Quyết định 08/2018/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 08/2018/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Dương Thái
Ngày ban hành: 29/05/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2018/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 29 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Thông tư 46/2011/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về trình tự thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực.Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biêu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBND các xã, phường, thị trn liên quan (do UBND cấp huyện sao gửi);
- Văn phong UBND tỉnh:
+ Lãnh đạo Văn phòng;
+ Trung tâm công nghệ thông tin;
- Lưu: VT, Chính (70b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Dương Thái

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, gia hạn, đình chỉ và thu hồi giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác cấp, điều chỉnh, gia hạn, đình chỉ và thu hồi giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Các hoạt động phải được cấp giấy phép

1. Cắt xẻ đê để xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều;

2. Khoan, đào trong phạm vi bảo vệ đê điều;

3. Xây dựng cống qua đê; xây dựng công trình đặc biệt trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông;

4. Xây dựng công trình ngầm; khoan, đào để khai thác nước ngầm trong phạm vi 1,0 km tính từ biên ngoài của phạm vi bảo vệ đê điều;

5. Sử dụng đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê làm nơi neo đậu tàu, thuyền, bè, mảng;

6. Để vật liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị ở bãi sông; đào ao, giếng ở bãi sông;

7. Nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều;

8. Xây dựng công trình ở bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng theo dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 3. Điều kiện cấp giy phép

1. Tuân theo quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ, khả năng thoát lũ trên toàn tuyến sông.

3. Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật đê điều, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4. Bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận, hạ tầng kỹ thuật và hành lang bảo vệ các công trình đó; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chng cháy n, quốc phòng, an ninh, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và tuân thủ các quy định khác của pháp luật.

Chương II

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN CẤP GIẤY PHÉP

Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

1. Văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép cho các hạng mục xây dựng, hoạt động cụ thể liên quan đến đê điều.

2. Bản sao chứng thực hoặc bản sao có văn bản gốc để đối chứng (trường hợp nộp trực tiếp) văn bản pháp lý về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp lut về đất đai.

3. Bản sao chứng thực hoặc bản sao có văn bản gốc để đối chứng (trường hợp nộp trực tiếp): Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; các văn bản đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ, quốc phòng, an ninh, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và tuân thủ các quy định khác của pháp luật (nếu có).

4. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của các hạng mục công trình, hoạt động xin cấp phép được phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng.

5. Hồ sơ thuyết minh tính toán đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật đê điều và thoát lũ sông.

6. Văn bản chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với những hoạt động quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Quy định này đối với đê cấp I, cấp II, cấp III và đối với hoạt động xây dựng, cải tạo công trình giao thông có ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên theo quy định tại Thông tư 46/2011/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động quy định tại Khoản 8 Điều 2 Quy định này.

Điều 5. Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép

1. Cơ quan tiếp nhận, thẩm định: Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương là cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh cấp giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Nhận kết quả: Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận giấy phép tại nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc qua đường bưu điện, theo giấy biên nhận.

Điều 6. Quy trình cấp giấy phép

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 03 (ba) bộ hồ sơ cấp, điều chỉnh, gia hạn giấy phép trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ.

2. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan tiếp nhận, thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng đủ danh mục theo quy định tại Điều 4 Quy định này hoặc hướng dẫn để cơ quan, tổ chức, cá nhân xin cấp phép hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa phải xác định tài liệu và thực địa đã đúng quy định hay chưa để thông báo bằng văn bản hoặc lập biên bản làm việc để cơ quan, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp không đúng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xin phép có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo hoặc biên bản làm việc.

4. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu với các quy định của pháp luật đế gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực có liên quan; nếu đủ điều kiện trình UBND tỉnh cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện đế cấp phép, cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trả hồ sơ cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép và thông báo bằng văn bản lý do không cấp phép.

Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu không có ý kiến coi như các cơ quan này đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ căn cứ các quy định hiện hành để trình UBND tỉnh cấp giấy phép.

5. Trong thời gian không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép. Trường hợp không cấp giấy phép thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 7. Điều chỉnh giấy phép

Trong quá trình xây dựng, hoạt động, trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cần điều chỉnh hoặc bổ sung hoạt động khác so với các nội dung trong giấy phép đã được cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đề nghị và được UBND tỉnh cấp giấy phép điều chỉnh trước khi thực hiện.

1. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép gồm:

Thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Quy định này với nội dung cấp giấy phép điều chỉnh, bổ sung cho các hạng mục xây dựng, hoạt động cụ thể liên quan đến đê điều.

2. Quy trình điều chỉnh giấy phép: Thực hiện theo Điều 6 Quy định này.

Điều 8. Gia hạn giấy phép

Trường hợp các hoạt động xây dựng được cấp giấy phép đã hết hạn, nhưng chưa hoàn thành, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần gia hạn thời gian để hoàn thành việc xây dựng phải đề nghị gia hạn giấy phép và được UBND tỉnh Hải Dương cấp gia hạn giấy phép trước khi tiếp tục thực hiện.

1. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép gồm:

Văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép.

2. Quy trình cấp gia hạn giấy phép: Thực hiện theo Điều 6 Quy định này.

Điều 9. Đình chỉ hiệu lực sử dụng giấy phép

1. Giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép được cấp.

b) Các hoạt động gây hư hỏng hoặc ảnh hưởng đến việc vận hành của công trình đê điều.

c) Khi UBND tỉnh quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

2. Việc đình chỉ hiệu lực sử dụng của giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều phải được thực hiện bằng văn bản, có nêu rõ lí do.

3. Tùy từng trường hợp cụ thể UBND tỉnh quyết định thời gian đình chỉ hiệu lực của giấy phép. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép.

4. Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương là cơ quan thẩm định kiến nghị đình chỉ hiệu lực sử dụng giấy phép của các cấp, các ngành và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh đình chỉ hiệu lực sử dụng giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 10. Thu hồi giấy phép

1. Việc thu hồi giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều được áp dụng trong những trường hợp sau:

a) Giấy phép đã bị đình chỉ hiệu lực sử dụng 02 (hai) lần đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 9 Quy định này.

b) Tổ chức, cá nhân tự ý chuyển nhượng giấy phép.

c) Tổ chức được cấp giấy phép bị giải thể hoặc bị Tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân được cấp giấy phép bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích.

d) Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền.

đ) Khi UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

2. Việc thu hồi giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều phải được thực hiện bằng văn bản, có nêu rõ lí do.

3. Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương là cơ quan thẩm định kiến nghị thu hồi giấy phép của các cấp, các ngành và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ Quy định này trình UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính cấp giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tổ chức thực hiện theo quy định.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.