Quyết định 01/2011/QĐ-UBND Quy chế phối hợp về tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: | 01/2011/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Dương | Người ký: | Huỳnh Văn Nhị |
Ngày ban hành: | 05/01/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2011/QĐ-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 05 tháng 01 năm 2011 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 47/TTr-STTTT, ngày 23 tháng 12 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp về tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường,Tài chính, Ban quản lý các khu công nghiệp và Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
PHỐI HỢP VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01 /2011 /QĐ-UBND ngày 5 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định nguyên tắc, phương thức và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng viễn thông.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến quản lý và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.
b) Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng viễn thông.
1. Cơ sở hạ tầng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, mạng viễn thông và công trình viễn thông.
2. Công trình viễn thông là công trình xây dựng bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm, cột, cống, bể) và thiết bị mạng lắp đặt vào đó.
1.Mục đích:
a) Nhằm xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan liên quan trong việc chủ trì và phối hợp quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng viễn thông để phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời giữ sạch đẹp cảnh quan môi trường.
b) Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng viễn thông.
2.Yêu cầu:
a) Công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông. Các đường cáp viễn thông, đường dây thuê bao được kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố, đường điện để thuận tiện cho việc lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ công trình. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, bến cảng và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng;
b) Quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, các khu đô thị, khu hành chính tập trung, khu công nghiệp, khu dân cư, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải kèm theo quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và thuận lợi cho việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông;
c) Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và là nội dung bắt buộc trong các quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Điều 4. Nguyên tắc và phương thức phối hợp
1. Nguyên tắc phối hợp:
Công tác phối hợp giữa các cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cơ sở hạ tầng viễn thông được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Nội dung phối hợp phải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tham gia phối hợp;
b) Bảo đảm tính khách quan trong quá trình phối hợp;
c) Bảo đảm yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời hạn phối hợp;
d) Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia phối hợp, đồng thời hoạt động phối hợp của các cá nhân không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ quan phối hợp liên quan.
2. Phương thức phối hợp:
Tùy theo tính chất, nội dung của chương trình công tác phối hợp, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp sau đây:
a) Lấy ý kiến bằng văn bản;
b) Tổ chức họp;
c) Lập tổ chức phối hợp liên cơ quan (ban chỉ đạo, tổ chuyên viên) để triển khai tổ chức thực hiện;
d) Khảo sát, điều tra, cung cấp thông tin về những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan phối hợp.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 5. Sở Thông tin và Truyền thông.
Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng tại các huyện, thị.
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo việc sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật giữa viễn thông với điện lực, giao thông công chánh theo quy định chung của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan. Các công trình giao thông, cấp nước, thoát nước, viễn thông, điện lực… phải được triển khai đồng bộ khi sửa chữa, xây dựng mới các tuyến đường, khu đô thị, khu công nghiệp…
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chỉnh trang, treo lại và ngầm hoá các mạng cáp thông tin (viễn thông, phát thanh, truyền hình) tại địa phương, đặc biệt là tại các đô thị; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định của pháp luật tham gia xã hội hoá công tác đầu tư xây dựng cống, bể cáp, cột ăng ten cho các doanh nghiệp thuê để ngầm hoá mạng cáp thông tin và lắp đặt thiết bị cho các trạm thu, phát sóng thông tin di động (gọi tắt là trạm BTS) theo quy chuẩn và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã ban hành.
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, đưa tin về mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Hướng dẫn các cơ quan báo chí, các đài truyền thanh tuyên truyền phổ biến, cung cấp đầy đủ và khách quan thông tin về an toàn bức xạ vô tuyến điện đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng; các quy định về xây dựng, lắp đặt các đài, trạm vô tuyến điện để người dân an tâm, đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các đài, trạm này.
Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các quy định về công trình viễn thông.
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hướng dẫn đưa nội dung quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động vào các quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 cùng với các nội dung sẵn có về điện, cấp nước, thoát nước.
Chỉ đạo hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ sở các hệ thống công trình kỹ thuật xây dựng.
Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các quy định về xây dựng đối với công trình viễn thông đặc biệt là trạm BTS và các tuyến cáp.
Điều 7. Sở Giao thông Vận tải.
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hướng dẫn đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông.
Chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế cơ sở xây dựng cầu, đường.
Điều 8. Sở Tài nguyên và Môi trường.
Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
Chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Dương :
Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật điện, đặc biệt là hệ thống cột điện trong phạm vi quyền hạn quản lý với giá thuê trên cơ sở giá thành, hợp tác cùng phát triển và vì lợi ích công cộng.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp viễn thông chỉnh trang việc treo cáp thông tin trên trụ điện dọc theo các tuyến đường đặc biệt là tại các khu đô thị.
Ưu tiên cấp điện cho các công trình hạ tầng viễn thông.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê hạ tầng kỹ thuật công cộng (xây dựng, giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông, phát thanh truyền hình) trên cơ sở thúc đẩy dùng chung giữa các ngành; tiết kiệm, hiệu quả trong đầu tư và giữ sạch đẹp cảnh quan môi trường.
Điều 11. Ban quản lý các khu công nghiệp và Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam- Singapore.
Tạo điều kiện thuận lợi để nhiều doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp.
Phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông trong các khu công nghiệp.
Điều 12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông với chất lượng cao cho nhu cầu của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Chỉ đạo phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về kiến trúc đô thị đối với các công trình viễn thông, đặc biệt là các tuyến cáp treo và trạm BTS.
Điều 13. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình.
Tích cực đưa tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông nói chung, việc xây dựng mạng ngoại vi nói riêng.
Điều 14. Các doanh nghiệp viễn thông.
Tích cực phát triển hạ tầng viễn thông đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tiếp tục phổ cập dịch vụ viễn thông, nâng cao mật độ thuê bao điện thoại và Internet.
Chú trọng tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông như trạm BTS, mạng ngoại vi trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm định công trình, quy hoạch, đầu tư và xây dựng cơ bản.
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là mạng ngoại vi và các trạm BTS.
Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông khác trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ môi trường.
Lập kế hoạch, lộ trình để từng bước triển khai ngầm hóa các mạng cáp tại các khu đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông, Đề án ngầm hóa mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin về hạ tầng viễn thông theo quy định của pháp luật theo định kỳ và khi có yêu cầu của của Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 15.Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì theo Quy chế này
Thủ trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm cụ thể sau đây:
1. Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ được giao;
2. Yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị phối hợp công tác;
3. Thông báo về Văn phòng UBND tỉnh những cơ quan phối hợp không thực hiện trách nhiệm phối hợp theo yêu cầu.
Điều 16. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan thực hiện công tác phối hợp theo Quy chế này
Thủ trưởng các cơ quan thực hiện công tác phối hợp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động phối hợp của cơ quan mình và có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phối hợp.
Điều 17. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (làm đầu mối) giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều phối hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân, duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác phối hợp, cụ thể:
1. Chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị.
2. Giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm định kỳ hàng năm về công tác phối hợp.
3. Tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị.
4. Họp với các Sở, ban, ngành để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác phối hợp khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, khó khăn, các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.