Quyết định 04/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội
Số hiệu: 04/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thế Thảo
Ngày ban hành: 21/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2013/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;

Căn cứ Thông tin liên tịch số 34/2011/TTLT/BTTTT-BNG ngày 24/11/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông – Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc phối hợp thi hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình 1171/TTr-STTTT, ngày 6/11/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Quy định trách nhiệm và quy trình làm việc của các đơn vị thuộc UBND Thành phố Hà Nội trong việc quản lý nhà nước và phối hợp, triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại của Thành phố.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thông tin đối ngoại là thông tin quảng bá hình ảnh Thủ đô, về con người, lịch sử, văn hóa Hà Nội; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng; pháp luật, chính sách phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của chính quyền Thành phố Hà Nội ra thế giới và thông tin về thế giới đến với Hà Nội.

2. Hoạt động thông tin đối ngoại là hoạt động quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; thực hiện tuyên truyền thông tin đối ngoại của Thành phố Hà Nội,

Điều 3. Nội dung thông tin đối ngoại

Thông tin đối ngoại được quy định trong quy chế này gồm các thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố. Nội dung cụ thể gồm:

1. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; thông tin về những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao vị thế Thủ đô và xây dựng Hà Nội thành trung tâm giao dịch quốc tế lớn của cả nước và khu vực.

2. Quảng bá về lịch sử, văn hóa, đất nước con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Thông tin nhằm đấu tranh, phản bác lại những thông tin sai lệch, xuyên tạc, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam và của nhân dân Thành phố Hà Nội, cũng như ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Thủ đô. Tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế cũng như cộng đồng người Việt Nam trong việc đấu tranh dư luận, góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các Thủ đô, thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.

Điều 4. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại

Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại quy định tại quy chế là hoạt động đưa thông tin (được quy định tại Điều 2) đến với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp nhận thông tin quốc tế đưa đến nhân dân trong nước nói chung và nhân dân Thành phố Hà Nội nói riêng. Hoạt động thông tin đối ngoại được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức tuyên truyền trên báo chí điện tử, hệ thống truyền hình, truyền thanh, các ấn phẩm báo chí có uy tín, các trang điện tử của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, các ấn phẩm, tờ rơi, các hoạt động giao lưu, triển lãm quốc tế về văn hóa, nghệ thuật, hội chợ, các phương tiện truyền thông quốc tế.

Điều 5: Nguyên tắc quản lý và phối hợp triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố

1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo điều hành thống nhất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và Hà Nội, các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố trong công tác thông tin đối ngoại nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn hiện nay.

2. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đoàn thể trong quá trình quản lý và tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại một cách có định hướng; kịp thời phối hợp với các đơn vị chức năng ở các cấp, các ngành xử lý các trường hợp thông tin sai lệch, phản bác những thông tin xuyên tạc, kích động chia rỗ và tập hợp lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước nói chung, về sự phát triển của Hà Nội nói riêng.

3. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai một cách chủ động, toàn diện, thường xuyên và có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn; Kết hợp chặt chẽ thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; giữa thông tin đối ngoại của Đảng với thông tin đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết, kêu gọi đầu tư, xây dựng và quảng bá hình ảnh Thủ đô; đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, kích động chia rẽ và tập hợp lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước nói chung, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Hà Nội nói riêng.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI

Điều 6: Nội dung công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại

1. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố; Tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành theo thẩm quyến của Thành phố.

2. Tổ chức bộ máy, xây dựng cơ chế, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đối ngoại của thành phố; Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và bồi dưỡng nhân lực nhằm nâng cao năng lực hoạt động thông tin đối ngoại.

3. Tổ chức triển khai việc thực hiện Quy chế, kế hoạch, chương trình về phát triển hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố.

4. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu, dự báo về thông tin đối ngoại; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.

5. Các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố hàng năm lập kế hoạch thực hiện công tác thông tin đối ngoại gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

6. Phối hợp với các tổ chức quốc tế làm công tác truyền thông để thực hiện các chương trình thông tin đối ngoại của Thành phố.

7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại của Thành phố theo quy định của pháp luật.

8. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội của thành phố có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quy định quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

9. Sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại; khen thưởng đối với Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức tốt các hoạt động thông tin đối ngoại; kỷ luật đối với những đơn vị làm sai, vi phạm Quy chế và các quy định của pháp luật về công tác thông tin đối ngoại

Điều 7. Trách nhiệm Sở Thông tin và Truyền thông

Có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này; hàng năm thực hiện chế độ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình, kết quả thực hiện công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố; Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; Chủ trì thực hiện các chương trình triển khai công tác thông tin đối ngoại của Thành phố; Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể:

a) Xây dựng; trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố.

b) Xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai công tác thông tin đối ngoại tổng thể của Thành phố; Hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch thực hiện công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố;

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước hoạt động trên địa bàn Thành phố.

d) Đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của các đơn vị trực thuộc Thành phố.

e) Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn Thành phố.

f) Thực hiện việc thanh tra, kiểm rea các đơn vị thực hiện thông tin đối ngoại theo quy định.

l) Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, các cơ quan liên quan cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế; phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, nghiên cứu dư luận báo chí có nội dung thông tin tác động tiêu cực đến sự phát triển của Thành phố, chủ động trong việc đính chính, phản bác lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

3. Tổ chức và phối hợp thực hiện thông tin đối ngoại trên các kênh thông tin; Biên soạn và phát hành các ấn phẩm thông tin và truyền thông phục vụ công tác thông tin đối ngoại của Thành phố.

4. Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, lập dự toán cho các hoạt động thông tin đối ngoại của Thành phố; Chủ trì xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học để phát triển nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Thành phố.

5. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thông tin đối ngoại của Thành phố.

6. Làm đầu mối tập hợp các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện thông tin đối ngoại của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại.

7. Thành lập Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại (do Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố làm trưởng ban) giúp tư vấn và đánh giá nội dung, kết quả các hoạt động triển khai công tác thông tin đối ngoại.

8. Chịu trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định các ấn phẩm (đối với tất cả các thư riêng) phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại của Thành phố.

9. Dự toán và tổng hợp kinh phí hàng năm cho các hoạt động thông tin đối ngoại của Thành phố.

10. Đề xuất thi đua, khen thưởng, kỷ luật về việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các đơn vị, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng, kỷ luật.

Điều 8. Trách nhiệm Sở Ngoại vụ

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc họp báo quốc tế của lãnh đạo Thành phố và ở nước ngoài; tham gia chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của lãnh đạo Thành phố cho phóng viên nước ngoài.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan trong việc quản lý, hướng dẫn các đoàn báo chí nước ngoài đến tác nghiệp, hoạt động trên địa bàn Thành phố.

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin về kinh tế, lĩnh vực đầu tư, văn hóa đối ngoại và thông tin về lĩnh vực khác cho người nước ngoài, và người Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 9: Trách nhiệm Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành có liên quan rà soát, thống kê nhân sự làm công tác thông tin đối ngoại của các Sở, ban, ngành; đề xuất phương án bố trí, sắp xếp cán bộ thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Thành phố cho các đơn vị nêu trên một cách phù hợp

Điều 10. Trách nhiệm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch để quảng bá hình ảnh của Thủ đô và đất nước, thu hút phát triển du lịch và hợp tác đầu tư nước ngoài vào Hà Nội.

Điều 11. Trách nhiệm Công an Thành phố

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố.

2. Theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại của thành phố để đề xuất chủ trương, biện pháp phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước trên địa bàn thành phố.

3. Phối hợp với Văn phòng ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý các đoàn phóng viên, báo chí nước ngoài hoạt động trên địa bàn Thành phố.

4. Phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý, giám sát hoạt động các đoàn khách nước ngoài vào thăm và làm việc trên địa bàn Thành phố, báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố (định kỳ và đột xuất) về công tác trên.

Điều 12. Trách nhiệm Sở Tài chính

1 . Thẩm định dự toán ngân sách hàng năm cho các hoạt động thông tin đối ngoại, trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt.

2. Bảo đảm kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước của thành phố để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động thông tin đối ngoại của thành phố.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng định mức kinh phí cho các hoạt động thông tin đối ngoại.

Điều 13. Trách nhiệm ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm triển khai, xây dựng, tuyên truyền về hoạt động thông tin đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Xây dựng chương trình và kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm gửi Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phê duyệt.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị trấn, thị xã có dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, khu vực có người dân tộc thiểu số sinh sống cần chú trọng xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về chính sách của Đảng và Nhà nuớc trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, có biện pháp tuyên truyền nhằm tránh để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền sai lệch với chính sách phát triển của Thành phố.

3. Bố trí nhân sự chuyên trách thực hiện công tác thông tin đối ngoại của đơn vị gửi về Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ để tổng hợp.

Điều 14. Trách nhiệm Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Hà Nội

Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Hà Nội là cơ quan làm công tác đối ngoại nhân dân của thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ xây dựng các chương trình thông tin đối ngoại nhân dân của Thủ đô; xây dựng các đề án, chiến lược dài hạn và chương trình hành động hàng năm trong phát triển thông tin đối ngoại nhân dân.

Điều 15. Trách nhiệm các đơn vị khác trực thuộc Thành phố

1. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng kế hoạch và triển khai nội dung công tác thông tin đối ngoại trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch chung về nhiệm vụ thông tin đối ngoại của toàn thành phố; xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại và dự toán kinh phí hàng năm để triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại cho lĩnh vực phụ trách,

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ về thông tin đối ngoại do thành phố giao và theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

3. Tùy theo tính chất và nhu cầu hoạt động thông tin đối ngoại, các đơn vị bố trí cán bộ chuyên trách hoặc ban chuyên trách thực hiện và làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Xử lý vi phạm

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố theo quy định.

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin đối ngoại được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nêu gây thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 19. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thành phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị, xã hội của thành phố có kế hoạch triển khai Quy chế này.

Điều 20. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Quy chế này, thực hiện chế độ báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về tình hình, kết quả thực hiện.

Điều 21. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này nếu cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản có quy định khác nội dung quy định này, thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ban hành. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan liên quan phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.