Quyết định 06/2006/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế quản lý, khai thác kỹ thuật các phương tiện hoạt động trên khu bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Số hiệu: | 06/2006/QĐ-BGTVT | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải | Người ký: | Đào Đình Bình |
Ngày ban hành: | 16/01/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 30/01/2006 | Số công báo: | Từ số 45 đến số 46 |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2006 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC KỸ THUẬT CÁC PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG TRÊN KHU BAY
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 267/2003/QĐ-TTg ngày 19/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
|
BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC KỸ THUẬT CÁC PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG TRÊN KHU BAY
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 06/2006/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về công tác quản lý, khai thác kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay.
2. Quy chế này áp dụng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
việc quản lý và khai thác kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay.
3. Việc quản lý, khai thác kỹ thuật các thiết bị thông tin, điều hành bay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khu bay là khu vực của sân bay bao gồm sân đỗ tàu bay, đường cất cánh, hạ cánh và đường lăn.
2. Cảng hàng không là khu vực được xác định bao gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình mặt đất cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.
3. Sân bay là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển.
4. Sân đỗ tàu bay là khu vực của sân bay, trên đó có quy định các vị trí đỗ của tàu bay để hành khách lên, xuống; chất hoặc dỡ hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư; nạp nhiên liệu; phục vụ kỹ thuật hoặc bảo dưỡng cho tàu bay.
5. Vị trí đỗ tàu bay là một vùng trên sân đỗ tàu bay, được thiết kế làm chỗ đỗ của tàu bay.
6. Khu vực an toàn cho tàu bay ở mặt đất là vùng được vạch rõ theo quy định tại vị trí đỗ tàu bay ( vạch đỏ giới hạn cách tàu bay 7,5 mét).
7. Nhân viên kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay là người trực tiếp điều khiển, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ KHAI THÁC KỸ THUẬT
Điều 3. Phương tiện hoạt động trên khu bay
1. Phương tiện hoạt động trên khu bay là phương tiện di động trên khu bay để phục vụ hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư được vận chuyển bằng đường hàng không và phục vụ kỹ thuật cho tàu bay.
2. Danh mục phương tiện hoạt động trên khu bay được quy định tại Phụ lục 01.
Điều 4. Giấy phép của các phương tiện hoạt động trên khu bay
1. Phương tiện hoạt động trên khu bay phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và phải có giấy phép do Cục Hàng không Việt Nam cấp.
2. Giấy phép hoạt động của phương tiện hoạt động trên khu bay bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, ký hiệu phương tiện;
b) Đơn vị quản lý, khai thác;
c) Biển kiểm soát do cơ quan có thẩm quyền cấp;
d) Khu vực hoạt động;
đ) Cổng ra;
e) Cổng vào;
g) Thời hạn hiệu lực.
3. Trình tự thủ tục cấp Giấy phép theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.
4. Giấy phép của phương tiện hoạt động trên khu bay hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Quá thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy phép;
b) Phương tiện hoạt động trên khu bay không còn đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Bị thu hồi, đình chỉ.
Điều 5. Tốc độ của các phương tiện hoạt động trên khu bay
1. Tốc độ tối đa của các phương tiện hoạt động trên khu bay được quy định như sau:
a) 5 kilômét/giờ (km/h) trong khu vực an toàn cho tàu bay ở mặt đất;
b) 35 kilômét/giờ (km/h) ngoài khu vực an toàn cho tàu bay ở mặt đất.
2. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng cảng hàng không, Giám đốc cảng hàng không quy định cụ thể tốc độ của phương tiện hoạt động tại khu bay trên cảng hàng không, sân bay nhưng không vượt quá quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Người điều khiển - vận hành phương tiện hoạt động trên khu bay phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Không được hút thuốc trên khu bay;
b) Làm chủ tốc độ trong mọi tình huống, điều kiện; không được tăng tốc hoặc phanh đột ngột khi phương tiện tiếp cận hoặc rời khỏi tàu bay;
c) Tuân thủ các giới hạn tốc độ theo quy định tại Điều 5 Quy chế này;
d) Chấp hành hướng chạy, cách vòng tránh theo quy định của các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ của nước Việt Nam (trừ phạm vi khu vực an toàn cho tàu bay ở trên mặt đất);
đ) Tuân theo quy định của Cảng hàng không về tuyến và hành lang, luồng chạy của các phương tiện hoạt động trên khu bay;
e) Nắm chắc các quy tắc về an toàn lao động và quy định phòng chống cháy nổ theo quy định;
g) Mặc trang phục làm việc phải đúng quy định của đơn vị.
2. Các phương tiện hoạt động trên khu bay phải được trang bị các thiết bị phòng cháy nổ phù hợp, đủ khả năng chữa cháy.
3. Khi tiếp cận tàu bay, các phương tiện phải tuân theo các quy tắc sau đây:
a) Chỉ được phép tiếp cận khi tàu bay đã dừng hẳn, đã chèn bánh, động cơ chính đã tắt, đèn nháy cảnh báo đã tắt;
b) Tiếp cận tàu bay theo đúng thứ tự quy định; đỗ đúng vị trí theo sơ đồ phục vụ của từng loại tàu bay và không được ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện khác hoạt động trên khu bay;
c) Có người hướng dẫn đối với các phương tiện tiếp cận tàu bay theo hình thức lùi, trừ các phương tiện có hệ thống tự động tiếp cận tàu bay.
d) Tín hiệu hướng dẫn phải chuẩn xác, thống nhất cách hướng dẫn theo Phụ lục 02 của Quy chế này.
4. Khi đã đến vị trí phục vụ, nhân viên điều khiển - vận hành các phương tiện hoạt động trên khu bay không có chân chống phải kéo phanh tay và chèn bánh.
5. Khi đang phục vụ tàu bay mà phương tiện bị hỏng, nhân viên kỹ thuật phải đưa phương tiện hoạt động trên khu bay ra khỏi khu vực phục vụ kỹ thuật, về vị trí mà Cảng hàng không quy định.
6. Khi đang nạp nhiên liệu lên tàu bay, các phương tiện hoạt động trên khu bay đỗ cách tàu bay trong phạm vi 15 mét không được khởi động động cơ.
7. Giám đốc Cảng hàng không quy định thứ tự phục vụ tàu bay của các phương tiện hoạt động trên khu bay.
Điều 7. Khai thác các phương tiện hoạt động trên khu bay
1. Việc cấp điện cho tàu bay phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Kiểm tra các tham số trên bảng điều khiển phù hợp với nguồn điện của tàu bay theo quy định của nhà chế tạo trước khi cấp điện;
b) Kiểm tra các cáp điện bảo đảm độ cách điện, không bị mòn, rách lớp vỏ bọc. Các đầu cắm điện với tàu bay phải sạch, khô, không hỏng và bảo đảm tiếp xúc tốt với ổ cắm điện trên tàu bay;
c) Trong suốt thời gian cấp điện, thiết bị cấp điện phải duy trì được độ ổn định các tham số kỹ thuật của nguồn điện cung cấp và đạt được giới hạn quá tải cho phép trong thời gian quy định.
d) Trong quá trình cấp điện, nhân viên kỹ thuật không được rời khỏi vị trí công tác;
đ) Không được sửa chữa, lau chùi các bộ phận của thiết bị trong quá trình cấp điện;
e) Việc điều khiển các thiết bị cấp điện cho tàu bay do nhân viên điều khiển - vận hành phương tiện hoạt động trên khu bay có giấy phép điều khiển thực hiện phù hợp với tài liệu hướng dẫn sử dụng.
2. Việc nạp các chất khí cho tàu bay phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Phải được tiến hành theo quy trình kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng của từng loại thiết bị cấp khí;
b) Các chất khí qua các thiết bị cấp khí lên tàu bay phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, y tế theo quy định trong tài liệu "Hướng dẫn sử dụng” của từng loại thiết bị cấp khí; không được nạp những chất khí không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, y tế hoặc quá hạn lên tàu bay;
c) Không được sử dụng các bình tích áp đã hết niên hạn kiểm định;
d) Không được dùng giẻ lau hoặc dụng cụ có dính dầu mỡ đối với thiết bị cấp ô xy;
đ) Khi làm việc với các thiết bị cấp khí, nhân viên kỹ thuật cần phải biết chắc chắn biểu đồ quan hệ giữa nhiệt độ và áp suất các chất khí có trong các tài liệu " Hướng dẫn sử dụng " để bảo đảm an toàn khi vận hành;
e) Không được mở van cấp khí một cách đột ngột khi cấp khí cho tàu bay;
g) Không được tháo, lắp các đầu nối ống dẫn khí khi trong hệ thống chưa xả hết áp suất dư;
h) Phải xả hết áp suất dư trong hệ thống đường ống khi chưa cấp khí; các đầu nối ống dẫn khí cần đậy nắp cẩn thận và giữ gìn sạch sẽ, khô ráo khi chưa cấp khí;
i) Khi tiến hành cấp ô xy cho tàu bay phải bố trí các thiết bị cứu hoả thích hợp đầy đủ và nếu cần chiếu sáng thì phải dùng các đèn chống nổ;
k) Ô xy dùng cho tàu bay áp dụng tiêu chuẩn ISO 2046 và ni tơ dùng cho tàu bay áp dụng tiêu chuẩn ISO 2435.
3. Việc nạp các chất lỏng phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Thực hiện bằng các phương tiện chuyên dùng khi nạp các chất lỏng khác nhau; việc nối nạp các chất lỏng với các hệ thống tàu bay được thực hiện bằng đầu nối phù hợp;
b) Các chất lỏng qua các thiết bị nạp chất lỏng lên tàu bay phải phù hợp về chủng loại với chất lỏng trên tàu bay và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; không được nạp cho tàu bay những chất lỏng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật như đã quy định ở tài liệu " Hướng dẫn sử dụng ";
c) Các thiết bị nạp chất lỏng được kiểm tra thường xuyên về độ sạch của các hệ thống ống dẫn; sau khi sử dụng, đầu các ống dẫn phải được đậy kín để chống cát bụi, hơi nước và nước lọt vào;
d) Khi nạp chất lỏng với yêu cầu có áp suất lên tàu bay phải bảo đảm chắc chắn là đã xả hết áp suất dư trong hệ thống thủy lực của thiết bị; chất lỏng cho hệ thống thủy lực đã đầy đủ mới bật bơm thủy lực để cấp chất lỏng cho tàu bay;
đ) Không được tháo, lắp các đầu nối ống dẫn chất lỏng khi trong hệ thống thủy lực chưa xả hết áp suất dư;
e) Một số chất lỏng như dầu thủy lực của hệ thống thủy lực tàu bay có tính độc hại đối với con người và môi trường; khi làm việc với những chất lỏng này phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định ghi trong " Hướng dẫn sử dụng ";
g) Những chất lỏng có ảnh hưởng đến bề mặt sơn phủ, tính dính kết, độ kín hay hạn chế việc chống ô xy hoá phải đặc biệt chú ý trong quá trình nạp, không được làm đổ chất lỏng ra ngoài. Nếu chất lỏng bị đổ thì phải làm sạch ngay;
h) Việc điều khiển các thiết bị cấp chất lỏng cho tàu bay do nhân viên kỹ thuật có giấy phép điều khiển thực hiện phù hợp với tài liệu " Hướng dẫn sử dụng ";
4. Việc nạp nhiên liệu lên tàu bay phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Các loại nhiên liệu nạp lên tàu bay phải đúng chủng loại, đủ chất lượng và phải có phiếu hoá nghiệm xác định chất lượng nhiên liệu còn hiệu lực;
b) Xe nạp nhiên liệu phải đỗ đúng theo vị trí quy định, phải bảo đảm xe di chuyển nhanh khỏi tàu bay và các phương tiện phục vụ khác khi có sự cố xẩy ra;
c) Không nạp quá đầy làm tràn nhiên liệu ra ngoài; nếu bị tràn ra ngoài ít thì người nạp phải lau sạch ngay; nếu nhiên liệu tràn với diện tích lớn hơn 4 m2 phải yêu cầu nhân viên cứu hoả đến làm sạch;
d) Khi nạp nhiên liệu hành khách có thể ở trên tàu bay với điều kiện: không được hút thuốc; các xe thang túc trực sẵn ở các cửa tàu bay để khi có sự cố khách có thể thoát ra ngoài; có xe cứu hoả trực sẵn sàng;
đ) Khi trên tàu bay có hành khách thì không được phép nạp nhiên liệu cho các loại tàu bay sau: tàu bay trực thăng; tàu bay có dưới 20 ghế hành khách; tàu bay dùng nhiên liệu JP4 hoặc trộn lẫn nhiên liệu JP4;
e) Khi đang nạp nhiên liệu lên tàu bay, không được thực hiện các hành vi: bật, tắt nguồn điện tàu bay hoặc sử dụng những thiết bị có khả năng sinh ra tia lửa điện; thông điện kiểm tra các thiết bị và hệ thống của tàu bay; sưởi ấm động cơ, điều hoà không khí trong buồng khách và buồng lái tàu bay; dùng nguồn sáng hở để kiểm tra quá trình nạp nhiên liệu;
g) Không được nạp nhiên liệu cho tàu bay trong các trường hợp: đầu nối với cực ắc quy hoặc dây tiếp mát, ắc quy của xe dầu vặn không chặt; xe nạp dầu và tàu bay không tiếp mát; có dầu loang trên bãi đậu, trên tàu bay, trên xe nạp; hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu hoặc các đầu nối bị rò rỉ nhiên liệu; không có lối thoát cho xe nạp nhiên liệu trong trường hợp khẩn cấp.
5. Việc kéo đẩy tàu bay phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Việc di chuyển tàu bay trong sân bay, hang ga được thực hiện bằng biện pháp dùng xe để kéo hoặc đẩy tàu bay;
b) Việc kéo đẩy tàu bay phải do nhân viên kỹ thuật tàu bay, lái xe có giấy phép điều khiển đảm nhiệm;
c) Chỉ được phép kéo đẩy tàu bay theo những đường do Cảng hàng không quy định. Khi kéo đẩy tàu bay cần tuân thủ theo góc vòng của từng loại tàu bay theo quy định của " Hướng dẫn sử dụng " từng loại tàu bay;
d) Khi sử dụng xe kéo đẩy tàu bay, người điều khiển phải tuân thủ các giới hạn về tốc độ tối đa như sau:
- 10 km/h khi đang kéo đẩy tàu bay;
- 25 km/h khi chạy không tải (không kéo, đẩy tàu bay).
đ) Khi kéo, đẩy tàu bay trong điều kiện ban đêm hoặc sương mù phải bật đèn đầu cánh của tàu bay; đèn pha, đèn tín hiệu trên nóc xe kéo đẩy phải bật sáng;
e) Không được dùng xe kéo đẩy làm việc quá sức tải so với mức tải quy định trong tài liệu " Hướng dẫn sử dụng " của từng loại xe;
g) Khi kéo dắt tàu bay bằng cáp và xích không được để cho dây cáp, dây xích chạm vào lốp tàu bay; không được để bánh tàu bay đè lên dây xích, dây cáp.
h) Không được thực hiện các hành vi sau đây trong quá trình kéo đẩy tàu bay: Tăng tốc hoặc dừng lại đột ngột; có người trên thân, cánh tàu bay; có người bám bên ngoài buồng lái xe kéo hoặc đứng ngồi trên cần kéo đẩy; để chèn tàu bay hoặc bất cứ vật gì trên cần kéo đẩy; cài số lùi để kéo tàu bay.
i) Trong quá trình kéo đẩy tàu bay lái xe phải chấp hành lệnh của người chỉ huy kéo đẩy; người chỉ huy kéo đẩy phải ở trong tầm nhìn thấy của lái xe và nhân viên kỹ thuật tàu bay;
k) Trong quá trình kéo đẩy tàu bay, để tránh làm gẫy cần kéo, gây tai nạn, cấm lái xe phanh đột ngột;
6. Khi dẫn tàu bay phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm khoảng cách giữa xe dẫn và tàu bay trong khoảng 150 đến 200 mét khi dẫn tàu bay;
b) Phải tuyệt đối chấp hành chỉ lệnh của Đài kiểm soát mặt đất hoặc Đài chỉ huy tại sân bay trong quá trình dẫn dắt tàu bay.
7. Việc bốc dỡ hàng hoá, hành lý phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Phải bảo đảm khoảng cách từ phương tiện bốc dỡ hàng đến buồng hàng hoá luôn phù hợp trong quá trình xếp dỡ hàng hoá, hành lý; đóng, mở buồng hàng phải thận trọng;
b) Hạn chế dùng đòn bẩy khi xếp vật nặng trong khoang hàng hoá; trong trường hợp dùng đòn bẩy phải có vật mềm để kê, tránh tiếp xúc trực tiếp của đòn bẩy với sàn tàu bay;
c) Phải kiểm soát chặt chẽ việc điều khiển, kiểm tra khi công-tai-nơ và pa-lét được kéo đẩy bằng tay;
d) Không chất hàng quá quy định vào công-tai-nơ và pa-let và không kéo quá mạnh tránh cho pa-let khỏi cong, vênh khi kéo lưới pa-let;
đ) Phải chú ý đến các chốt và thanh chắn cạnh khi đẩy pa-let và công tai nơ trên các phương tiện có con lăn hoặc bánh xe; không được đi lại trên các con lăn và bánh xe.
e) Người phục vụ không được đứng trên sàn xe nâng khi xe đang di chuyển; thanh dẫn phải đặt đúng vị trí khi xếp dỡ hàng.
g) Tấm đệm cao su đầu xe băng chuyền phải được áp sát ngưỡng cửa và thân tàu bay ở vị trí phù hợp với sự thay đổi vị trí theo chiều thẳng đứng (lên xuống) của tàu bay khi thay đổi tải trọng.
h) Xe băng chuyền chỉ được hoạt động khi xe đã tiếp cận đúng vị trí. Trong khi xếp dỡ hàng hoá các nhân viên phục vụ không được đi lại trên mặt băng tải.
i) Nhân viên kỹ thuật chỉ được bước từ cửa buồng hàng tàu bay sang phương tiện hoặc ngược lại khi phương tiện đã dừng hẳn và ở trạng thái ổn định;
k) Không để chân tay bị kẹt vào công-tai-nơ, pa-let và tro-ly khi đẩy tới cửa tàu bay;
8. Các loại phương tiện hoạt động trên khu bay khác
a) Khi sử dụng xe khởi động khí, trước lúc cấp khí phải kiểm tra van lá đầu ống cấp khí và lớp lưới bảo vệ ống; không để ống cấp khí bị xoắn, gập, xây sát; khoảng cách giữa xe khởi động khí và tàu bay phải phù hợp, sao cho ống cấp khí không chùng cũng không căng quá;
b) Xe thang, cầu hành khách, xe suất ăn, xe phục vụ hành khách cần trợ giúp đặc biệt tiếp cận tàu bay sao cho tấm cao su đệm đầu trên áp sát vào thân tàu bay mà khi tàu bay thay đổi tải trọng không bị ảnh hưởng;
c) Xe suất ăn khi tiếp cận và rời khỏi tàu bay phải có người chỉ huy; đảm bảo khoảng cách đến tàu bay thật phù hợp; sàn trên của xe suất ăn phải đặt sao cho không ảnh hưởng đến việc mở cửa tàu bay khi tàu bay thay đổi tải trọng; phải có bộ phận bảo vệ ngưỡng cửa tàu bay khi kéo xe chở thức ăn từ xe nâng suất ăn lên tàu bay;
d) Xe vệ sinh, xe cấp nước sạch phải bảo đảm vị trí của sàn làm việc theo quy định của tài liệu Hướng dẫn sử dụng. Nhân viên vận hành không được làm việc trên sàn khi xe còn đang chuyển động; các ống hút, cấp dẫn phải được thu gọn trước khi xe chuyển động.
Điều 8. Phân loại các dạng bảo dưỡng, sửa chữa
Bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay bao gồm các loại sau:
1. Bảo dưỡng thường xuyên;
2. Bảo dưỡng định kỳ;
3. Sửa chữa lớn;
4. Sửa chữa theo yêu cầu.
Điều 9. Bảo dưỡng thường xuyên
1. Bảo dưỡng thường xuyên là việc kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật động cơ và các hệ thống nhằm duy trì phương tiện luôn luôn ở trạng thái tốt, sẵn sàng phục vụ. Bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện trước và sau khi phương tiện phục vụ tàu bay. Khi thay đổi ca trực các nhân viên kỹ thuật phải tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các phương tiện.
2. Nội dung công việc bảo dưỡng thường xuyên theo quy định của tài liệu "Hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa" của từng loại phương tiện.
1. Bảo dưỡng định kỳ là việc kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật thân, động cơ và các hệ thống của phương tiện, được tiến hành theo một chu kỳ nhất định tương ứng với số giờ làm việc, số lần làm việc, số ki lô mét do nhà chế tạo quy định. Bảo dưỡng định kỳ còn bao gồm bảo dưỡng theo thời gian tháng, quý , năm đối với các phương tiện ít hoạt động.
2. Nội dung bảo dưỡng định kỳ theo quy định của tài liệu “Hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa” của từng loại phương tiện và quy định của đơn vị sử dụng.
1. Sửa chữa lớn là sửa chữa cơ bản, được tổ chức thành dây chuyền công nghệ hoàn chỉnh.
2. Phương tiện được tháo toàn bộ, mọi chi tiết được phân loại, phục hồi hoặc thay thế. Các cụm máy, tổng thành được lắp ráp, điều chỉnh và thử nghiệm theo nội dung và dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn của cơ sở.
3. Tổng thành phải được đưa đi sửa chữa lớn nếu các chi tiết chính không đạt yêu cầu kỹ thuật.
4. Nội dung và dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn tổng thành của các phương tiện theo quy định của cơ sở sửa chữa.
5. Việc sửa chữa lớn phương tiện phải căn cứ vào tình trạng kỹ thuật thực tế và số giờ làm việc, số ki lô mét đã chạy, niên hạn sử dụng.
Điều 12. Sửa chữa theo yêu cầu
Sửa chữa theo yêu cầu nhằm khắc phục các hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng. Sửa chữa này được tiến hành bằng cách phục hồi hoặc thay thế các chi tiết riêng biệt, các cơ cấu, hệ thống và sửa chữa đơn giản khác. Sửa chữa theo yêu cầu được thực hiện trong quá trình sử dụng và được kết hợp trong quá trình bảo dưỡng phương tiện.
Điều 13. Quy tắc bảo dưỡng, sửa chữa
1. Chỉ được sử dụng dụng cụ và trang thiết bị kiểm tra, các loại nhiên liệu, các loại dầu mỡ bôi trơn, các loại dầu thủy lực, các loại chất lỏng, chất khí được quy định trong tài liệu hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa từng loại phương tiện trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
2. Trong quá trình tháo, lắp các chi tiết, tổng thành, hệ thống phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:
a) Thực hiện đúng các yêu cầu của quy trình kỹ thuật.
b) Loại trừ các khả năng những vật ngoại lai rơi vào bên trong động cơ, các hệ thống;
c) Giữ nguyên và lắp đúng các dấu hiệu lắp ráp, ký hiệu của các khối máy, các đường ống, đường dây điện.
3. Trong quá trình tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa xe ô xy phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Dụng cụ để tháo lắp bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống ô xy là dụng cụ chuyên dùng, sạch sẽ, không dính dầu mỡ và không được dùng để tháo lắp các chi tiết, hệ thống khác.
Dầu bôi trơn dùng cho máy nén ô xy là dầu chống cháy đúng theo quy định của nhà chế tạo.
b) Hệ thống chống cháy tự động trên xe ô xy bảo đảm thường xuyên tốt đề phòng hiện tượng cháy, nổ xảy ra.
c) Bình chứa ô xy cần được bảo dưỡng đúng niên hạn do nhà chế tạo quy định.
d) Quần áo của nhân viên bảo dưỡng sửa chữa xe ô xy, giẻ lau không được dính dầu mỡ.
4. Trong quá trình tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa không được thực hiện các công việc sau đây:
a) Tháo, lắp các đầu ống của hệ thống thủy lực, khí nén khi trong các hệ thống có áp suất dư;
b) Tháo, lắp các đầu cắm điện khi đang có điện trong hệ thống điện;
c) Điều chỉnh, sửa chữa khi phương tiện đang phục vụ trên sân đỗ hoặc phục vụ các công tác kỹ thuật khác;
d) Hàn nóng thùng nhiên liệu, thùng chứa các loại dầu hoặc các đường ống của các hệ thống nhiên liệu, thủy lực, bôi trơn khi chưa tháo ra khỏi phương tiện;
5. Sau khi bảo dưỡng, sửa chữa phải được chạy thử để kiểm tra kết quả các công việc đã được tiến hành, kiểm tra các tính năng của phương tiện.
6. Người phụ trách đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa phải chịu trách nhiệm về chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
7. Những thay đổi về kết cấu, tính năng tác dụng của phương tiện phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
TÀI LIỆU KỸ THUẬT
Điều 14. Phân loại tài liệu kỹ thuật của phương tiện
Tài liệu kỹ thuật của phương tiện bao gồm các loại sau đây:
1. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật;
2. Tài liệu khai thác kỹ thuật;
3. Lý lịch và hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại .
Điều 15. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật
1. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật là tài liệu do người chế tạo và người khai thác ban hành để hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bao gồm:
a) Tài liệu hướng dẫn sử dụng;
b) Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa;
c) Tài liệu huấn luyện kỹ thuật;
2.Tài liệu hướng dẫn sử dụng là tài liệu đưa ra những thông tin kỹ thuật cần thiết, những quy định, hướng dẫn cụ thể cho người điều khiển, vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay. Tài liệu Hướng dẫn sử dụng bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Loại phương tiện;
b) Giới thiệu về công dụng, thành phần các hệ thống, trong đó nêu rõ số liệu kỹ thuật từng hệ thống;
c) Giới thiệu các loại nhiên liệu, dầu mỡ bôi trơn, dầu thủy lực, khí nén, số lượng cần tra nạp mỗi loại;
d) Cấu tạo, nguyên lý làm việc của phương tiện, bao gồm các cụm tổng thành, các cơ cấu điều khiển: động cơ, ly hợp, hộp số, cơ cấu truyền lực, các loại đồng hồ đo, các hệ thống như thủy lực, điện, khí nén, nhiên liệu, bôi trơn, phòng chống cháy;
đ) Sơ đồ nguyên lý làm việc của các cụm và hệ thống trên;
e) Các sơ đồ lắp ráp, đấu dây các cụm tổng thành, các hệ thống;
g) Hướng dẫn quy trình vận hành và những yêu cầu về an toàn kỹ thuật khi vận hành;
h) Những hỏng hóc thường xảy ra, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
3. Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay là tài liệu do nhà chế tạo biên soạn, đưa ra các thông tin và hướng dẫn cần thiết cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay. Tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa bao gồm các nội dung sau đây:
a) Loại phương tiện;
b) Giới thiệu các dạng bảo dưỡng và chu kỳ tiến hành;
c) Nội dung cụ thể của từng dạng bảo dưỡng;
d) Sơ đồ bôi trơn, chu kỳ và số lượng, chủng loại dầu mỡ cần thay mới;
đ) Hướng dẫn phương pháp và trình tự tháo lắp các cụm tổng thành, các hệ thống và các chi tiết và quy định về an toàn kỹ thuật khi tháo lắp;
e) Hướng dẫn quy trình bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống, bộ phận có kèm theo sơ đồ, bản vẽ;
g) Nêu các trường hợp hỏng hóc có thể phát sinh hoặc phát hiện được trong quá trình bảo dưỡng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục;
h) Nêu các phương pháp điều chỉnh, kiểm tra, thử nghiệm trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa;
i) Nêu các dụng cụ, thiết bị đo và cách sử dụng khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa.
4. Tài liệu huấn luyện kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay bao gồm các tài liệu được sử dụng trong giảng dạy, hướng dẫn, chuyển loại cho nhân viên kỹ thuật tại các trung tâm huấn luyện kỹ thuật hoặc các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở. Tài liệu huấn luyện kỹ thuật có thể do nhà chế tạo, người khai thác hoặc các trung tâm huấn luyện biên soạn và phê chuẩn trước khi sử dụng.
Điều 16. Tài liệu khai thác kỹ thuật
1. Tài liệu khai thác kỹ thuật là tài liệu cần thiết cho quá trình khai thác và quản lý kỹ thuật của phương tiện. Tài liệu khai thác kỹ thuật do nhà quản lý, khai thác phương tiện phê chuẩn và bao gồm:
a) Nhật ký kỹ thuật, biên bản kỹ thuật;
b) Tài liệu thống kê kỹ thuật;
c) Tài liệu báo cáo kỹ thuật;
d) Tài liệu báo cáo đột xuất.
2. Nhật ký kỹ thuật ghi lại tình trạng kỹ thuật hàng ngày hoặc từng ca của phương tiện.
3. Biên bản kỹ thuật ghi lại những sự cố về kỹ thuật đối với phương tiện trong quá trình khai thác.
4. Tài liệu thống kê kỹ thuật nhằm tổng hợp, đánh giá tình trạng hoạt động của phương tiện trong những chu kỳ nhất định, bao gồm các số liệu thông kê về: số giờ hoạt động, số lần làm việc, số ki lô mét đã chạy, sự cố kỹ thuật và các chỉ tiêu khác do cơ sở quy định.
5. Báo cáo kỹ thuật là tài liệu tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động kỹ thuật của phương tiện và được lập theo mẫu quy định.
6. Nội dung báo cáo kỹ thuật
a) Báo cáo số lượng, chất lượng kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay theo mẫu MĐ6-1 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này.
Chất lượng kỹ thuật phương tiện được chia thành các loại sau đây:
- Loại 1: Phương tiện chưa quá 1/3 thời gian khấu hao tài sản cố định theo đăng ký của doanh nghiệp với Nhà nước, đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, được cấp Giấy phép hoạt động.
- Loại 2: Phương tiện đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, được cấp Giấy phép hoạt động.
- Loại 3: Phương tiện không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, không được cấp Giấy phép hoạt động, chờ thanh lý.
b) Báo cáo các phương tiện hoạt động trên khu bay được đầu tư mới theo mẫu MĐ6-2 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này.
c) Báo cáo kết quả kiểm tra cấp Giấy phép hoạt động của phương tiện hoạt động trên khu bay theo mẫu MĐ6-3 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này.
7. Báo cáo đột xuất là báo cáo khi phương tiện hoạt động trên khu bay gây ra sự cố, hỏng hóc đối với tàu bay. Báo cáo sự cố bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên gọi và ký hiệu phương tiện gây ra sự cố;
b) Ngày, giờ, địa điểm xẩy ra sự cố kỹ thuật;
c) Biên bản xác nhận diễn biến và hiện trạng sau khi xẩy ra sự cố kỹ thuật;
d) Sơ bộ xác định nguyên nhân có thể gây ra sự cố và mức độ hư hại;
đ) Kiến nghị và biện pháp xử lý.
Điều 17. Lý lịch và hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại
1. Lý lịch kỹ thuật của phương tiện là tài liệu ghi lại nguồn gốc xuất xứ, tên, ký hiệu, chức năng chính, quá trình hoạt động, bảo dưỡng, sửa chữa của phương tiện.
2. Lý lịch kỹ thuật do người quản lý, khai thác phương tiện xây dựng và bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên và địa chỉ của người khai thác;
b) Tên gọi, ký hiệu, số đăng ký của phương tiện;
c) Công dụng;
d) Nước sản xuất;
đ) Số khung, số máy, số các cụm tổng thành chính;
e) Ngày sản xuất, ngày sử dụng.
3. Hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại phương tiện do người quản lý, khai thác xây dựng và bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, ký hiệu kiểu loại phương tiện được cải tiến hoặc thay đổi kiểu loại;
b) Lý do cải tiến hoặc thay đổi;
c) Xác nhận việc cải tiến, thay đổi kiểu loại phương tiện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Ngày cấp;
đ) Người cấp.
NHÂN VIÊN KỸ THUẬT
Điều 18. Phân loại nhân viên kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay
1. Nhân viên kỹ thuật phương tiện hoạt động trên khu bay bao gồm:
a) Nhân viên điều khiển - vận hành;
b) Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa.
2. Nhân viên điều khiển - vận hành khi làm việc trong khu bay phải có Giấy phép điều khiển do Cục Hàng không Việt Nam cấp và chỉ được thực hiện công việc được ghi trong giấy phép điều khiển.
3. Nhân viên điều khiển - vận hành phương tiện phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về an toàn, thao tác vận hành, phạm vi giới hạn về tính năng kỹ thuật đã ghi trong tài liệu " Hướng dẫn sử dụng " của từng loại phương tiện và các quy định của Quy chế này.
1. Nhân viên điều khiển - vận hành phương tiện hoạt động trên khu bay chỉ được cấp Giấy phép điều khiển khi đạt kết quả trong kỳ kiểm tra do Cục Hàng không Việt Nam tổ chức.
2. Giấy phép điều khiển bao gồm các nội dung sau đây:
a) Họ và tên nhân viên kỹ thuật;
b) Ngày tháng năm sinh;
c) Quê quán;
d) Quốc tịch;
đ) Ngày cấp;
e) Thời hạn hiệu lực của giấy phép;
g) Loại phương tiện được điều khiển, vận hành.
3. Giấy phép điều khiển nói ở khoản 1 Điều này hết hiệu lực trong các trường hợp sau:
a) Hết thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy phép điều khiển;
b) Bị thu hồi.
1. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức cấp Giấy phép điều khiển cho nhân viên điều khiển - vận hành phương tiện.
2. Thủ tục kiểm tra cấp Giấy phép theo Quy định của Cục Hàng không Việt Nam về quản lý giấy phép hành nghề đối với những người làm việc trong lĩnh vực khai thác - kỹ thuật hàng không.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 21. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
1. Tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Quy chế này.
2. Trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chế này khi cần thiết.
1. Thực hiện các quy định có liên quan của Quy chế này.
2. Chịu trách nhiệm về chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động trên khu bay do mình quản lý.
3. Các Cụm cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam phải gửi Cục Hàng không Việt Nam theo định kỳ những báo cáo sau đây:
a) Báo cáo số lượng, chất lượng của phương tiện hoạt động trên khu bay mỗi năm 2 lần vào ngày 25/6 và 25/12 hàng năm theo mẫu MĐ6-1 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này;
b) Báo cáo các phương tiện được đầu tư mới mỗi năm 2 lần vào ngày 25/6 và 25/12 hàng năm theo Mẫu MĐ6-2 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này;
c) Báo cáo kết quả kiểm tra cấp Giấy phép hoạt động của phương tiện hoạt động trên khu bay vào ngày 25/12 hàng năm theo Mẫu MĐ6-3 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này;
d) Báo cáo đột xuất khi phương tiện gây ra sự cố, hỏng hóc đối với tàu bay. Nội dung của báo cáo đột xuất theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 của Quy chế này.
4. Các hãng hàng không gửi về Cục Hàng không Việt Nam theo định kỳ những báo cáo sau:
a) Báo cáo số lượng, chất lượng phương tiện hoạt động trên khu bay mỗi năm 2 lần vào ngày 25/6 và 25/12 hàng năm theo Mẫu MĐ6-1 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này;
b) Báo cáo các phương tiện được đầu tư mới mỗi năm 2 lần vào ngày 25/6 và 25/12 hàng năm theo Mẫu MĐ6-2 quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này./.
DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG TRÊN KHU BAY
1. Xe thang là phương tiện để hành khách và những người được phép làm việc trên tàu bay, lên xuống tàu bay.
2. Cầu hành khách là phương tiện cố định hoặc di động nối từ nhà ga đến tàu bay để hành khách và những người được phép làm việc trên tàu bay lên, xuống tàu bay.
3. Xe phục vụ hành khách cần trợ giúp đặc biệt là phương tiện dành riêng cho hành khách không có khả năng tự di chuyển bình thường, được trang bị các thiết bị chuyên dùng để giúp các hành khách lên, xuống tàu bay an toàn thuận lợi.
4. Xe chở suất ăn là phương tiện để chuyên chở, cung cấp và thu gom suất ăn phục vụ trên tàu bay.
5. Xe cấp nước sạch là phương tiện để chuyên chở và cung cấp nước sạch, phục vụ hành khách và người được phép làm việc trên tàu bay.
6. Xe vệ sinh là phương tiện để hút chất thải trong buồng vệ sinh tàu bay, cấp nước rửa buồng vệ sinh tàu bay.
7. Xe chở khách trong sân bay là phương tiện để chuyên chở hành khách trong sân bay.
8. Xe và trạm điều hoà không khí là phương tiện làm mát, làm ấm hoặc làm thông thoáng tàu bay.
9. Xe và thiết bị nâng hàng là phương tiện để xếp dỡ hành lý, hàng hoá được đóng trong mâm, thùng lên, xuống tàu bay.
10. Xe băng chuyền là phương tiện để xếp dỡ hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, thư ở dạng rời lên xuống tàu bay.
11. Xe trung chuyển là phương tiện để chuyển các mâm, thùng chuyên dùng từ thiết bị chuyên chở này sang thiết bị chuyên chở khác.
12. Xe kéo hành lý, hàng hoá là phương tiện để kéo các dolly, thùng hành lý, hàng hoá trong khu vực sân đỗ tàu bay.
13. Xe xúc, nâng là phương tiện để xúc, nâng, hàng hóa, vận chuyển hàng hóa trong khu vực sân đỗ, các kho bãi, các nhà ga hàng hóa.
14. Xe và thiết bị cấp điện cho tàu bay là phương tiện để cấp điện một chiều và xoay chiều với điện áp, tần số phù hợp với yêu cầu cho tàu bay.
15. Xe và thiết bị khởi động khí là phương tiện để cấp khí phù hợp để kiểm tra và khởi động động cơ tàu bay và khí phục vụ hệ thống làm mát hoặc sưởi ấm tàu bay.
16. Xe và thiết bị thủy lực phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay là phương tiện để tạo áp suất, lưu lượng thủy lực phù hợp cho hệ thống thủy lực của từng loại tàu bay nhằm phục vụ công tác kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay.
17. Các xe và trạm cấp khí nén, khí ô xy, khí ni tơ phục vụ kỹ thuật hàng không là phương tiện để sản xuất và cung cấp khí nén, ô xy y tế, khí ni tơ phục vụ cho công tác kỹ thuật tàu bay.
18. Xe kéo, đẩy tàu bay là phương tiện để kéo, đẩy tàu bay vào và ra khỏi vị trí đỗ của tàu bay và phục vụ công tác cứu nạn tàu bay.
19. Các loại cẩu và thiết bị nâng là phương tiện để phục vụ bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa tàu bay ở vị trí trên cao và các hoạt động khác.
20. Xe và thiết bị tra nạp nhiên liệu cho tàu bay là phương tiện để tra nạp nhiên liệu cho tàu bay.
21. Xe và thiết bị cứu hoả là phương tiện để chữa cháy cho tàu bay và các thiết bị, công trình khác theo yêu cầu.
22. Xe dẫn tàu bay là phương tiện để dẫn tàu bay lăn vào vị trí đỗ hoặc lăn ra vị trí chờ cất cánh theo quy định trên sân đỗ.
23. Thiết bị cắt và thu gom cỏ là phương tiện để cắt và thu gom cỏ trong sân bay.
24. Xe và thiết bị tẩy vết cao su đường cất hạ cánh của tàu bay là phương tiện để tẩy vết cao su trên đường cất cánh, hạ cánh của tàu bay, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
25. Xe vệ sinh sân đường là phương tiện để làm sạch hệ thống sân đường, bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.
26. Xe phun sơn là phương tiện để sơn các tín hiệu trên đường cất cánh, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.
27. Xe cứu thương là phương tiện để cấp cứu người và phục vụ công tác khẩn nguy cứu nạn Hàng không.
28. Đo-ly là phương tiện rơ mooc chuyên dùng để vận chuyển hành lý, hàng hóa trên sân đỗ tàu bay.
29. Thiết bị chiếu sáng di động là phương tiện để chiếu sáng trong các trường hợp khẩn cấp hoặc các yêu cầu đặc biệt trong khu vực sân đỗ tàu bay.
30. Xe nâng vật tư, hàng hóa rời phục vụ tàu bay là phương tiện để nâng vật tư, hàng hoá rời phục vụ tàu bay.
31. Các loại xe thông thường khác hoạt động phục vụ theo yêu cầu trên khu bay bao gồm:
a) Xe kiểm tra sân đường;
b) Xe chở nhân viên phục vụ tàu bay của các đơn vị;
c) Xe tải chở hàng hóa, rác, vật phẩm rời, chèn, kích phục vụ tàu bay.
Phụ lục 02 Tín hiệu chỉ huy phương tiện hoạt động trên khu bay
Phụ lục 03 Tín hiệu phương tiện hoạt động trên khu bay
Phụ lục 04 Mẫu thống kê, báo cáo về phương tiện hoạt động trên khu bay
Quyết định 267/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam Ban hành: 19/12/2003 | Cập nhật: 25/03/2010
Nghị định 34/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải Ban hành: 04/04/2003 | Cập nhật: 25/12/2012