Quyết định 01/2009/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2009-2013 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành
Số hiệu: 01/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Hoàng Thương Lượng
Ngày ban hành: 19/02/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hành chính tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 01/2009/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 19 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2009-2013

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp từ nhân dân;
Căn cứ Văn bản số 6263/BTC-NSNN ngày 30/5/2008 của Bộ Tài chính về việc bố trí kinh phí mua biểu mẫu hộ tịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 68/TTr-STP ngày 06/11/2008
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2009-2013.

Điều 2. Giao cho Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; Định kỳ 6 tháng và hàng năm tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hoàng Thương Lượng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2009 – 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2009/QĐ-UBND ngày 19/02/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Đảm bảo mọi công dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật; Giải quyết tình trạng trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không có đăng ký kết hôn, các trường hợp chết không đăng ký khai tử, cho và nhận con nuôi không đăng ký; Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn.

- Nâng cao tính tự giác, trách nhiệm và thói quen của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

- Nắm bắt kịp thời thực trạng dân số và sự biến động về dân số, trên cơ sở đó góp phần bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình, xây dựng một cách phù hợp các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, dân số kế hoạch hoá gia đình.

- Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

2. Yêu cầu:

- Giải quyết triệt để các việc hộ tịch phát sinh đã được thống kê nhưng đến nay chưa được giải quyết xong;

- Các việc hộ tịch phát sinh, thay đổi, chấm dứt mới hàng năm phải được thống kê giải quyết đầy đủ, kịp thời đúng thời gian, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG

Các việc cần thực hiện:

- Đăng ký các việc về: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch; xác định lại giới tính; xác định lại dân tộc;

- Hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp huyện, thị xã, thành phố và cán bộ tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn;

- Mua và cung cấp sổ sách, biểu mẫu hộ tịch;

- Tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch;

- Vận động, thuyết phục các trường hợp tảo hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.

2. Giải pháp thực hiện:

a. Thời gian thực hiện các việc hộ tịch phát sinh đã được thống kê nhưng đến nay chưa được giải quyết xong.

- Về việc sinh: Chuẩn bị đủ biểu mẫu hộ tịch, sổ hộ tịch hoàn thành việc đăng ký khai sinh cho 1.989 trường hợp trong tháng 3, 4, 5 năm 2009;

 - Về kết hôn: Chuẩn bị đủ biểu mẫu hộ tịch, sổ hộ tịch hoàn thành việc đăng ký kết hôn cho 752 cặp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng chưa đăng ký kết hôn trong tháng 6 và 7 năm 2009.

- Về khai tử: Chuẩn bị đủ biểu mẫu hộ tịch, sổ hộ tịch hoàn thành việc đăng ký 615 trường hợp tử trong tháng 8 và 9 năm 2009;

- Về tảo hôn: Tuyên truyền, vận động thuyết phục 400 trường hợp tảo hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.

b. Thực hiện các việc hộ tịch phát sinh, thay đổi, chấm dứt mới hàng năm

Bao gồm các việc: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; xác định lại giới tính. Được thực hiện như sau:

- Cán bộ tư pháp hộ tịch căn cứ từng loại việc để xem xét, thụ lý hồ sơ, kiểm tra, xác minh và đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét quyết định việc đăng ký hộ tịch đảm bảo đúng thời gian, trình tự thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật.

- Thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch. Đối với những địa phương người dân còn bị chi phối bởi phong tục, tập quán hoặc đi lại khó khăn, cán bộ tư pháp hộ tịch phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để đăng ký những sự kiện hộ tịch đã phát sinh.

- Cán bộ tư pháp hộ tịch phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp xã về những sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn quản lý mà không được đăng ký đúng quy định.

- Tuyên truyền, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những xã, thôn, bản làm tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đồng thời cũng phản ánh đầy đủ những xã, thôn, bản còn chưa làm tốt công tác này. Chú trọng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm trang bị cho họ những kiến thức, sự hiểu biết cần thiết về pháp luật hộ tịch.

- Đối với trường hợp xin xác định lại dân tộc, hướng dẫn đương sự đến Phòng Tư pháp cấp huyện nơi đăng ký khai sinh trước đây thực hiện việc xác định lại dân tộc.

c. Kinh phí mua sổ hộ tịch và biểu mẫu hộ tịch

Nguồn kinh phí 5 năm thực hiện kế hoạch được cấp từ Ngân sách của tỉnh gồm các việc hộ tịch đã thống kê cho đến ngày xây dựng kế hoạch nhưng chưa được giải quyết và số việc hộ tịch đã thực hiện năm 2007 là 276.456.850 làm căn cứ xây dựng dự toán kinh phí cụ thể như sau:

- Kinh phí mua sổ và biểu mẫu dùng cho các trường hợp chưa đăng ký tính đến ngày thống kê xây dựng Kế hoạch là 21.336.000đ (hai mươi mốt triệu ba trăm ba mươi sáu nghìn đồng chẵn) - phụ lục 01 chi tiết kèm theo.

- Kinh phí mua biểu mẫu và sổ hộ tịch để đăng ký trong 5 năm thực hiện Kế hoạch là 1.382.284.250đ (Một tỷ, ba trăm tám mươi hai triệu, hai trăm tám mươi bốn nghìn, hai trăm năm mươi đồng) - phụ lục số 12 kèm theo.

Tổng kinh phí 5 năm thực hiện kế hoạch (2009- 2013) là 1.403.620.250đ (Một tỷ bốn trăm linh ba triệu sáu trăm hai mươi nghìn hai trăm năm mươi đồng) - phụ lục số 12 kèm theo.

d. Kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm

Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện, cấp xã. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ thống kê các đối tượng cần bồi dưỡng nghiệp vụ để xây dựng kế hoạch và kinh phí thực hiện trong kinh phí đào tạo bồi dưỡng hàng năm của Sở Nội vụ.

đ. Cung cấp sổ, biểu mẫu hộ tịch

Sở Tư pháp căn cứ vào số liệu thống kê của Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố đã lập để cấp cho Phòng Tư pháp theo từng loại biểu mẫu, sổ hộ tịch. Đồng thời hàng năm Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện thông qua số lượng biểu mẫu, sổ sách đã cấp và thông qua các việc hộ tịch đã được giải quyết.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo nội dung kế hoạch.

- Định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh;

- Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí được cấp, mua đủ sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch.

2. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân các cấp rà soát, đánh giá chất lượng, năng lực hoạt động, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp huyện, cấp xã, trên cơ sở đó hàng năm có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính xem xét kế hoạch kinh phí đăng ký và quản lý hộ tịch hàng năm để tổng hợp vào dự toán chi Ngân sách, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét kế hoạch kinh phí đăng ký và quản lý hộ tịch hàng năm, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái

Phối hợp với các ngành chức năng và các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hộ tịch, đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho các đối tượng là đồng bào dân tộc tại địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa về trách nhiệm, nghĩa vụ trong đăng ký hộ tịch.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tuyên truyền vận động, đăng ký và quản lý hộ tịch cho nhân dân thuộc địa bàn quản lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hộ tịch.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác quản lý và đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2009 - 2013.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN