Quyết định 08/2012/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực biên giới biển Thái Bình
Số hiệu: 08/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Phạm Văn Sinh
Ngày ban hành: 26/04/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2012/QĐ-UBND

 Thái Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN THÁI BÌNH”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản qui phạm phát luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08/3/1993; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 28/4/2000;

Căn cứ Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển; Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 04/2010/NĐ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão;

Xét đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tại Tờ trình số 265/TTr-BCHBP ngày 27/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực biên giới biển Thái Bình”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ven biển; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, TÌM KIẾM, CỨU NẠN TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển Thái Bình về trách nhiệm tham gia phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Lụt, bão bao gồm lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra.

2. Phương tiện hoạt động trên biển (sau đây viết tắt là phương tiện) bao gồm các loại tàu, thuyền đi biển: Tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, tàu vận tải, tàu dầu, thuỷ phi cơ; các loại thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền sắt; phương tiện thuỷ nội địa và các phương tiện di động và không di động trên biển.

3. Chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện.

4. Tìm kiếm trên biển là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn.

5. Cứu nạn trên biển là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe doạ đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.

6. Cứu hộ trên biển là hoạt động cứu phương tiện hoặc tài sản trên phương tiện thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) phương tiện đang bị nguy hiểm trên biển, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng cứu hộ giữa tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ với tổ chức, cá nhân đề nghị cứu hộ.

7. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trên biển là các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong một vùng hoặc khu vực biển được phân công.

8. Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn trên biển (sau đây viết tắt là Chỉ huy hiện trường) là người điều phối hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, duy trì liên lạc giữa hiện trường với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và thực hiện các chỉ dẫn của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để thực hiện hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường.

Điều 3. Công tác phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới biển Thái Bình thuộc trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng và lực lượng vũ trang địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP, CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, TÌM KIẾM, CỨU NẠN

MỤC I: TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn trong phạm vi địa phương mình theo quy hoạch, kế hoạch và phân cấp quản lý. Huy động mọi nguồn lực của địa phương cho công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 5. Xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn phù hợp với diễn biễn thời tiết, thiên tai và tình hình thực tế địa bàn. Hàng năm, tổ chức diễn tập phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn trên các địa bàn, vùng biển để chủ động, đối phó có hiệu quả với mọi tình huống xảy ra.

Điều 6. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân các quy định của pháp luật, quy định của địa phương về phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Quản lý phương tiện, lao động, hoạt động trên biển và các bãi triều ven biển. Kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Hướng dẫn neo đậu tránh, trú bão, áp thấp nhiệt đới của người, phương tiện.

Điều 7. Tăng cường quản lý, bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão; ngăn chặn và xử lý các hành vi gây tổn hại hoặc huỷ hoại công trình phòng, chống lụt, bão và công trình có liên quan đến phòng, chống lụt, bão. Phối kết hợp với các ngành chức năng hữu quan để thực hiện chương trình khôi phục và nâng cấp đê biển, trồng cây chắn sóng và trồng rừng phòng hộ ven biển. Tuần tra bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau bão, bảo vệ an toàn các công trình, mục tiêu trọng điểm. Huy động nhân dân khắc phục hậu quả và làm công tác chính sách xã hội, ổn định đời sống nhân dân sau mỗi lần bão, lụt xảy ra.

Điều 8. Khi có nguy cơ xảy ra lụt, bão nghiêm trọng và cứu hộ, cứu nạn trên biển, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn người, tài sản, công trình theo quy định của pháp luật. Nếu vượt quá khả năng xử lý của mình thì báo cáo đề nghị cấp trên kịp thời huy động chi viện nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ cho việc ứng cứu.

Điều 9. Tổ chức hệ thống trực chỉ huy, trực ban, trực lực lượng, phương tiện phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Thiết lập sở chỉ huy thường xuyên và khi có tình huống xảy ra.

Điều 10. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý và bảo hộ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn trong phạm vi khu vực biên giới biển Thái Bình. Thông báo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực và kiến nghị Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn để điều động, huy động thêm lực lượng, phương tiện đến phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của mình.

Điều 11. Uỷ ban nhân dân huyện Thái Thuỵ và Uỷ ban nhân dân huyện Tiền Hải chịu trách nhiệm:

1. Quy hoạch, di dời các khu dân cư ngoài đê, vùng ngập lụt vào vị trí an toàn. Khảo sát, nghiên cứu đề nghị xây dựng trạm cứu hộ tàu thuyền; xây dựng dự án các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão; cấp giấy xác nhận đăng ký tàu cá và sổ danh bạ thuyền viên cho các phương tiện có công suất máy dưới 20CV hiện đang lưu hành hoạt động để quản lý, đảm bảo an toàn.

2. Thành lập các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết, đội tàu cứu hộ, cứu nạn của ngư dân; xây dựng quy chế hoạt động và từng bước hỗ trợ đầu tư trang bị thông tin, thiết bị an toàn hàng hải để đáp ứng tính cấp bách trong cứu hộ, cứu nạn trên biển.

3. Chỉ đạo các xã ven biển quản lý chặt chẽ các chủ đầm, vùng, vây, bãi và số lao động nuôi trồng hải sản ngoài đê, kịp thời thông báo, kêu gọi khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến địa bàn.

MỤC II: TRÁCH NHIỆM CỦA  CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

Điều 12. Các cơ quan chức năng và lực lượng vũ trang ở địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu cho uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn; xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn ở cơ quan, đơn vị và các địa bàn, mục tiêu được phân công đảm nhiệm; tăng cường tập huấn, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ và nhân dân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Tham gia luyện tập, diễn tập theo kế hoạch của uỷ ban nhân dân các cấp. Tham mưu cho ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo ngân sách cho hoạt động phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách được cấp.

Điều 13. Thực hiện tốt công tác dự báo, theo dõi và thông báo trên các phương tiện thông tin diễn biến tình hình thời tiết khí hậu, nhất là thiên tai lụt, bão, áp thấp nhiệt đới (ít nhất trước 72 giờ) để các tổ chức, cá nhân chủ động phòng, chống có hiệu quả. Tổ chức bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới, báo bão tại cửa sông Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ theo Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

Điều 14. Thường xuyên phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng theo dõi, quản lý người, phương tiện hoạt động trên biển. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các phương tiện tàu thuyền không đảm bảo các trang bị an toàn hàng hải và thiếu các thủ tục, giấy tờ theo quy định. Làm tốt công tác dự phòng vật tư, phương tiện ứng cứu; dự trữ lương thực nhu yếu phẩm thiết yếu, thuốc chữa bệnh sử dụng khi có thiên tai, lụt, bão và tình huống cứu nạn xảy ra.

Điều 15. Trước khi áp thấp nhiệt đới, bão, lụt ảnh hưởng vào địa bàn

1. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, phối hợp thông báo dự báo diễn biến, vị trí ảnh hưởng, cấp độ áp thấp nhiệt đới, bão cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là các ngư dân, chủ phương tiện, chủ trang trại, đầm vùng, khu vực dân cư sinh sống, hoạt động sản xuất trên các cửa sông, ven biển, ngoài đê để có kế hoạch chủ động phòng ngừa, đối phó, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

2. Lực lượng bộ đội biên phòng, quân đội, công an, kiểm ngư bằng các hệ thống thông tin được trang bị, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương các huyện, xã, thị trấn ven biển quản lý, nắm chắc vị trí, số lượng người, phương tiện còn đang hoạt động trên biển; thông báo, hướng dẫn cho người và phương tiện thoát, tránh khỏi vùng nguy hiểm, vào nơi tránh, trú đậu an toàn.

3. Kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào nơi neo đậu, đảm bảo việc chằng chống, bảo vệ tài sản, tránh va, chạm gây thiệt hại. Kiên quyết ngăn chặn không để người, phương tiện ra biển hoạt động và di dời các hộ dân sinh sống ngoài đê, vùng trũng, lao động trông coi các đầm, bãi nuôi trồng thuỷ hải sản ven biển đến nơi an toàn trước khi lụt, bão xảy ra; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình không chấp hành.

4. Triển khai phương án bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia; tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương xử lý kịp thời các điểm đê xung yếu, cầu cống, công trình, nhất là công trình đã xuống cấp, công trình đang xây dựng; chú trọng các mục tiêu trọng điểm kinh tế - xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều; đối với các kho chứa hoá chất, chất độc, chất dễ cháy, chất nổ phải có thiết bị đảm bảo an toàn hoặc di chuyển đến nơi an toàn.

5. Chủ động nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm, không để kẻ địch, phần tử xấu, bọn tội phạm lợi dụng lụt, bão để tung tin thất thiệt, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, bạo loạn, thâm nhập nội địa, trốn ra nước ngoài hoặc trộm cắp tài sản, xâm hại môi trường và an sinh xã hội.

6. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực (trực chỉ huy, trực ban, trực thông tin cảnh báo, lực lượng, phương tiện thường trực ứng cứu) và báo cáo theo quy định.

Điều 16. Khi áp thấp nhiệt đới, bão, lụt ảnh hưởng vào địa bàn

1. Tiếp tục nắm chắc diễn biến áp thấp nhiệt đới, lụt, bão và thông báo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chủ động đối phó.

2. Giữ vững hệ thống thông tin liên lạc; duy trì nghiêm chế độ trực; tổ chức kiểm tra địa bàn, nhất là người, phương tiện hoạt động sản xuất trên biển, đầm bãi ven biển, các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, xung yếu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

3. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn theo lệnh của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụ,t bão các cấp. Tập trung cứu người, cứu tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

4. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng lụt, bão để phá hoại, trộm cắp, tẩu tán, huỷ hoại tài sản, tung tin thất thiệt gây hoang mang cho cán bộ và nhân dân.

5. Trường hợp xảy ra vỡ đê, lực lượng tại chỗ và các lực lượng được điều động phải chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của cấp trên. Dũng cảm, mưu trí cứu người bị nạn, cứu tài sản, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phân luồng, tuyến giao thông đảm bảo an ninh trật tự ở vùng bị lũ lụt.

6. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 17. Sau khi áp thấp nhiệt đới, lụt, bão ảnh hưởng vào địa bàn

1. Khi áp thấp nhiệt đới, bão đã tan hoặc di chuyển ra ngoài, không còn khả năng ảnh hưởng tới địa bàn thì thông báo tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới, lụt, bão.

2. Tổ chức lực lượng phối hợp cùng chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai, lụt, bão gây ra.

3. Tổng hợp thiệt hại và chi phí phục vụ cho công tác phòng chống lụt, bão và báo cáo theo quy định.

MỤC III: TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRÊN KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN

Điều 18. Các tổ chức, cá nhân, phương tiện khi tham gia hoạt động trên biển phải có đầy đủ các loại giấy tờ và hệ thống thông tin, thiết bị an toàn theo quy định; hoạt động đúng mục đích, phạm vi, thời gian cho phép; đi đúng luồng, tuyến và phải xuất trình những giấy tờ liên quan trực tiếp đến hoạt động của người, phương tiện với trạm kiểm soát biên phòng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điều 19. Khi phát hiện có thiên tai, hoả hoạn, thảm hoạ môi trường xảy ra trong khu vực biên giới biển Thái Bình, người, phương tiện phải kịp thời phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và trong khả năng có thể, tiến hành ngay các biện pháp để cứu người, tài sản, hạn chế tổn thất thiệt hại.

Người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới biển Thái Bình khi nhận được thông báo, tín hiệu cấp cứu hoặc phát hiện người, tàu thuyền bị nạn, phải nhanh chóng tổ chức cứu nạn và thông báo ngay cho các lực lượng đang hoạt động trên biển gần nhất, chính quyền địa phương hoặc các đơn vị bộ đội biên phòng, hoặc thông báo cho cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn nơi gần nhất biết để tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

Các tổ chức, cá nhân phải tuân theo lệnh huy động, chỉ huy, điều hành của người, cơ quan có thẩm quyền để tham gia hoạt động phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn.

Điều 20. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Đảm bảo trên tàu thuyền có đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định (đối với các loại tàu không thuộc diện phải đăng kiểm, khi hoạt động, tối thiểu phải có các trang thiết bị an toàn: đèn tín hiệu, phao cứu sinh, chống đắm, chống thủng, phòng cháy, chữa cháy).

2. Đăng ký quy ước thông tin liên lạc với chính quyền và các cơ quan chức năng tại địa phương. Đảm bảo tàu thuyền hoạt động trong vùng biển và thời hạn được ghi trong giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Đảm bảo trên tàu thuyền khi hoạt động có đủ số lượng thuyền viên được đăng ký trong sổ danh bạ thuyền viên và không được vượt quá số người theo quy định.

4. Yêu cầu thuyền trưởng, người lái tàu phải điều động tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc gọi tàu về nơi tránh, trú bão an toàn ngay khi nhận được thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển tàu đang hoạt động.

Điều 21. Trách nhiệm của thuyền trưởng, người lái tàu, thuyền viên

1. Trước khi rời bến kiểm tra các loại giấy tờ, trang bị an toàn của người, phương tiện theo quy định. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, phương tiện khi hoạt động trên biển. Chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng.

2. Điều khiển phương tiện hoạt động trong phạm vi vùng biển, thời hạn được phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu. Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới phải liên lạc thường xuyên, thông báo kịp thời vị trí hoạt động và thuyền viên trên phương tiện với chính quyền địa phương, các đơn vị bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng. Tuân thủ tuyệt đối sự điều động của cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để tham gia phòng chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn.

4. Khi tàu gặp nạn phải huy động thuyền viên trên tàu tổ chức khắc phục, trường hợp có nguy cơ đe doạ đến an toàn của tàu và thuyền viên phải kịp thời thông báo cho cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn. Trường hợp bất khả kháng, phải dỡ bỏ các hàng hoá, vật dụng có ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện, kịp thời đưa tàu thuyền đến nơi an toàn.

5. Khi phát hiện thấy người, phương tiện bị nạn phải tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn và sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc đề nghị của các tổ chức, cá nhân.

Điều 22. Trách nhiệm của thuyền trưởng phương tiện

1. Trong khả năng có thể, tìm cách liên lạc với người, phương tiện bị nạn nắm tình hình, thống nhất cách thức, tần số liên lạc, biện pháp duy trì liên lạc với người, phương tiện bị nạn, đồng thời thông báo cho cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức, cá nhân có liên quan biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;

2. Trường hợp hai bên đã thống nhất được biện pháp hỗ trợ, lai dắt, cứu hộ hoặc cứu nạn mà không cần sự hỗ trợ thêm phải báo cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn biết, đồng thời yêu cầu người, phương tiện đã phát tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp thông báo ngay cho các cơ quan, tổ chức, người đã báo tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc hỗ trợ, cấp cứu;

3. Trường hợp cần sự hỗ trợ thêm, phải thông báo cho cơ quan chủ trì về tìm kiếm, cứu nạn những đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết và thống nhất cách thức, tần số liên lạc với cơ quan đó;

4. Phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chỉ huy hiện trường và có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Chỉ huy hiện trường.

Điều 23. Trách nhiệm của chủ đầm, chủ bãi, vây nuôi trồng thuỷ hải sản

1. Các chủ đầm, chủ bãi, vây nuôi trồng thủy hải sản phải khai báo, đăng ký số lao động hợp đồng với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và tuân thủ các quy định về hợp đồng lao động. Đảm bảo an toàn tính mạng của người lao động và tài sản cá nhân.

2. Khi có thông báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, lốc xoáy… ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn, chủ các đầm, chủ bãi, vây nuôi trồng thuỷ hải sản phải thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến thời tiết và các bản tin, công điện của ban chỉ huy phòng chống lụt bão, chủ động phòng chống, di dời người, tài sản về nơi an toàn; sẵn sàng huy động lực lượng lao động tham gia hỗ trợ, ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Điều 24. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch trên địa bàn ven biển

1. Có đầy đủ các loại giấy tờ đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch theo quy định; hoạt động đúng mục đích, phạm vi giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Có kế hoạch và chủ động bảo vệ, di dời người, phương tiện, vật chất vào nơi an toàn trước khi có thiên tai lụt, bão… xảy ra.

3. Chấp hành nghiêm sự điều động lực lượng, trưng dụng phương tiện, vật tư của cơ quan, người có thẩm quyền tham gia phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều 25. Trách nhiệm đội tàu cứu hộ của ngư dân trên biển

1. Được tổ chức trên cơ sở quyết định trưng dụng phương tiện của Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Tự nguyện tham gia phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn; có quy chế hoạt động; từng bước được quan tâm đầu tư về trang bị thông tin, thiết bị an toàn hàng hải.

2. Hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo, có quy chế liên lạc thường xuyên, cụ thể với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trên biển và các phương tiện tàu thuyền trên địa bàn.

3. Sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển khi được huy động và yêu cầu.

4. Tham gia huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo kế hoạch của địa phương và các cơ quan chức năng để nâng cao kỹ, chiến thuật tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai trên biển. Khi được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập được chi trả chi phí nhiên liệu và ngày công lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 26. Chỉ huy hiện trường

1. Trường hợp có một phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì thuyền trưởng phương tiện là Chỉ huy hiện trường. Khi có hai hoặc nhiều phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì Chỉ huy hiện trường sẽ do cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định.

2. Trách nhiệm của Chỉ huy hiện trường:

- Phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

- Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

- Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn;

- Báo cáo, đề xuất với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hay việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Việc thay đổi kế hoạch hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận;

- Trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn được quyền điều chỉnh kế hoạch hành động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời báo cáo với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian ngắn nhất.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Khen thưởng, xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước; nếu không thực hiện trách nhiệm tại quy định này thì theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Tổ chức thực hiện:

Các sở, ban, ngành trong tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ven biển; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão tỉnh) xem xét, giải quyết./.