Quyết định 04/2009/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
Số hiệu: 04/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Đinh Văn Khiết
Ngày ban hành: 14/01/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮKLẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 04/2009/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chương trình số 05 - CTr/TU ngày 03 tháng 8 năm 2006 của Tỉnh ủy, về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 35/TTr-SCT ngày 14 tháng 10 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2006 - 2010".

Điều 2. Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm căn cứ Kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2006 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định này để tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, để báo cáo;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Phòng: TH, NC, NN-MT, TC-TM;
- Lưu VT- CN (T. )
(QD-KHptrienCN-CT05)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Khiết

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04 /2009/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần Thứ Nhất

QUAN ĐIỂM MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I/ NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:

1) Thuận lợi:

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, ngành công nghiệp có nhiều thuận lợi cơ bản, đó là:

- Đại hội tỉnh Đảng bộ Đắk Lắk lần thứ XIV đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên và tiếp tục phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển công nghiệp, tạo bước đột phá để nâng dần tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế của tỉnh.

- Hệ thống pháp luật và các chính sách kinh tế mới tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

- Nhiều dự án công nghiệp đã và đang được đầu tư khi hoàn thành sẽ phát huy năng lực sản xuất trong giai đoạn tới.

- Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và quy hoạch các ngành kinh tế khác của tỉnh đang được lập và triển khai thực hiện, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, thu hút các nguồn lực để phát triển công nghịêp.

2) Khó khăn thách thức:

Ngành công nghiệp tỉnh ta phát triển hiệu quả chưa cao, qui mô doanh nghiệp còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, sản phẩm chưa phong phú, sức cạnh tranh của hàng hóa còn yếu. Việc đáp ứng các yêu cầu hội nhập đầy đủ với khu vực AFTA và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp, nhưng trình độ công nghệ và năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn khá lạc hậu và yếu, các nguồn lực quan trọng như vốn, nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh ta còn rất hạn chế. Năng suất lao động thấp, chi phí trong sản xuất cao, các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, cải cách hành chính tuy đã được tiến hành nhưng chuyển biến chậm.

II/ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TTCN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:

- Chuyển dịch cơ cấu các phân ngành công nghiệp và cấu trúc lại theo hướng các nhóm ngành chủ đạo có lợi thế về nguồn nguyên liệu, khả năng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Ưu tiên phát triển công nghiệp qui mô vừa và nhỏ, phát triển mạnh công nghiệp nông thôn theo hướng khuyến khích các ngành nghề truyền thống như chế biến nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ... phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết công ăn việc làm và từng bước đô thị hóa nông thôn.

- Những lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên phát triển phải căn cứ vào những tiêu chuẩn như: có hiệu quả kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng lớn trong sản xuất công nghiệp, có tác động đến phát triển các ngành khác, trang bị lại cho nền kinh tế, khai thác tiềm năng tài nguyên, tạo ra sản phẩm phong phú đa dạng, cụ thể:

+ Công nghiệp chế biến nông lâm sản, lương thực thực phẩm;

+ Công nghiệp năng lượng;

+ Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng;

+ Công nghiệp khai khoáng;

+ Công nghiệp cơ khí sữa chữa và chế tạo, luyện kim.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở tất cả các qui mô, tuỳ theo tính chất của từng loại sản phẩm, chú trọng đến việc đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến, để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đảm bảo các yêu cầu an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp, tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư. Thực sự xem các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh ngoài đầu tư sản xuất công nghiệp ở Đắk Lắk là một bộ phận kinh tế quan trọng của Đắk Lắk.

- Phát triển công nghiệp phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

III/ MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CN - TTCN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 :

1. Mục tiêu phát triển:

* Về tốc độ phát triển công nghiệp

Đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt 22 - 23%, phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN - TTCN đến năm 2010 đạt 3.750 tỷ đồng, giá trị gia tăng đạt gần 1.827 tỷ đồng (giá cố định 1994), chiếm 14,5% trên tổng GDP toàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong đó:

- Phân theo loại hình kinh tế:

+ Công nghiệp quốc doanh đạt 1.185 tỷ đồng, tăng gấp 2,74 lần so với năm 2005;

+ Công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 2.540 tỷ đồng, tăng gấp 2,74 lần so với năm 2005;

+ Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25 tỷ đồng, tăng gấp 5,43 lần so với năm 2005.

- Phân theo ngành công nghiệp:

+ Công nghiệp chế biến đạt 2.550 tỷ đồng, tăng gấp 2,32 lần so với năm 2005;

+ Công nghiệp khai thác đạt 225 tỷ đồng, tăng gấp 3,62 lần so với năm 2005;

+ Công nghiệp sản xuất và PP điện nước đạt 975 tỷ đồng, tăng gấp 4,73 lần so với năm 2005.

- Giá trị tăng thêm (VA):

+ Công nghiệp chế biến: 1.020 tỷ đồng, tăng gấp 2,36 lần so với năm 2005;

+ Công nghiệp khai thác: 85,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,66 lần so với năm 2005;

+ Công nghiệp sản xuất và PP điện nước: 721,5 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2005.

* Về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp:

Tăng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp từ 5% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2005, lên 18 – 20% vào năm 2010.

* Huy động vốn đầu tư để phát triển công nghiệp

Trong 5 năm tới, dự kiến huy động vốn đầu tư toàn xã hội cho các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là: 14.830 tỷ đồng

Trong đó: + Vốn huy động đầu tư các dự án CN-TTCN: 4.145 tỷ đồng

+ Vốn huy động đầu tư lưới điện và thuỷ điện: 10.685 tỷ đồng

* Về phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp:

- Phát triển hệ thống lưới điện:

Đầu tư mới, nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn và giảm tổn thất điện năng để phấn đấu đến năm 2010 đạt 95% thôn, buôn trở lên có điện lưới quốc gia, 95% số hộ được sử dụng điện và mức tiêu thụ điện bình quân 350 Kwh/người/năm.

- Phát triển các khu, cụm công nghiệp:

Phấn đấu đến năm 2010 hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lấp đầy từ 80 - 90% diện tích đất xây dựng tại Khu công nghiệp Hoà Phú – TP Buôn Ma Thuột, các cụm công nghiệp đã được thành lập bao gồm Tân An 1 – TP Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ - Krông Búk, Ea Đar - Ea Kar; trình Chính phủ bổ sung Quy hoạch mở rộng Khu Công nghiệp Hòa phú, thành lập mới, mở rộng có chọn lọc một số khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích tăng thêm khoảng 660 ha, nâng tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp đến năm 2010 lên khoảng 1.168 ha.

Xây dựng cơ chế chính sách quản lý và hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vào các khu, cụm công nghiệp.

2. Yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp:

Ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản - thực phẩm:

Đây là ngành giữ vài trò then chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp. Giá trị SXCN đến năm 2010 đạt 1.876 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 18%, chiếm tỷ trọng 50% so với giá trị SXCN toàn ngành.

Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn liền với tạo động lực thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo mối liên kết khăng khít giữa công nghiệp với nông lâm nghiệp. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến cà phê như: cà phê rang xay, cà phê hòa tan với chất lượng cao trong các khu, cụm công nghiệp tập trung. Từng bước hoàn thiện và nâng cao công nghệ của các nhà máy chế biến hạt điều, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây điều: như dầu hạt điều, rượu vang từ quả điều... tại các vùng nguyên liệu tập trung như: Ea Kar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Ana... Thu hút đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến tinh bột ngô, chế biến ca cao, nhà máy chế biến hoa quả, nhà máy dầu thực vật, nhà máy chế biến súc sản. Đầu tư phát triển có chọn lọc một số nhà máy tinh chế gỗ, đồ mộc xuất khẩu, ván nhân tạo và đồ gỗ từ ván nhân tạo, các sản phẩm từ lồ ô, tre nứa như bột giấy, giấy bao bì, đũa tre... ở một số huyện như: Lắk, M'Đrắk, Ea Súp, Krông Bông...

Đầu tư, nâng cấp, mở rộng các nhà máy chế biến cao su tại các vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh, kêu gọi thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghệ chế biến từ sản phẩm cao su để tăng xuất khẩu sản phẩm cuối cùng. Hoàn thành xây dựng nhà máy sản xuất bia Sài Gòn tại Đắk Lắk giai đoạn II, nâng công suất lên 70 triệu lít/năm.

Phát huy tối đa công suất của các nhà máy hiện có như: chế biến đường, sắn, bông vải, thức ăn gia súc..., đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, sau tinh bột...

Ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón:

Giá trị SXCN ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón đến năm 2010 đạt 186 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm tăng 35%, chiếm tỷ trọng 5% so với giá trị SXCN toàn ngành.

Rà soát lại các nhà máy chế biến phân vi sinh trên địa bàn, để có kế hoạch nâng cấp mở rộng, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiếp tục mở rộng thị trường. Củng cố và sắp xếp lại các cơ sở sản xuất sản phẩm hóa chất như ống nước nhựa, bao bì… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất này vào các khu, cụm công nghiệp tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngành công nghiệp dệt may, da giày:

Giá trị SXCN ngành công nghiệp dệt may, da giày đến năm 2010 đạt 193,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 18%, chiếm tỷ trọng 5,2% so với giá trị SXCN toàn ngành.

Đầu tư hoàn thiện xưởng thuộc da tại Cụm Công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột, chủ động nguyên liệu để hoạt động hết công suất,,tiếp tục nâng cấp mở rộng các cơ sở gia công may mặc hiện có trên địa bàn tỉnh, nâng cấp Xưởng may xuất khẩu công suất 1,2 triệu sản phẩm/năm của Công ty cổ phần may Đắk Thắng lên 1,8 triệu sản phẩm/năm, đồng thời tạo điều kiện kêu gọi đầu tư dự án may xuất khẩu mới công suất 2 triệu sản phẩm/năm.

Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo:

Giá trị SXCN ngành công nghiệp cơ khí chế tạo đến năm 2010 đạt 197 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 15%, chiếm tỷ trọng 5,3% so với giá trị SXCN toàn ngành.

Tập trung tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết và hợp tác sản xuất đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm.

Xây dựng các nhà máy luyện cán thép, cán tôn ở Khu công nghiệp Hoà Phú, Cụm Công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột, Cụm Công nghiệp Ea Đar - Ea Kar...; đầu tư mới, nâng cấp các cơ sở cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, máy móc thiết bị phục vụ chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản phẩm cơ khí gia dụng; sản xuất và lắp ráp các loại xe chuyên dùng trong sản xuất nông, lâm nghiệp; sản xuất cơ khí phục vụ xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện...

Các ngành công nghiệp - TTCN khác: (Bao gồm: Công nghiệp in, công nghiệp dược phẩm... và các ngành TTCN khác).

Giá trị SXCN đến năm 2010 đạt 97,8 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 16%, chiếm 2,5% so với với giá trị SXCN toàn ngành.

Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành các vệ tinh làm công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp; triển khai xây dựng một số làng nghề TTCN, phục hồi và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ: mây tre đan, đồ mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, may mặc, chế tác đồ trang sức, hàng lưu niệm phục vụ cho du lịch và xuất khẩu, nghiên cứu du nhập phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp mới.

Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản:

Giá trị SXCN ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản đến năm 2010 đạt 225 tỷ đồng tăng 3,6 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 29,3%, chiếm tỷ trọng 6,0% so với giá trị SXCN toàn ngành; giá trị tăng thêm đạt 85,5 tỷ đồng.

Nâng cấp các cơ sở khai thác chế biến khoáng sản hiện có như nhà máy gạch Tuynel - M'Đrắk, các cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng liên tục; nâng công suất, chất lượng khai thác và chế biến Fenspát lên trên 100.000 tấn/năm, đầu tư đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đá Granít tự nhiên công suất 84.000m2 đá thành phẩm/năm, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng thông thường đáp ứng đủ nhu cầu cho xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Tạo điều kiện thuận lợi để nhà máy sản xuất tấm lợp không Amiăng, công suất 700.000m2/năm của Công ty kinh doanh Tổng hợp ĐakWil tại Cụm Công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột hoạt động hiệu quả.

Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước:

Giá trị SXCN ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước đến năm 2010 đạt 975 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 36,5%, chiếm tỷ trọng 26% so với giá trị SXCN toàn ngành, giá trị tăng thêm đạt 721,5 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình của Chính phủ về đầu tư lưới điện đến thôn, buôn các tỉnh Tây Nguyên, chuẩn bị các điều kiện tham gia cùng với ngành điện tập trung đầu tư lưới điện cho trên 315 thôn buôn của tỉnh chưa có điện đợt I; đồng thời rà soát, đề xuất Chính phủ tiếp tục đầu tư cho các thôn, buôn chưa có điện đợt II. Đồng thời nghiên cứu nguồn năng lượng tái tạo để giải quyết điện cho các khu dân cư vùng sâu, vùng xa không có khả năng kéo điện lưới quốc gia.

Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ điện, sớm đi vào vận hành như: Thuỷ điện Buôn Kuốp công suất 280MW; thuỷ điện Buôn Tua Sarh công suất 86 MW; thuỷ điện Sêrêpôk III công suất 220MW; thuỷ điện Krông H’năng công suất 64MW, thuỷ điện Sêrêpốk IV công suất 74 MW và các thuỷ điện vừa và nhỏ. Đồng thời tiếp tục đầu tư mới các thuỷ điện vừa và nhỏ khác, đảm bảo điện năng cho sản xuất và sinh hoạt. Tập trung đầu tư nâng dung lượng 05 trạm biến áp và đường dây 110KV ở các vị trí được xác định theo qui hoạch là: Ea H’leo, Hòa Thuận, Cư M'gar, Krông Ana và nâng dung lượng trạm E48 Hòa Bình, đảm bảo phân phối điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phần Thứ Hai

GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TTCN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1/ Về xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng công nghiệp.

- Triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch ngành công nghiệp đã được phê duyệt, đồng thời tiếp tục lập các quy hoạch, đề án phát triển ngành công nghiệp quan trọng nhằm định hướng rõ từng lĩnh vực công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, làm căn cứ cho việc hoạch định các cơ chế chính sách quản lý, đầu tư phát triển công nghiệp như: Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011 - 2015 có xét tới năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011 - 2015 có xét tới năm 2020; Quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011 - 2020.

- Phát huy sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho phát triển, có các chính sách tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để kích thích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường mối hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành để khai thác tối đa lợi thế của nhau cùng phát triển.

- Tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đồng thời tìm biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất công nghiệp trên cơ sở tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc các doanh nghiệp này.

- Đẩy mạnh việc lập lại trật tự trong công tác đầu tư xây dựng, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư chuẩn bị tốt các điều kiện khi quyết định triển khai đầu tư dự án và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng, tránh tình trạng dự án treo.

- Thực hiện Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để tạo đà thúc đẩy công nghiệp phát triển, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung; sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút những dự án có qui mô lớn, những dự án sản xuất hàng hóa xuất khẩu có lợi thế và các dự án công nghiệp phụ trợ.

- Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành một cách đồng bộ của các cấp quản lý đến doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những cơ chế chính sách không phù hợp.

2/ Về vốn đầu tư cho công nghiệp:

Để ngành công nghiệp Đắk Lắk đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra cần phải huy động nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước khoảng 14.830 tỷ đồng trong thời kỳ 2006 - 2010. Vốn có thể huy động từ các nguồn: vốn của các doanh nghiệp, tạo vốn cho các nhà đầu tư thông qua vay tín dụng ngân hàng, ngân hàng phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư cho công tác qui hoạch, chuẩn bị đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Để có thể huy động được các nguồn vốn trên, cần hoàn thiện môi trường pháp lý, đa dạng hóa các hình thức công cụ huy động vốn, mở rộng các hình thức bảo hiểm, tích luỹ tái đầu tư từ các doanh nghiệp; xây dựng các dự án có sức thuyết phục, hiệu quả sử dụng và khả năng hoàn vốn cao, chọn những dự án phù hợp với mục tiêu của tỉnh.

3/ Về tiến độ đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp:

- Tích cực tạo điều kiện tối đa cho các Tổng Công ty, Công ty trong và ngoài tỉnh thực hiện đảm bảo tiến độ hoàn thành, sớm đưa vào hoạt động sản xuất các dự án công nghiệp và các công trình thuỷ điện đã khởi công xây dựng, đồng thời giải quyết các thủ tục pháp lý nhanh gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án mới, góp phần tăng thêm nhiều sản phẩm mới và tăng thêm năng lực sản xuất của ngành công nghiệp.

- Thực hiện chương trình của Chính phủ phát triển lưới điện thôn, buôn cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk còn 411 thôn, buôn chưa có điện, tạo mọi điều kiện giải quyết công tác đền bù giải phóng mặt bằng hành lang tuyến điện để ngành điện triển khai thi công được thuận lợi, đến hết năm 2009 sẽ hoàn thành chương trình này. Tiếp tục thực hiện chương trình 168/CP kéo điện vào nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

- Triển khai thực hiện qui hoạch điện lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, phối hợp với ngành điện tập trung đầu tư xây dựng 5 trạm biến áp 110KV, với tổng công suất 308MVA và 154km đường dây 110KV với tổng vốn đầu tư 236.690 triệu đồng để giải quyết nhu cầu phụ tải ngày càng tăng trên địa bàn, đảm bảo điện năng cho sinh hoạt và sản xuất.

- Các khu, cụm công nghiệp đã được công bố qui hoạch chi tiết, ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách vẫn tiến hành công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thu hút nhanh các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong vùng, tiếp tục qui hoạch chi tiết cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố tạo động lực phát triển CN - TTCN ở các địa phương. Ban hành Qui chế quản lý và hoạt động của các cụm, điểm CN -TTCN trên địa bàn tỉnh, để các huyện có cụm công nghiệp đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Riêng Khu công nghiệp Hòa Phú hoàn thành các thủ tục như: Phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án xây dựng trong khu công nghiệp, thành lập Ban quản lý và Công ty Đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các dự án vào Khu công nghiệp.

4/ Về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và các giải pháp đảm bảo vật tư, nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất khai thác và chế biến:

- Tập trung củng cố các nhà máy hiện có đi vào hoạt động hết công suất, đối với các nhà máy chế biến nông sản, nhà máy chế biến thức ăn gia súc phải chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu, thực hiện khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đảm bảo sản lượng, chất lượng của các loại nông sản kịp thời vụ như: cà phê, mía, sắn, bông, ngô, điều, cao su... đáp ứng đủ nhu cầu cho công nghiệp chế biến, tạo sự gắn kết ổn định lâu dài giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu và người sản xuất nguyên liệu.

- Thực hiện việc rà soát lại quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản theo hướng các nhà máy chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng, tiến tới thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng để các sản phẩm lâm sản được chế biến đều phải có xuất xứ vùng nguyên liệu, đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm lâm sản được xuất khẩu có tính cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Theo dự báo nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp không những trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận là rất lớn, do đó các cơ sở sản xuất chế biến phân vi sinh, nhà máy sản xuất phân NPK tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường theo từng mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp.

- Trên cơ sở điều tra, khảo sát cơ sở sản xuất gia công cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, xây dựng chương trình phát triển cơ khí phục vụ cho nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 87/2004/QĐ-BCN ngày 06/09/2004 của Bộ Công nghiệp. Trước mắt, tiếp tục tập trung sản xuất các sản phẩm cơ khí có lợi thế hiện nay trên thị trường có nhu cầu như: thiết bị chế biến nông sản, thiết bị bơm tưới, gia công các đường ống áp lực của các công trình thuỷ điện, gia công cơ khí đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, đồng thời phải đầu tư sâu vào lĩnh vực cơ khí chế tạo.

- Tiếp tục công tác thăm dò để khẳng định rõ hơn các tiềm năng khoáng sản của tỉnh, nhằm kêu gọi đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

- Hoạt động khai thác chế biến khoáng sản cần được củng cố đầu tư phát triển đúng qui hoạch, chú trọng đến công tác đánh giá tác động môi trường phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiến hành khai thác sản xuất và chế biến, tăng cường công tác kiểm tra quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo an toàn. Nắm bắt nhu cầu xây dựng cơ bản trên thị trường trong tỉnh, như giao thông, thuỷ lợi, xây dựng dân dụng, công nghiệp để có kế hoạch khai thác chế biến đá xây dựng, cát xây dựng..., chuyển đổi các lò gạch thủ công dùng chất đốt bằng củi sang công nghệ nung lò đứng liên tục bằng than đá, củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh nâng cao hiệu quả nhà máy gạch Tuynel - M'Đrắk, phát huy tối đa công suất và nâng cao chất lượng của nhà máy sản xuất sản phẩm Fenspát, sản phẩm đá Granít, đáp ứng được nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng mới trong nước và xuất khẩu.

5/ Về thu hút đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp:

- Nỗ lực hơn nữa trong việc kêu gọi đầu tư để duy trì mức đầu tư xã hội cao cho sản xuất công nghiệp. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển công nghiệp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội, phát triển có trọng tâm, trọng điểm những sản phẩm công nghiệp - TTCN của tỉnh ĐắkLắk có lợi thế cạnh tranh cao, sản phẩm có truyền thống.

Để huy động được nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành công nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2010, cần kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Các dự án sản xuất công nghiệp; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; dự án đầu tư lưới điện và các dự án thuỷ điện. Lập đề án khuyến công giới thiệu kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm.

- Tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, xây dựng thương hiệu. Nhà nước hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính tín dụng, khoa học công nghệ, thương mại, cơ sở hạ tầng..., phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh việc sử dụng nguyên liệu của địa phương nhằm tăng giá trị gia tăng sản phẩm ngành công nghiệp.

6/ Về khoa học và công nghệ:

Nghiên cứu, khắc phục sớm các yếu kém về trình độ công nghệ thiết bị, khả năng quản trị kinh doanh, chất lượng, giá thành nguyên liệu đầu vào, khả năng kiểm soát ô nhiễm môi trường, trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến làm nòng cốt, chú trọng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo chiều sâu. Triển khai thực hiện đề tài đánh giá hiện trạng thiết bị công nghệ làm cơ sở xây dựng lộ trình đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ theo hướng ưu tiên công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ quyết định chất lượng sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, báo cáo và tổng hợp hệ thống chỉ tiêu kinh tế ngành Công thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc báo cáo, tổng hợp tính toán dự báo kịp thời hệ thống các chỉ tiêu kinh tế ngành Công thương, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước và đầu tư phát triển.

7/ Về thị trường:

- Phát triển thị trường hàng hóa là yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp, cần kết hợp cả thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế, đặc biệt chú ý tới việc chuẩn bị các điều kiện cho ngành công nghiệp tỉnh ta cùng ngành công nghiệp cả nước hội nhập vững vàng. Chỉ đạo các doanh nghiệp cần tập trung sự quan tâm vào nguồn lực để nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế đối với các sản phẩm có lợi thế như: cà phê, hạt điều, cao su, gỗ tinh chế, mộc mỹ nghệ và các sản phẩm CN-TTCN khác...

- Triển khai thực hiện xây dựng “Chiến lược sản phẩm công nghiệp đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế”, qua đó tiến hành điều tra, phân loại đánh giá khả năng cạnh tranh của từng loại sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Trên cơ sở đó có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm mở rộng thị trường cho các sản phẩm.

- Tổ chức phổ biến sâu rộng tới các doanh nghiệp về các cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

- Triển khai xây dựng Chương trình hành động thực hiện cam kết gia nhập WTO của ngành công nghiệp trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ.

- Rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp liên quan sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu, phân phối - dịch vụ, trợ giúp pháp lý, cũng như các trợ cấp khác phù hợp với các quy định của WTO.

8/ Về môi trường:

- Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, là nơi có điều kiện xử lý tập trung nguồn phế thải công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Hòa Phú; các cụm công nghiệp Tân An (Buôn Ma Thuột), Buôn Hồ (Krông Búk), Ea Đar (Ea Kar), Trường Thành Ea H’leo (Ea H’leo)..., để xử lý triệt để nước thải của các nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp; đồng thời các nhà máy sản xuất độc lập cần kiểm tra nghiêm ngặt tác động đến môi trường để có giải pháp xử lý hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

- Các doanh nghiệp xây dựng mới phải thực hiện tốt các yêu cầu về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

- Các doanh nghiệp đang hoạt động, cố gắng đầu tư đổi mới công nghệ ở những công đoạn gây ô nhiễm (tiếng ồn, bụi, khói, hóa chất, nước thải,…), đầu tư xử lý nước thải (khí, rắn,…) trước khi thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cho phép.

- Giữ kỷ cương pháp luật trong khai thác khoáng sản, làm tốt công tác phục hồi môi trường trước khi đóng cửa mỏ để hạn chế tối đa việc huỷ hoại sinh thái do khai thác gây ra.

9/ Về nguồn nhân lực:

- Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển công nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo nhu cầu của dự án hoặc theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2010 thu hút khoảng 54.899 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp.

- Tăng cường công tác đào tạo để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ khuyến công viên tại địa phương, hình thành hệ thống khuyến công viên ở cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động khuyến công đến các huyện và các cơ sở CN - TTCN trong tỉnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.

- Đầu tư nâng cấp Trường Dạy nghề thanh niên dân tộc ĐắkLắk thành trường cao đẳng; nâng cao chất lượng dạy và học ở Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện, mở thêm một số ngành nghề đào tạo mà nhu cầu còn thiếu như: Kỹ thuật sửa chữa ô tô, điện, điện tử...; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư và mở rộng hoạt động dạy nghề, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

10/ Về tổ chức quản lý và điều hành:

Công tác quản lý và điều hành qui hoạch phải đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, cần tập trung:

- Chỉ đạo kịp thời, chính xác việc nắm bắt mọi thông tin có liên quan tới hoạt động của ngành công nghiệp, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhằm phát huy yếu tố thuận lợi, hạn chế bất lợi để có giải pháp phù hợp và kịp thời tránh sự bất ổn.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực CN - TTCN, từng bước sắp xếp lại hệ thống CN - TTCN của tỉnh phát triển theo các trục, khu, cụm công nghiệp, chú trọng công tác khuyến công để phát triển TTCN, ngành nghề nông thôn dưới các hình thức làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX - TTCN, hộ kinh doanh cá thể, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

- Các cấp chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với các công trình lưới điện, thuỷ điện, các khu, cụm, điểm công nghiệp để dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành, phát huy hiệu quả nhanh nhất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Tập trung thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư một cách nhanh gọn, thông thoáng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh; áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001-2000 trong quản lý hành chính và quản lý tài chính công.

- Củng cố và nâng cao hiệu lực hoạt động Thanh tra Công nghiệp theo Nghị định số 117/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Công nghiệp, thực hiện Nghị định số 103/2004/NĐ-CP ngày 01/3/2004 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Điện lực.

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra xác định trọng điểm các lĩnh vực quản lý chuyên ngành công nghiệp, chủ động thanh tra một số công trình công nghiệp và các công trình thuỷ điện, công trình lưới điện, đặc biệt về lĩnh vực hoạt động điện lực và tổ chức hoạt động điện lực nông thôn, nhằm góp phần củng cố và phát huy hiệu lực quản lý nhà nước ngành công nghiệp.

Phần Thứ Ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để Kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 đạt được các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với từng cơ quan, đơn vị và địa phương mình, tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao sau đây:

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình hành động cụ thể về phát triển công nghiệp cho từng năm và kế hoạch phát triển cho từng ngành, từng lĩnh vực bao gồm: Kế hoạch phát triển công nghịêp chế biến nông lâm sản, chương trình phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn... để triển khai thực hiện đồng bộ, nhằm thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CN - TTCN, đem lại hiệu quả cao để đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư một số hạng mục công trình cơ sở hạ tầng trong cụm, điểm công nghiệp, đây là điều kiện quan trọng kích thích cho việc thu hút các dự án đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp tập trung, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng CN - TTCN ở các địa phương được nhanh hơn.

- Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở những địa bàn nông thôn, vùng xâu vùng xa; cân đối nguồn vốn ngân sách hằng năm cho công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp địa phương.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao, triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đo đạc, lập bản đồ và xác định giới hạn đất đai cho các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu, các công trình thuỷ điện. Làm thủ tục giao cấp đất phù hợp với đơn vị thực hiện. Rà soát quy hoạch khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh để có kế hoạch đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản có hiệu quả.

- Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá thực trạng công nghệ trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế để các doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

- Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Sở Lao động thương binh và xã hội: Triển khai đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp bao gồm đào tạo công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề, chú trọng việc thành lập các trung tâm dạy nghề miễn phí cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số.

- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp, trình HĐND tỉnh xem xét quyết định. Tổ chức hội thảo, giới thiệu, thu hút các đối tác trong và ngoài nước đầu tư các dự án vào khu công nghiệp tập trung, tạo động lực để phát triển công nghiệp của tỉnh.

- UBND các huyện, thành phố tăng cường cán bộ có năng lực trình độ chuyên ngành công nghiệp để chuyên sâu công tác quản lý CN - TTCN ở các địa phương giúp UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo điều hành sâu sát hơn nữa để cho ngành công nghiệp phát triển chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế công nghiệp nông thôn. Đồng thời có giải pháp kêu gọi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp vào các cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện để phát huy tối đa lợi thế tiềm năng của địa phương.

- Giám đốc Sở Công thương chủ trì, cùng các Sở ngành, thủ trưởng các đơn vị có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ hằng năm báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ phát triển CN - TTCN giai đoạn 2006 - 2010 đã đề ra.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, để báo cáo;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (của Quyết định);
- Phòng: TH, NC, NN-MT, TC-TM;
- Lưu VT- CN (T. )
(KHptrienCN-CT05)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Khiết