Quy chế 1192/QC-BYT-BTP năm 2014 phối hợp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV
Số hiệu: | 1192/QC-BYT-BTP | Loại văn bản: | Quy chế |
Nơi ban hành: | Bộ Tư pháp, Bộ Y tế | Người ký: | Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thúy Hiền |
Ngày ban hành: | 01/12/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, Bổ trợ tư pháp, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ Y TẾ - BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1192/QC-BYT-BTP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2014 |
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Để tăng cường công tác phối hợp giữa Ngành Y tế và Ngành Tư pháp, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV như sau:
Tạo cơ chế phối hợp giữa Ngành Y tế và Ngành Tư pháp từ trung ương tới địa phương, nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường khả năng tiếp cận của người nhiễm HIV với dịch vụ trợ giúp pháp lý trên phạm vi cả nước; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Y tế trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
1. Bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phối hợp của Ngành Y tế và Ngành Tư pháp theo quy định pháp luật và nội dung Quy chế này.
2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi ngành, trong đó đề cao sự chủ động trong việc gắn các hoạt động phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành.
3. Bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, minh bạch, thường xuyên, liên tục và đạt chất lượng, hiệu quả trong quá trình phối hợp công tác, trao đổi thông tin và giải quyết công việc trên cơ sở các quy định của pháp luật.
1. Phối hợp trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS
a) Thực hiện việc đánh giá nhu cầu xây dựng pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS;
b) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
- Sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nhiễm HIV;
- Xây dựng cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
- Đơn giản hóa thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
- Đề xuất chính sách nhằm khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
c) Thực hiện việc xin ý kiến của hai ngành trong quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
d) Thực hiện hoạt động theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý, bao gồm cả việc tổ chức các đoàn công tác liên ngành khảo sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và trợ giúp pháp lý.
a) Tổ chức truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các cán bộ thuộc Ngành Tư pháp và truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV cho các cán bộ thuộc Ngành Y tế;
b) Mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV trên ấn phẩm, phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Ngành Y tế và Ngành Tư pháp;
c) Lồng ghép việc giới thiệu về trợ giúp pháp lý và phòng, chống HIV/AIDS trong hoạt động của Ngành Y tế và Ngành Tư pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
- Giới thiệu về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV trong các tài liệu, hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS;
- Giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trong các tài liệu, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý.
d) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) cung cấp Bảng tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý, đơn đề nghị trợ giúp pháp lý cho các đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Ngành Y tế để niêm yết tại trụ sở.
3. Phối hợp hoạt động trong công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
a) Lồng ghép nội dung về trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và người trực tiếp điều trị cho người bị nhiễm HIV;
b) Lồng ghép nội dung về phòng, chống HIV/AIDS trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Ngành Tư pháp, trong đó đặc biệt chú ý việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người thực hiện trợ giúp pháp lý;
c) Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, đồng thời, cử người có năng lực chuyên môn làm báo cáo viên, giảng viên tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của mỗi bên.
4. Phối hợp hoạt động trong huy động nguồn lực
a) Khuyến khích, vận động cán bộ, nhân viên Ngành Y tế làm cộng tác viên tư vấn về HIV/AIDS cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nhiễm HIV;
b) Khuyến khích, vận động người thực hiện trợ giúp pháp lý làm cộng tác viên tư vấn về pháp luật của tổ chức thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
c) Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV; khuyến khích người nhiễm HIV tham gia tuyên truyền, giới thiệu về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý;
d) Huy động các nguồn tài chính, trang thiết bị từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
đ) Khuyến khích sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ kinh phí trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
5. Phối hợp hoạt động trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý
a) Giới thiệu, chuyển tiếp người nhiễm HIV có nhu cầu trợ giúp pháp lý đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; lồng ghép giữa tư vấn về HIV/AIDS với thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; thực hiện tư vấn pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế.
Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, nếu phát hiện người nhiễm HIV có nhu cầu về chăm sóc y tế thì giới thiệu, chuyển tiếp họ đến cơ sở y tế;
b) Cử cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý; bố trí địa điểm thuận lợi để người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc tư vấn pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Ngành Y tế;
c) Phối hợp nghiên cứu, xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
d) Lồng ghép truyền thông cho người nhiễm HIV với hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại địa phương;
đ) Lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý trong sinh hoạt của các nhóm người nhiễm HIV.
1. Đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện Quy chế
a) Ở Trung ương: Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp.
b) Ở địa phương:
- Sở Y tế và Sở Tư pháp;
- Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế
a) Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế; Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế và các đơn vị chuyên môn từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và quy định của Quy chế này, trong đó, Ngành Y tế chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện các nội dung quy định tại điểm a Khoản 1; điểm a Khoản 3; điểm a Khoản 4 và đoạn 1 điểm a Khoản 5 Mục III của Quy chế này.
b) Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các đơn vị chuyên môn từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế trong việc phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và quy định của Quy chế này, trong đó, Ngành Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện các nội dung quy định tại điểm b Khoản 1; điểm d Khoản 2; điểm b Khoản 3; điểm b Khoản 4 và đoạn 2 điểm a Khoản 5 Mục III của Quy chế này.
c) Sở Y tế và Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp trên địa bàn.
d) Căn cứ các nội dung của Quy chế này và tình hình thực tế của địa phương, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế trong việc xây dựng Kế hoạch triển khai trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện
a) Xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch sau khi được ban hành.
b) Cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV theo kế hoạch hoạt động hằng năm hoặc theo yêu cầu thực tiễn.
c) Chia sẻ thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV được phát hiện trong quá trình kiểm tra, theo dõi.
4. Trao đổi thông tin, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế
a) Tổ chức giao ban luân phiên giữa Ngành Tư pháp và Ngành Y tế để đánh giá việc triển khai thực hiện Quy chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn (nếu có) theo tần suất như sau:
- Giao ban giữa Bộ Y tế và Bộ Tư pháp theo định kỳ 01 năm/lần;
- Giao ban giữa Sở Y tế và Sở Tư pháp theo định kỳ 06 tháng/lần;
- Giao ban giữa Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước theo định kỳ 03 tháng/lần;
b) Định kỳ 03 năm/lần, luân phiên tổ chức sơ kết đánh giá quá trình thực hiện Quy chế.
5. Điều khoản thi hành
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có sửa đổi, bổ sung phải được hai Cơ quan thỏa thuận, thống nhất. Trường hợp phát sinh khó khăn vướng mắc, cần bổ sung, sửa đổi, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị và phát hiện, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp sẽ cùng nhau nghiên cứu, trao đổi để thống nhất giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
- Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Tư pháp (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để biết);
- Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp (để biết);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để chỉ đạo thực hiện)
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để chỉ đạo thực hiện)
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để chỉ đạo thực hiện)
- Các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục thuộc Bộ Y tế và Bộ Tư pháp;
- Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để thực hiện)
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; (để thực hiện)
- Cổng TTĐT Bộ Y tế và Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT hai Bộ, Cục TGPL, Vụ PLHCHS - Bộ Tư pháp, Cục PC AIDS, Vụ PC - Bộ Y tế (02b).
Nghị định 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp Ban hành: 13/03/2013 | Cập nhật: 14/03/2013
Nghị định 63/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế Ban hành: 31/08/2012 | Cập nhật: 01/09/2012