Quyết định 07/2010/QĐ-UBND phê duyệt phương án thống nhất quản lý rừng phòng hộ môi trường, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 07/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Trung Tín
Ngày ban hành: 29/01/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/03/2010 Số công báo: Số 17
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 07/2010/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ MÔI TRƯỜNG, KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2007 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ Văn bản số 1028/UBND ngày 26 tháng 8 năm 2009 về việc hoàn chỉnh phương án tổ chức quản lý thống nhất rừng phòng hộ Cần Giờ (kèm phương án) và xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1607/SNN-KHTC ngày 27 tháng 11 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt phương án thống nhất quản lý rừng phòng hộ môi trường, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ là chủ rừng duy nhất quản lý toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực quy hoạch rừng phòng hộ môi trường, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ sau khi Ủy ban nhân dân thành phố có quyết định thu hồi rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức trước đây.

2. Các đơn vị bị thu hồi rừng và đất lâm nghiệp theo các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về giao rừng, giao đất rừng phòng hộ Cần Giờ trước đây được tiếp tục quản lý và khai thác toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất và ký hợp đồng với chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ để quản lý, bảo vệ rừng theo quy định.

- Trường hợp các đơn vị không còn nhu cầu sử dụng các tài sản đã đầu tư trên đất, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ sẽ tiếp nhận lại tài sản và giao cho đơn vị chức năng để quản lý sử dụng; việc bàn giao tiếp nhận tài sản thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

- Việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các loại tài sản do đơn vị không còn nhu cầu sử dụng các tài sản đã đầu tư trên diện tích đất bị thu hồi và bàn giao lại: Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và đơn vị bàn giao xác định giá trị công trình, giá trị còn lại và đề xuất phương án trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố và các đơn vị đang quản lý rừng thực hiện phương án thống nhất quản lý rừng phòng hộ môi trường, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ như sau:

- Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng và cơ sở vật chất khi bàn giao.

- Xây dựng phương án quản lý rừng và đất lâm nghiệp, kế hoạch phát triển rừng phòng hộ và khu dự trữ sinh quyển đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020 trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định, phê duyệt; tổ chức thực hiện.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi thực hiện các quyết định thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các đơn vị, tổ chức (nếu có).

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ xác định lại hiện trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp; hướng dẫn và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ; giải quyết các tranh chấp đất đai trong rừng phòng hộ.

3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch, phương án quản lý rừng và đất lâm nghiệp, phát triển rừng phòng hộ và khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020 theo đúng quy định; hướng dẫn việc tổ chức, trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Cần Giờ.

4. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ:

Tổ chức kiểm kê, xác định giá trị các tài sản do các đơn vị, tổ chức đã đầu tư trong khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ nay tự nguyện giao lại cho huyện Cần Giờ quản lý (nếu có), đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan chủ quản và đơn vị đang quản lý rừng và đất lâm nghiệp, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín