Quyết định 06/2016/QĐ-UBND Quy định hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 06/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Văn Trì
Ngày ban hành: 04/02/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2016/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 04 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH HỖ TRỢ ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT TRONG NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN VÀ HỖ TRỢ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

Căn cứ Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch 42/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT, ngày 16/10/2013 của liên bộ: Nông nghiệp &PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư về Hướng dẫn thực hiện Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại tờ trình số 08/TTr- SNN&PTNT ngày 14/01/2016 và văn bản số 136/SNN&PTNT-CN ngày 02/02/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp;
- TTTU, TTHĐND; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh, các đoàn thể;
- CPCT, CPVP;
- Công báo tỉnh; Đài PTTH, Báo Vĩnh Phúc, Cổng TTĐT;
- Như Điều 2;
- Lưu: VT, NN3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Trì

 

QUY ĐỊNH

HỖ TRỢ ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT TRONG NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN VÀ HỖ TRỢ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh phúc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng được hỗ trợ

1. Đối tượng hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt bao gồm VietGAP do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành và các tiêu chuẩn GAP khác, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận cho áp dụng (gọi chung là VietGAP).

Hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh (gọi chung là hộ) sản xuất, sơ chế các loại sản phẩm nông nghiệp, thủy sản an toàn thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh quy định.

2. Đối tượng hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

Hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh (gọi chung là hộ) trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò; trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

Điều 2. Điều kiện được hỗ trợ

- Phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, có đủ các điều kiện về số lượng, quy mô, diện tích theo quy định tại Quyết định này.

- Có dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các hộ đã được hỗ trợ từ chính sách khác của Nhà nước trong cùng thời gian thực hiện Quyết định này mà trùng với các nội dung hỗ trợ thì không được hưởng hỗ trợ từ Quyết định này.

- Các chương trình, dự án chuyển tiếp có nội dung hỗ trợ liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ tại Quyết định này thì được điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp với các quy định của Quyết định này.

Điều 3. Nguồn kinh phí

Kinh phí hỗ trợ thực hiện Quyết định này từ nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (nếu có).

Chương II

NỘI DUNG, CƠ CHẾ HỖ TRỢ

Điều 4. Nội dung hỗ trợ

1. Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản

a) Hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp đào tạo chuyên gia kỹ thuật về đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm theo VietGAP, mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/người/khóa.

b) Hỗ trợ 100% chi phí để tổ chức thực hiện đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất, phân tích mẫu phục vụ áp dụng VietGAP; hỗ trợ 1 lần 70% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận VietGAP cho cơ sở sản xuất. Mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/hộ, đối với các hộ: Chăn nuôi ngoài khu dân cư có quy mô từ 10 con bò sữa hoặc từ 500 con lợn/lứa trở lên; nuôi trồng thủy sản quy mô từ 05 ha trở lên; sản xuất, sơ chế rau, quả có quy mô từ 02 ha liền khoảnh trở lên.

2. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh

a) Hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp đào tạo và đào tạo lại kỹ thuật viên, đảm bảo trên địa bàn tỉnh tối thiểu mỗi xã có 01 kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo bò. Mức hỗ trợ không quá 06 triệu đồng/người/khóa.

b) Hỗ trợ 1 lần 50% giá trị xây dựng công trình khí sinh học (Biogas) để xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng không quá 5 triệu đồng/công trình/hộ cho các hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con lợn/lứa hoặc 4 con trâu, bò trở lên; nếu nuôi cả hai loại (lợn và trâu, bò) phải đạt quy mô bằng ½ mỗi loại trở lên.

c) Hỗ trợ 1 lần 50% giá trị làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà, mức tương ứng 1.000 đồng/con gà, nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ cho các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con/lứa trở lên.

d) Hỗ trợ mua thay thế lợn đực giống, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức 05 triệu đồng/con lợn đực giống từ 06 tháng tuổi trở lên nhưng không quá 02 con/hộ/5 năm; mức 20 triệu đồng/con bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng không quá 01 con/hộ/5 năm.

e) Hỗ trợ hàng năm liều tinh lợn ngoại cho các hộ chăn nuôi lợn để thụ tinh nhân tạo cho lợn nái sinh sản, mức hỗ trợ không quá 3 liều/con/năm và không quá 27.000 đ/liều.

f) Hỗ trợ hàng năm cho hộ nuôi bò chi phí mua tinh và vật tư thụ tinh nhân tạo (liều tinh): Đối với bò sinh sản nuôi thịt mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh bò/con/năm và không quá 200.000 đồng/liều tinh. Đối với bò sữa, mức hỗ trợ không quá 3 liều tinh bò sữa cao sản/con/năm và không quá 300.000 đồng/liều tinh. Bò sữa hậu bị từ 18 tháng tuổi đến đẻ lứa 2, mức hỗ trợ 50% chi phí mua tinh bò sữa phân biệt giới tính nhưng không quá 3 liều tinh/con/năm và không quá 750.000 đồng/liều tinh.

g) Hỗ trợ kinh phí cho công tác chỉ đạo, quản lý áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thanh tra, kiểm tra chất lượng giống; in ấn tài liệu phục vụ quản lý giống.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Sở Nông nghiệp & PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện các quy định về thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản (VietGAP) và hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Tham mưu UBND tỉnh Quyết định ban hành danh mục các loại sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đặc thù của tỉnh được hỗ trợ ngoài danh mục do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí của các địa phương, đơn vị triển khai, lập kế hoạch hàng năm báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.

- Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các dự án, kế hoạch, báo cáo KTKT theo qui định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát và đôn đốc tổ chức thực hiện.

- Hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, các nội dung phát sinh (nếu có), kịp thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền cho phù hợp.

2. Sở Tài chính:

- Hàng năm cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ thực hiện các nội dung trong Quyết định này.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục lập hồ sơ, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí các nội dung được hỗ trợ tại qui định này cho các đối tượng được hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, trên tinh thần không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

- Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách này, đảm bảo đúng qui định.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT và các sở liên quan hướng dẫn thực hiện các nội dung hỗ trợ trong Quyết định này.

- Phối hợp với các sở: Tài chính, Nông nghiệp &PTNT cân đối, bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho thực hiện các nội dung trong Quyết định này.

4. Sở Khoa học và công nghệ

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT và các sở liên quan hướng dẫn thực hiện các nội dung hỗ trợ trong Quyết định này.

- Chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT tăng cường việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tranh thủ các nguồn vốn KHCN của TW và tỉnh, cân đối và ưu tiên cho các dự án, các đề tài phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường trong nông nghiệp.

- Chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, thực phẩm; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các nông sản, thực phẩm chủ lực của Tỉnh để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp.

5. Các sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này.

6. Đề nghị Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội

Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp & PTNT và các huyện, thành, thị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động các đoàn viên, hội viên tham gia tích cực, triển khai có hiệu quả các nội dung hỗ trợ và tham gia giám sát thực hiện Quyết định này.

7. UBND các huyện, thành, thị

- Tuyên truyền phổ biến nội dung hỗ trợ trong qui định này cho nhân dân trên địa bàn biết, thực hiện và kiểm tra, giám sát.

- Hàng năm tổng hợp nhu cầu đăng ký thực hiện để được hưởng hỗ trợ của các hộ trên địa bàn theo hướng dẫn liên sở: NNPTNT,TC,KHĐT,KHCN gửi Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp, Sở Tài chính thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo qui định.

- Tổ chức hỗ trợ kinh phí và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng chế độ hiện hành.

- Định kỳ hàng quí giám sát đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

8. UBND các xã, phường, thị trấn: Phổ biến các nội dung hỗ trợ trong quy định này đến người dân trên địa bàn biết, thực hiện; công khai danh sách các hộ nông dân tham gia các mô hình, dự án và kinh phí hỗ trợ theo Quy định này để nhân dân kiểm tra, giám sát.

Điều 6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh hoặc cần sửa đổi, bổ sung Quy định, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TRIỂN KHAI NHỮNG NỘI DUNG HỖ TRỢ THỰC HIỆN ÁP DỤNG QUY TRÌNH VIETGAP VÀ HỖ TRỢ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀNTỈNH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
(Kèm theo Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của UBND tỉnh)

STT

PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

NỘI DUNG/HẠNG MỤC

NGUỒN VỐN HỖ TRỢ

1

Dự án hoặc báo cáo KTKT hỗ trợ được UBND tỉnh phê duyệt

1. Hỗ trợ 1 lần 50% giá trị xây dựng công trình khí sinh học (Biogas) để xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng không quá 5 triệu đồng/công trình/hộ cho các hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con lợn/lứa hoặc 4 con trâu, bò trở lên; nếu nuôi cả hai loại (lợn và trâu, bò) phải đạt quy mô bằng ½ mỗi loại trở lên.

2. Hỗ trợ 1 lần 50% giá trị làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà, mức tương ứng 1.000 đồng/con gà, nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ cho các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con/lứa trở lên.

3. Hỗ trợ hàng năm cho hộ nuôi bò chi phí mua tinh và vật tư thụ tinh nhân tạo (liều tinh): Đối với bò sinh sản nuôi thịt mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh bò /con/năm và không quá 200.000 đồng/liều tinh. Đối với bò sữa, mức hỗ trợ không quá 3 liều tinh bò sữa cao sản/con/năm và không quá 300.000 đồng/liều tinh. Bò sữa hậu bị từ 18 tháng tuổi đến đẻ lứa 2, mức hỗ trợ 50% chi phí mua tinh bò sữa phân biệt giới tính nhưng không quá 3 liều tinh/con/năm và không quá 750.000 đồng/liều tinh.

Nguồn sự nghiệp kinh tế

2

Kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt

1. Hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp đào tạo chuyên gia kỹ thuật về đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm theo VietGAP, mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/người/khóa.

2. Hỗ trợ 100% chi phí để tổ chức thực hiện đào tạo, tập huấn, xây dựng quy trình sản xuất, phân tích mẫu phục vụ áp dụng VietGAP; hỗ trợ 1 lần 70% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận VietGAP cho cơ sở sản xuất. Mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/hộ, đối với các hộ: Chăn nuôi ngoài khu dân cư có quy mô từ 10 con bò sữa hoặc từ 500 con lợn/lứa trở lên; nuôi trồng thủy sản quy mô từ 05 ha trở lên; sản xuất, sơ chế rau, quả có quy mô từ 02 ha liền khoảnh trở lên.

3. Hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp đào tạo và đào tạo lại kỹ thuật viên, đảm bảo trên địa bàn tỉnh tối thiểu mỗi xã có 01 kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo bò. Mức hỗ trợ không quá 06 triệu đồng/người/khóa.

4. Hỗ trợ mua thay thế lợn đực giống, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức 05 triệu đồng/con lợn đực giống từ 06 tháng tuổi trở lên nhưng không quá 02 con/hộ/5 năm; mức 20 triệu đồng/con bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng không quá 01 con/hộ/5 năm.

5. Hỗ trợ hàng năm liều tinh lợn ngoại cho các hộ chăn nuôi lợn để thụ tinh nhân tạo cho lợn nái sinh sản, mức hỗ trợ không quá 3 liều/con/năm và không quá 27.000 đ/liều.

6. Kinh phí cho công tác chỉ đạo, triển khai, quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thanh tra, kiểm tra chất lượng giống.

Nguồn sự nghiệp kinh tế