Quyết định 07/2008/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010
Số hiệu: | 07/2008/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Thiện Nhân |
Ngày ban hành: | 10/01/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 19/01/2008 | Số công báo: | Từ số 37 đến số 38 |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2008/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê dyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010 với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung
Hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giáo dục và đào tạo và hoàn thành những nhiệm vụ đề ra trong chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, góp phần tạo điều kiện để giáo dục tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
2. Nội dung của chương trình
Chương trình bao gồm 7 dự án:
Dự án 1: Hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học.
Tổng kinh phí dự tính: 680 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Hỗ trợ 32 tỉnh khó khăn trong việc thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở ở 64 tỉnh, thành phố đến năm 2010.
Nội dung chính bao gồm:
- Hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục đặc biệt là phổ cập trung học cơ sở: thù lao cho giáo viên, cung cấp sách giáo khoa, học phẩm, thiết bị, phương tiện dạy học cho các trường tiểu học, trung học cơ sở ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý làm công tác phổ cập giáo dục nhằm nâng cao nghiệp vụ giảng dạy, năng lực quản lý, triển khai, duy trì hoạt động phổ cập giáo dục.
- Tổ chức điều tra, thu thập dữ liệu, kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục; xây dựng tiêu chuẩn phổ cập trình độ giáo dục trung học.
Dự án 2: Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy.
Tổng kinh phí dự tính khoảng: 2.830 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Hoàn thành việc đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa mới đại trà ở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên theo yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội khóa X; hoàn thiện bộ chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non, xây dựng 100 chương trình khung ở trung cấp chuyên nghiệp và 250 chương trình khung đại học, cao đẳng; xây dựng 1.000 giáo trình điện tử đại học, cao đẳng; soạn thảo và xuất bản sách giáo khoa, sách giáo viên cho một số tiếng dân tộc thiểu số; hoàn thiện chuẩn kiến thức, kỹ năng ở 3 cấp học làm căn cứ cho việc thực hiện đánh giá chất lượng.
Nội dung chính bao gồm:
- Về giáo dục mầm non: hoàn thiện chương trình giáo dục và tài liệu hướng dẫn thực hiện, xây dựng chuẩn chương trình mới, tổ chức thí điểm chương trình giáo dục mới; hỗ trợ xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu học tập ở các trường sư phạm mầm non phù hợp chương trình giáo dục mới.
- Về giáo dục phổ thông: hỗ trợ hoàn thành đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nhất là chương trình phân ban ở trung học phổ thông (THPT); mới xây dựng phần mềm dạy học, băng hình, thiết bị triển khai sách giáo khoa mới lớp 11 và lớp 12. Xây dựng chương trình, tài liệu dạy học tự chọn cho các cấp học; xây dựng chương trình, tài liệu dạy học cho trường THPT chuyên, xây dựng chương trình, sách giáo khoa ngoại ngữ. Xây dựng tiêu chí và công cụ đánh giá dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng tất cả các lớp.
- Về giáo dục dân tộc: biên soạn các loại sách dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình phục vụ việc đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, thử nghiệp đồ dùng dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
- Về giáo dục trung cấp chuyên nghiệp: xây dựng 100 chương trình khung ngành đào tạo thuộc 25 lĩnh vực, tổ chức tập huấn việc thực hiện chương trình, giáo trình mới cho giáo viên.
- Về giáo dục đại học, cao đẳng: xây dựng 250 chương trình khung, thí điểm biên soạn giáo trình cho các môn học dùng chung; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giảng viên về chương trình và giáo trình mới; xây dựng 1.000 giáo trình điện tử, nghiên cứu phương án đổi mới thi tuyển sinh và tốt nghiệp; tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu và làm học liệu cho môn giáo dục dân số, giới và kỹ năng sống cho các trường sư phạm.
- Về giáo dục thường xuyên: xây dựng chương trình, biên soạn sách hướng dẫn thực hiện chương trình bổ túc tiểu học và trung học phổ thông, tổ chức tập huấn luyện nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý. Xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng nâng cao dân trí, sách hướng dẫn xóa mù chữ, tài liệu tự học, tự học từ xa có hướng dẫn.
- Về giáo dục chuyên biệt: xây dựng chương trình, biên soạn sách hướng dẫn dạy học cho trẻ em khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Chuyển đổi sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông thành sách chữ nổi dành cho học sinh khiếm thị. Hỗ trợ triển khai mô hình giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật cấp THCS, biên soạn tài liệu, tập huấn chương trình giáo dục hòa nhập, học sinh khuyết tật cấp THCS.
- Về thanh tra giáo dục: biên soạn tài liệu và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra của các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Dự án 3: Đào tạo cán bộ tin học, đưa tin học vào nhà trường.
Tổng kinh phí dự tính khoảng: 960 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Thực hiện Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), ưu tiên đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm, đẩy mạnh giảng dạy, ứng dụng CNTT ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Đầu tư cho một số khoa CNTT thuộc các trường đầu ngành để đạt chất lượng đào tạo tiên tiến trong khu vực. Tăng cường phòng máy tính, nối mạng Internet, tuyển chọn phần mềm giáo dục phục vụ ứng dụng CNTT vào dạy học các môn học trong các cơ sở giáo dục đào tạo.
Nội dung chính bao gồm:
- Tăng cường năng lực đào tạo cho các khoa CNTT và điện tử viễn thông trọng điểm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; nâng cấp và trang bị mới các phòng thí nghiệm, phòng thực hành về CNTT phục vụ giảng dạy và học tập, mua sắm phần mềm phục vụ dạy học, xây dựng và mua sắm tài liệu dạy học bằng tiếng Anh và các thiết bị hỗ trợ khác.
- Xây dựng chương trình và nội dung tin học ứng dụng trong các trường đại học, cao đẳng, TCCN, triển khai ứng dụng CNTT vào giảng dạy các môn học của các ngành đào tạo.
- Phát triển mạng giáo dục: xây dựng hệ thống điều khiển mạng giáo dục và kết nối Internet băng thông rộng tới các cơ sở giáo dục; phát triển nội dung thông tin số về giáo dục; xây dựng các hệ thống học điện tử (e-Learning), bài giảng điện tử, hệ thống cổng thông tin điện tử về giáo dục phục vụ các cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai các ứng dụng của công nghệ hội thảo và dạy học đa phương tiện qua video, trang in và thoại (video conference, web conference, audio conference).
- Dạy tin học và ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đào tạo: mua sắm trang thiết bị tin học, tổ chức dạy môn tin học trong nhà trường đảm bảo sự liên thông và cập nhật những kiến thức mới; xây dựng chương trình bồi dưỡng CNTT cho giáo viên, tuyển chọn hệ thống phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập.
Dự án 4: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tổng kinh phí dự toán khoảng: 700 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đến năm 2010 có 80% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 40% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, 50% giáo viên THCS có trình độ đại học và 10% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho tất cả các trường (khoa) sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến năm 2010 đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ, 25% có trình độ tiến sĩ.
Nội dung chính bao gồm:
- Tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cho các cấp học.
- Đào tạo giáo viên theo địa chỉ, cử tuyển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học còn thiếu giáo viên.
- Tổ chức bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông để thực hiện đến năm 2010 có 80% giáo viên mầm non, 100 % giáo viên tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 40% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, 50% giáo viên THCS có trình độ đại học và 10% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho tất cả các trường (khoa) sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến năm 2010 đạt tỷ lệ 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ, 25% có trình độ tiến sĩ.
Dự án 5: Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn.
Tổng kinh phí dự tính: 3.000 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất cho 48 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh theo hướng chuẩn hóa (có đủ nhà học, phòng bộ môn, ký túc xá, nhà đa năng, nhà ăn, phòng hướng nghiệp …). Hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà bếp và các trang thiết bị thiết yếu cho việc tổ chức đời sống nội trú cho gần 900 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), nhằm tạo thêm các điều kiện để phổ cập vững chắc tiểu học và THCS. Cung cấp trang thiết bị, tài liệu, phương tiện nghe nhìn, đồ dùng dạy học cho các trường PTDTNT nhằm thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục, thực hiện giáo dục hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc.
Nội dung chính bao gồm:
- Sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất của các trường PTDTNT tỉnh, huyện và trường dự bị đại học. Tập trung hoàn thiện các hạng mục phục vụ thiết yếu của các trường PTDTNT tỉnh.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT, các cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn nhằm tạo điều kiện phổ cập vững chắc tiểu học và trung học cơ sở.
- Mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp cho các trường PTDTNT tỉnh.
- Hỗ trợ học bổng, học phẩm tối thiểu cho học sinh dân tộc ở các trường PTDTBT, học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cư trú tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự án 6: Tăng cường cơ sở vật chất các trường học.
Tổng kinh phí dự tính: 6.600 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 14.000 phòng học để thực hiện mức chất lượng tối thiểu ở tiểu học, tạo điều kiện mở rộng số trường tiểu học và THCS học 2 buổi/ngày, thu hút tối đa trẻ 5 tuổi tới trường mầm non, mẫu giáo trước khi vào lớp 1; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng cho tất cả các cấp học, trước hết là xây dựng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn và mua sắm thiết bị dạy học; hỗ trợ xây dựng phòng làm việc cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng, bảo đảm đến năm 2010 có đủ chỗ làm việc cho giáo sư và phó giáo sư tại trường.
Nội dung chính bao gồm:
- Nâng cấp và xây dựng thêm phòng học cho giáo dục mầm non vùng khó khăn để thu hút tối đa trẻ 5 tuổi tới trường.
- Nâng cấp và xây dựng thêm phòng học đáp ứng các yêu cầu chất lượng tối thiểu của trường học, tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở được học 2 buổi/ngày.
- Nâng cấp và xây dựng các công trình kiến trúc ngoài phòng học (phòng thí nghiệm, thư viện, phòng để đồ dùng dạy học, nhà làm việc, nhà đa chức năng, công trình vệ sinh – nước sạch, v.v…) nhằm tăng dần số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
- Cùng với ngân sách chi thường xuyên và vốn xây dựng cơ bản tập trung, kinh phí của dự án hỗ trợ chống xuống cấp các giảng đường, ký túc xá, nhà ăn sinh viên và các công trình phụ trợ khác của các cơ sở đào tạo.
- Tiếp tục tăng cường trang thiết bị thí nghiệm và nghiên cứu khoa học ở mức tối thiểu. Từng bước đầu tư thiết bị thí nghiệm, nghiên cứu khoa học theo hướng hiện đại hóa cho một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đầu ngành. Ưu tên đầu tư cho phòng thí nghiệm trung tâm để dùng chung cho các khoa trong một trường đại học hoặc liên kết sử dụng trong một cụm trường đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ thuật cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hỗ trợ xây dựng phòng làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng.
- Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm trọng điểm, các trường mới nâng cấp từ trung học sư phạm lên cao đẳng sư phạm, các trường đào tạo đa ngành, các trường ở vùng miền núi, vùng khó khăn.
Dự án 7: Tăng cường năng lực dạy nghề.
Tổng kinh phí dự tính: 5.500 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể:
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định viên dạy nghề, đánh giá viên dạy nghề; phát triển chương trình dạy nghề, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ngân hàng đề thi, hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề; hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho đối tượng là lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số và người tàn tật; thực hiện thí điểm dạy nghề theo cơ chế đặt hàng.
Nội dung chính bao gồm:
- Đầu tư thiết bị dạy nghề cho 60 trường trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho 3 trường để phấn đấu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực vào năm 2010; 50 trường trung cấp nghề và một số trường cao đẳng nghề mới thành lập thuộc những tỉnh mới tách và những tỉnh có khó khăn; 300 trung tâm dạy nghề mới được thành lập và một số cơ sở dạy nghề khác. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá cho 30 trường trung cấp nghề và 100 trung tâm dạy nghề ở các tỉnh mới tách và những tỉnh có khó khăn.
- Tăng cường hệ thống dữ liệu về giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; xây dựng 40 chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định viên và đánh giá viên; phát triển khoa sư phạm ở một số trường cao đẳng nghề.
- Xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình khung dạy nghề theo 3 cấp trình độ; xây dựng các bộ ngân hàng, đề thi để làm cơ sở đánh giá cấp chứng chỉ quốc gia; hỗ trợ xây dựng các bộ chương trình dạy nghề trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình khung dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề.
- Hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên hàng năm cho khoảng 350.000 – 400.000 lượt lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người tàn tật. Bảo đảm kinh phí thực hiện thí điểm dạy nghề theo cơ chế đặt hàng.
- Giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án.
3. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án: 20.270 tỷ đồng
Trong đó:
a) Ngân sách trung ương: 16.420 tỷ đồng;
b) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): 2.080 tỷ đồng;
c) Ngân sách địa phương và huy động cộng đồng là: 1.770 tỷ đồng.
4. Quản lý dự án
a) Bộ Giáo dục và Đào Tạo quản lý, điều hành, tổng hợp chung tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các Dự án 1, 2, 3, 4, 5, và 6.
b) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Dự án 7.
Điều 2. Căn cứ nội dung các dự án nêu trên tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này và các chương trình dự án liên quan của ngành, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai, lập kế hoạch hàng năm trong đó có bố trí kinh phí đã được duyệt, tổ chức, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ và kết quả thực hiện.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông Ban hành: 09/12/2000 | Cập nhật: 09/12/2008