Quyết định 09/2005/QĐ-UB về quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 09/2005/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Vũ Hoàng Hà
Ngày ban hành: 10/01/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2005/QĐ-UB

Quy Nhơn, ngày 10 tháng 01 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

- Căn cứ Quyết định số 559/2004/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống chợ đến năm 2010;

- Căn cứ Công văn số 6363/TM-TTTN ngày 20/12/2004 của Bộ Thương mại v/v thẩm định Quy hoạch phát triển hệ thống chợ Bình Định đến năm 2010;

- Căn cứ Kết luận số 166 - KL/TU ngày 12/11/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) tại hội nghị lần thứ 63;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tại Tờ trình số 1148/TT-TMDL ngày 20/12/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1- Số lượng, diện tích và quy mô các loại chợ:

1.1 Số lượng chợ: Trên địa bàn tỉnh được quy hoạch là 167 chợ, trong đó:

Theo hình thức xây dựng: Ðầu tư xây dựng mới 48 chợ và nâng cấp cải tạo chợ cũ 119 chợ (trong đó 90 chợ sẽ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng trước năm 2010 và 29 chợ sẽ đầu tư nâng cấp sau năm 2010).

Theo loại hình ch: Có18 chợ loại 1, 29 chợ loại 2 và 120 chợ loại 3.

Theo tính chất kinh doanh chợ: Có 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm; 4 chợ chuyên doanh thủy sản; 2 chợ gia súc và 158 chợ kinh doanh tổng hợp.

1.2 Về diện tích chợ: Tổng diện tích các loại chợ theo quy hoạch là 945.900 m2, trong đó:

- TP. Quy Nhơn: Có 20 chợ với tổng diện tích 79.200 m2 (trong đó có 3 chợ loại 1; 3 chợ loại 2 và 14 chợ loại 3).

- Huyện Tuy Phước: Có 17 chợ với tổng diện tích 74.500 m2 (trong đó có 1 chợ loại 1; 3 chợ loại 2 và 13 chợ loại 3).

- Huyện An Nhơn: Có 18 chợ với tổng diện tích 166.000 m2 (trong đó có 3 chợ loại 1; 5 chợ loại 2 và 10 chợ loại 3).

- Huyện Phù Cát: Có 24 chợ với tổng diện tích 155.400 m2 (trong đó có 2 chợ loại 1; 4 chợ loại 2 và 18 chợ loại 3).

- Huyện Phù Mỹ: Có 20 chợ, tổng diện tích là 143.900 m2 (trong đó có 2 chợ loại 1; 5 chợ loại 2 và 13 chợ loại 3).

- Huyện Hoài Nhơn: Có 19 chợ với tổng diện tích 121.700 m2 (trong đó có 4 chợ loại 1; 3 chợ loại 2 và 12 chợ loại 3).

- Huyện Hoài Ân: Có 10 chợ với tổng diện tích 39.200 m2 (trong đó có 1 và 9 chợ loại 3).

- Huyện Tây Sơn: Có 14 chợ với tổng diện tích 100.000 m2 (trong đó có 2 chợ loại 1; 2 chợ loại 2 và 14 chợ loại 3).

- Huyện Vân Canh: Có 8 chợ với tổng diện tích 18.500 m2 (trong đó có 1 chợ loại 2 và 7 chợ loại 3).

- Huyện Vĩnh Thạnh: Có 9 chợ với tổng diện tích 27.100 m2 (trong đó có 1 chợ loại 2 và 8 chợ loại 3).

- Huyện An Lão: Có 8 chợ với tổng diện tích 20.400 m2 (trong đó có 2 chợ loại 2 và 6 chợ loại 3).

1.3 Về quy mô chợ: Theo hướng kiên cố hóa, từng bước hiện đại. Ðối với chợ đầu tư xây dựng mới hay cải tạo, nâng cấp từ nay trở đi, về không gian kiến trúc của chợ phải đảm bảo các yêu cầu thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông, sự cân đối hài hòa giữa sự phát triển của chợ với các loại hình thương nghiệp khác trong khu vực và các khu vực dân cư. Yêu cầu về quy mô diện tích các loại chợ như sau:

+ Chợ loại 1: đạt trên 5.000 m2;

+ Chợ loại 2: đạt trên 3.000 m2;

+ Chợ loại 3: đạt trên 2.000 m2;

+ Chợ đầu mối: đạt trên 10.000 m2;

+ Chợ chuyên doanh thủy sản: đạt trên 5.000 m2;

+ Chợ gia súc: đạt trên 2.000 m2.

2- Về nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ:

2.1 Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước: (bao gồm từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại) chỉ hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu một số chợ. Cụ thể:

- Đối với vốn Ngân sách Trung ương: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, chợ chuyên doanh thủy sản nhằm tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất tập trung về nông, lâm, thủy sản và cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất; hỗ trợ xây dựng chợ trung tâm cụm xã, chợ ở xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo thuộc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, định canh định cư của Nhà nước.

- Đối với vốn Ngân sách địa phương:

+ Ngân sách tỉnh: Hỗ trợ đầu tư phát triển cho một số loại chợ gồm: chợ đầu mối chuyên ngành nông sản, thực phẩm, chợ chuyên doanh ngành hàng nông, lâm, thủy sản, chợ loại 1, chợ ở các đô thị lớn theo quy hoạch, đúng vị trí trọng điểm về kinh tế thương mại của tỉnh, huyện làm trung tâm giao lưu hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.

+ Ngân sách huyện, thành phố: Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các chợ đối với chợ loại 2 và loại 3 trên địa bàn theo kế hoạch và quy hoạch đã được phê duyệt.

+ Ngân sách xã, phường, thị trấn: Hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ đối với các chợ loại 3.

2.2 Nguồn vốn tín dụng đầu tư: Theo quy định hiện hành.

2.3 Nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và của nhân dân đóng góp: Ðây là nguồn vốn chủ yếu thực hiện chương trình phát triển chợ.

3- Cơ quan quản lý Nhà nước về chợ:

3.1 Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm: Quản lý chợ đối với những chợ loại 1, chợ đầu mối nông sản thực phẩm (do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng).

3.2 UBND huyện, thành phố Quy Nhơn có trách nhiệm: Quản lý các chợ loại 2 và loại 3 (do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng).

3.3 UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Quản lý các chợ loại 3.

4- Cơ quan thực hiện quy hoạch:

4.1 Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các địa phương quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; tổng hợp kế hoạch xây dựng chợ hàng năm báo cáo UBND tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.

4.2 Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Hướng dẫn các chủ dự án thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng chợ, tổ chức thẩm định các dự án đầu tư xây dựng chợ theo thẩm quyền; có giải pháp cân đối các nguồn vốn, bố trí theo kế hoạch hàng năm, trình UBND tỉnh quyết định để đầu tư thực hiện các dự án xây dựng chợ (các dự án có sử dụng Ngân sách Nhà nước).

4.3 Sở Tài chính có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất tỷ lệ bố trí vốn từ Ngân sách các cấp cho thực hiện chương trình phát triển chợ; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách ưu đãi miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh trên chợ và để lại một phần thu từ chợ để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng chợ. Xây dựng các quy định về mức phí cho thuê hoặc bán diện tích kinh doanh trên chợ, trình cấp thẩm quyền quyết định.

4.4 Sở Xây dựng có trách nhiệm: Hướng dẫn, kiểm tra việc lập dự án quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch dân cư gắn với quy hoạch phát triển chợ; tổ chức việc thẩm định quy hoạch chi tiết thiết kế, dự toán xây dựng chợ theo quy định hiện hành của Nhà nước để trình duyệt theo quy định.

4.5 Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm: Thoả thuận chỉ giới an toàn giao thông đối với địa điểm dự kiến xây dựng mới chợ, mở rộng chợ trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch giao thông trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị với các cấp quản lý chợ để di dời, giải toả (phần vi phạm) đối với những chợ vi phạm lộ giới nhằm đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội.

4.6 Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ đã được phê duyệt, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan bố trí quỹ đất để xây dựng chợ và hướng dẫn việc sử dụng đất; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về cấp, cho thuê mặt bằng đất xây dựng chợ. Có biện pháp quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích diện tích đất đã được quy hoạch xây dựng chợ. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các chợ.

4.7 UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm: Căn cứ vào quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng chợ trên địa bàn, cân đối Ngân sách và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển chợ; phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch để xây dựng mô hình tổ chức quản lý chợ cũng như cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND huyện, thành phố với Sở Thương mại và Du lịch đối với các doanh nghiệp kinh doanh chợ trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý các chợ loại 3 và phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, huyện quản lý các chợ trên địa bàn.

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai các nội dung có liên quan của Quy hoạch kèm theo Quyết định này. Đồng thời, định kỳ tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề có liên quan.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Thương mại và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./-

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3
- Bộ Thương mại
- TT. Tỉnh ủy
- TT. HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Lãnh đạo VP
- Lưu VP, K2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 





Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 14/01/2003 | Cập nhật: 22/02/2013