Quyết định 08/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
Số hiệu: 08/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Trương Tấn Thiệu
Ngày ban hành: 03/02/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 08/2010/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 03 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 28/TTr-SNN ngày 26/01/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 111/2004/QĐ-UB ngày 24/11/2004 của UBND tỉnh về việc ban hành mức thu thủy lợi phí, tiền nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị quản lý thủy nông và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỨC THU THỦY LỢI PHÍ, TIỀN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2010 của UBND tỉnh)

Điều 1. Quy định chung

Quy định này quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và các quy định khác thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước được quy định tại Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ và Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/2/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 2. Mức thu thủy lợi phí, tiền nước:

1. Mức thu thủy lợi phí, tiền nước đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được quy định như sau:

a) Đối với đất trồng lúa:

- Tưới, tiêu bằng động lực:                                 886.000 đồng/ha/vụ

- Tưới, tiêu bằng trọng lực:                                 801.000 đồng/ha/vụ

- Tưới, tiêu bằng động lực kết hợp trọng lực:       839.000 đồng/ha/vụ

- Trường hợp tưới, tiêu chủ động một phần (là trường hợp tưới, tiêu cho lúa sản xuất trong mùa mưa) thì mức thu bằng 60% mức thu trên.

- Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới bằng trọng lực (là trường hợp lấy nước trực tiếp từ lòng hồ, thượng lưu đập dâng hoặc lấy nước tự chảy sau cống dưới đập, chưa có hệ thống kênh mương, không tự chảy được vào ruộng; hoặc lấy nước từ kênh mương sau công trình hồ, đập nhưng không tự chảy được vào ruộng) thì thu bằng 40% mức thu trên; trường hợp người dân tự bỏ kinh phí đầu tư kênh nội đồng lấy nước tự chảy từ cấp kênh cuối cùng được nhà nước đầu tư khống chế tưới đến 50ha thì thu bằng 40% mức thu trên.

- Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới bằng động lực (là trường hợp lấy nước từ kênh tưới của trạm bơm, không tự chảy được vào ruộng) thì mức thu bằng 50% mức thu trên.

b) Đối với đất trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày thì mức thu thủy lợi phí bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa. Không thu thủy lợi phí đối với đất trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày trong mùa mưa.

c) Mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực như trong bảng sau:


TT

Các đối tượng dùng nước

Đơn vị tính

Thu theo các biện pháp công trình

Bơm điện

Hồ đập, kênh cống

1

Cấp nước dùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

đồng/m3

1.500

750

2

Cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt, chăn nuôi

đồng/m3

1.100

750

3

Cấp nước tưới các cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu

đồng/m3

850

700

4

Cấp nước nuôi trồng thủy sản

đồng/m3

700

500

đồng/m2 mặt thoáng /năm

2.500

5

- Nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi;

% giá trị sản lượng

7%

- Nuôi cá bè.

8%

6

Sử dụng nước từ công trình thủy lợi để phát điện

% giá trị sản lượng điện thương phẩm

10%

7

Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân golf, casino, nhà hàng)

Tổng giá trị doanh thu

12%

- Trường hợp lấy nước theo khối lượng thì mức tiền nước được tính từ vị trí nhận nước của tổ chức, cá nhân sử dụng nước.

- Trường hợp cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu nếu không tính được theo mét khối (m3) thì thu theo diện tích héc ta (ha), mức thu bằng 40% mức thủy lợi phí đối với tưới cho lúa.

- Làm dịch vụ từ công trình thủy lợi: Là Nhà nước xây dựng các công trình thủy lợi để tạo nguồn nước như hồ chứa, đập dâng, cản dâng nước… Các hộ dùng nước sử dụng nguồn nước, mặt nước đó để sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của mình như: Cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu, thủ, công nghiệp, phát điện, kinh doanh du lịch, nghỉ mát, cải tạo môi trường sinh thái….

d) Mức thu thủy lợi phí quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính ở vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi.

Vị trí cống đầu kênh của hộ dùng nước là công trình dẫn nước hoặc tiêu nước cho diện tích kênh phụ trách nhất định (từ 10ha trở xuống) thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa và bảo vệ các công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng do người hưởng lợi đóng góp (gọi tắt là chi phí dịch vụ thủy nông nội đồng).

2. Mức thu thủy lợi phí, tiền nước các công trình đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách nhà nước do đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thỏa thuận với hộ dùng nước không vượt quá mức thu quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 3. Mức trần phí dịch vụ lấy nước của tổ chức hợp tác dùng nước tính từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng:

Tổ chức hợp tác dùng nước được phép thu phí dịch vụ lấy nước trong phạm vi phục vụ của mình (từ sau cống đầu kênh do tổ chức hợp tác dùng nước quản lý đến mặt ruộng). Mức thu phí dịch vụ lấy nước của tổ chức hợp tác dùng nước thỏa thuận với tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng nước nhưng không vượt quá 10% mức thu theo quy định tại Điểm a, b và các Tiết 4, 5 Điểm c Khoản 1 Điều 2 của Quy định này.

Điều 4. Điều khoản thi hành:

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.