Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000
Số hiệu: 30/2000/PL-UBTVQH10 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nông Đức Mạnh
Ngày ban hành: 28/12/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/04/2001 Số công báo: Số 14
Lĩnh vực: An ninh quốc gia, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2000/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 30/2000/PL-UBTVQH10 NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trong nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2000;
Pháp lệnh này quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2

Bảo vệ bí mật nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và mọi công dân đều có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 3

Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch nhà nước.

Việc tiếp xúc, bảo quản, cung cấp và xử lý bí mật nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chương 2:

PHẠM VI BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 4

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Điều 5

Bí mật nhà nước trong phạm vi sau đây thuộc độ Tuyệt mật:

1. Chiến lược an ninh quốc gia; kế hoạch phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ khí, phương tiện có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước;

2. Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không công bố hoặc chưa công bố.

Những tin của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ Tuyệt mật;

3. Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián do Chính phủ quy định;

4. Mật mã quốc gia;

5. Dự trữ chiến lược quốc gia; các số liệu dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước về những lĩnh vực chưa công bố; kế hoạch phát hành tiền, khoá an toàn của từng mẫu tiền và các loại giấy tờ có giá trị như tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố;

6. Khu vực, địa điểm cấm; tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tuyệt mật.

Điều 6

Bí mật nhà nước trong phạm vi sau đây thuộc độ Tối mật:

1. Các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố.

Những tin của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật;

2. Tổ chức hoạt động, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang nhân dân, trừ tổ chức và hoạt động được quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh này; phương án sản xuất, vận chuyển và cất giữ vũ khí; công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo;

3. Bản đồ quân sự; toạ độ điểm hạng I, hạng II nhà nước của mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo.

Vị trí và trị số độ cao các mốc chính của các trạm khí tượng, thuỷ văn, hải văn; số liệu độ cao và số không tuyệt đối của các mốc hải văn;

4. Số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố; phương án giá các mặt hàng chiến lược thuộc Nhà nước quản lý chưa công bố;

5. Nơi lưu giữ và số lượng kim loại quý hiếm, đá quý, ngoại hối và vật quý hiếm khác của Nhà nước;

6. Công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà Nhà nước chưa công bố;

7. Kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển và bảo vệ đất nước không công bố hoặc chưa công bố;

8. Tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật.

Điều 7

Bí mật nhà nước ngoài phạm vi quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Pháp lệnh này thì thuộc độ Mật.

Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Điều 8

Căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của Pháp lệnh này, người đứng đầu hoặc người được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức quyết định độ mật đối với từng bí mật nhà nước cụ thể.

Điều 9

Việc lập, quyết định, thay đổi độ mật và giải mật đối với từng bí mật nhà nước phải được tiến hành theo thẩm quyền và thủ tục quy định tại Pháp lệnh này.

Chương 3:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC; TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÔNG DÂN VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 10

Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước gồm:

1. Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

2. Quyết định và giải mật bí mật nhà nước; quy định việc công bố danh mục bí mật nhà nước;

3. Quyết định kinh phí và bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

4. Quy định chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước;

6. Sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 11

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

b) Hướng dẫn cơ quan, tổ chức lập danh mục bí mật nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước;

c) Thẩm định việc lập và giải mật danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

d) Quyết định và giải mật danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật sau khi thống nhất với người đứng đầu hoặc người được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước;

e) Giúp Chính phủ sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 12

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu hoặc người được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

1. Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Pháp lệnh này và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện nội quy bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ;

3. Lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước gửi cấp có thẩm quyền quyết định;

4. Bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ;

5. Tuyên truyền, giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao trách nhiệm, cảnh giác và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

6. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 13

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của Chính phủ.

Điều 14

Chính phủ quy định việc bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng khác phù hợp với quy định của Pháp lệnh này.

Điều 15

Nội dung bí mật nhà nước nếu truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính thì phải được mã hoá theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Điều 16

Công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích của cơ quan, tổ chức hoặc công dân có liên quan đến nội dung bí mật nhà nước phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Điều 17

Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; khi tiến hành chương trình hợp tác quốc tế có liên quan đến bí mật nhà nước thì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 18

Người làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.

Người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bí mật nhà nước phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19

Cơ quan, tổ chức và công dân có thành tích bảo vệ bí mật nhà nước thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 20

Người nào vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2001.

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 10 năm 1991.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 22

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

 

- Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật của ngành Tài chính được hướng dẫn bởi Điều 1 Thông tư 56/2013/TT-BCA-A81

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000;
...
Sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định danh mục bí mật nhà nước và độ Mật của ngành Tài chính như sau:
...
Điều 1. Danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Tài chính gồm những tin, tài liệu, số liệu trong phạm vi sau:

1. Tài liệu, số liệu viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài chưa công bố.

2. Phương án ngân sách Nhà nước đang trình cấp có thẩm quyền trước khi Quốc hội quyết định.

3. Phương án đàm phán, tài liệu liên quan đến chuẩn bị cho đàm phán và chuẩn bị các hiệp định ký kết giữa Việt Nam và nước ngoài về hợp tác tài chính liên quan đến xử lý nợ, cơ cấu lại nợ, mua bán nợ; phương án đàm phán về thuế xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ tài chính, hải quan trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các điều ước quốc tế có điều khoản về thuế chưa được công bố; những thông tin trao đổi về người nộp thuế liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thương mại giữa các nhà chức trách có thẩm quyền theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ, hay các điều ước quốc tế có điều khoản về thuế.

4. Hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho dự trữ nhà nước; kho tiền, kim khí quý, đá quý của hệ thống kho bạc nhà nước; tài liệu về tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế kho tiền; phương án vận chuyển tiền và di dời kho tiền của hệ thống Kho bạc Nhà nước; hồ sơ kim khí quý, đá quý do Kho bạc Nhà nước quản lý và bảo quản; hồ sơ chi trả vàng bạc.

5. Số liệu tổng hợp tuyệt đối về số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa dự trữ nhà nước hàng năm.

6. Tổng hợp kế hoạch tuyệt đối hàng năm về dự trữ nhà nước; tổng hợp số liệu tuyệt đối về vật tư, hàng hóa nhập kho, xuất kho hàng năm.

7. Phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp quan trọng trong việc bảo quản vật tư, hàng hóa dự trữ nhà nước chưa công bố.

8. Phương án giá sản phẩm đặc biệt, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa công bố; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ quan trọng trong từng thời kỳ chưa công bố.

9. Tài liệu về trang thiết bị, vũ khí, phương tiện kỹ thuật, khí tài nghiệp vụ, trang thiết bị cơ yếu thuộc lĩnh vực hải quan chưa công bố hoặc không công bố.

10. Tài liệu về sơ đồ mạng truyền tin, tần số và quy ước liên lạc của lực lượng chống buôn lậu hải quan.

11. Hồ sơ vụ án do các đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng hải quan thụ lý chưa công bố.

12. Tin tức, tài liệu, kế hoạch phối hợp giữa lực lượng hải quan, thuế với các ngành liên quan về lĩnh vực hải quan, thuế chưa công bố hoặc không công bố.

13. Các nội dung, tài liệu liên quan đến thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, kiểm soát ma túy, phòng, chống khủng bố, huấn luyện chó nghiệp vụ trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các số liệu, tài liệu liên quan đến công tác kiểm soát hải quan.

14. Thông tin, tài liệu của người nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam có liên quan đến đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy; quy trình huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ; chống hàng giả thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan; phòng, chống khủng bố, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan mà theo yêu cầu của bên giao không công bố.

15. Tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin; tài liệu, chứng cứ do người cung cấp thông tin cung cấp có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hải quan và chứng khoán.

16. Thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi phạm đang được thu thập, phân tích, tổng hợp làm cơ sở cho việc đề xuất quyết định kiểm tra sau thông quan.

17. Tài liệu thanh tra, kiểm tra; kết luận thanh tra, kiểm tra chưa công bố.

18. Tin, tài liệu về thẩm tra, xác minh đơn, thư khiếu nại tố cáo nội bộ ngành tài chính chưa công bố.

19. Tin, tài liệu về đơn tố cáo gửi đến cơ quan, đơn vị trong ngành tài chính nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết phải chuyển đến cơ quan đúng thẩm quyền giải quyết.

20. Hồ sơ cán bộ của ngành tài chính; tài liệu về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, kỷ luật cán bộ chưa công bố.

21. Tài liệu về phương án tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa công bố.

22. Báo cáo giám sát hoạt động của công ty quản lý quỹ; quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng thanh toán, ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký và văn phòng đại diện chưa công bố; tài liệu giám sát giao dịch chứng khoán chưa công bố.

23. Thông tin tổng hợp về hoạt động đầu tư gián tiếp của nước ngoài; quản lý dòng vốn gián tiếp chưa công bố.

24. Các tin tức, tài liệu, số liệu liên quan đến các chính sách quản lý, bình ổn thị trường chứng khoán chưa công bố.

25. Các văn bản liên quan đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, công ty chứng khoán và sở giao dịch chưa công bố; các văn bản liên quan đến tình hình thu - chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương chưa công bố.

26. Các văn bản thông báo về lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương chưa công bố.

27. Thông tin về hệ thống thông tin của ngành tài chính bao gồm:

a) Mã nguồn, thiết kế chi tiết các phần mềm ứng dụng thuộc sở hữu của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

b) Tài liệu mô tả chi tiết hệ thống mạng, hệ thống an ninh thông tin các đơn vị thuộc ngành tài chính (bao gồm thiết kế thi công, sơ đồ kết nối và các thông số kỹ thuật cụ thể).

c) Báo cáo chi tiết lỗ hổng bảo mật hệ thống mạng, máy chủ, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng đang hoạt động trên hệ thống mạng của ngành tài chính.

d) Mật khẩu và các phương tiện xác thực đối tượng truy cập vào hệ thống thông tin của ngành tài chính (ngoại trừ các hệ thống phục vụ công tác giới thiệu, đào tạo và thử nghiệm).

28. Các báo cáo, văn bản khác có sử dụng tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ Mật của các cơ quan, tổ chức khác.

Xem nội dung VB
- Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật trong ngành tài chính được hướng dẫn bởi Quyết định 237/2003/QĐ-TTg (VB hết hiệu lực: 10/12/2009)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Điều 1. Bí mật nhà nước trong ngành Tài chính độ Tuyệt mật gồm:
...
Điều 2. Bí mật nhà nước trong ngành Tài chính độ Tối mật gồm :
...
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các quyết định sau:
...
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Xem nội dung VB
- Danh mục bí mật Nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong ngành ngân hàng được hướng dẫn bởi Quyết định 15/2003/QĐ-TTg (VB hết hiệu lực: 10/04/2021)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 30/200/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Điều 1. Danh mục bí mật Nhà nước độ "Tuyệt mật" gồm những thông tin trong phạm vi sau:

1. Phương án, kế hoạch phát hành tiền mặt chưa công bố lưu hành vào lưu thông.

2. Kế hoạch phát hành, cung ứng tiền hàng năm.

3. Đề án, kế hoạch đổi tiền và kết quả thu đổi tiền chưa công bố.

4. Đề án, phương án và kế hoạch thiết kế, chế bản mẫu tiền mới.

5. Bản mẫu thiết kế đã được phê duyệt, bản mẫu chế bản gốc (bản khắc gốc, phim gốc), mẫu in thử, mẫu đúc thử, thông số kỹ thuật, yếu tố chống giả, khoá an toàn của từng mẫu tiền và các giấy tờ có giá như tiền.

Điều 2. Danh mục bí mật Nhà nước độ "Tối Mật" gồm những tin trong phạm vi sau:

1. Số lượng tiền in và tiền đúc, tiền phát hành; kế hoạch điều chuyển tiền và các giấy tờ có giá như tiền.

2. Tiền dự trữ phát hành đồng Việt Nam.

3. Các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố.

4. Số lượng và nơi lưu giữ dự trữ ngoại hối Nhà nước, kim loại qúy hiếm, đá qúy và các vật qúy hiếm khác của Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý, bảo quản.

5. Phương án, kế hoạch đặt tổ chức tín dụng và tình trạng kiểm soát đặc biệt và phương án hợp nhất, sáp nhập, giải thể, mua, bán tổ chức tín dụng chưa công bố.

6.Tài liệu, số liệu về thiết kế nhà máy in tiền, nhà máy đúc tiền, kho tiền; quy trình công nghệ về in, đúc tiền và các giấy tờ có giá như tiền; công thức pha chế mực in tiền; quy định về cấp vần sê ri để in, đúc tiền.

7. Tài liệu, số liệu về thiết kế hệ thống điện tử của ngành Ngân hàng; chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; mã khoá bảo mật trong thanh toán chuyển tiền điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; các thuật toán, phần mềm máy tính để xây dựng chữ ký điện tử và mã khoá bảo mật.

8. Phương án chuẩn bị đàm phán và kết quả đàm phán các hiệp định, thoả thuận về tiền tệ và hoạt động ngân hàng được ký kết giữa nước ta và đối tác nước ngoài chưa công bố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 135/1999/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước trong ngành Ngân hàng.

Điều 4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Xem nội dung VB
- Việc lập, quyết định danh mục bí mật nhà nước được hướng dẫn bởi từ Điều 1 đến Điều 4 Nghị định 33/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2020)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Điều 1. Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước ở cơ quan, tổ chức của mình. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương mình trên cơ sở đề xuất của các Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Điều 2. Người được ủy quyền lập danh mục bí mật nhà nước

Người được ủy quyền nêu trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Trưởng các Ban của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Điều 3. Lập danh mục bí mật nhà nước

Căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước quy định tại các Điều 5, 6, 7 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, người chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước hoặc người được ủy quyền có nhiệm vụ:

1. Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Bộ Công an đã thẩm định.

2. Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật gửi Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Vào qúy I hàng năm, xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, giải mật danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật gửi cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 4. Thẩm định và quyết định danh mục bí mật nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; thẩm định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Xem nội dung VB
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân về bảo vệ bí mật nhà nước được hướng dẫn bởi Chương 2 Nghị định 33/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2020)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Chương 2: TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÔNG DÂN VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Điều 6. Quy định độ mật đối với từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
...
Điều 7. Xác định và đóng dấu độ mật đối với từng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
...
Điều 8. In, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
...
Điều 9. Phổ biến, nghiên cứu tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước
...
Điều 10. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
...
Điều 11. Thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
...
Điều 12. Đăng ký các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước
...
Điều 13. Khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước
...
Điều 14. Bảo vệ các khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước
...
Điều 15. Bảo vệ bí mật mật mã quốc gia
...
Điều 16. Bảo vệ bí mật nhà nước khi truyền đi bằng phương tiện thông tin liên lạc
...
Điều 17. Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng khác
...
Điều 18. Cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam
...
Điều 19. Bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài
...
Điều 20. Mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra nước ngoài
...
Điều 21. Tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
...
Điều 22. Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước và tiêu chuẩn cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước
...
Điều 23. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước
...
Điều 24. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước
...
Điều 25. Chế độ báo cáo và sơ kết, tổng kết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước
...
Điều 26. Xây dựng quy chế bảo vệ bí mật nhà nước
...
Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước

Xem nội dung VB
- Công bố danh mục bí mật nhà nước được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 33/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2020)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Điều 5. Công bố danh mục bí mật nhà nước

1. Việc công bố danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương phải căn cứ vào tính chất, mức độ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có thể hiện nội dung bí mật ở danh mục để quyết định.

2. Khi trình danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật lên Thủ tướng Chính phủ hoặc gửi danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật đến Bộ trưởng Bộ Công an thì cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương phải đề xuất việc công bố, không công bố danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương mình. Bộ Công an đề xuất việc công bố hay không công bố danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương lên Thủ tướng Chính phủ.

3. Cấp có thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước sẽ quyết định việc công bố hay không công bố danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 28 Nghị định 33/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2020)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Điều 28. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức và công dân có một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật:

1. Phát hiện, tố giác kịp thời hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước.

2. Khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm bảo vệ an toàn bí mật nhà nước.

3. Tìm được tài liệu, vật thuộc bí mật nhà nước bị mất; ngăn chặn hoặc hạn chế được hậu quả do việc làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước do người khác gây ra.

4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước theo chức trách được giao.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 29 Nghị định 33/2002/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/07/2020)

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000
...
Điều 29. Xử lý vi phạm

Mọi vi phạm chế độ bảo vệ bí mật nhà nước phải được điều tra làm rõ. Người có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, hậu quả tác hại gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xem nội dung VB
- Hình thức, mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ bí mật nhà nước được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,
...
Điều 18. Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) In ấn, sao chụp tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật không đúng quy định;

b) Phổ biến, nghiên cứu thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước không theo đúng quy định;

c) Không thực hiện đúng quy định về vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước;

d) Tiêu hủy các tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không đúng quy định;

đ) Vào khu vực cấm, địa điểm cấm, nơi bảo quản, lưu giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép;

e) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cung cấp thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân ở trong nước và nước ngoài không đúng theo quy định;

b) Mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ra nước ngoài mà không được phép của cơ quan và người có thẩm quyền;

c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi tài liệu, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, e Khoản 1; Khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.