Quyết định 03/2010/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: | 03/2010/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Văn Thị Bạch Tuyết |
Ngày ban hành: | 15/10/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Đất đai, Trật tự an toàn xã hội, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2010/QĐ-UBND |
Hóc Môn, ngày 15 tháng 10 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN HÓC MÔN
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 25 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 46/2005/NĐ-CP ngày 6 tháng 04 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng;
Căn cứ Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7 tháng 12 năm 2007 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;
Căn cứ Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra Xây dựng phường, xã - thị trấn tại Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 133/2007/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về việc thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra Xây dựng phường, xã - trấn tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 150/2007/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, về việc thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng huyện và Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn thuộc huyện;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Xây dựng huyện tại Tờ trình số 23/TTr-TTrXD ngày 30 tháng 9 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Chánh Thanh tra Xây dựng huyện, Trưởng Công an huyện, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị huyện, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Trưởng Phòng Tư pháp huyện, Trưởng Đài Truyền thanh huyện, Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách đô thị Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn, Trưởng Công an xã - thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân khác liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRẬT TỰ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÓC MÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm và phương thức phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Việc phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm trong hoạt động xây dựng và lĩnh vực đất đai có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên, đảm bảo tính chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của toàn xã hội.
Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đối với công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, đất đai; đảm bảo sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, hiệu quả và sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Nội dung phối hợp phải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân phối hợp và tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác quản lý về xây dựng, đất đai; đồng thời thống nhất theo thẩm quyền, tránh chồng chéo, không làm cản trở các hoạt động hợp pháp khác.
2. Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ hoặc được phân cấp quản lý về xây dựng, đất đai phải tuân theo các quy định của pháp luật, phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc quản lý và chịu trách nhiệm vật chất có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ của mình.
3. Tôn trọng và tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trên cơ sở đồng thuận, thống nhất và tìm các giải pháp hữu hiệu.
4. Đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời trong quá trình phối hợp, dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng lực lượng đã được pháp luật quy định, đảm bảo sự đoàn kết, hiệp đồng hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy sức mạnh và hiệu quả trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm thanh tra, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, đất đai.
5. Bảo đảm yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp.
6. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cán bộ, công chức, nhân viên tham gia phối hợp.
Điều 4. Hình thức và nội dung thông tin, tài liệu trao đổi khi phối hợp
1. Thông tin, tài liệu cần trao đổi là văn bản, bảng phân công, phân nhiệm và các thông tin khác có liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai.
2. Khi cần hỗ trợ, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao, công việc vượt quá thẩm quyền trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai; trao đổi tài liệu và thông tin cần thiết đến đơn vị, cá nhân có liên quan.
3. Thông tin, tài liệu được trao đổi bằng hình thức văn bản, thông qua cuộc họp giữa các bên, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại.
Điều 5. Chế độ giao ban, báo cáo
1. Định kỳ hàng tháng, quý, năm; Thanh tra Xây dựng huyện và Ủy ban nhân dân xã - thị trấn có trách nhiệm tổng hợp tình hình kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, đất đai trên địa bàn quản lý, báo cáo đến Ủy ban nhân dân huyện.
2. Hàng tháng, quý, 6 tháng; Ủy ban nhân dân huyện tổ chức giao ban với Thanh tra Xây dựng huyện, các phòng ngành liên quan và Ủy ban nhân dân xã - thị trấn để thống nhất, đánh giá tình hình và đề ra biện pháp thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý, rút kinh nghiệm đối với các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, đất đai.
QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG CÁ NHÂN, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC PHỐI HỢP
Điều 6. Đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì
1. Cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phối hợp, trong đó xác định nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị đồng thời thông báo nội dung để các bên cùng phối hợp thực hiện.
2. Thông báo cho cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan về tình hình tham gia của cán bộ, công chức được cử tham gia; duy trì mối liên hệ với các cơ quan, đơn vị và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp được phân công.
3. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cá nhân, cơ quan, đơn vị phối hợp và các điều kiện đảm bảo khác.
4. Tổng hợp và tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cá nhân, cơ quan, đơn vị phối hợp; báo cáo cơ quan cấp trên về các vấn đề có ý kiến khác nhau.
5. Báo cáo đề xuất hoặc giải trình nội dung liên quan cho Ủy ban nhân dân huyện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình phối hợp theo quy định trong Quy chế này.
Điều 7. Đối với cơ quan, đơn vị phối hợp
1. Cơ quan, đơn vị được mời phối hợp có trách nhiệm tham gia thực hiện kế hoạch, nội dung thông báo của cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì.
2. Cung cấp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực quản lý, hoạt động.
3. Cử cán bộ, công chức, nhân viên phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để người được cử hoàn thành tốt công tác phối hợp.
4. Có ý kiến kịp thời về vấn đề mà cán bộ, công chức được cử phối hợp báo cáo. Được quyền bảo lưu ý kiến đối với các vấn đề còn chưa thống nhất. Chịu trách nhiệm về các ý kiến của đơn vị mình.
5. Cung cấp thông tin, số liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu đó. Được yêu cầu cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết, phục vụ cho công tác phối hợp.
6. Tuân thủ về thời gian góp ý kiến theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì phối hợp. Có quyền đề nghị cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì điều chỉnh thời gian phối hợp để đảm bảo chất lượng công tác.
Điều 8. Đối với cán bộ, công chức, nhân viên được cử tham gia phối hợp
1. Cán bộ, công chức, nhân viên được cử tham gia phối hợp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch công tác hoặc nội dung thông báo của cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì.
2. Có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác phối hợp của mình và chủ động đề xuất ý kiến.
3. Truyền đạt chính xác ý kiến của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (nếu có) khi phát biểu về những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan, đơn vị công tác.
4. Bảo lưu quan điểm khi ý kiến của cơ quan, đơn vị mình khác với ý kiến của các đơn vị, cá nhân khác.
5. Được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ phối hợp.
Điều 9. Trách nhiệm của Thanh tra Xây dựng huyện
1. Hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn thanh tra, kiểm tra địa bàn quản lý; phát hiện, đình chỉ và xử lý theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và các hành vi vi phạm khác liên quan đến xây dựng trên địa bàn huyện.
2. Khi thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các vi phạm xây dựng, đất đai và hành vi vi phạm khác liên quan đến xây dựng chưa được hoặc không được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn xử lý theo thẩm quyền thì Chánh Thanh tra Xây dựng huyện có quyền xử lý hoặc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn xử lý đồng thời kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn và cán bộ dưới quyền có liên quan.
3. Báo cáo, thông tin kịp thời đến người có thẩm quyền (Thanh tra Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Công an huyện,…) trong trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết hoặc cần hỗ trợ thêm lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
4. Tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả giải quyết trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin cung cấp về vi phạm xây dựng, đất đai trên địa bàn quản lý, đến người cung cấp thông tin.
5. Phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện nhằm hạn chế vi phạm phát sinh.
6. Cung cấp thông tin đến Đài Truyền thanh huyện để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp vi phạm và hình thức xử lý liên quan đến xây dựng, đất đai trên địa bàn quản lý.
7. Báo cáo đột xuất, định kỳ đến Thanh tra Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai trên địa bàn huyện.
8. Lập đường dây nóng qua số điện thoại 39447573 và thông tin trên Bản tin, Đài truyền thanh toàn huyện để người dân biết, cung cấp thông tin.
9. Thực hiện các công việc khác liên quan theo quy định của pháp luật hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao
Điều 10. Trách nhiệm của Công an huyện
Công an huyện có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện các công tác khác trong việc phối hợp hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân huyện.
Chỉ đạo Công an các xã - thị trấn và các đội nghiệp vụ thuộc Công an huyện thực hiện các nội dung được nêu trong quyết định hành chính, quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng có liên quan.
Điều 11. Trách nhiệm của Phòng Quản lý đô thị huyện
1. Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân huyện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo quy định pháp luật; tham mưu Ủy ban nhân dân huyện quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp.
2. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã - thị trấn công bố quy hoạch chi tiết xây dựng.
3. Thụ lý, tham mưu và giải quyết công tác cấp, thu hồi giấy phép xây dựng; giấy phép tạm thời sử dụng lòng đường, lề đường; giấy phép đào đường theo thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan.
4. Hướng dẫn và cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu về xây dựng, về quy hoạch xây dựng, lộ giới, chỉ giới các loại hành lang an toàn trên địa bàn cho Thanh tra Xây dựng huyện thực thi nhiệm vụ.
5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thanh tra Xây dựng huyện kiểm tra việc tuân thủ các nội dung, trình tự đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công đối với các công trình thuộc thẩm quyền theo phân cấp.
Điều 12. Trách nhiệm của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện
1. Lập, thẩm định và công bố quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện để tổ chức, cá nhân và nhân dân thực hiện.
2. Cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cho Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thanh tra Xây dựng huyện phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng, đất đai.
3. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, cập nhật biến động nhà đất.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thanh tra Xây dựng huyện trong kiểm tra việc sử dụng đất nhằm kịp thời xử lý khi có vi phạm phát sinh.
Điều 13. Trách nhiệm của phòng Nội vụ huyện
Phòng Nội vụ huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng nhân sự công tác tại Thanh tra Xây dựng huyện, xã - thị trấn theo quy định nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân sự phục vụ công tác phối hợp hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai trên địa bàn huyện. Tham mưu tổ chức các lớp học, khóa đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác thanh kiểm tra trật tự xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai. Tham mưu khen thưởng, động viên kịp thời lực lượng làm công tác và các cá nhân, tổ chức, có đóng góp tích cực; đồng thời tham mưu xử lý kỷ luật các trường hợp có sai phạm không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện
Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kinh phí phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, quản lý đất đai theo đúng các quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của Phòng Tư pháp huyện
Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Thanh tra Xây dựng huyện tổ chức tập huấn và tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, đất đai cho lực lượng làm công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; cán bộ tư pháp các xã - thị trấn; Trưởng, phó ban ấp - khu phố; Tổ trưởng, Tổ phó Tổ nhân dân, Tổ dân phố; Tổ hòa giải và nhân dân các xã - thị trấn.
Điều 16. Trách nhiệm của Đài truyền thanh huyện, Đài truyền thanh xã-thị trấn
Đài truyền thanh huyện, Đài truyền thanh xã - thị trấn có trách nhiệm phát thanh thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan, phản ánh kịp thời tình hình vi phạm và kết quả xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã - thị trấn
1. Tổ chức niêm yết, hướng dẫn nhân dân biết để thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, trình tự thủ tục xin cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà, chuyển đổi mục đích sử dụng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt.
2. Chủ động thông tin đến Mặt trận, đoàn thể xã - thị trấn để phối hợp, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định pháp luật về sử dụng đất, về xây dựng.
3. Chỉ đạo Ban Điều hành Khu phố, Ban nhân dân Ấp, Tổ Trưởng Tổ dân phố, Tổ Nhân dân đưa vào chương trình họp dân định kỳ hàng tháng việc tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật; nhắc nhở hộ dân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa, mua bán nhà, thay đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân xã - thị trấn để xem tình trạng căn nhà, thửa đất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phản ảnh kịp thời cho Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn, Thanh tra Xây dựng huyện xử lý ngay các trường hợp chuẩn bị phát sinh hoặc đã phát sinh vi phạm về sử dụng đất, về trật tự xây dựng.
4. Chỉ đạo Đài truyền thanh xã - thị trấn thường xuyên đưa tin phổ biến các quy định của pháp luật và tình hình vi phạm trên địa bàn vào chương trình phát thanh của xã - thị trấn; qua đó nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đúng pháp luật, hạn chế vi phạm trong hoạt động xây dựng, lĩnh vực sử dụng đất, san lấp mặt bằng.
5. Chỉ đạo lực lượng Công an xã - thị trấn phối hợp, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về xây dựng, đất đai và các hành vi vi phạm khác liên quan đến xây dựng trên địa bàn; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho các lực lượng tham gia thực hiện các quyết định có hiệu lực pháp luật (cưỡng chế).
6. Chỉ đạo công chức phụ trách địa chính - xây dựng cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu quy định về xây dựng, quy hoạch, lộ giới, chỉ giới các loại hành lang an toàn trên địa bàn cho Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn thực thi nhiệm vụ.
7. Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các ban ngành, đoàn thể rà soát, kiểm tra các khu vực có tình trạng san lấp, phân lô bán nền trái phép; xác định các đối tượng là “đầu nậu”, các tổ chức, cá nhân nhận thầu xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
8. Báo cáo kịp thời đến người có thẩm quyền (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chánh Thanh tra Xây dựng huyện, thủ trưởng cơ quan cung cấp điện, nước) trong trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết hoặc cần hỗ trợ thêm lực lượng; nhằm tập trung xử lý dứt điểm; bố trí cán bộ trực thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh, đồng bộ, hiệu quả, ngăn chặn ngay từ đầu hành vi vi phạm.
9. Tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả giải quyết trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin cung cấp về vi phạm xây dựng, đất đai trên địa bàn quản lý, đến người cung cấp thông tin nhằm hạn chế vi phạm phát sinh.
10. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất đến Ủy ban nhân dân huyện, và Thanh tra Xây dựng huyện về tình hình vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, trật tự lòng lề đường nơi công cộng và các vi phạm khác liên quan lĩnh vực xây dựng trên địa bàn quản lý.
11. Thực hiện các công việc khác liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thể xã - thị trấn
1. Phối hợp với các ban ngành; Ban Điều hành ấp, khu phố; Tổ trưởng Tổ Nhân dân, Tổ Dân phố tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng nhằm góp phần hạn chế vi phạm phát sinh; vận động nhân dân chấp hành việc tự tháo dỡ công trình vi phạm mới phát sinh nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội.
2. Tham gia giám sát việc chính quyền thực thi pháp luật và giám sát việc chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn đối với lĩnh vực đất đai, xây dựng.
3. Phối hợp cung cấp các thông tin liên quan cho chính quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý ngay các hành vi vi phạm xây dựng, san lấp mặt bằng.
Điều 19. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn theo quy định của pháp luật. Phân công, bố trí, điều động và chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Thông báo việc phân công lực lượng Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn phụ trách các công việc đến Thanh tra Xây dựng huyện và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.
2. Đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng, sử dụng đất trên địa bàn; ban hành kịp thời, đúng trình tự Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền.
3. Xử lý theo quy định đối với những cán bộ, công chức, nhân viên, cộng tác viên được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm.
4. Chủ động thông tin đến Trưởng Công an, Mặt trận, các Đoàn thể xã - thị trấn, thủ trưởng cơ quan cung cấp điện, nước trong trường hợp cần phối hợp, hỗ trợ thêm lực lượng nhằm hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ khác (thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế,…) trong công tác quản lý địa bàn về đất đai, xây dựng. Báo cáo kịp thời đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Thanh tra Xây dựng huyện trong trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết.
5. Thực hiện các công việc khác liên quan theo quy định của pháp luật và sự phân công Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Điều 20. Trách nhiệm của Công an xã - thị trấn
1. Phối hợp chặt chẽ với ban ngành, Mặt trận, Đoàn thể xã-thị trấn và lực lượng Thanh tra Xây dựng huyện, xã - thị trấn rà soát kiểm tra các khu vực có tình trạng san lấp, phân lô bán nền trái phép, xác định những cá nhân, tổ chức có hành vi đầu cơ, môi giới chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bất động sản trái với quy định của pháp luật để lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
2. Ban Chỉ huy Công an xã - thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, nhắc nhở công an khu vực thường xuyên bám địa bàn phụ trách, nếu có phát hiện công trình xây dựng đang được khởi công hoặc có san lấp mặt bằng thì trong vòng 12 giờ phải báo cáo cho Ban Chỉ huy Công an xã - thị trấn biết, đồng thời thông tin kịp thời cho Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn biết để kiểm tra, xử lý theo quy định.
3. Khi có Quyết định đình chỉ thi công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn hoặc Chánh Thanh tra Xây dựng huyện, Công an xã - thị trấn có trách nhiệm cử cán bộ, chiến sĩ Công an chốt tại hiện trường vi phạm xây dựng, cấm các phương tiện chuyên chở vật liệu và công nhân xây dựng vào hiện trường cho đến khi chủ thể vi phạm chấp hành quyết định đình chỉ thi công và tự tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng. Trường hợp cần thiết có thể tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn điều động các lực lượng hỗ trợ.
4. Tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xử lý khi xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ, tiến hành các công tác khác trong việc phối hợp thực hiện công tác quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng.
Điều 21. Trách nhiệm của Thanh tra Xây dựng xã - thị trấn
1. Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra địa bàn, áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm; xử lý theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định hành chính và thực hiện quản lý toàn diện về xây dựng (tập kết vật liệu xây dựng, đào móng…), đất đai (đào đất, san lấp…).
2. Tiếp nhận, xử lý và phản hồi kết quả giải quyết trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin cung cấp về vi phạm xây dựng, đất đai trên địa bàn quản lý, đến Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị Ủy ban nhân dân xã - thị trấn.
3. Báo cáo định kỳ, đột xuất đến Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị Ủy ban nhân dân xã - thị trấn, Thanh tra Xây dựng huyện về tình hình vi phạm, kết quả xử lý và việc thực hiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn.
4. Chủ động báo cáo, đề xuất xin ý kiến đến Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị Ủy ban nhân dân xã - thị trấn trong trường hợp cần phối hợp các lực lượng trong hệ thống chính trị để hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ khác (thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế,…) trong công tác quản lý địa bàn về đất đai, xây dựng.
5. Thực hiện các công việc khác liên quan theo quy định của pháp luật và sự phân công của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị Ủy ban nhân dân xã - thị trấn.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải thực hiện nghiêm chỉnh, đúng thời hạn yêu cầu trong Quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của các cấp có thẩm quyền.
Đối với cơ quan cung cấp điện, sau khi cắt điện của công trình vi phạm xây dựng thì phải có biện pháp ngăn chặn việc câu điện nhờ từ các hộ kế cận.
NHỮNG HÀNH VI KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM TRONG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Điều 23. Những hành vi không được phép làm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia, phối hợp
Ngoài việc phải tuân theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, lao động; cán bộ, công chức, nhân viên thuộc các cơ quan, đơn vị tham gia phối hợp không được thực hiện các nội dung sau:
1. Gây khó khăn, trở ngại cho người dân có nhu cầu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cập nhật biến động sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng,…khi đã thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục, giấy tờ cần thiết theo quy định.
2. Không kịp thời báo cáo cho cơ quan và người có thẩm quyền biết khi đã phát hiện các trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn mình phụ trách.
3. Thông đồng để dung túng, bao che, không xử lý kịp thời các công trình xây dựng vi phạm, chủ thể vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
4. Sách nhiễu, gây khó khăn cho chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu trong thi công xây dựng công trình khi đã có đủ các hồ sơ, thủ tục, giấy phép và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.
5. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp, hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phối hợp không chấp hành nghiêm túc chế độ trách nhiệm trong hoạt động phối hợp theo Quy chế này sẽ bị xem xét kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
2. Cán bộ, công chức, nhân viên, được cử tham gia phối hợp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định trong Quy chế này sẽ bị xem xét xử lý theo pháp luật.
1. Chánh Thanh tra Xây dựng huyện, Trưởng Công an huyện, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị huyện, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Trưởng Phòng Tư pháp huyện, Trưởng Đài Truyền thanh huyện, Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn, Trưởng Công an xã - thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm thi hành Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp thì Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có ý kiến, Chánh Thanh tra Xây dựng huyện có trách nhiệm tổng hợp và đề xuất Ủy ban nhân dân huyện xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai Ban hành: 11/11/2009 | Cập nhật: 13/11/2009
Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở Ban hành: 27/02/2009 | Cập nhật: 03/03/2009
Quyết định 133/2007/QĐ-UBND thí điểm thành lập Thanh tra Xây dựng quận - huyện và Thanh tra xây dựng phường - xã, thị trấn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Ban hành: 23/11/2007 | Cập nhật: 27/11/2007
Nghị định 180/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị Ban hành: 07/12/2007 | Cập nhật: 18/12/2007
Quyết định 133/2007/QĐ-UBND Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TU về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2007-2010 Ban hành: 19/11/2007 | Cập nhật: 23/07/2013
Quyết định 133/2007/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác cát trên các sông thuộc địa bàn thành phồ Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Ban hành: 15/11/2007 | Cập nhật: 23/11/2007
Quyết định 89/2007/QĐ-TTg thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh Ban hành: 18/06/2007 | Cập nhật: 23/06/2007
Nghị định 46/2005/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng Ban hành: 06/04/2005 | Cập nhật: 02/04/2013