ tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 01 (một) năm do Ngân hàng Nhà nước công bố kể từ ngày nộp tiền đến ngày phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt; trường hợp hợp đồng ghi bảo toàn giá trị vốn bằng vàng thì được quy đổi thành tiền tại thời điểm phê duyệt phương án để chi trả, trường hợp này không tính lãi suất. Số tiền hoàn trả này do đơn vị cho thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh chi trả.
2. Căn cứ xác định mức bồi thường: Việc tính bồi thường, hỗ trợ đối với giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh trong phạm vi chợ được xác định theo đơn giá xây dựng của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc theo giá trị quyết toán công trình (đối với các công trình mới hoàn thành đầu tư xây dựng trong 03 năm thì áp dụng theo giá trị quyết toán công trình; đối với công trình đã quyết toán xây dựng trên 03 năm thì đơn giá xây dựng của nhà, công trình bằng giá trị quyết toán có xét thêm yếu tố trượt giá trong xây dựng cơ bản) hoặc thuê đơn vị tư vấn có chức năng xác định giá trị còn lại, giá trị xây dựng mới, cụ thể như sau:
a) Mức bồi thường các điểm kinh doanh trong phạm vi chợ của các tổ chức, cá nhân tự đầu tư, xây dựng được tính bằng 100% đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình theo quy định hiện hành.
b) Đối với nhà lồng chợ do Nhà nước đầu tư thì mức bồi thường được xác định theo hiện trạng bằng tỷ lệ (%) giá trị còn lại nhân với đơn giá xây dựng mới theo quy định hiện hành.
c) Đối với các nhà lồng chợ do các tổ chức, cá nhân tại chợ đóng góp xây dựng thì mức bồi thường được tính bằng 100% đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình theo quy định hiện hành. Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân cùng đóng góp xây dựng. Trường hợp các tổ chức, cá nhân đóng góp đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác tiếp tục kinh doanh thì cá nhân, tổ chức đang kinh doanh được thụ hưởng, trường hợp chuyển nhượng nhưng chưa sang tên hợp đồng thì phải có xác nhận của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng hoặc đơn vị quản lý chợ.
d) Đối với khu vực mà các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng bán các sản phẩm tự sản, tự tiêu và các sản phẩm khác có dựng các nhà, lều tạm thì tùy từng trường hợp Ban Chỉ đạo xem xét giải quyết cụ thể.
3. Tháo dỡ và xử lý vật liệu thu hồi của điểm kinh doanh, nhà lồng chợ sau khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ giao Ban Chỉ đạo xem xét giải quyết cụ thể như sau:
a) Đối với các điểm kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ thì sau khi đã nhận tiền bồi thường, chủ sở hữu tài sản phải tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho Ban Chỉ đạo và được sử dụng toàn bộ vật liệu thu hồi sau khi tháo dỡ.
b) Đối với công trình xây dựng, nhà lồng chợ hoặc các khu bán hàng của các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư xây dựng thì các tổ chức, cá nhân tự thỏa thuận việc thanh lý, tháo dỡ.
c) Trường hợp các tổ chức, cá nhân kinh doanh không tự tháo dỡ các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ, khu bán hàng hoặc công trình xây dựng khác thì đơn vị tiếp nhận hoặc quản lý mặt bằng chợ di dời, giải tỏa có trách nhiệm tháo dỡ và được sử dụng toàn bộ vật liệu tháo dỡ đó.
d) Việc thanh lý, tháo dỡ được thực hiện theo quy định hiện hành. Đối với công trình xây dựng, nhà lồng chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thì phải lập phương án xử lý vật liệu thu hồi và tổ chức bán thanh lý thu tiền nộp ngân sách tỉnh hoặc nộp vào ngân sách cấp huyện theo quy định hiện hành.
4. Các trường hợp khác, Ban Chỉ đạo xem xét, đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Trường hợp còn vướng mắc thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 5. Bồi thường, hỗ trợ về giá trị các công trình hạ tầng kỹ thuật
1. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật (đèn đường, cáp điện thoại, đường điện, đường cấp thoát nước, sân bãi, xử lý nước thải…) sẽ áp dụng phương án di dời cụ thể cho từng trường hợp. Phương án di dời và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do đơn vị quản lý trực tiếp công trình đó lập theo định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, thông qua cơ quan có thẩm quyền xét duyệt theo quy định hiện hành.
2. Trường hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật do các tổ chức, cá nhân đóng góp để xây dựng và sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau thì sẽ hỗ trợ phần thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân đã đóng góp xây dựng.
Điều 6. Bồi thường, hỗ trợ về giá trị tài sản khác
1. Hỗ trợ chi phí lắp đặt điện thoại bàn hữu tuyến thuê bao: 220.000 đồng/cái
2. Hỗ trợ chi phí lắp đặt đồng hồ điện:
a) Đồng hồ điện chính: 1.040.000 đồng/cái.
b) Đồng hồ điện phụ: 520.000 đồng/cái.
3. Hỗ trợ chi phí lắp đặt đồng hồ nước:
a) Đồng hồ nước chính: 2.500.000 đồng/cái.
b) Đồng hồ nước phụ: 800.000 đồng/cái.
4. Bồi thường chi phí lắp đặt truyền hình cáp, internet, cáp quang và các dịch vụ viễn thông theo hợp đồng lắp đặt thực tế.
5. Đối với những hộ đóng góp để đầu tư lưới điện hạ thế, đường điện mà có hồ sơ giấy tờ để chứng minh thì được bồi thường theo mức đóng góp thực tế.
6. Về nguyên tắc bồi thường đồng hồ điện, đồng hồ nước và điện thoại:
a) Phải có hợp đồng lắp đặt với các đơn vị điện lực, cấp nước và viễn thông. Trường hợp các hợp đồng thất lạc phải có giấy biên lai thu tiền của 03 tháng liền kề gần nhất hoặc xác nhận của đơn vị cung cấp dịch vụ nêu trên.
b) Chỉ bồi thường nếu đồng hồ, điện thoại phải di chuyển, tháo dỡ không còn sử dụng được. Trường hợp các hộ kinh doanh có giấy tờ chứng minh đã lắp đặt đồng hồ nước, đồng hồ điện và điện thoại có mức chi phí cao hơn thì được bồi thường theo chi phí thực tế.
c) Nếu di dời vị trí của đồng hồ điện, đồng hồ nước và điện thoại thì không bồi thường mà hỗ trợ bằng 40% so với mức chi hỗ trợ nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
7. Giếng nước hoặc hầm chứa nước:
a) Đối với giếng đào thủ công (Φ 0,8 - 01 m): 133.000 - 265.000 đồng/mét.
b) Đối với giếng đào thủ công (Φ 0,8 - 1,2 m) có thả ống ciment (kể cả lắp đặt): 246.000 - 337.000 đồng/cái.
c) Đối với giếng khoan thủ công: 67.000 - 134.000 đồng/mét.
d) Đối với giếng khoan công nghiệp (có dàn khoan đặt ống nhựa hoặc ống sắt): 270.000 - 450.000 đồng/mét.
đ) Bể nước xây gạch, tô ciment, có tấm đan nắp đậy, xây nổi: 384.000 - 562.000 đồng/m3.
e) Hầm chứa nước thải xây gạch lát đáy: 180.000 - 400.000 đồng/m3.
8. Đối với các tài sản khác áp dụng theo quy định về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm áp dụng. Trường hợp UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định khác quy định giá bồi thường, hỗ trợ các tài sản cao hơn mức giá nêu trên thì áp dụng theo quyết định có mức giá bồi thường, hỗ trợ tài sản cao hơn.
Các tổ chức, cá nhân có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, có mã số thuế và có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh không có nhu cầu tái bố trí điểm kinh doanh mới hoặc chợ giải tỏa không xây dựng chợ mới để tái bố trí thì được hỗ trợ một lần như sau:
1. Đối với chợ hạng 01:
a) Các ki-ốt: Hỗ trợ một lần 54.000.000 đồng/ki-ốt.
b) Các điểm kinh doanh tại nhà lồng chính: Hỗ trợ một lần 48.000.000 đồng/điểm.
c) Các điểm kinh doanh tại nhà lồng phụ: Hỗ trợ một lần 30.000.000 đồng/điểm.
d) Các điểm kinh doanh còn lại: Hỗ trợ một lần 21.000.000 đồng/điểm.
2. Đối với chợ hạng 02 và hạng 03:
a) Chợ kiên cố: Các ki-ốt và điểm kinh doanh hỗ trợ một lần bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với chợ hạng 01 quy định tại Khoản 1 Điều này.
b) Chợ bán kiên cố: Các ki-ốt và điểm kinh doanh hỗ trợ một lần bằng 50% so với mức hỗ trợ đối với chợ hạng 01 quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Đối với các điểm kinh doanh đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh có tính thêm hệ số K hoặc theo m2 (mét vuông) thì phần hỗ trợ nêu tại Khoản 1 và 2 Điều này được tính thêm hệ số K và số m2 (mét vuông) lớn hơn 3 m2 (số mét vuông thứ 4 trở đi) được tính bằng 50% số mét vuông tính theo điểm kinh doanh đã thuê (điểm kinh doanh được tính chuẩn là 3 m2).
Các đối tượng theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Quy định này, được hưởng các khoản hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ ngừng việc: Đối với cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ và cán bộ, nhân viên của bộ phận phục vụ khác đang hoạt động hợp pháp tại các chợ phải di dời, giải tỏa, trong thời gian chờ cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới chợ thì Ban Chỉ đạo có chợ phải di dời, giải tỏa bố trí nơi làm việc khác. Trường hợp không có điều kiện để bố trí hoặc phải ngừng việc để chờ bố trí lại nơi làm việc khác thì giải quyết chính sách ngừng việc, nghỉ việc.
a) Trường hợp nghỉ việc thì giải quyết theo chế độ hiện hành.
b) Trường hợp ngừng việc trong thời gian cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới chợ:
- Đối với cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý chợ và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khác đang kinh doanh tại các chợ phải ngừng việc trong thời gian cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới chợ được hỗ trợ ngừng việc bằng 70% lương thực tế (căn cứ bảng lương tháng trước liền kề) trong thời gian 03 tháng. Trường hợp đặc biệt do thời gian ngừng kinh doanh kéo dài hơn 03 tháng thì thời gian hỗ trợ ngừng việc tính theo thời gian thực tế ngừng việc nhưng không quá 06 tháng.
- Đối với các bộ phận phục vụ khác: Hỗ trợ một lần bằng 02 tháng lương của tháng trước liền kề, nhưng không dưới 3.000.000 đồng/lao động, theo danh sách do Ban Chỉ đạo phê duyệt.
2. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân (có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, có mã số thuế và có hợp đồng thuê quyền sử dụng ki-ốt hoặc điểm kinh doanh) ngừng kinh doanh trong thời gian chợ cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới chợ (trường hợp không di dời các tổ chức, cá nhân từ chợ cũ về kinh doanh tại chợ tạm):
a) Đối với các chợ có thời gian cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới chợ từ 01 đến 03 tháng:
- Đối với chợ hạng 01:
+ Các ki-ốt: Hỗ trợ một lần 10.000.000 đồng/ki-ốt.
+ Các điểm kinh doanh tại nhà lồng chính: Hỗ trợ một lần 8.000.000 đồng/điểm.
+ Các điểm kinh doanh tại nhà lồng phụ: Hỗ trợ một lần 6.000.000 đồng/điểm.
+ Các điểm kinh doanh còn lại: Hỗ trợ một lần 4.000.000 đồng/điểm.
- Đối với chợ hạng 02 và hạng 03:
+ Các ki-ốt: Hỗ trợ một lần 8.000.000 đồng/ki-ốt.
+ Các điểm kinh doanh tại nhà lồng chính: Hỗ trợ một lần 6.000.000 đồng/điểm.
+ Các điểm kinh doanh tại nhà lồng phụ: Hỗ trợ một lần 4.000.000 đồng/điểm.
+ Các điểm kinh doanh còn lại: Hỗ trợ một lần 2.000.000 đồng/điểm.
b) Đối với các chợ có thời gian cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng chợ mới từ 04 đến 06 tháng: Được tính hỗ trợ bằng 1,5 (một phẩy năm) lần mức hỗ trợ quy định tại Điểm a Khoản này.
c) Đối với các chợ có thời gian cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng chợ mới trên 06 tháng: Được tính hỗ trợ bằng 02 (hai) lần mức hỗ trợ quy định tại Điểm a Khoản này.
d) Đối với các tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp nêu tại Điểm a Khoản này, nhưng có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước được tính mức hỗ trợ không quá 50% mức hỗ trợ quy định tại Điểm a, b và c Khoản này.
đ) Đối với các trường hợp đã nhận mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 7 thì không tính hỗ trợ ngừng kinh doanh quy định tại Khoản 2 Điều này.
3. Hỗ trợ chi phí di chuyển hàng hóa từ chợ đang kinh doanh sang chợ tạm và từ chợ tạm về lại chợ đã cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới:
a) Đối với ngành hàng bách hóa tổng hợp và hàng hóa của các ki-ốt: Hỗ trợ một lần bằng tiền với mức 3.000.000 đồng/điểm kinh doanh.
b) Đối với ngành hàng quần áo may sẵn, vải, đồ khô, tạp hóa: Hỗ trợ một lần bằng tiền với mức 2.000.000 đồng/điểm kinh doanh.
c) Đối với các ngành hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến (thịt heo, gà, cá, rau, trái cây, ăn uống...) và các ngành hàng khác: Hỗ trợ một lần bằng tiền với mức 1.500.000 đồng/điểm kinh doanh.
4. Thưởng
a) Đối với các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh tại các chợ phải di dời, đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ chấp hành tốt chủ trương, chính sách và kế hoạch di dời, đồng thời bàn giao mặt bằng trước hoặc đúng thời hạn quy định được thưởng từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng/điểm kinh doanh.
b) Di dời và bàn giao mặt bằng sau thời hạn quy định thì không được thưởng. Đối với những trường hợp di dời sau thời hạn đã quy định do điều kiện khách quan, việc xem xét thưởng sẽ do Ban Chỉ đạo quyết định (có xác nhận từng trường hợp cụ thể để xác nhận đối tượng được nhận tiền thưởng).
5. Trường hợp đã có địa điểm mới (chợ xây dựng mới, chợ tạm,...) để tiếp tục kinh doanh, không phải ngừng kinh doanh thì không tính hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
BỐ TRÍ ĐIỂM KINH DOANH TẠI CHỢ SỬA CHỮA, NÂNG CẤP HOẶC XÂY DỰNG MỚI
Điều 9. Đối tượng được hưởng chính sách tại chợ mới xây dựng
1. Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, có mã số thuế và có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh.
2. Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này, Ban Chỉ đạo xem xét từng trường hợp cụ thể để xét duyệt sau khi có ý kiến của UBND cùng cấp và Sở Công Thương.
Điều 10. Giá thuê điểm kinh doanh
1. Đối với các chợ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Căn cứ quy định của UBND tỉnh Đồng Nai về mức thu, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ban Chỉ đạo phê duyệt đơn giá cho thuê điểm kinh doanh và các trường hợp miễn, giảm cho các đối tượng phải di dời phù hợp với thực tế tại địa phương, sau khi có ý kiến thống nhất với Sở Tài chính và Sở Công Thương.
2. Đối với các chợ xây dựng không bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì chủ đầu tư áp dụng theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai về mức thu, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 11. Hợp đồng thuê và sử dụng địa điểm kinh doanh
Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ, HTX quản lý chợ ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh hoặc hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh với các hộ kinh doanh tại chợ theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và quyết định ban hành Quy định về tổ chức, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 12. Chính sách thuế và phí quản lý chợ khi vào kinh doanh tại điểm kinh doanh mới
1. Cơ quan Thuế xác định lại doanh thu tính thuế tại địa điểm kinh doanh mới cho phù hợp với thực tế kinh doanh của thương nhân trong từng thời điểm theo quy định của pháp luật.
2. Ban Chỉ đạo căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương trình Chủ tịch UBND huyện quyết định việc miễn thu phí hoa chi chợ từ 01 tháng đến 03 tháng.
Điều 13. Về chính sách đất đai xây dựng chợ truyền thống mới
1. Thực hiện theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
2. Đối với đất để xây dựng mới chợ truyền thống khi giao cho UBND xã, phường, thị trấn và hợp tác xã làm chủ đầu tư thì thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất.
3. Đối với đất để xây dựng mới chợ truyền thống khi giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư thì thực hiện cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Điều 14. Về nguồn vốn thực hiện chi bồi thường, hỗ trợ
1. Đối với các chợ cải tạo, sửa chữa và nâng cấp được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách thì khi lập dự toán, chủ đầu tư lập dự toán nguồn kinh phí để chi bồi thường, hỗ trợ vào dự án đầu tư để ngân sách chi trả.
2. Đối với các chợ cải tạo, sửa chữa và nâng cấp không sử dụng nguồn vốn ngân sách thì chủ đầu tư chi tiền bồi thường, hỗ trợ để thực hiện và Khoản chi này được hạch toán vào chi phí đầu tư cải tạo, sửa chữa chợ.
3. Đối với trường hợp chợ xây dựng mới trên nền chợ cũ: Toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ được hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng chợ mới.
4. Đối với trường hợp giải tỏa chợ cũ xây dựng chợ mới không trên nền đất chợ cũ:
a) Trường hợp đất tại nền chợ cũ sử dụng vào mục đích công cộng thì nguồn chi để bồi thường, giải tỏa chợ do ngân sách cấp huyện chi trả.
b) Trường hợp đất tại nền chợ cũ sử dụng vào mục đích bán đấu giá thì chi phí chi để bồi thường, hỗ trợ được tính vào cho chi phí giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn kinh phí này do ngân sách cấp huyện tạm ứng chi trả và được thu hoàn trả ngân sách sau khi hoàn thành việc bán đấu giá.
c) Trường hợp di dời các hộ kinh doanh tại các chợ hoạt động trên nền đất không thuộc các trường hợp nêu tại Điểm a, b, Khoản 4 Điều này thì chi phí bồi thường, hỗ trợ sẽ do chủ đầu tư chợ mới chi trả.
PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ
Điều 15. Xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ
1. Trong trường hợp di dời các hộ kinh doanh về chợ tạm để cải tạo, nâng cấp một số hạng mục hoặc đầu tư xây dựng mới chợ thì Ban Chỉ đạo xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ di dời theo Quy định này và quyết định của UBND tỉnh về giải tỏa, di dời chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Trường hợp các hộ kinh doanh có yêu cầu ngưng kinh doanh, không tái bố trí lại điểm kinh doanh mới sau khi hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới chợ thì áp dụng hỗ trợ một lần theo quy định tại Điều 7 Quy định này.
Điều 16. Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí
1. Căn cứ quyết định di dời, chấm dứt hoạt động chợ hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban Chỉ đạo di dời, giải tỏa chợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định về trình tự thủ tục giải tỏa, di dời chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, tính pháp lý về quyền sử dụng điểm kinh doanh, đối tượng được bồi thường, hỗ trợ hoặc không được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Điều 17. Lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí
1. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí cho các hộ kinh doanh.
2. Sở Tài chính là cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ di dời chợ.
3. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí: Trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí của Ban Chỉ đạo và thẩm định của Sở Tài chính thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, giải tỏa chợ trên địa bàn.
4. Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí được UBND cấp huyện phê duyệt, Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm niêm yết công khai phương án tại trụ sở làm việc của Ban Quản lý chợ, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có chợ phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh, đồng thời sao gửi phương án cho các hộ có địa điểm kinh doanh tại chợ; thông báo kế hoạch và thời gian chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải quyết vấn đề tái bố trí và thực hiện giải phóng mặt bằng; các tổ chức, chính trị, xã hội cấp huyện tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích để các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng thực hiện.
Điều 18. Trách nhiệm các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn Ban Chỉ đạo xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ khi di dời, giải tỏa và tái bố trí.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành có liên quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ khi di dời, giải tỏa và tái bố trí.
3. UBND cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ khi di dời, giải tỏa và tái bố trí chợ theo Quy định này.
Điều 19. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động quản lý, kinh doanh tại các chợ phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo quy hoạch có trách nhiệm chấp hành đầy đủ và đúng thời gian giao mặt bằng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đúng các quy định mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động quản lý, kinh doanh tại các chợ phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động cố tình không thực hiện bàn giao mặt bằng thì Ban Chỉ đạo báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính buộc phải di dời bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ; người bị cưỡng chế có quyền khiếu nại và được xem xét giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn tiếp tục thực hiện di dời và bàn giao mặt bằng.
Điều 20. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo, đề xuất trình UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) xem xét, quyết định./.
Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất Ban hành: 15/05/2014 | Cập nhật: 23/05/2014
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai Ban hành: 15/05/2014 | Cập nhật: 23/05/2014
Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 23/12/2009 | Cập nhật: 25/12/2009
Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 14/01/2003 | Cập nhật: 22/02/2013