Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989
Số hiệu: 17-LCT/HĐNN8 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước Người ký: Võ Chí Công
Ngày ban hành: 04/04/1989 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 31/08/1989 Số công báo: Số 16
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 1989

 

PHÁP LỆNH

TỔ CHỨC ĐIỀU TRA HÌNH SỰ SỐ 17-LCT/HĐNN8 CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào các điều 92, 93 và 94 của Bộ luật tố tụng hình sự;
Pháp lệnh này quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra hình sự, của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự của Bộ đội biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tổ chức cơ quan điều tra.

1- Các cơ quan điều tra theo Bộ luật tố tụng hình sự gồm có:

a) Cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân;

b) Cơ quan điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân;

c) Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân;

d) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân.

2- Ngoài các cơ quan điều tra quy định tại khoản 1 Điều này, trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân, Lực lượng An ninh nhân dân và trong Quân đội nhân dân còn có các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 2: Nhiệm vụ của cơ quan điều tra.

1- Cơ quan điều tra tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

2- Các cơ quan được quy định tại khoản 2 Điều 1 của Pháp lệnh này, trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu phạm tội thì tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kịp thời phát hiện tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Điều 3: Nguyên tắc hoạt động điều tra.

Hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, trách nhiệm của bị can nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Mọi hoạt động điều tra phải tuân theo pháp luật, chấp hành các nguyên tắc do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự chỉ đạo của cơ quan điều tra cấp trên.

Điều 4: Hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm.

Đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm tiến hành điều tra theo quy định của Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định tại Chương V Pháp lệnh này.

Điều 5: Trách nhiệm chấp hành các quyết định và yêu cầu của người tiến hành điều tra.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan và công dân phải chấp hành những quyết định, yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan điều tra, của điều tra viên, của Thủ trưởng và những cán bộ được phân công làm nhiệm vụ điều tra của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, của Thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, Thủ trưởng cơ quan Hải quan, Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm và những cán bộ được giao nhiệm vụ điều tra của các cơ quan này trong khi tiến hành điều tra.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời bằng văn bản về việc thực hiện các quyết định, yêu cầu đó.

Điều 6: Kiểm sát hoạt động điều tra.

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, của đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh này.

Viện kiểm sát phải phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra và đề ra những biện pháp khắc phục.

Cơ quan điều tra các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm phải thực hiện những yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát.

Điều 7: Việc tham gia của các tổ chức xã hội và của công dân trong hoạt động điều tra.

1- Mặt trận Tổ quốc, các thành viên của Mặt trận và công dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2- Trong hoạt động điều tra, cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm phải dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức xã hội và công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

3- Khi phát hiện những hành vi trái pháp luật trong hoạt động điều tra, các tổ chức xã hội và công dân có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với Viện kiểm sát nhân dân, với các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan này có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Mục A: CƠ QUAN ĐIỀU TRA VÀ CÁC CƠ QUAN KHÁC CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA.

Điều 8: Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, điều tra tất cả các tội phạm quy định tại các chương từ Chương II đến Chương X Phần "Các tội phạm" của Bộ luật hình sự, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và những trường hợp do cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tiến hành điều tra. Đối với các tội phạm quy định các điều 94, 95, 96 và 97 của Bộ luật hình sự, việc phân công trách nhiệm điều tra giữa các cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân và Lực lượng An ninh nhân dân do Bộ trưởng Bộ nội vụ quyết định.

Điều 9: Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Cục điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân điều tra các tội phạm quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh này, khi thấy cần trực tiếp điều tra.

Phòng điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân cấp tỉnh điều tra các tội phạm quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh này, khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh và các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp dưới, nhưng xét thấy cần trực tiếp tiến hành điều tra.

Đội điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân cấp huyện điều tra các tội phạm quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh này, khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện.

Điều 10: Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác của Lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cục Cảnh sát trực tiếp đấu tranh chống tội phạm kinh tế và các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; các phòng Cảnh sát trực tiếp đấu tranh chống tội phạm kinh tế và các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, ban giám thị trại tạm giam ở cấp tỉnh và trại giam, trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu phạm tội quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh này đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, lấy lời khai, khám xét, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; khi xét cần ngăn chặn ngay việc người có hành vi phạm tội chạy trốn, tiêu huỷ chứng cứ hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm thì tạm giữ ngay người đó và xin ngay lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền; trong thời hạn 6 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền của Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Mục B: CƠ QUAN ĐIỀU TRA VÀ CÁC CƠ QUAN KHÁC CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA.

Điều 11: Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Lực lượng An ninh nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Lực lượng An ninh nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền điều tra:

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương I và Chương XII Phần "Các tội phạm" của Bộ luật hình sự, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Đối với những tội phạm quy định tại các điều 94, 95, 96 và 97 của Bộ luật hình sự thì việc phân công trách nhiệm điều tra giữa các cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân và Lực lượng An ninh nhân dân do Bộ trưởng Bộ nội vụ quyết định.

b) Các tội phạm mà người thực hiện là cán bộ, chiến sĩ An ninh nhân dân.

Điều 12: Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của cơ quan điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân.

Cục điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân điều tra các tội phạm quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này, khi thấy cần trực tiếp điều tra.

Phòng điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân cấp tỉnh điều tra các tội phạm quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này, trừ những tội phạm quy định tại Chương XII Phần "Các tội phạm" của Bộ luật hình sự và những tội phạm do Cục điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân trực tiếp điều tra.

Điều 13: Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác trong Lực lượng An ninh nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cục của Lực lượng An ninh nhân dân và các phòng của Lực lượng An ninh nhân dân cấp tỉnh trực tiếp đấu tranh chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu phạm tội quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; lấy lời khai, khám xét, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; khi xét cần ngăn chặn ngay việc người có hành vi phạm tội chạy trốn, tiêu huỷ chứng cứ hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm thì tạm giữ ngay người đó và xin ngay lệnh bắt khẩn cấp của cơ qua có thẩm quyền; trong thời hạn 6 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền của Lực lượng An ninh nhân dân.

Đội an ninh ở cấp huyện trong khi làm niệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội xâm phạm an ninh quốc gia thì tiến hành ngay việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn; lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, và báo ngay cho Phòng điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân cấp tỉnh.

Mục C: CƠ QUAN ĐIỀU TRA TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN.

Điều 14: Tổ chức cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân gồm có:

Cục điều tra hình sự ở Bộ quốc phòng, Phòng điều tra hình sự ở Tổng cục, Quân khu, Quân chủng, Binh chủng và cấp tương đương, Ban điều tra hình sự ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và cấp tương đương; Cục an ninh quân đội ở Bộ quốc phòng và Phòng an ninh quân đội ở Tổng cục, Quân khu, Quân chủng, Binh chủng và cấp tương đương.

Điều 15: Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

Các cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân căn cứ vào thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự, tiến hành điều tra các tội phạm quy định tại các chương từ Chương II đến Chương XII Phần "Các tội phạm" của Bộ luật hình sự, trừ những trường hợp do cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự, Cục An ninh quân đội, Phòng an ninh quân đội và cơ quan điều tra của Lực lượng An ninh nhân dân điều tra.

Cục An ninh quân đội và các Phòng An ninh quân đội căn cứ vào thẩm quyền xét xử của các Toà án quân sự, tiến hành điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương I, Chương XII và các tội phạm quy định tại các điều 256, 257, 262, 263 và 269 của Bộ luật hình sự, trừ các tội phạm mà người thực hiện là cán bộ, chiến sĩ An ninh nhân dân.

Điều 16: Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Khi phát hiện những hành vi phạm tội quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh này, xảy ra trong khu vực đóng quân của đơn vị, thì Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp Trung đoàn, Lữ đoàn có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra: lập biên bản phạm tội quả tang, lấy lời khai, thu giữ bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trong những trường hợp quy định tại Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự thì có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, khám xét; chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Mục D: CƠ QUAN ĐIỀU TRA CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 17: Tổ chức cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự.

Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân gồm có: Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự trung ương và Ban điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự ở Tổng cục, Quân khu, Quân chủng và cấp tương đương.

Điều 18: Thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân.

1- Cục điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng điều tra của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh điều tra trong những trường hợp sau đây, khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân xét thấy cần thiết:

a) Khi phát hiện trong hoạt động điều tra có những hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

b) Khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật phát hiện những vụ phạm tội rõ ràng mà xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra khác;

c) Khi phát hiện tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể giao cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát điều tra trong những trường hợp khác.

2- Phòng điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Ban điều tra của Viện kiểm sát quân sự ở Tổng cục, Quân khu, Quân chủng và cấp tương đương điều tra những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, nếu vụ án đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.

Chương 3:

QUAN HỆ PHÂN CÔNG VÀ PHỐI HỢP TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

Điều 19: Quan hệ giữa cơ quan điều tra và các cơ quan khác trong hoạt động điều tra.

Quan hệ giữa cơ quan điều tra với các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là quan hệ phân công và phối hợp nhằm phát hiện kịp thời tội phạm và người phạm tội.

Các yêu cầu bằng văn bản của cơ quan điều tra phải được các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nghiêm chỉnh thực hiện.

Các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, sau khi khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền phải gửi ngay các quyết định đó cho Viện kiểm sát và thông báo cho cơ quan điều tra cùng cấp biết.

Đối với sự việc có dấu hiệu phạm tội mà chưa rõ thẩm quyền điều tra thì cơ quan điều tra nào phát hiện trước phải tiến hành ngay các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và của Pháp lệnh này; khi đã xác định thẩm quyền thì chuyển giao ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Các đơn vị Cảnh sát nhân dân, đơn vị Kiểm soát quân sự có trách nhiệm hỗ trợ và thực hiện các yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan điều tra, của điều tra viện và của Thủ trưởng các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Điều 20: Uỷ thác điều tra.

Khi cần thiết, cơ quan điều tra có thể uỷ thác cho cơ quan điều tra khác thực hiện một số hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra được uỷ thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ việc uỷ thác.

Trong trường hợp cơ quan điều tra được uỷ thác không thể thực hiện được từng phần hoặc toàn bộ việc uỷ thác thì phải báo ngay bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan điều tra đã uỷ thác biết.

Điều 21: Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra.

Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các cơ quan điều tra thuộc các ngành khác nhau thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, nơi tội phạm xảy ra hoặc nơi phát hiện tội phạm giải quyết. Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các cơ quan điều tra cùng ngành ở cấp nào thì Thủ trưởng quản lý cấp đó giải quyết.

Chương 4:

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN ĐIỀU TRA VÀ ĐIỀU TRA VIÊN

Điều 22: Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra.

Thủ trưởng cơ quan điều tra là người chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức và chỉ đạo mọi hoạt động điều tra của cơ quan điều tra; có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, truy nã bị can, khám xét, thay đổi điều tra viên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; trực tiếp tiến hành điều tra; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra. Khi cần thiết, Thủ trưởng cơ quan điều tra có thể uỷ nhiệm cho Phó thủ trưởng thực hiện các quyền hạn của mình.

Phó thủ trưởng cơ quan điều tra có những quyền hạn quy định tại các điều 58, 62, 63, 68, 70, 116 và 121 của Bộ luật tố tụng hình sự.

ở cấp huyện, Trưởng công an làm nhiệm vụ Thủ trưởng Đội điều tra, Phó trưởng công an phụ trách công tác điều tra là Phó thủ trưởng Đội điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Điều 23: Bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra.

Người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có trình độ đại học an ninh, cảnh sát, pháp lý hoặc tương đương, có nghiệp vụ điều tra, có kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động điều tra có thể được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra.

Việc bổ nhiệm và cấp giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ở cấp trung ương trong mỗi ngành do Thủ trưởng ngành quyết định.

Việc bổ nhiệm và cấp giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp ở địa phương của mỗi ngành do Thủ trưởng ngành quyết định, theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp.

Điều 24: Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên.

Khi được phân công điều tra một phần hoặc toàn bộ vụ án, điều tra viên có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình.

Đối với những biện pháp điều tra thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan điều tra thì điều tra viên có quyền kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan điều tra quyết định. Trong trường hợp không nhất trí với quyết định của Thủ trưởng cơ quan điều tra thì điều tra viên vẫn phải chấp hành quyết định đó, nhưng có quyền khiếu nại lên Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp trên. Trong thời hạn 10 ngày, Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp trên phải trả lời khiếu nại của điều tra viên.

Trong khi tiến hành hoạt động điều tra, điều tra viên được ưu tiên mua vé đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng, được miễn cước phí giao thông trong thành phố, thị xã. Trong trường hợp cấp thiết, để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn, điều tra viên được sử dụng các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và tư nhân, kể cả những người điều khiển phương tiện ấy, trừ các phương tiện của cơ quan ngoại giao và phải hoàn trả ngay khi tình huống cấp thiết không còn. Nếu các phương tiện bị hư hỏng hoặc bị mất thì cơ quan điều tra hữu quan có trách nhiệm bồi thường.

Điều 25: Bổ nhiệm điều tra viên.

Người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có kiến thức pháp luật cần thiết và có khả năng thực hiện nhiệm vụ điều tra có thể được bổ nhiệm làm điều tra viên.

Điều tra viên có 3 bậc: Cao cấp, trung cấp và sơ cấp.

Điều tra viên cao cấp phải có trình độ đại học an ninh, cảnh sát, pháp lý hoặc tương đương, có trình độ nghiên cứu tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng và chống tội phạm, có kinh nghiệm điều tra các vụ án thuộc loại tội nghiêm trọng, phức tạp, có năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động điều tra.

Điều tra viên trung cấp phải có trình độ đại học an ninh, cảnh sát, pháp lý hoặc tương đương, có kinh nghiệm điều tra các vụ án thuộc loại tội nghiêm trọng, phức tạp, có khả năng hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động điều tra.

Điều tra viên sơ cấp phải có trình độ trung học an ninh, cảnh sát, pháp lý hoặc tương đương và có khả năng điều tra các vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng.

Việc bổ nhiệm và cấp giấy chứng nhận điều tra viên do Thủ trưởng cơ quan quản lý từ cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên quyết định theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan điều tra cùng cấp.

Cấp ra quyết định bổ nhiệm có quyền miễn nhiệm điều tra viên.

Điều 26: Thủ trưởng và cán bộ của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Thủ trưởng, Phó thủ trưởng và cán bộ của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có kinh nghiệm điều tra, có kiến thức từ trung học an ninh, cảnh sát, pháp lý hoặc tương đương trở lên.

Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền tiến hành những biện pháp điều tra quy định tại Điều 10 và Điều 13 của Pháp lệnh này và phải tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh này; phân công và chỉ đạo cán bộ dưới quyền thực hiện một số hoạt động điều tra.

Cán bộ được phân công điều tra phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

CHƯƠNG V

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG, HẢI QUAN VÀ KIỂM LÂM TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA

Điều 27: Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị Bộ đội biên phòng trong hoạt động điều tra.

1- Các đơn vị Bộ đội biên phòng trong khi làm nhiệm của mình mà phát hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Chương I Phần "Các tội phạm" và tội phạm quy định tại Điều 179 của Bộ luật hình sự xảy ra trong khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo và trên các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý, có quyền:

a) Đối với hành vi phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, ít nghiêm trọng thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám xét, xét cần ngăn chặn ngay việc người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ người đó; lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; khi cần thiết, trưng cầu giám định, khởi tố bị can; hoàn thành và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

b) Đối với hành vi phạm tội nghiêm trọng, phức tạp thì tiến hành khám nghiệm hiện trường, ra quyết định khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp, khám xét, ra lệnh tạm giữ người trong những trường hợp quy định tại Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự; lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2- Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Trưởng đồn, Phó trưởng đồn có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này, trực tiếp điều tra hoặc phân công cán bộ điều tra và phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.

Những cán bộ được phân công tiến hành điều tra phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra mà mình đã thực hiện.

Điều 28: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hải quan trong hoạt động điều tra.

1- Cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện hành vi phạm tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật hình sự, có quyền:

a) Đối với hành vi phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, ít nghiêm trọng thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; xét cần ngăn chặn ngay việc người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ ngay người đó và xin ngay lệnh tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền; khám xét người, khám nơi oa trữ trong khu vực kiểm soát của Hải quan do Hội đồng bộ trưởng quy định; khi cần thiết, trưng cầu giám định, khởi tố bị can; hoàn thành và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

b) Đối với hành vi thuộc loại tội nghiêm trọng, phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khi xét cần ngăn chặn ngay việc người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ ngay người đó và xin ngay lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền; khám xét người, khám nơi oa trữ trong khu vực kiểm soát của Hải quan do Hội đồng bộ trưởng quy định; chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2- Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục kiểm soát, Cục giám quản của Tổng cục Hải quan, Giám đốc, Phó giám đốc Hải quan cấp tỉnh, trưởng Hải quan cửa khẩu được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ định, có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này, trực tiếp điều tra hoặc phân công cán bộ điều tra và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình.

Những cán bộ được phân công làm nhiệm vụ điều tra phải chịu trách nhiệm về hoạt động điều tra mà mình đã thực hiện.

Điều 29: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Kiểm lâm trong hoạt động điều tra.

1- Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện hành vi phạm tội quy định tại các điều 181, 194, và 216 của Bộ luật hình sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, có quyền:

a) Đối với những hành vi phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, ít nghiêm trọng thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, ra quyết định khởi tố bị can, hoàn thành và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

b) Đối với hành vi thuộc loại tội nghiêm trọng, phức tạp thì khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2- Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này; trực tiếp điều tra hoặc phân công cán bộ điều tra và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình.

Những cán bộ được phân công tiến hành điều tra phải chịu trách nhiệm về các hoạt động điều tra mà mình đã thực hiện.

Điều 30: Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra.

Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, nơi xảy ra vụ án, quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra có thẩm quyền có quyền yêu cầu đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm chuyển giao ngay hồ sơ vụ án để trực tiếp điều tra. Các yêu cầu của cơ quan điều tra có giá trị bắt buộc thi hành đối với đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 31

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 1989.

Điều 32

Hội đồng bộ trưởng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh này.

Hà Nội, ngày 4 tháng 4 năm 1989

 

Võ Chí Công

(Đã ký)

 

- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Mục II Thông tư 79-VKSND/TT-1989 (VB hết hiệu lực: 01/07/2016)

Ngày 4-4-1989 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh “Tổ chức điều tra hình sự” quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra… trong đó có cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự. Quy định đó là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát thực hiện chức năng của mình một cách có hiệu quả, chủ động trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Thực hiện điều 32 của Pháp lệnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra trong ngành Kiểm sát thống nhất như sau:
...
II- NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ MỐI QUAN HỆ TRONG ĐIỀU TRA

1- Nguyên tắc hoạt động

Căn cứ vào nguyên tắc hoạt động điều tra quy định tại điều 3 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành Kiểm sát, trong hoạt động điều tra cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tuân theo những nguyên tắc sau đây:

- Phải tuân theo pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc tố tụng hình sự.

- Chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp quản lý và sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện trưởng quyết định giao vụ án cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra và thông qua công tác kiểm sát điều tra mà kiểm tra, chỉ đạo hoạt động điều tra, quyết định đường lối xử lý vụ án;

- Thủ trưởng cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động điều tra, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Viện trưởng về hoạt động của mình.

- Cục điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo nghiệp vụ điều tra đối với phòng điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Phòng điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương chỉ đạo nghiệp vụ các Ban điều tra của Viện kiểm sát quân sự Tổng cục, quân khu, quân chủng và cấp tương đương.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Mục III Thông tư 79-VKSND/TT-1989 (VB hết hiệu lực: 01/07/2016)

Ngày 4-4-1989 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh “Tổ chức điều tra hình sự” quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra… trong đó có cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự. Quy định đó là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát thực hiện chức năng của mình một cách có hiệu quả, chủ động trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Thực hiện điều 32 của Pháp lệnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra trong ngành Kiểm sát thống nhất như sau:
...
III- VỀ TỔ CHỨC, CÁN BỘ, PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG

1- Về tổ chức

Cơ quan điều tra VKSND tổ chức ở hai cấp; của Viện KSND tối cao là cục điều tra, của VKSND cấp tỉnh là phòng điều tra; của VKS quân sự trung ương là phòng điều tra, của VKS quân sự cấp Tổng cục, quân khu, quân chủng và cấp tương đương là ban điều tra.

Cục điều tra của VKSND tối cao tổ chức làm 2 phòng:

- Phòng tổng hợp và kiểm tra hướng dẫn công tác điều tra.

- Phòng điều tra.

Trong cơ quan điều tra các cấp có Thủ trưởng (Cục trưởng, trưởng phòng, trưởng ban) Phó Thủ trưởng (Phó Cục trưởng, phó phòng, phó ban), điều tra viên là các cán bộ có tư cách pháp lý trong hoạt động điều tra và còn có một số chuyên viên, nhân viên giúp việc.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thành lập cơ quan điều tra, căn cứ và tiêu chuẩn quy định tại điều 23 và 25 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ra quyết định bổ nhiệm, cấp giấy chứng nhận Thủ trưởng, phó Thủ trưởng, điều tra viên trong ngành.

Cơ quan điều tra có con dấu riêng.

Điều tra viên hưởng mọi chế độ như kiểm sát viên và các quyền lợi Nhà nước quy định chung cho điều tra viên.

2- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan điều tra các cấp

a) Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự trung ương có nhiệm vụ:

+ Về chỉ đạo hoạt động điều tra đối với các cơ quan điều tra cấp dưới:

- Kiểm tra cơ quan điều tra cấp dưới về chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra và chỉ thị, mệnh lệnh của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác điều tra.

- Hướng dẫn nghiệp vụ điều tra.

- Đúc rút, phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ điều tra.

+ Về điều tra tội phạm:

- Rút về điều tra những vụ án do cơ quan điều tra ở cấp trung ương điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

- Những vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, chủ thể là những cán bộ chủ chốt của cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp trung ương.

- Tiến hành xác minh những vụ án theo trình tự tái thẩm thuộc quyền kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

- Những vụ án khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao.

- Nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng, bảo quản phương tiện phục vụ cho công tác điều tra.

b) Phòng điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban điều tra của Viện kiểm sát quân sự quân khu, quân chủng, Tổng cục và cấp tương đương có nhiệm vụ:

- Điều tra những vụ thuộc 3 trường hợp a, b, c nêu trên xảy ra trong phạm vi lãnh thổ, thuộc thẩm quyền về những vụ án do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao.

- Xác minh những vụ án do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu, quân chủng, Tổng cục, kháng nghị tái thẩm.

- Qua thực tế công tác đúc rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

3- Về cán bộ

Căn cứ vào nhiệm vụ, đặc điểm thực tiện và khả năng cán bộ, để hoàn thành nhiệm vụ, trước mắt ở Cục điều tra bố trí 15 cán bộ. Phòng điều tra của Viện kiểm sát cấp tỉnh có từ 3 cán bộ trở lên.

Biên chế, cán bộ của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Số cán bộ bố trí sang làm công tác điều tra phải có kiến thức pháp lý nhất định, đã qua công tác điều tra hoặc chọn trong số cán bộ kiểm sát điều tra giỏi, có kinh nghiệm, đã được học các lớp dự thẩm tại Liên xô về.

Điều tra tội phạm là công tác nghiệp vụ đòi hỏi ở người cán bộ làm điều tra phải có những tiêu chuẩn quy định tại điều 23, 25 Pháp lệnh điều tra hình sự, để có đội ngũ cán bộ với yêu cầu trên cần có kế hoạch đào tạo:

- Với số cán bộ hiện có phải thực hiện phương châm “vừa làm vừa học”, qua các lớp tập huấn, rút kinh nghiệm trong thực tế, đến trường học từng chuyên đề.

- Tiếp nhận một số sinh viên được đào tạo về khoa điều tra tội phạm ở nước ngoài về.

- Tuyển chọn trong số cán bộ trẻ và học sinh tốt nghiệp phổ thông gửi sang trường Đại học cảnh sát nhân dân (Bộ Nội vụ) học về điều tra.

4- Phương tiện hoạt động

Từng bước trang bị cho cơ quan điều tra những phương tiện cần thiết và kinh phí để phục vụ công tác điều tra.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Mục I Thông tư 79-VKSND/TT-1989 (VB hết hiệu lực: 01/07/2016)

Ngày 4-4-1989 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh “Tổ chức điều tra hình sự” quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra… trong đó có cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự. Quy định đó là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát thực hiện chức năng của mình một cách có hiệu quả, chủ động trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Thực hiện điều 32 của Pháp lệnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra trong ngành Kiểm sát thống nhất như sau:
...
I- NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN

Điều 18 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự - quy định: “thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân.

1- Cục điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phòng điều tra của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh điều tra trong những trường hợp sau đây khi Viện trưởng xét thấy cần thiết:

a) Khi phát hiện trong hoạt động điều tra có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

b) Khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật phát hiện những vụ phạm tội rõ ràng, mà xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra khác.

c) Khi phát hiện tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể giao cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát điều tra trong những trường hợp khác.

2- Phòng điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Ban điều tra của Viện kiểm sát quân sự ở Tổng cục, quân khu, quân chủng và cấp tương đương điều tra những trường hợp tại khoản 1 điều này, nếu vụ án đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”.

Cần nắm vững tinh thần của Pháp lệnh là cơ quan điều tra của lực lượng cảnh sát nhân dân, an ninh nhân dân, cơ quan điều tra trong quân đội có trách nhiệm thụ lý điều tra tất cả các vụ án trong phạm vi thẩm quyền mà Pháp lệnh đã phân định. Cơ quan điều tra cấp dưới có vướng mắc, không làm được thì cơ quan điều tra cấp trên phải điều tra.

Tinh thần của điều luật trên là dành quyền chủ động cho VKS trong hoạt động điều tra bằng việc quy định cho Viện trưởng quyền quyết định việc thụ lý điều tra, nghĩa là thấy cần thiết thì điều tra, không cần thiết thì không điều tra.

Sự cần thiết là do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vụ án cần phát huy hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm của ngành Kiểm sát, đồng thời phải căn cứ vào khả năng tổ chức lực lượng điều tra của mình để quyết định có giao cho cơ quan điều tra của mình điều tra hay không. Tránh làm một cách tràn lan dẫn đến hoạt động điều tra của VKS chẳng những không tăng cường hiệu lực, uy tín cho công tác kiểm sát mà còn phản tác dụng.

Trong điều kiện hiện nay Viện trưởng VKS chỉ quyết định giao hoặc rút vụ án về cho cơ quan điều tra của VKS điều tra khi có yêu cầu chính trị cấp thiết hoặc nếu có căn cứ cho thấy không giao cho cơ quan điều tra của VKS điều tra thì không đảm bảo tính khách quan, triệt để trong các trường hợp sau:

a) Những vụ án cơ quan điều tra khác đang tiến hành điều tra, hoặc đã kết thúc điều tra, nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dẫn đến làm oan người vô tội, bỏ lọt kẻ phạm tội mà nếu có giao lại cơ quan điều tra, yêu cầu điều tra lại cũng không thể làm được thì rút vụ án về tiếp tục điều tra, kết thúc vụ án.

Nếu hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ điều tra đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố điều tra.

b) Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đơn vị thuộc VKS, phát hiện thấy tội phạm mà tài liệu chứng cứ thu thập được đã rõ ràng về hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội đó và thiệt hại gây ra.

c) Khi phát hiện tội phạm trong hoạt động tư pháp mà hành vi phạm tội nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng với cơ quan tiến hành tố tụng, giam giữ cải tạo.

d) Điều tra những vụ án khác - là những vụ án nghiêm trọng xét thấy ngành Kiểm sát cần trực tiếp điều tra (ngoài các trường hợp a, b, c, nêu trên) - do Viện trưởng VKSNDTC quyết định.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát hiện hành vi phạm tội ngoài ba trường hợp nói ở điểm a, b, c trên, thấy cần thiết phải giao cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tiến hành điều tra thì cho xác minh, báo cáo rõ sự việc và lý do cần thiết phải giao cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát điều tra, đề nghị lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định. Chỉ được khởi tố, tiến hành điều tra khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao.

Trong tình hình và yêu cầu đấu tranh chống tội phạm hiện nay, nên vận dụng quy định này để khởi tố điều tra một số hành vi phạm tội nghiêm trọng xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân (quy định tại chương III Bộ luật hình sự); hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của công dân (quy định tại chương II Bộ luật hình sự) mà chủ thể của những tội phạm này là cán bộ, nhân viên Nhà nước, chính quyền cơ sở; hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng; những vụ buôn lậu mà chủ thể tội phạm là những tên trùm buôn lậu lớn, thao túng cán bộ cơ quan Nhà nước và những trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Mục II Thông tư 79-VKSND/TT-1989 (VB hết hiệu lực: 01/07/2016)

Ngày 4-4-1989 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh “Tổ chức điều tra hình sự” quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra… trong đó có cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự. Quy định đó là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát thực hiện chức năng của mình một cách có hiệu quả, chủ động trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Thực hiện điều 32 của Pháp lệnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra trong ngành Kiểm sát thống nhất như sau:
...
II- NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ MỐI QUAN HỆ TRONG ĐIỀU TRA
...
2- Mối quan hệ

a) Quan hệ giữa cơ quan điều tra của Viện kiểm sát với các đơn vị khác trong Viện kiểm sát (kể cả Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Viện kiểm sát quân sự cấp thứ 3).

Qua thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật các đơn vị phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của VKS đã nói trên thì có trách nhiệm thu thập chứng cứ và các tài liệu liên quan đến vụ án. Nếu tài liệu chứng cứ thu thập được đã rõ về hành vi, người phạm tội và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì làm kết luận, trao đổi với cơ quan điều tra và báo cáo để Viện trưởng quyết định.

b) Quan hệ giữa cơ quan điều tra của Viện kiểm sát với đơn vị cảnh sát nhân dân, an ninh nhân dân, đơn vị kiểm soát quân sự là quan hệ phối hợp và theo quy định của pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm.

Khi cần áp dụng một số biện pháp điều tra mang tính chất cưỡng bức kẻ phạm tội phải chấp hành như thực hiện lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, truy nã, áp giải kẻ phạm tội, cần hỗ trợ, đảm bảo trật tự an toàn khi điều tra viên thực hiện lệnh khám xét, thu giữ vật chứng của vụ án, kê biên tài sản, trích lục tiền án tiền sự hoặc cần sử dụng một số biện pháp nghiệp vụ công an như theo dõi ngoại tuyến, bố trí kỹ thuật, giám định khoa học hình sự (tự dạng, dấu vết…) thì cơ quan điều tra của VKS có công văn yêu cầu các đơn vị công an, đơn vị kiểm soát quân sự thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.