Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001
Số hiệu: 38/2001/PL-UBTVQH10 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 28/08/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/12/2001 Số công báo: Số 45
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2001/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2001

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 38/2001/PL-UBTVQH10 NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Để thống nhất quản lý nhà nước về phí và lệ phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001;
Pháp lệnh này quy định về phí và lệ phí.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Pháp lệnh này quy định thẩm quyền ban hành và việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 2

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 3

Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 4

Pháp lệnh này không điều chỉnh đối với phí bảo hiểm xã hội, phí bảo hiểm y tế và các loại phí bảo hiểm khác.

Điều 5

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về phí, lệ phí khác với Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 6

Tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí bao gồm:

1- Cơ quan thuế nhà nước;

2- Cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện công việc mà pháp luật quy định được thu phí, lệ phí.

Điều 7

Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí; sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.

Chương 2:

THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 8

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 9

Chính phủ có thẩm quyền:

1- Quy định chi tiết Danh mục phí và lệ phí do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành;

2- Quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí;

3- Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với một số phí, lệ phí quan trọng thực hiện trong cả nước; giao hoặc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các phí, lệ phí khác;

4- Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục phí và lệ phí.

Điều 10

Bộ Tài chính có thẩm quyền:

1- Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về phí và lệ phí để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền;

2- Căn cứ vào quy định chi tiết của Chính phủ, quy định mức thu cụ thể đối với từng loại phí, lệ phí; hướng dẫn xác định mức thu phí, lệ phí cho các cơ quan được phân cấp quy định mức thu;

3- Quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các phí, lệ phí thuộc thẩm quyền;

4- Hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được.

Điều 11

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu phí, lệ phí được phân cấp do Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chương 3:

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 12

Việc xác định mức thu phí căn cứ vào các nguyên tắc sau đây:

1- Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ;

2- Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Điều 13

Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí, phù hợp với thông lệ quốc tế; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ.

Điều 14

1- Phí, lệ phí thu tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật quy định được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ.

2- Phí, lệ phí thu ở nước ngoài được thu bằng tiền của nước sở tại hoặc bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Điều 15

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải lập và cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp không được cấp chứng từ hoặc cấp chứng từ không đúng quy định thì đối tượng nộp phí, lệ phí có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí cấp chứng từ thu hoặc khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 16

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải niêm yết hoặc thông báo công khai tại địa điểm thu về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu và cơ quan quy định thu.

Điều 17

1- Phí thu từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Trường hợp tổ chức thu đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thu phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước;

b) Trường hợp tổ chức thu không được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Trường hợp tổ chức thu được uỷ quyền thu phí ngoài chức năng, nhiệm vụ thường xuyên thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2- Chính phủ quy định phần phí được để lại và việc quản lý, sử dụng phần phí được để lại quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 18

Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí thu được theo quy định của pháp luật.

Điều 19

1- Mọi khoản lệ phí thu được đều thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp uỷ quyền thu thì tổ chức được uỷ quyền thu lệ phí được để lại một phần trong số lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2- Chính phủ quy định phần lệ phí được để lại và việc quản lý, sử dụng phần lệ phí được để lại quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20

Phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 21

Chính phủ quy định việc miễn, giảm phí, lệ phí trong những trường hợp cần thiết.

Chương 4:

TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN

Điều 22

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều 23

Tổ chức, cá nhân thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí.

Điều 24

Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải chịu thuế.

Điều 25

Phí không thuộc ngân sách nhà nước do các tổ chức, cá nhân thu theo quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh này phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 26

1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phí và lệ phí.

2- Bộ Tài chính giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phí và lệ phí.

3- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí;

b) Theo dõi, kiểm tra hoạt động thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí;

c) Thực hiện thanh tra tài chính theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí;

d) Xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phí và lệ phí;

đ) Bãi bỏ, đình chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền.

Điều 27

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:

1- Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;

2- Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;

3- Báo cáo tình hình thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật;

4- Đề xuất với Chính phủ về những hoạt động cần thu phí, lệ phí; kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu đối với từng loại phí, lệ phí.

Điều 28

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về phí và lệ phí ở địa phương, có trách nhiệm:

1- Tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân cùng cấp;

2- Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phí và lệ phí trong phạm vi địa phương;

3- Xử lý hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về phí, lệ phí.

Chương 6:

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 29

Tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 30

1- Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí không đồng ý với quyết định thu phí, lệ phí có quyền gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp phí, lệ phí. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện quyết định thu phí, lệ phí.

2- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải giải quyết và trả lời cho người khiếu nại bằng văn bản; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển đơn khiếu nại hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

3- Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền tiếp tục khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án.

Điều 31

Quyết định giải quyết khiếu nại về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 32

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 33

Tổ chức, cá nhân không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phí, lệ phí thì không được phục vụ công việc, dịch vụ hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 34

1- Người nào không thực hiện đúng những quy định về việc ban hành, tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2- Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật về phí và lệ phí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật; số tiền đã thu sai phải được trả lại cho đối tượng nộp phí, lệ phí; trường hợp không xác định được đối tượng nộp phí, lệ phí thì số tiền đã thu sai phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 36

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

DANH MỤC:

 PHÍ, LỆ PHÍ
(Ban hành kèm theo Pháp lệnh số : 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội)

A- DANH MỤC PHÍ

I - PHÍ THUỘC LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, THUỶ SẢN

1.

Thuỷ lợi phí.

2.

Phí kiểm dịch động vật, thực vật.

3.

Phí kiểm nghiệm chất lượng động vật, thực vật.

4.

Phí kiểm tra vệ sinh thú y.

5.

Phí bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

6.

Phí kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật.

II- PHÍ THUỘC LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG

1.

Phí kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu.

2.

Phí xây dựng.

3.

Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính.

4.

Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất.

III- PHÍ THUỘC LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ

1.

Phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O).

2.

Phí chợ.

3.

Phí thẩm định đối với kinh doanh thương mại có điều kiện.

4.

Phí thẩm định hồ sơ mua bán tàu, thuyền, tàu bay.

5.

Phí thẩm định đầu tư.

6.

Phí đấu thầu, đấu giá.

7.

Phí thẩm định kết quả đấu thầu.

8.

Phí giám định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

IV- PHÍ THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

1.

Phí sử dụng đường bộ.

2.

Phí sử dụng đường thuỷ nội địa.

3.

Phí sử dụng đường biển.

4.

Phí qua cầu.

5.

Phí qua đò, qua phà.

6.

Phí sử dụng cảng, nhà ga.

7.

Phí neo, đậu.

8.

Phí bảo đảm hàng hải.

9.

Phí hoa tiêu, dẫn đường.

10.

Phí trọng tải tàu, thuyền cập cảng.

11.

Phí luồng, lạch.

12.

Phí sử dụng lề đường, bến, bãi, mặt nước.

13.

Phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thuỷ sản.

V- PHÍ THUỘC LĨNH VỰC THÔNG TIN, LIÊN LẠC

1.

Phí sử dụng và bảo vệ tần số vô tuyến điện.

2.

Phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng Internet

3.

Phí khai thác và sử dụng tài liệu do Nhà nước quản lý.

4.

Phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính viễn thông.

VI - PHÍ THUỘC LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI  

1.

Phí kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

2.

Phí an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3.

Phí xác minh giấy tờ, tài liệu.

4.

Phí trông giữ xe.

VII - PHÍ THUỘC LĨNH VỰC VĂN HOÁ, XÃ HỘI  

1.

Phí giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

2.

Phí tham quan.

3.

Phí thẩm định văn hoá phẩm.

4.

Phí giới thiệu việc làm.

VIII - PHÍ THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1.

Học phí.

2.

Phí dự thi, dự tuyển.

IX- PHÍ THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ

1.

Viện phí.

2.

Phí phòng, chống dịch bệnh.

3.

Phí giám định y khoa.

4.

Phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc.

5.

Phí kiểm dịch y tế.

6.

Phí kiểm nghiệm trang thiết bị y tế.

7.

Phí kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

8.

Phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề y, dược.

X - PHÍ THUỘC LĨNH VỰC KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

1.

Phí bảo vệ môi trường.

2.

Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3.

Phí vệ sinh.

4.

Phí phòng, chống thiên tai.

5.

Phí sở hữu công nghiệp.

6.

Phí cấp mã số, mã vạch.

7.

Phí sử dụng dịch vụ an toàn bức xạ.

8.

Phí thẩm định an toàn bức xạ.

9.

Phí thẩm định điều kiện hoạt động khoa học và công nghệ.

10.

Phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ.

11.

Phí kiểm định phương tiện đo lường.

XI - PHÍ THUỘC LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG, HẢI QUAN

1.

Phí cung cấp thông tin về tài chính doanh nghiệp.

2.

Phí bảo lãnh, thanh toán khi được cơ quan, tổ chức cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán.

3.

Phí sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng chứng khoán.

4.

Phí hoạt động chứng khoán.

5.

Phí niêm phong, kẹp chì, lưu kho Hải quan.

XII- PHÍ THUỘC LĨNH VỰC TƯ PHÁP

1.

Án phí.

2.

Phí giám định tư pháp.

3.

Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

4.

Phí thuộc lĩnh vực pháp luật và dịch vụ pháp lý khác.

B- DANH MỤC LỆ PHÍ

I - LỆ PHÍ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN  

1.

Lệ phí quốc tịch.

2.

Lệ phí hộ tịch, hộ khẩu.

3.

Lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực xuất cảnh, nhập cảnh.

4.

Lệ phí áp dụng tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ViệtNam ở nước ngoài.

5.

Lệ phí toà án.

6.

Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

7.

Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp.

II - LỆ PHÍ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN

1.

Lệ phí trước bạ.

2.

Lệ phí địa chính.

3.

Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

4.

Lệ phí bảo hộ quyền tác giả.

5.

Lệ phí bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

6.

Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

7.

Lệ phí quản lý phương tiện giao thông.

8.

Lệ phí cấp biển số nhà.

III- LỆ PHÍ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN SẢN XUẤT, KINH DOANH

1.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh.

2.

Lệ phí cấp giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật.

3.

Lệ phí đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam.

4.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

5.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trên các loại phương tiện.

6.

Lệ phí cấp giấy phép sử dụng thiết bị, phương tiện, phương tiện nổ, chất nổ, vũ khí, khí tài theo quy định của pháp luật.

7.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

8.

Lệ phí cấp giấy phép lắp đặt các công trình ngầm.

9.

Lệ phí cấp hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.

10.

Lệ phí cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt đối với động vật, thực vật rừng quý hiếm.

11.

Lệ phí quản lý chất lượng bưu điện.

12.

Lệ phí cấp phép sử dụng kho số trong đánh số mạng, thuê bao liên lạc trong viễn thông.

13.

Lệ phí cấp và dán tem kiểm soát băng, đĩa có chương trình.

14.

Lệ phí cấp giấy phép sử dụng nguồn nước.

15.

Lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

16.

Lệ phí cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

17.

Lệ phí cấp giấy phép hoạt động chứng khoán.

18.

Lệ phí độc quyền trong một số ngành, nghề.

IV - LỆ PHÍ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐẶC BIỆT VỀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

1.

Lệ phí ra vào cảng.

2.

Lệ phí bay qua vùng trời, đi qua vùng đất, vùng biển.

3.

Lệ phí hoa hồng chữ ký.

V - LỆ PHÍ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÁC LĨNH VỰC KHÁC

1.

Lệ phí cấp giấy phép sử dụng con dấu.

2.

Lệ phí Hải quan.

3.

Lệ phí cấp giấy đăng ký nguồn phóng xạ, máy phát bức xạ.

4.

Lệ phí cấp văn bằng, chứng chỉ.

5.

Lệ phí chứng thực.

6.

Lệ phí công chứng.

 

 

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

 

- Các quy định về thu phí xăng, dầu tại Pháp lệnh này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 12 Luật thuế bảo vệ môi trường 2010

Điều 12. Hiệu lực thi hành
...
2. Các quy định về thu phí xăng, dầu tại Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực thi hành từ ngày Luật này có hiệu lực.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 4.

1. Tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí, bao gồm:

a) Cơ quan thuế nhà nước; cơ quan hải quan;

b) Cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện công việc mà pháp luật quy định được thu phí, lệ phí.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được thu các loại phí, lệ phí có trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể ủy quyền việc thu phí, lệ phí; tổ chức, cá nhân được ủy quyền phải thực hiện theo đúng những quy định tại Nghị định này.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Chương 2 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Chương 2 :

THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 5. Thẩm quyền quy định đối với phí như sau:

1. Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số loại phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Thẩm quyền quy định đối với phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Thẩm quyền quy định đối với phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí cụ thể.

2. Việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này.

Điều 6. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí như sau:

1. Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế. Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định đối với các lệ phí còn lại.

Thẩm quyền quy định đối với lệ phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Thẩm quyền quy định đối với lệ phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng lệ phí cụ thể.

2. Việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này.

Điều 7. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Danh mục phí, lệ phí, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí, lệ phí, thì Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phản ảnh về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh phí và lệ phí.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Nghị định 57/2002/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2, 3 Nghị định 24/2006/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí như sau:
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Thẩm quyền quy định đối với phí như sau:

1. Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số khoản phí về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên; một số khoản phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

3. Bộ Tài chính quy định đối với các khoản phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

4. Thẩm quyền quy định đối với phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này. Thẩm quyền quy định đối với phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí cụ thể.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về khoản phí chưa có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này thì Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền phí thu được cho phù hợp với Điều ước quốc tế đó”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí như sau:

1. Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với một số khoản lệ phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương.

3. Bộ Tài chính quy định đối với các khoản lệ phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

4. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng lệ phí cụ thể.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về khoản lệ phí chưa có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này thì Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền lệ phí thu được cho phù hợp với Điều ước quốc tế đó”.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Mục II Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
II - PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH VỀ PHÍ, LỆ PHÍ

1. Đối với phí

a) Việc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí như sau:

- Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước;

- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số loại phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thuộc chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương;

- Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại áp dụng thống nhất trong cả nước.

b) Đối với một số loại phí thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định mà uỷ quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu thì chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí thu được được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về loại phí đó.

c) Thẩm quyền quy định đối với từng loại phí cụ thể được ghi trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP.

d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được Chính phủ uỷ quyền quy định mức thu và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi ban hành văn bản quy định thu phí áp dụng tại địa phương, phải gửi văn bản đã ban hành đến Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

đ) Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng, các tổ chức, cá nhân phản ảnh bằng văn bản về:

- Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, giải quyết (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh phí và lệ phí) hoặc để Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính);

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

e) Mọi trường hợp cần bổ sung danh mục phí, tổ chức, cá nhân báo cáo bằng văn bản về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Đối với lệ phí

a) Việc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí như sau:

- Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế;

- Bộ Tài chính quy định đối với những lệ phí còn lại.

Thẩm quyền quy định đối với từng lệ phí cụ thể được ghi trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP.

b) Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung Danh mục lệ phí; mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng thì các tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, giải quyết (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh phí và lệ phí) hoặc Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính).

3. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về phí, lệ phí theo quy định của Nghị định 57/2002/NĐ-CP hướng dẫn tại điểm 1, điểm 2 mục này không được uỷ quyền cho cơ quan cấp dưới quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của mình. Việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí, lệ phí cụ thể phải thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn tại mục III, Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Thông tư 63/2002/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 3, 4, 5 Thông tư 45/2006/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

3. Sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, mục II, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

c) Thẩm quyền quy định đối với từng khoản phí cụ thể được ghi trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, mục II, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“2. Đối với lệ phí

a) Việc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí như sau:

- Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế;

- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với một số khoản lệ phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương, bảo đảm thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương.

- Bộ Tài chính quy định đối với những lệ phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Thẩm quyền quy định đối với từng lệ phí cụ thể được ghi trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP.

b) Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung Danh mục lệ phí; mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng thì các tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản về:

- Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh phí và lệ phí) hoặc để Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính);

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của oHHJHộiHội đồng nhân dân cấp tỉnh”.

5. Bổ sung thêm khoản 4 vào mục II, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“4. Trường hợp thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về khoản phí, lệ phí chưa có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí có ý kiến bằng văn bản về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí thu được cho phù hợp với điều ước quốc tế đó”.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Chương 3 :

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí, quy định như sau:
...
Điều 9. Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.

Điều 10. Căn cứ vào những nguyên tắc xác định mức thu phí, mức thu lệ phí quy định tại Điều 8, Điều 9 nói trên, tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Nghị định này, xây dựng mức thu phí, lệ phí trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
...
Điều 11. Nguyên tắc quản lý và sử dụng số tiền phí, lệ phí quy định như sau:
...
Điều 12. Nguyên tắc xác định và việc quản lý, sử dụng phần tiền phí, lệ phí được để lại quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này như sau:
...
Điều 13. Phần tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với phí thuộc ngân sách nhà nước mà tiền phí thu được được Nhà nước đầu tư trở lại cho đơn vị thì việc quản lý, sử dụng phải bảo đảm đúng mục đích đầu tư trở lại và cơ chế quản lý tài chính hiện hành.

Điều 14. Việc miễn, giảm phí, lệ phí, quy định như sau:
...

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Nghị định 57/2002/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 5, 6 Nghị định 24/2006/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí như sau:
...
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:

“2. Số tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu theo quy định tại khoản 1 Điều này, được chi dùng cho các nội dung sau đây:

a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định);

b) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí... theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí;

d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí;

đ) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d khoản này.

Căn cứ quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thu và quy định tại Điều này, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phần tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 14 như sau:

“1. Về lệ phí:

Mức thu lệ phí được ấn định trước, gắn với từng công việc quản lý nhà nước, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với lệ phí, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với lệ phí trước bạ, Chính phủ quy định cụ thể những trường hợp cần thiết được miễn, giảm để góp phần thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;

b) Miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi cho người dân thuộc các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký khai sinh cho trẻ em của hộ nghèo;

c) Miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp cổ phần hoá khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần;

d) Miễn lệ phí cấp Giấy phép nhập khẩu một số thuốc chưa có số đăng ký dùng cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm hoạ; thuốc viện trợ; thuốc phục vụ cho các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; thuốc nhập khẩu cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt; thuốc thử lâm sàng; thuốc đăng ký, trưng bày triển lãm, hội chợ; nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc. Miễn lệ phí cấp giấy phép xuất khẩu thuốc;

đ) Miễn hoặc giảm một phần lệ phí Toà án theo quy định của pháp luật.

2. Về phí:

Mức thu phí nhằm mục đích bù đắp chi phí, bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, do vậy, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với phí, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể tại Nghị định này. Bãi bỏ việc cấp thẻ miễn phí.

Miễn phí, giảm phí đối với một số trường hợp quy định như sau:

a) Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với:

- Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;

- Xe cứu hoả;

- Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;

- Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;

- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

- Xe, đoàn xe đưa tang;

- Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;

- Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá đến những nơi bị thảm hoạ hoặc đến vùng có dịch bệnh;

- Ở những nơi chưa giải quyết được ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy. Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ quốc lộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

b) Giảm phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với vé tháng, vé quý.

Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại vé sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà và chế độ quản lý, sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế.

c) Miễn hoặc giảm một phần học phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về học phí;

d) Miễn hoặc giảm một phần viện phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về viện phí;

đ) Miễn hoặc giảm một phần thủy lợi phí trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về thủy lợi phí;

e) Miễn phí giới thiệu việc làm trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về việc làm;

g) Miễn hoặc giảm một phần phí thi hành án trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về thi hành án dân sự;

h) Miễn hoặc giảm một phần án phí theo quy định của pháp luật”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí, quy định như sau:

Nguyên tắc chung là mức thu phí phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Ngoài ra, mức thu đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư còn phải bảo đảm thi hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, để bảo đảm việc thi hành thống nhất trong cả nước.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản A Mục III Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
III - MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ

A - Mức thu phí

1. Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn đều phải trên cơ sở bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý; phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp; thuận tiện cho cả người thu phí và người nộp phí. Ngoài ra, mức thu đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư còn phải bảo đảm thi hành các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.

2. Các khoản chi phí để thực hiện các dịch vụ thu phí, phục vụ cho việc xác định mức thu phí bao gồm:

a) Chi phí xây dựng, mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và định kỳ máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc,... hoặc thuê ngoài tài sản trực tiếp phục vụ công việc thu phí. Chi phí này được phân bổ theo mức độ hao mòn của những tài sản trực tiếp phục vụ công việc thu phí;

b) Chi phí vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong quá trình thực hiện công việc thu phí;

c) Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành cho lao động trực tiếp thu phí, lệ phí;

3. Mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định thì thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với từng loại phí cụ thể.

4. Mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Thời gian hợp lý để thu hồi vốn đầu tư thực hiện các dịch vụ thu phí căn cứ vào đánh giá khả năng thu phí, hiệu quả thu phí, vốn đầu tư và nhu cầu cần thu hồi vốn đầu tư để thực hiện dịch vụ thu phí, được xác định (dự kiến) trong đề án thu phí.

6. Căn cứ vào quy định tại điểm 1, điểm 2 và điểm 5 mục này, tổ chức, cá nhân được thu phí có trách nhiệm xây dựng mức thu kèm theo đề án thu phí (gồm: phương thức đầu tư, thời gian đầu tư hoàn thành, thời gian đưa dự án đầu tư vào sử dụng, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí, dự kiến mức thu và căn cứ xây dựng mức thu, đánh giá khả năng đóng góp của đối tượng nộp phí, hiệu quả thu phí và khả năng thu hồi vốn) để trình cơ quan có thẩm quyền quy định về phí (Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định.

Mức thu phí trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cần có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, trừ trường hợp cơ quan xây dựng mức thu là cơ quan tài chính.

Ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính phải được gửi kèm trong hồ sơ và là một căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quy định về phí xem xét, quyết định.

Việc quy định mức thu phí phải căn cứ vào chủ trương chính sách của Nhà nước; tình hình kinh tế - chính trị - xã hội và đặc điểm của các vùng trong từng thời kỳ; tính chất, đặc điểm của từng dịch vụ thu phí, có tham khảo mức thu loại phí tương ứng ở các nước trong khu vực và thế giới (nếu có).

7. Mức phí không thuộc ngân sách nhà nước phải chịu thuế theo quy định tại khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP bao gồm cả thuế giá trị gia tăng theo thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho ngành dịch vụ tương ứng quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 63/2002/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 6 Thông tư 45/2006/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, phần A, mục III, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“2. Các khoản chi phí để thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, phục vụ cho việc xác định mức thu phí bao gồm:

a) Phí xây dựng, mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và định kỳ máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc… hoặc chi phí thuê ngoài thực phải trả cho những tài sản trực tiếp phục vụ thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí. Chi phí này được phân bổ theo mức độ hao mòn của những tài sản trực tiếp phục vụ thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.

b) Chi phí vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong quá trình thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí;

c) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và công đoàn phí);

d) Chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 9. Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 57/2002/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Nghị định 24/2006/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí như sau:
...
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí, quy định như sau:

Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định mức thu đối với những lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, để bảo đảm việc thi hành thống nhất trong cả nước”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản B Mục III Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
III - MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ
...
B - Mức thu lệ phí

1. Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí, phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Căn cứ vào quy định tại điểm 1 nêu trên, tổ chức được thu lệ phí có trách nhiệm xây dựng mức thu kèm theo văn bản đề nghị thu lệ phí gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành (đối với những loại lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định) hoặc Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, ban hành (đối với những loại lệ phí thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính quy định).

3. Mức thu lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về lệ phí trước bạ (Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 63/2002/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 7 Thông tư 45/2006/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

7. Sửa đổi, bổ sung phần B, mục III, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“B- Mức thu lệ phí

1. Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí.

2. Căn cứ vào quy định tại điểm 1 nêu trên, tổ chức được thu lệ phí có trách nhiệm xây dựng mức thu kèm theo văn bản đề nghị thu lệ phí gửi về:

a) Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành (đối với những lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định) hoặc Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, ban hành (đối với những lệ phí thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính quy định).

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

3. Mức thu lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Xem nội dung VB
- Mức thu và tỷ lệ thu lệ phí trước bạ được hướng dẫn bởi Nghị định 47/2003/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 24/08/2008)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1:
...
Điều 2.
...
Điều 3.
...
Điều 4.

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn mức thu và tỷ lệ thu lệ phí trước bạ tại Nghị định 47/2003/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị định 80/2008/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/09/2011)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 1999 và Nghị định số 47/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về lệ phí trước bạ như sau:
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định số 47/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ như sau:

“Điều 6. Tỷ lệ (%) thu lệ phí trước bạ được quy định như sau:

1. Nhà, đất là 0,5%

2. Tàu, thuyền là 1%. Riêng tàu đánh cá xa bờ là 0,5%

3. Ô tô, xe máy, súng săn, súng thể thao là 2%. Riêng:

a) Xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 5%.

b) Đối với xe máy mà chủ tài sản đã nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại điểm a khoản này, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn được áp dụng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ thấp hơn thì nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ là 1%.

Trường hợp chủ tài sản trên đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy theo tỷ lệ thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định tại điểm a khoản này thì nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ là 5%.

c) Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi được áp dụng tỷ lệ là 1%, trừ những trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

d) Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ từ 10% đến 15%. Căn cứ quy định về tỷ lệ thu lệ phí trước bạ tại điểm này, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể tỷ lệ thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

4. Mức thu lệ phí trước bạ đối với tài sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này tối đa là 500 triệu đồng/ 1 tài sản, trừ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe). Riêng nhà xưởng sản xuất kinh doanh được tính chung cho nhà xưởng trong cùng một khuôn viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh”.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

1. Bãi bỏ Nghị định số 47/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

2. Đối với các trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng chưa nộp hoặc nộp chưa đủ lệ phí trước bạ thì được nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại Điều 1 Nghị định này.

3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) áp dụng mức thu lệ phí trước bạ là 10% cho đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành mức thu theo quy định tại Nghị định này.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản C Mục III Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
III - MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ
...
C - Quản lý, sử dụng tiền thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước

1. Tiền thu lệ phí, phí thu được từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước (gọi tắt là phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước) được quản lý, sử dụng như sau:

a) Tiền phí, lệ phí do cơ quan thuế trực tiếp tổ chức thu và trường hợp tổ chức khác thu phí, lệ phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thu phải nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước;

b) Trường hợp tổ chức thu chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí hoặc tổ chức thu được uỷ quyền thu phí, lệ phí thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí; phần tiền phí, lệ phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2. Tiền thu phí, lệ phí nộp vào Kho bạc nhà nước theo quy định sau:

a) Đối với phí, lệ phí do cơ quan thuế thu thì đối tượng nộp phí, lệ phí trực tiếp nộp tiền vào ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước ở địa phương nơi thu theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Trường hợp Kho bạc nhà nước chưa tổ chức thu tiền phí, lệ phí trực tiếp từ đối tượng nộp thì cơ quan thuế thu tiền phí, lệ phí thay và cuối ngày phải làm thủ tục nộp hết số tiền phí, lệ phí đã thu trong ngày vào ngân sách nhà nước;

b) Đối với phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước, tổ chức khác (ngoài cơ quan thuế) thu thì cơ quan nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí được mở tài khoản "tạm giữ tiền phí, lệ phí" tại Kho bạc nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí. Căn cứ vào tình hình thu phí, lệ phí (số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc nhà nước,...) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, các cơ quan nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp có thu) hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp);

c) Đối với phí, lệ phí do cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền thu ở nước ngoài phải nộp vào quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Thông tư 29/2000/TT-BTC ngày 24/4/2000 của Bộ Tài chính).

3. Phần phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được hàng năm. Tỷ lệ phần trăm (%) này được xác định như sau:



Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho việc thu phí, lệ phí theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định


Tỷ lệ (%)
=
---------------------------------------------------
x 100



Dự toán cả năm về phí, lệ phí thu được



Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng loại phí, lệ phí và nội dung chi hướng dẫn tại điểm 4 mục này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho tổ chức thu phí, lệ phí ổn định trong một số năm. Số tiền phí, lệ phí để lại được quản lý, sử dụng theo nội dung hướng dẫn tại điểm 4 mục này.

4. Phần phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu không phải chịu thuế và được quản lý, sử dụng như sau:

a) Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, tiền phí, lệ phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích (Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996) và các văn bản hướng dẫn thực hiện, bao gồm cả các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính áp dụng riêng đối với từng ngành đặc thù (nếu có).

b) Đối với tổ chức khác, tiền phí, lệ phí để lại được chi dùng cho các nội dung sau:

- Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành cho lao động trực tiếp thu phí, lệ phí;

- Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

- Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thu phí, lệ phí;

- Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu phí, lệ phí;

- Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí, lệ phí trong đơn vị. Mức trích lập 2 (hai) quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.

Hàng năm, tổ chức thu phí, lệ phí phải lập dự toán thu, chi gửi: cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp (đối với tổ chức thu là Uỷ ban nhân dân các cấp phải gửi cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp trên), Kho bạc nhà nước nơi tổ chức thu mở tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí để kiểm soát chi theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này; hàng năm phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

5. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc thu phí, lệ phí, tăng thu nhập cho người lao động, việc thu phí, lệ phí được thực hiện theo cơ chế tài chính đã quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

6. Phần tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với phí thuộc ngân sách nhà nước mà tiền phí thu được được Nhà nước đầu tư trở lại cho tổ chức thu (ngoài những nội dung quy định tại điểm 4-b mục này như học phí, viện phí,...) thì việc quản lý, sử dụng phải bảo đảm đúng mục đích đầu tư trở lại và cơ chế quản lý tài chính hiện hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 63/2002/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 8, 9 Thông tư 45/2006/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, phần C, mục III, thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“4. Phần phí, lệ phí mà tổ chức thu được sử dụng để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí, lệ phí được chi dùng cho các nội dung sau đây:

a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và công đoàn phí), trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định;

b) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí (chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú) theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí. Trường hợp tài sản cố định được sử dụng cho cả hoạt động quản lý nhà nước hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh khác ngoài hoạt động thu phí thì chi phí này có thể được phân bổ theo tỷ lệ giữa thời gian sử dụng tài sản cố định vào từng loại hoạt động với tổng số thời gian sử dụng tài sản cố định hoặc phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ hoạt động thu phí với tổng doanh thu của cả hoạt động thu phí và hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Mức trích khấu hai tài sản cố định được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;

d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí;

đ) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại tiết a, b, c và d điểm này.

Hàng năm, tổ chức thu phí, lệ phí phải lập dự toán thu, chỉ gửi: cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế cùng cấp (đối vớit ổ chức thu là Ủy ban nhân dân các cấp phải gửi cơ quan tài chính, cơ quan thuế cấp trên), Kho bạc nhà nước nơi tổ chức thu mở tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí để kiểm soát chi theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này; hàng năm phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định”.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 5, phần C, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“5. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc thu phí, lệ phí, tăng thu nhập cho người lao động, đối với các đơn vị thu phí, lệ phí là cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, các đơn vị thu phí, lệ phí là đơn vị sinh ngày thực hiện chế độ giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng phần phí, lệ phí trích lại theo chế độ quy định của từng khoản phí, lệ phí cho phù hợp với cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị mình (như: chi bổ sung thu nhập cho lao động, chi khen thưởng, phúc lợi, trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho lao động trong đơn vị), sau khi đảm bảo trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí, lệ phí quy định tại điểm a, b, c và d, khoản 4, phần C, mục III, Thông tư này”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản D Mục III Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
III - MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ
...
D - Quản lý, sử dụng tiền thu phí không thuộc ngân sách nhà nước

Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu phí là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước (gọi tắt là phí không thuộc ngân sách nhà nước).

Tiền thu phí không thuộc ngân sách nhà nước được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí. Tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, tổ chức, cá nhân thu phí phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được cùng với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh khác (nếu có) với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 12. Nguyên tắc xác định và việc quản lý, sử dụng phần tiền phí, lệ phí được để lại quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này như sau:

1. Phần tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí được trích theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được hàng năm. Tỷ lệ phần trăm (%) này được xác định như sau:
Tỷ lệ (%) = Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho việc thu phí, lệ phí theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định / Dự toán cả năm về phí, lệ phí thu được x 100
Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí, lệ phí và nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền quyết định tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho tổ chức thu phí, lệ phí. Tỷ lệ này có thể được ổn định trong một số năm.

Số tiền phí, lệ phí để lại được quản lý, sử dụng theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này; hàng năm phải quyết toán thu, chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

2. Số tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu theo quy định tại khoản 1 Điều này, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, thực hiện quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí được để lại theo quy định hiện hành của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích;

b) Đối với tổ chức khác thu phí, lệ phí, số tiền phí, lệ phí để lại được chi dùng cho các nội dung sau đây:

Chi cho lao động trực tiếp thu phí, lệ phí các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành;

Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thu phí, lệ phí;

Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu phí, lệ phí;

Trích qũy khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí, lệ phí trong đơn vị. Mức trích lập hai qũy khen thưởng và phúc lợi, bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện.

Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng và quyết toán phần tiền phí, lệ phí để lại quy định tại Điều này.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 13. Phần tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với phí thuộc ngân sách nhà nước mà tiền phí thu được được Nhà nước đầu tư trở lại cho đơn vị thì việc quản lý, sử dụng phải bảo đảm đúng mục đích đầu tư trở lại và cơ chế quản lý tài chính hiện hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản Đ Mục III Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
III - MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ
...
Đ - Miễn, giảm phí, lệ phí

Việc miễn, giảm phí, lệ phí trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Đối với lệ phí trước bạ, việc miễn, giảm lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2. Đối với phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà, việc miễn, giảm phí theo quy định tại tiết a và tiết b, khoản 2, Điều 14, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP được thực hiện theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính về phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà;

3. Đối với học phí, việc miễn, giảm đối với một số đối tượng thực hiện theo quy định của Chính phủ về học phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;

4. Đối với viện phí, việc miễn, giảm một phần viện phí đối với một số đối tượng thực hiện theo quy định của Chính phủ về viện phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;

5. Đối với thuỷ lợi phí, việc miễn, giảm một phần thuỷ lợi phí trong một số trường hợp nhất định thực hiện theo quy định của Chính phủ về thuỷ lợi phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;

6. Đối với một số trường hợp thật cần thiết phải miễn, giảm phí, lệ phí do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tình hình đặc điểm của từng thời kỳ, các tổ chức, cá nhân phải đề nghị bằng văn bản về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 63/2002/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 10 Thông tư 45/2006/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

10. Sửa đổi, bổ sung phần Đ, mục III, Thông tư số 63/2002/TT-BTC như sau:

“Đ- Miễn, giảm phí, lệ phí

Việc miễn, giảm phí, lệ phí trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 24/2006/NĐ-CP và khoản 3, khoản 4 Điều 14 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Việc miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí tòa án, học phí, viện phí thủy lợi phí, phí giới ghiệu việc làm, phí thi hành án, trong một số trường hợp nhất định được thực hiện theo quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về từng khoản phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2. Miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi cho người dân thuộc các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký khai sinh cho trẻ em của hộ nghèo. Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp cổ phần hóa khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Miễn lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu một số thuốc chưa có số đăng ký dùng cho phòng chống dịch bệnh, thiên tasi, thảm họa; thuốc viện trợ; thuốc phục vụ cho các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; thuốc nhập khẩu cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt; thuốc thử lâm sàng; thuốc đăng ký, trưng bày triển lãm, hội chợ; nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc. Miễn lệ phí cấp giấy phép xuất khẩu thuốc;

3. Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bán gắn máy, xe ba bánh gắn máy khi lưu thông qua các trạm thu phí sử dụng cầu, đường bộ quốc lộ, không phân biệt đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, đường bộ do Nhà nước đầu tư bằng vốn vay và thu phí hoàn vốn, đường bộ đầu tư bằng vốn liên doanh, đường bộ đầu tư để kinh doanh hay các trạm thu phí sử dụng đường bộ được chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn. Đối với các trường hợp miễn, giảm phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà khác được thực hiện theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính về phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà;

4. Đối với một số trường hợp thật cần thiết phải miễn, giảm phí, lệ phí do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tình hình đặc điểm của từng thời kỳ, các tổ chức, cá nhân có đề nghị bằng văn bản về Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

5. Những trường hợp miễn, giảm phí, lệ phí quy định tại điểm này phải được công khai và niêm yết tại nơi thu phí, lệ phí”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 14. Việc miễn, giảm phí, lệ phí, quy định như sau:

1. Đối với lệ phí:

Mức thu lệ phí được ấn định trước, gắn với từng công việc quản lý nhà nước, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với lệ phí. Riêng lệ phí trước bạ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể những trường hợp cần thiết được miễn, giảm để góp phần thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

2. Đối với phí:

Mức thu phí nhằm mục đích bù đắp chi phí, bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, do vậy, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với phí, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể tại Nghị định này. Bãi bỏ việc cấp thẻ miễn phí.

Miễn phí, giảm phí đối với một số trường hợp quy định như sau:

a) Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với:

Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;

Xe cứu hoả;

Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;

Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;

Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

Đoàn xe đưa tang;

Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;

Ở những nơi chưa giải quyết được ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

b) Giảm phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với vé tháng.

Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại vé sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà và chế độ quản lý, sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể những nơi tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

c) Miễn hoặc giảm một phần học phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về học phí;

d) Miễn hoặc giảm một phần viện phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về viện phí;

đ) Miễn hoặc giảm một phần thủy lợi phí trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về thủy lợi phí;

3. Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tình hình đặc điểm của từng thời kỳ, trường hợp thật cần thiết phải miễn, giảm phí, lệ phí thì Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Những trường hợp được miễn, giảm phí, lệ phí quy định tại Điều này phải được công khai và niêm yết tại nơi thu phí, lệ phí.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Chương 4 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Chương 4:

TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN

Điều 15. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải cấp chứng từ cho người nộp phí, lệ phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
...
Điều 16. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có trách nhiệm.
...
Điều 17.
...

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Mục IV Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
V - TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN

A - Chứng từ thu phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải lập và cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của Bộ Tài chính về chế độ phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ. Cụ thể như sau:

1. Đối với phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí, lệ phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có nhu cầu sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí khác với mẫu chứng từ quy định chung thì phải có văn bản đề nghị cơ quan thuế có thẩm quyền giải quyết theo chế độ quy định.

2. Đối với phí không thuộc ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoá đơn tự in phải có văn bản đề nghị cơ quan thuế có thẩm quyền giải quyết theo chế độ quy định.

3. Trường hợp sử dụng chứng từ đặc thù như tem, vé,... in sẵn mức thu phí, lệ phí, phải thực hiện chế độ quản lý, sử dụng riêng cho phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ đặc thù đó.

4. Mọi trường hợp không được cấp chứng từ hoặc cấp chứng từ không đúng quy định thì đối tượng nộp phí, lệ phí có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí cấp chứng từ thu theo đúng quy định hoặc khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

B - Đồng tiền thu phí, lệ phí

1. Phí, lệ phí thu tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam. Trường hợp pháp luật quy định được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ hoặc thu bằng đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí, lệ phí.

2. Phí, lệ phí thu ở nước ngoài được thu bằng tiền của nước sở tại hoặc bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

3. Đồng tiền nộp phí, lệ phí đối với từng loại phí, lệ phí cụ thể thực hiện theo quy định tại văn bản quy định thu phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

C - Đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải đăng ký, kê khai, thu, nộp, quyết toán phí, lệ phí theo quy định như sau:

1. Đối với tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước

a) Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày trước khi bắt đầu thu phí, lệ phí, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải đăng ký với cơ quan thuế địa phương về loại phí, lệ phí, địa điểm thu, chứng từ thu và việc tổ chức thu phí, lệ phí (mẫu số 1), cụ thể như sau:

- Tổ chức thu phí, lệ phí trực thuộc trung ương, tỉnh, hoặc cấp tương đương quản lý, đăng ký với Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Tổ chức thu phí, lệ phí trực thuộc quận, huyện, thị xã, thị trấn, xã, phường, hoặc cấp tương đương quản lý và cá nhân thu phí, lệ phí, đăng ký với Chi cục thuế quận, huyện.

Trường hợp thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí thì phải thông báo với cơ quan thuế chậm nhất là 5 ngày trước khi thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí.

b) Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thực hiện kê khai phí, lệ phí từng tháng và nộp tờ khai cho cơ quan thuế nơi đăng ký thu phí, lệ phí trong 5 ngày đầu của tháng tiếp theo để theo dõi, quản lý. Trường hợp trong tháng không phát sinh số thu phí, lệ phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế.

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai theo quy định tại Thông tư này (mẫu số 2) và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

c) Trường hợp pháp luật quy định tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thực hiện nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế thì trình tự, thủ tục nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

- Nhận được tờ khai thu, nộp phí, lệ phí của tổ chức, cá nhân thu gửi tới, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tờ khai và thông báo cho cơ quan thu phí, lệ phí về số tiền phí, lệ phí phải nộp, thời hạn nộp và chương, loại, khoản, mục, tiểu mục của mục lục ngân sách nhà nước quy định;

- Căn cứ vào thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước. Thời hạn nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước của tháng chậm nhất không quá ngày 15 của tháng tiếp theo. Trong trường hợp đã đến thời hạn nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước mà chưa nhận được thông báo của cơ quan thuế, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí chủ động nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo tờ khai; trường hợp nộp thừa thì được trừ vào số phí, lệ phí phải nộp của kỳ tiếp theo, nếu kỳ trước nộp thiếu thì phải nộp đủ số kỳ trước còn thiếu.

d) Việc quyết toán phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước thực hiện cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế thực hiện quyết toán số thu theo biên lai, tổng số thu, số được để lại, số phải nộp ngân sách nhà nước. Cơ quan tài chính, cơ quan thuế quyết toán số chi từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại đơn vị theo quy định cụ thể của Bộ Tài chính đối với từng loại phí, lệ phí.

2. Đối với tổ chức, cá nhân thu phí không thuộc ngân sách nhà nước

Tổ chức, cá nhân thu phí phải đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế quản lý theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành, cụ thể như sau:

- Đăng ký thuế với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật hiện hành về mã số đối tượng nộp thuế (Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế; Thông tư số 79/1998/TT-BTC ngày 12/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg);

- Kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các văn bản quy định, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

D - Hạch toán kế toán phí, lệ phí

1. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có trách nhiệm:

a) Mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ảnh việc thu, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí theo chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước;

b) Định kỳ báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định của Nhà nước đối với từng loại phí, lệ phí;

c) Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải mở sổ sách kế toán theo dõi hạch toán và báo cáo quyết toán riêng đối với từng loại phí, lệ phí.

3. Trường hợp thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí thì phải quyết toán phí, lệ phí theo quy định trên đây trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi, kết thúc hoặc đình chỉ thu phí, lệ phí.

4. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu quyết toán phí, lệ phí. Nếu phát hiện có sự trốn, lậu phí, lệ phí hoặc thuế phải nộp đối với những khoản phí phải chịu thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đ - Công khai chế độ thu phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải niêm yết hoặc thông báo công khai tại địa điểm thu phí, lệ phí ở vị trí thuận tiện để các đối tượng nộp phí dễ nhận biết:

1. Niêm yết:

- Tên phí, lệ phí;

- Mức thu;

- Chứng từ thu.

2. Thông báo công khai: Văn bản quy định thu phí, lệ phí.

E - Nghĩa vụ với ngân sách nhà nước

1. Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải chịu thuế. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với đối với các khoản phí, lệ phí này, mà thực hiện đăng ký, kê khai thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Tiền phí, lệ phí để lại cho đơn vị thu phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí không phản ánh vào ngân sách nhà nước. Khoản thu này được xác định là nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Khoản thu này không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (nếu có).

2. Phí không thuộc ngân sách nhà nước do các tổ chức, cá nhân thu theo hướng dẫn tại mục D, phần III Thông tư này phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 16. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có trách nhiệm:

1. Mở sổ sách kế toán theo đúng chế độ kế toán của Nhà nước quy định để theo dõi, phản ảnh việc thu, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định tại Chương III Nghị định này.

2. Định kỳ phải báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định của Nhà nước đối với từng loại phí, lệ phí; trường hợp thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải theo dõi hạch toán và quyết toán riêng đối với từng loại phí, lệ phí.

3. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 57/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 17.

1. Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này, không phải chịu thuế.

2. Phí không thuộc ngân sách nhà nước do các tổ chức, cá nhân thu theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này phải chịu thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Mục V Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
V - TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phí và lệ phí.

2. Bộ Tài chính giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phí và lệ phí.

3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;

b) Theo dõi, kiểm tra hoạt động thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí;

c) Thực hiện thanh tra tài chính theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí;

d) Xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phí và lệ phí;

đ) Bãi bỏ, đình chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này đối với phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;

c) Báo cáo tình hình thực hiện việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư này và văn bản hướng dẫn riêng về phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;

5. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về phí và lệ phí ở địa phương, có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân cùng cấp;

b) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phí và lệ phí trong phạm vi địa phương;

c) Xử lý hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Mục VI Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
VI - GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

1. Tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về phí và lệ phí.

2. Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí không đồng ý với quyết định thu phí, lệ phí có quyền gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp phí, lệ phí. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện quyết định thu phí, lệ phí.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải giải quyết và trả lời cho người khiếu nại bằng văn bản; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển đơn khiếu nại hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

4. Trường hợp quá thời hạn quy định tại điểm 3 nêu trên mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền tiếp tục khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về khiếu nại hoặc khởi kiện tại Toà án.

5. Quyết định giải quyết khiếu nại về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Mục VII Thông tư 63/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:
...
VII - KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phí, lệ phí thì không được phục vụ công việc, dịch vụ hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Người nào không thực hiện đúng những quy định về việc ban hành, tổ chức thực hiện, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật về phí và lệ phí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật; số tiền đã thu sai phải được trả lại cho đối tượng nộp phí, lệ phí; trường hợp không xác định được đối tượng nộp phí, lệ phí thì số tiền đã thu sai phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB
- Xử phạt vi phạm hành chính được hướng dẫn bởi Chương 1, Chương 3, Điều 41 và Điều 43 Nghị định 109/2013/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn,

Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
...
Điều 4. Thời hiệu xử phạt
...
Chương 3. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 22. Hành vi vi phạm quy định đăng ký, kê khai phí, lệ phí
...
Điều 23. Hành vi vi phạm quy định công khai chế độ thu phí, lệ phí
...
Điều 24. Hành vi vi phạm quy định về nộp phí, lệ phí
...
Điều 25. Hành vi vi phạm quy định về mức phí, lệ phí
...
Điều 26. Hành vi vi phạm quy định về miễn, giảm phí, lệ phí
...
Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước đối với trường hợp được giao, ủy quyền thu phí, lệ phí
...
Điều 28. Hành vi vi phạm quy định về in chứng từ thu phí, lệ phí
...
Điều 29. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí
...
Điều 30. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí
...
Điều 31. Hành vi vi phạm quy định về quản lý chứng từ thu phí, lệ phí
...
Điều 41. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 43. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí

Xem nội dung VB
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí được hướng dẫn bởi Nghị định 106/2003/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 09/11/2013)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001
...
Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc xử phạt
...
Điều 4. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí
...
Điều 5. Thời hiệu xử phạt
...
Điều 6. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí
...
Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 8. Các hình thức xử phạt
...
Chương 2: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC PHÍ, LỆ PHÍ, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT

Điều 9. Vi phạm quy định về thẩm quyền quy định về phí, lệ phí
...
Điều 10. Vi phạm quy định về đăng ký, kê khai, thu, nộp phí, lệ phí
...
Điều 11. Vi phạm quy định về mức thu phí, lệ phí
...
Điều 12. Vi phạm quy định về quy trình, thủ tục lập, báo cáo phương án thu phí
...
Điều 13. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí
...
Điều 14. Vi phạm quy định về chứng từ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước
...
Điều 15. Vi phạm quy định về miễn, giảm phí, lệ phí
...
Điều 16. Vi phạm quy định chế độ kế toán trong lĩnh vực phí, lệ phí
...
Điều 17. Vi phạm quy định về công khai chế độ thu phí, lệ phí
...
Chương 3: THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 18. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.
...
Điều 19. Thủ tục xử phạt
...
Chương 4: KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo
...
Điều 21. Xử lý vi phạm
...
Chương 5: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành
...
Điều 23. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 24. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Xem nội dung VB
- Việc chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh này được hướng dẫn bởi Chỉ thị 24/2007/CT-TTg

Chỉ thị 24/2007/CT-TTg về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động
...
Để khắc phục tình hình trên và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động các khoản đóng góp của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

a) Bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí.

Đến ngày 30 tháng 11 năm 2007 nếu tỉnh, thành phố nào còn các khoản phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí và lệ phí, nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thì chưa được phép thu, không được vận dụng mức thu của các khoản phí, lệ phí khác có tính chất tương tự để thu. Trường hợp địa phương đã tổ chức thu thì phải dừng ngay.

Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

b) Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây.

c) Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu từ nguồn thu dịch vụ của các hợp tác xã, chỉ đạo thực hiện công khai các nguồn thu và nội dung chi tiêu để người dân được biết và tham gia giám sát.

d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách và quy định của pháp luật đối với từng khoản thu phí, lệ phí; các khoản đóng góp và giá một số dịch vụ phải trả. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Tăng cường trách nhiệm của các Sở và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trong kiểm tra, giám sát việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.

đ) Chỉ đạo việc kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định trên đây; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 năm 2007 về kết quả thực hiện rà soát, bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp của nhân dân ở địa phương; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Trong quý IV năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hoàn thành việc xây dựng Đề án về học phí, Bộ Y tế hoàn thành việc xây dựng Đề án về viện phí trình Chính phủ.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương hướng dẫn việc miễn các khoản phí, lệ phí theo Danh mục các loại phí, lệ phí được miễn ban hành kèm theo Chỉ thị này.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả rà soát, bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương tiến hành tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí, lệ phí báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này

Xem nội dung VB
- Việc triển khai thực hiện pháp lệnh này được hướng dẫn bởi Chỉ thị 13/2002/CT-TTg

Thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 03 tháng 6 năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.

Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ về phí và lệ phí có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần lập lại trật tự, kỷ cương về quản lý thu phí, lệ phí. Trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải thay đổi, cải tiến một số thủ tục, khắc phục những tồn tại để bảo đảm cho các hoạt động có thu phí, lệ phí được thuận tiện, thông suốt, đặc biệt là phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà.

Để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay việc rà soát lại các khoản phí, lệ phí đang thu tại ngành, địa phương mình, đối chiếu với Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP để phân loại xử lý như sau:

- Loại phí, lệ phí nào không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí thì không được phép thu. Cơ quan, đơn vị nào ban hành loại phí, lệ phí này phải ra ngay văn bản quy định bãi bỏ. Tổ chức, cá nhân đang thực hiện thu các loại phí, lệ phí này phải chấm dứt ngay việc thu và thực hiện kê khai quyết toán toàn bộ số tiền phí, lệ phí đã thu được với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;

- Loại phí, lệ phí nào mới có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chưa được phép thu;

- Loại phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí, đã có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.

Bộ Tài chính có kế hoạch cụ thể cùng với các Bộ, ngành và địa phương rà soát các loại phí, lệ phí đang áp dụng về mức thu, tỷ lệ để lại, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng; xác định rõ phí thuộc ngân sách nhà nước và phí không thuộc ngân sách nhà nước.

2. Việc miễn, giảm phí, lệ phí chỉ được thực hiện đối với những trường hợp đã quy định tại Điều 14 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP. Ở những nơi chưa giải quyết được ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy. Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại vé sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà và chế độ quản lý, sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là đối với hoạt động an ninh, quốc phòng, hoạt động công vụ; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể những nơi tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy. Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể thời hạn bãi bỏ việc cấp thẻ miễn phí và thời gian hết hiệu lực của những thẻ miễn phí đã cấp. Trước mắt, trong khi chờ ban hành đồng bộ văn bản hướng dẫn, việc miễn, giảm phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân thực hiện thu phí, lệ phí phải tăng cường phối hợp, tích cực sắp xếp lại quy trình thủ tục bán vé, kiểm soát thu phí, lệ phí để ngăn chặn tiêu cực, bảo đảm thuận tiện, thông thoáng, đặc biệt là đối với việc thu phí sử dụng cầu, đường bộ.

3. Việc triển khai thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của các ngành, các cấp trong năm 2002. Để giúp Chính phủ nắm bắt, chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp thực hiện được đúng Pháp lệnh và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP, Bộ Tài chính thành lập Tổ thường trực chỉ đạo triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bộ phận thường trực triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí ở các cơ sở;

- Kịp thời phản ánh những vướng mắc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về phí, lệ phí;

- Định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Pháp lệnh và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về phí, lệ phí.

4. Cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan tuyên truyền thuộc các ngành, các cấp cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Pháp lệnh và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP của Chính phủ về phí và lệ phí. Kịp thời biểu dương những việc làm, những đơn vị thực hiện tốt; phát hiện và đưa ra công luận những hiện tượng, trường hợp vi phạm Pháp lệnh và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP của Chính phủ về phí, lệ phí.

5. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải niêm yết, thông báo công khai tại địa điểm thu những quy định về thu phí, lệ phí như: tên phí, lệ phí; đối tượng áp dụng; đối tượng miễn, giảm; mức thu; thời gian áp dụng thu (nếu có); quy trình, thủ tục thu, nộp; thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí, lệ phí,... để thuận tiện trong thực hiện và làm cơ sở cho hoạt động giám sát của các tổ chức quần chúng và nhân dân.

6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các đơn vị thu phí, lệ phí có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này, định kỳ hàng quý báo cáo về Bộ Tài chính (qua Tổ thường trực chỉ đạo triển khai thực hiện Pháp lệnh và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để có biện pháp xử lý; trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyế

Xem nội dung VB
- Danh mục này được hướng dẫn bởi Nghị định 115/2011/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm 2, mục IV phần B Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ như sau:
(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
- Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí này được hướng dẫn bởi Thông tư 04/2012/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;
...
Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Mức thu phí, lệ phí
...
Điều 3. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí
...
Điều 4. Tổ chức thực hiện
...
BIỂU PHÍ, LỆ PHÍ TRONG CÔNG TÁC THÚ Y
...
Phụ lục 1 - Lệ phí trong công tác thú y
...
Phụ lục 2 - Phí phòng chống dịch bệnh cho động vật
...
Phụ lục 3 - Phí chẩn đoán thú y
...
Phụ lục 4 - Phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y
...
Phụ lục 5 - Phí kiểm nghiệm thuốc thú y dùng cho động vật
...
Phụ lục 6 - Phí kiểm tra kinh doanh thương mại có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp


Xem nội dung VB
- Chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ được hướng dẫn bởi Thông tư 109/2002/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/10/2004)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Để thu hồi vốn đầu tư và đảm bảo chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý đường bộ; sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí đường bộ như sau:

Phần I: QUY ĐỊNH CHUNG

I- GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
...
II- ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ
...
III- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
...
Phần II: MỨC THU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU PHÍ ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI ĐƯỜNG BỘ

I- ĐƯỜNG BỘ ĐẦU TƯ BẰNG VỐN NSNN
...
II- ĐƯỜNG BỘ DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ BẰNG VỐN VAY VÀ THU PHÍ HOÀN VỐN
...
III- ĐƯỜNG BỘ ĐẦU TƯ BẰNG VỐN LIÊN DOANH
...
IV- ĐƯỜNG BỘ ĐẦU TƯ ĐỂ KINH DOANH
...
Phần III: CHỨNG TỪ THU PHÍ VÀ TRÁCH NHIỆMCỦA TỔ CHỨC THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ

I- CHỨNG TỪ THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ
...
II- TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ
...
III- TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ
...
Phần IV: XỬ LÝ VI PHẠM
...
Phần V: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
...
MỨC THU PHÍ ĐƯỜNG BỘ DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ
...
MỆNH GIÁ VÉ ÁP DỤNG TẠI TỪNG TRẠM THU PHÍ
...
MỆNH GIÁ VÉ THU PHÍ TUYẾN QUỐC LỘ 5 VÀ MỆNH GIÁ VÉ SỬ DỤNG TOÀN QUỐC
...
MỆNH GIÁ VÉ PHÍ ĐƯỜNG BỘ TOÀN QUỐC ÁP DỤNG ĐỐI VỚI XE QUỐC PHÒNG BIỂN SỐ NỀN MÀU ĐỎ, CHỮ VÀ SỐ MÀU TRẮNG DẬP CHÌM

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ tại Thông tư 109/2002/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 52/2003/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/10/2004)

Căn cứ pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí
...
1. Thay thế đoạn: "Riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là các xe ô tô ca chở khách, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân)" quy định tại điểm 4.e, mục III, phần I Thông tư số 109/2002/TT-BTC ngày 6/12/2002 của Bộ Tài chính, bằng đoạn: "riêng xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, mang biển số màu đỏ (không phân biệt có chở quân hay không chở quân)".

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Không truy thu, truy hoàn tiền phí sử dụng đường bộ đối với các xe quân sự của Bộ Quốc phòng có từ 12 đến dưới 30 chỗ ngồi đã nộp hoặc chưa nộp phí trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Xem nội dung VB
- Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí sử dụng tần số vô tuyến điện được hướng dẫn bởi Thông tư 112/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện như sau:

Điều 1. Đối tượng nộp phí, lệ phí
...
Điều 2. Mức thu phí, lệ phí
...
Điều 3. Quy định về nộp lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện; hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện
...
Điều 4. Tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng
...
Điều 5. Tổ chức thực hiện
...
BIỂU MỨC THU LỆ PHÍ CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ PHÍ SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 03/2003/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 97/2003/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 21/03/2009)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001
...
Qua thời gian thực hiện và theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư số 03/2003/TT-BTC nêu trên như sau:

1. Bãi bỏ khoản thu lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn quy định tại Thông tư số 03/2003/TT-BTC nêu trên.

2. Sửa đổi điểm 2, mục II Thông tư số 03/2003/TT-BTC về tỷ lệ (%) trích tiền phí thu được để lại cho cơ quan Kiểm định kỹ thuật an toàn như sau:

Cơ quan kiểm định kỹ thuật an toàn chưa được NSNN cấp kinh phí cho hoạt động kiểm định được trích 90% (chín mươi phần trăm) tổng số tiền phí thực thu được trước khi nộp vào NSNN để phục vụ việc thu phí kiểm định kỹ thuật an toàn theo nội dung chi quy định tại điểm 2, mục II Thông tư số 03/2003/TT-BTC nêu trên.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Đối với số tiền phí, lệ phí kiểm định và cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật do các cơ quan Kiểm định kỹ thuật an toàn đã thu được trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tính vào số thu của đơn vị và được quyết toán, sử dụng theo quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để hướng dẫn bổ sung.

Xem nội dung VB
- Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2003/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 21/03/2009)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;
...
Sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí kiểm định và lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC THU:
...
II- THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ:
...
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
...
BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ

Xem nội dung VB
- Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí này được hướng dẫn bởi Thông tư 08/2014/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí y tế dự phòng, kiểm dịch y tế, như sau:

Điều 1. Đối tượng nộp phí
...
Điều 2. Mức thu phí
...
Điều 3. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí
...
Điều 4. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
- Phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề y, dược được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quy định phí thẩm định kinh doanh thương mại có điều kiện; thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề y, dược; lệ phí cấp giấy phép xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế, dược phẩm; cấp chứng chỉ hành nghề y; cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh.

Điều 1. Người nộp phí, lệ phí
...
Điều 2. Mức thu phí, lệ phí
...
Điều 3. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí
...
Điều 4. Tổ chức thực hiện
...
BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ TRONG LĨNH VỰC Y, DƯỢC

Xem nội dung VB
- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được hướng dẫn bởi Nghị định 67/2003/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2013)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Điều 2.
...
Điều 3. Tổ chức, hộ gia đình có nước thải quy định tại Điều 2 Nghị định này là đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Điều 4. Không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong các trường hợp sau:
...
Điều 5. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

Chương 2: MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI

Điều 6. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quy định như sau:
...
Điều 7.
...
Điều 8. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:
...
Điều 9. Chi phí đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải lần đầu phục vụ cho việc xác định số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm.
...
Điều 10.
...
Điều 11. Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ thẩm định tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, ra thông báo số phí phải nộp, tổ chức việc thu, nộp số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước và quyết toán số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của đối tượng nộp phí.

Điều 12. Hàng năm, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày 01 tháng 01 năm dương lịch, đơn vị cung cấp nước sạch, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện quyết toán việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí thu được trên địa bàn của năm trước với cơ quan thuế theo đúng chế độ quy định.

Điều 13. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, quyết toán việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của đơn vị cung cấp nước sạch và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chương 3: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 15. Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải vi phạm các quy định của Nghị định này thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Nếu có vi phạm cả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về tài nguyên nước, thì còn bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về tài nguyên nước.

Điều 16. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.

Điều 17. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 18. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 67/2003/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 04/2007/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2013)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải như sau:

1. Sửa đổi khoản 2 Điều 6 như sau:

“2. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tính theo từng chất gây ô nhiễm được quy định như sau:

(Xem chi tiết tại nội dung văn bản)

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau:

“1. Để lại một phần số phí thu được cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí; trang trải chi phí đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải đối với nước thải công nghiệp phục vụ cho việc thu phí hoặc điều chỉnh định mức phát thải của chất gây ô nhiễm”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố định mức phát thải của chất gây ô nhiễm làm căn cứ tính toán khối lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải công nghiệp để xác định số phí phải nộp; định kỳ khảo sát, xác định chất gây ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền đo đạc, lấy mẫu phân tích nước thải thì căn cứ vào kết quả đo đạc, phân tích đó để tính toán, xác định số phí phải nộp. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải công nghiệp trong trường hợp này”.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Xem nội dung VB
- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được hướng dẫn bởi Nghị định 25/2013/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải,
...
Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng chịu phí
...
Điều 3. Người nộp phí
...
Điều 4. Đối tượng không chịu phí
...
Chương 2. MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI

Điều 5. Mức thu phí
...
Điều 6. Thẩm quyền quy định mức phí
...
Điều 7. Quản lý và sử dụng phí
...
Điều 8. Tổ chức thu phí
...
Điều 9. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan tại địa phương
...
Chương 3. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 67/2003/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 26/2010/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2013)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải như sau:

“2. Phần còn lại nộp 100% vào ngân sách địa phương để sử dụng cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương, bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương, trả nợ vay đối với các khoản vay của các dự án thoát nước thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương”.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Xem nội dung VB
- Mục này bị bãi bỏ bởi Điều 57 Luật đo lường 2011

Điều 57. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012.

Pháp lệnh Đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH10 ngày 06 tháng 10 năm 1999, quy định về phí kiểm định phương tiện đo lường tại Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị định 45/2011/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001
...
Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng chịu lệ phí trước bạ
...
Điều 3. Người nộp lệ phí trước bạ
...
Điều 4. Các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ
...
Chương 2. CĂN CỨ TÍNH LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ

Điều 5. Căn cứ tính lệ phí trước bạ
...
Điều 6. Giá tính lệ phí trước bạ
...
Điều 7. Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%)
...
Chương 3. GHI NỢ, MIỄN LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ

Điều 8. Ghi nợ lệ phí trước bạ
...
Điều 9. Miễn lệ phí trước bạ
...
Chương 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 03/2003/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 97/2003/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 21/03/2009)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001
...
Qua thời gian thực hiện và theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư số 03/2003/TT-BTC nêu trên như sau:

1. Bãi bỏ khoản thu lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn quy định tại Thông tư số 03/2003/TT-BTC nêu trên.

Xem nội dung VB
- Chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2003/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 21/03/2009)

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;
...
Sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí kiểm định và lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC THU:
...
II- THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ:
...
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
...
BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ

Xem nội dung VB
- Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí này được hướng dẫn bởi Thông tư 121/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp và dán nhãn kiểm soát băng, đĩa hình có chương trình; phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác, như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Mức thu phí, lệ phí
...
Điều 3. Quản lý và sử dụng phí, lệ phí
...
Điều 4. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.