Quyết định 08/2011/QĐ-UBND Quy định xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
Số hiệu: 08/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Hồ Quốc Dũng
Ngày ban hành: 18/04/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2011/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÌ LÝ DO KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1998; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005;
Căn cứ Nghị định số 73/2010/ NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội;
Căn cứ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 31/TT-TTr ngày 28/01/2011,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Giao Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÌ LÝ DO KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND ngày 18 /4/2011 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy định về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo; Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2: Các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo, bao gồm:

1. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng ép người khác tiến hành các hoạt động tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng, gây cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp, gây mất vệ sinh môi trường.

2. Tập trung đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo ở nơi công cộng, trước trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc tại khu vực đang diễn ra các Hội nghị, kỳ họp Hội đồng nhân dân, các hoạt động chính trị quan trọng của cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và nhà riêng của các đồng chí Lãnh đạo.

3. Tập trung đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo, có mang theo ảnh Bác Hồ, băng rôn, cờ, biểu ngữ dưới mọi hình thức nhằm chống đối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc mang theo vũ khí, vật liệu nổ, chất độc hại, chất dễ cháy, chất kích thích hoặc các đồ vật khác có thể gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác .

4. Gây cản trở, chống người thi hành công vụ; có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân hoặc có hành vi quá khích khác như: la hét, chửi bới, đập phá, lăng mạ, đe dọa hành hung người khác.

Điều 3: Nguyên tắc phối hợp xử lý các trường hợp tụ tập đông người

1. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo; Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan hữu quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đã được pháp luật quy định.

2. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trực tiếp tham gia phối hợp xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo.

Điều 4: Phương thức phối hợp, trao đổi thông tin

1. Cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tụ tập đông người; thực hiện các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo. Nếu từ chối cung cấp thông tin, cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

2. Tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tụ tập đông người mà lĩnh vực của ngành, địa phương mình quản lý.

3. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xử lý hành vi tụ tập đông người trái pháp luật theo quy định của pháp luật.

Chương II

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG VÀ XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT VÌ LÝ DO KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 5: Trách nhiệm bảo đảm trật tự công cộng

Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng khi thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tôn trọng các quy tắc chung của cuộc sống xã hội; phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự công cộng hoặc xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia, hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự công cộng.

Điều 6: Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng

Khi có hành vi tập trung đông người trái pháp luật hoặc xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo đảm trật tự công cộng, sau khi đã áp dụng các biện pháp hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm, nhưng người vi phạm vẫn không chấp hành, có hành vi chống đối, cố tình vi phạm, thì áp dụng các biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, giải tán việc tập trung đông người trái pháp luật, dùng các biện pháp cưỡng chế để xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Xử lý trường hợp tụ tập đông người vì lý do khiếu nại, tố cáo

Khi công dân tụ tập đông người vì lý do khiếu nại, tố cáo trước cơ quan công sở và nhà riêng của Lãnh đạo tỉnh hoặc tại khu vực đang diễn ra các Hội nghị, kỳ họp Hội đồng nhân dân, các hoạt động chính trị quan trọng của cơ quan Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội thì Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan để nắm bắt chặt chẽ diễn biến tình hình và có biện pháp hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục, vận động công dân về tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 8: Phương pháp xử lý đối với trường hợp tụ tập đông người vì lý do khiếu nại, tố cáo

1. Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc kết luận giải quyết của các Bộ, ngành chức năng và các cơ quan Tư pháp của Trung ương, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện dứt điểm và yêu cầu công dân về tại địa phương nơi cư trú.

2. Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được xem xét giải quyết theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định thì Lãnh đạo các cơ quan chức năng giải thích và có văn bản hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có trách nhiệm để giải quyết theo thẩm quyền; Cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải kịp thời thụ lý, ra quyết định giải quyết theo đúng quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải quyết.

3. Nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cấp thẩm quyền xem xét giải quyết nhưng công dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì Thanh tra tỉnh tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo giao vụ việc cho Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành hoặc Chủ tịch UBND huyện, thành phố rà soát lại vụ việc; Có kế hoạch tập trung giải quyết và xác định rõ thời hạn dứt điểm từng vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải công khai, minh bạch, nếu chưa giải quyết được cũng phải công khai và thông báo rõ bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức biết tiến độ giải quyết.

4. Nếu có căn cứ việc giải quyết của các cấp có thẩm quyền là đúng chính sách, pháp luật thì Lãnh đạo các cơ quan chức năng giải thích, thuyết phục người khiếu nại, tố cáo để họ chấp hành và trở về địa phưong nơi cư trú. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo vẫn thiếu thiện chí, lạm dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, gây rối trật tự công cộng, cư trú trái pháp luật thì cơ quan Công an phụ trách địa bàn nơi có đoàn đông người tụ tập trái pháp luật, áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hình sự theo quy định của pháp luật; đồng thời công bố rõ nội dung vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để có tác dụng giáo dục và phòng ngừa.

Điều 9: Trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan liên quan trong việc xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo

1. Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong công tác tiếp công dân, xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật tại Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh vì lý do khiếu nại, tố cáo.

2. Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có chức năng liên quan tổ chức thực hiện công tác thanh tra; chủ động nắm tình hình, phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh bảo đảm trật tự công cộng ở những nơi xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người.

3. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền tập trung giải quyết; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, tổ chức chỉ đạo việc điều tra, xử lý các hành vi tụ tập đông người trái pháp luật theo quy định tại Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng, Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu đến việc khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của cơ quan và người có thẩm quyền; Tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực mà ngành mình quản lý và tham gia xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu.

5. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động hoặc cưỡng ép người khác tham gia tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, xâm phạm hoặc đe dọa đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh từ cơ sở. Khi xảy ra tình trạng người của địa phương mình tụ tập đông người trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, phải kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh biết và cử cán bộ tham gia trực tiếp giải quyết khi họ kéo về tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, tổ chức đưa họ về nơi cư trú.

Điều 10: Thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng và xử lý các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo.

Thẩm quyền áp dụng xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05/9/2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ và Nghị định số 73/2010/ NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, cụ thể:

- Chiến sỹ, thủ trưởng các đơn vị Công an nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng các trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp tụ tập đông người trái pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ hoặc các vật dụng nguy hiểm khác nhằm chống đối, tấn công người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì tuỳ trường hợp cụ thể, các lực lượng chức năng phải chủ động áp dụng ngay các biện pháp điều động lực lượng và phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng vệ chính đáng, kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hoá các hành vi chống đối của người vi phạm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11: Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy định này.

Điều 12: Bổ sung, sửa đổi

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Chánh Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.