Quyết định 03/2013/QĐ-UBND quy định phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Số hiệu: 03/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
Ngày ban hành: 12/03/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2013/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 12 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Căn cứ Luật Dược năm 2005;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Anh

 

QUY ĐỊNH

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực y tế phải tuân thủ Quy định này;

2. Mọi hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, vi phạm Quy định này phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật;

3. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân, tập thể.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân

1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức:

a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động triển khai, thực hiện Quy định này đối với các hoạt động của mình; kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Định kỳ đánh giá, sơ kết, tổng kết để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ;

b) Công khai, minh bạch các hoạt động theo đúng quy định tại Quy định này và các quy định của pháp luật;

c) Tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình;

d) Kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.

2. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Chủ động tổ chức, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng;

c) Chấp hành sự đôn đốc, kiểm tra của cơ quan Nhà nước cấp trên; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cấp dưới về công tác phòng, chống tham nhũng và các quy định tại Quy định này;

d) Chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và các cá nhân có liên quan:

a) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy chế, quy trình công tác, nội quy của cơ quan và các quy định tại Quy định này;

b) Chủ động phát hiện hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng khi có yêu cầu.

Chương II

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Điều 5. Phòng, chống tham nhũng trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình y tế

Các hoạt động trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình y tế phải tuân thủ theo các quy định pháp luật và nội dung quy định tại Quyết định số 192/2011/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định phòng, chống tham nhũng trong lập kế hoạch đầu tư và hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 6. Phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế

1. Phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu thuốc

Căn cứ tình hình thực tế về khả năng chuyên môn, năng lực cán bộ, kinh phí của các đơn vị y tế trong tỉnh, Uỷ ban nhân dântỉnh quyết định việc tổ chức đấu thầu mua thuốc ở các đơn vị thuộc quyền theo các hình thức cụ thể dưới đây:

a) Giao Sở Y tế đấu thầu tập trung theo đúng Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn Luật và hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị trực thuộc căn cứ vào kết quả trúng thầu của Sở Y tế để thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng thuốc theo quy định hiện hành.

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh áp dụng kết quả lựa chọn nhà thầu của Bệnh viện đa khoa tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để mua thuốc theo hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu.

c) Các đơn vị tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị:

Các cơ quan Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ có đủ điều kiện và năng lực tham gia vào việc thẩm định kế hoạch đấu thầu, xét thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các đơn vị đấu thầu.

Thủ tục, nội dung và tổ chức đấu thầu thực hiện theo đúng Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Tài chính Hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.

2. Phòng, chống tham nhũng trong Đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất tiêu hao

Căn cứ nhu cầu thực tế, khả năng chuyên môn, năng lực cán bộ, kinh phí các đơn vị tổ chức đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chât tiêu hao theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị.

Việc thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn Luật và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tục, nội dung và tổ chức đấu thầu thực hiện theo đúng Thông tư số 68/2012/TT-BTC , ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài chính Quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

Điều 7. Phòng, chống tham nhũng trong khám chữa bệnh

1. Tổ chức thực hiện việc tiếp đón người bệnh đến khám bệnh và điều trị ngoại trú theo đúng quy định của Bộ Y tế. Phải bố trí viên chức đưa người bệnh vào điều trị tại bệnh viện đến tận khoa điều trị.

2. Kê đơn thuốc cho người bệnh phải thực hiện đúng quy chế chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị.

3. Đảm bảo ghi chép, cập nhật chính xác số liệu người bệnh đến khám bệnh. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định.

4. Thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh, không được lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 8. Phòng, chống tham nhũng trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

2. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm chất lượng với thủ tục đơn giản, thuận tiện cho người tham gia bảo hiểm y tế.

3. Quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng cho các mục đích: Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chi phí quản lý bộ máy tổ chức bảo hiểm y tế theo định mức chi hành chính của cơ quan Nhà nước; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả; lập quỹ dự phòng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Điều 9. Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tuyển dụng, điều động cán bộ, công chức, viên chức

1. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức ngành y tế phải được thực hiện đúng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các quy định pháp luật có liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.

Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Bảo đảm tính cạnh tranh. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm. Ưu tiên tuyển chọn người dân tộc thiểu số.

Người có đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Cán bộ, công chức cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

2. Việc điều động công chức, viên chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công chức, viên chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.

Điều 10. Phòng, chống tham nhũng trong quản lý hành nghề khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, hành nghề Dược, Vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, đổi, gia hạn Chứng chỉ hành nghề hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tổ chức thẩm định để cấp, đổi hoặc gia hạn Chứng chỉ hành nghề; nếu không cấp, cấp lại, đổi hoặc không gia hạn thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, bổ sung, đổi, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tổ chức thẩm định để cấp, cấp lại, bổ sung, đổi, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; nếu không cấp, cấp lại, bổ sung, đổi, gia hạn thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

3. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm cần phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế

Thanh tra y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm và đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò trách nhiệm về việc tự kiểm tra thường xuyên, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo xảy ra tại cơ sở.

Điều 12. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện, ngăn chặn hành vi tham ô, nhũng nhiễu gây thất thoát đến ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực y tế thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không triển khai thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế được quy định tại Quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến Quy định Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế tới các đơn vị trực thuộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.