Pháp lệnh bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1979
Số hiệu: 160-LCT Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Tôn Đức Thắng
Ngày ban hành: 14/11/1979 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/11/1979 Số công báo: Số 22
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 160-LCT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1979

 

PHÁP LỆNH

VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người sẽ tiếp tục sự nghiệp của tổ tiên, gánh vác mọi công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để bảo đảm sự phát triển toàn diện và cân đối của trẻ em, bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và thực hiện;
Căn cứ vào Điều 24 và Điều 53 của Hiến pháp năm 1959;
Pháp lệnh này quy định việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chương 1:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1

Trẻ em nói trong Pháp lệnh này gồm các em từ mới sinh đến 15 tuổi.

Điều 2

Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em xuất phát từ tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc, tình thương yêu các em và dựa vào lẽ phải, nhằm xây dựng cho các em những cơ sở ban đầu vững chắc để trở thành người công dân tốt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành con người xã hội chủ nghĩa phát triển cân dối và toàn diện.

Việc giáo dục trẻ em căn cứ năm điều Bác Hồ dạy:

1- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào,

2- Học tập tốt, lao động tốt,

3- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,

4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt,

5- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Điều 3

Mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, không phân biệt gái, trai, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội của các em và địa vị xã hội của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng.

Điều 4

Gia đình, Nhà nước và xã hội đều có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chức năng của mình.

Chương 2:

CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA TRẺ EM

Điều 5

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng. Gia đình, Nhà nước và xã hội phải hợp sức chăm lo, phấn đấu, tạo những điều kiện tốt nhất để việc chăm sóc, nuôi dưỡng đó ngày càng chu đáo.

Nhà nước, công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức xã hội khác có kế hoạch sản xuất và phân phối, bảo đảm cho các em được hưởng phần lương thực, thực phẩm, vải mặc quy định cho từng lứa tuổi.

Điều 6

Trẻ em có quyền được bảo vệ sức khoẻ, được khám bệnh và chữa bệnh không phải trả tiền.

Các cơ quan y tế có trách nhiệm tổ chức việc phòng bệnh, thực hiện từng bước việc khám sức khoẻ định kỳ và có sổ theo dõi sức khoẻ của các em.

Điều 7

Trẻ em có quyền và nghĩa vụ học hết bậc phổ thông cơ sở không phải trả tiền, được giúp đỡ về sách giáo khoa và đồ dùng để học tập. Các em có năng khiếu được Nhà nước tạo điều kiện để phát huy năng khiếu.

Điều 8

Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí lành mạnh. Nhà nước, công đoàn, hợp tác xã, các tổ chức văn học, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các tổ chức xã hội khác có trách nhiệm sản xuất đồ chơi, ra sách báo, tranh ảnh, trang bị các phương tiện cần thiết khác và tổ chức những nơi vui chơi, giải trí, luyện tập dành riêng cho các em.

Điều 9

Con các liệt sĩ, trẻ em mồ côi không có người thân thích trông nom được Nhà nước và xã hội quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.

Trẻ em tàn tật được chăm sóc, điều trị và được dạy những nghề thích hợp.

Điều 10

Trẻ em ở bất cứ lứa tuổi nào đều có quyền được tôn trọng về nhân phẩm. Nghiêm cấm việc ngược đãi, hành hạ hoặc những hành vi xâm phạm đến nhân phẩm của trẻ em.

Điều 11

Trẻ em phải vâng lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ, anh chị, thương yêu những người trong gia đình và giúp đỡ cha mẹ tuỳ theo sức của mình.

Ở trường học, trẻ em phải chăm chỉ học hành, kính trọng thầy giáo, cô giáo, đoàn kết với các bạn, chấp hành điều lệ của nhà trường.

Trong xã hội, trẻ em phải có lễ độ với mọi người, thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng trật tự công cộng, tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và tôn trọng tài sản riêng của người khác.

Chương 3:

NHIỆM VỤ CỦA GIA ĐÌNH, NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI

Điều 12

Gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và chính quyền các cấp đều có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chức năng của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện nhiệm vụ đó.

NHIỆM VỤ CỦA GIA ĐÌNH

Điều 13

Cha mẹ phải làm đầy đủ nghĩa vụ của mình, hết lòng hết sức nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục các con, tạo điều kiện để các con phát triển toàn diện và trở thành những người có ích cho xã hội.

Nhà nước và các tổ chức xã hội, bằng những biện pháp thích hợp, giúp đỡ cha mẹ thực hiện nhiệm vụ đó.

Điều 14

Cha mẹ phải làm gương tốt về mọi mặt cho các con, trong lao động sản xuất và tiết kiệm, trong công tác và học tập và trong sinh hoạt hàng ngày; bồi dưỡng cho các con những tình cảm tốt đẹp, nếp sống văn minh và đạo đức xã hội chủ nghĩa.

NHIỆM VỤ CỦA NHÀ TRẺ, LỚP MẪU GIÁO VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Điều 15

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ các em tuổi thơ ấu, chăm lo cho các em khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, phát triển tốt về thân thể, trí tuệ và năng khiếu ban đầu, giáo dục cho các em những thói quen tốt, những tình cảm trong sáng, chuẩn bị tốt cho các em vào trường phổ thông.

Giáo dục các em phải dùng tình cảm dịu dàng, gây ấn tượng tươi đẹp và làm gương tốt cho các em.

Điều 16

Trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục cho các em: kiến thức phổ thông, ý thức công dân, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lòng yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, lý tưởng và đạo đức cộng sản chủ nghĩa, tinh thần yêu lao động, ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, óc thẩm mỹ, thói quen giữ vệ sinh và rèn luyện thân thể; hướng cho các em đi vào những ngành nghề thích hợp hoặc tiếp tục học lên để trở thành những người lao động xã hội chủ nghĩa có năng lực.

Phải thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.

Điều 17

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo và trường phổ thông phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác và cải tiến phương pháp giáo dục.

Các cô nuôi dạy trẻ, các thầy giáo, cô giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo để có phẩm chất, đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn, bảo đảm làm tròn nhiệm vụ.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN

Điều 18

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; vận động các xí nghiệp, công đoàn, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác và nhân dân đóng góp mọi khả năng của mình vào sự nghiệp đó; đề ra những kiến nghị cần thiết và thích hợp, tạo điều kiện cho các em học tập, trau dồi kiến thức và đạo đức, rèn luyện thân thể, vui chơi, giải trí.

Điều 19

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo, Đội nhi đồng Hồ Chí Minh, đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, nhằm thu hút đông đảo các em vào các Đội và giáo dục các em theo năm điều Bác Hồ dạy.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trông nom quyền lợi của các em và bảo vệ các quyền lợi đó trước các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội; có quy kháng nghị đối với những hành vi hoặc những quyết định xâm phạm các quyền lợi đó.

Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam vận động phụ nữ làm tốt công tác giáo dục các em ở gia đình và giúp đỡ phụ nữ làm tròn nhiệm vụ người mẹ; bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em; có quyền kháng nghị đối với những hành vi hoặc những quyết định xâm phạm các quyền lợi đó.

Tổng công đoàn Việt Nam động viên, giúp đỡ công nhân, viên chức làm tròn nhiệm vụ cha mẹ đối với con cái: lãnh đạo các công đoàn dành một phần thích đáng quỹ phúc lợi và kinh phí công đoàn vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là con công nhân, viên chức.

Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam động viên, giúp đỡ nông dân trong và ngoài hợp tác xã làm tròn nhiệm vụ cha mẹ đối với con cái; hướng dẫn hợp tác xã nông nghiệp, các tổ chức sản xuất tập thể khác và mọi nông dân đóng góp vào việc xây dựng các cơ sở phục vụ trẻ em là con nông dân.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ việt Nam, Tổng công đoàn Việt Nam và Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC XÍ NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH KHÁC

Điều 20

Các xí nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có trách nhiệm dành một tỷ lệ thích đáng trong quỹ phúc lợi hoặc quỹ công ích, đóng góp công sức và tận dụng những điều kiện sẵn có của đơn vị mình để xây dựng, củng cố và mở rộng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo và các cơ sở vật chất khác phục vụ việc bảo vệ sức khoẻ, học tập, rèn luyện thân thể, giải trí, vui chơi của con em các thành viên trong đơn vị mình, để cho cha mẹ các em yên tâm sản xuất và công tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các em tập lao động và hoạt động ngoại khoá.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 21

Hội đồng Chính phủ có kế hoạch toàn diện và có biện pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cả nước. Bộ giáo dục, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương, Bộ Y tế, Bộ văn hoá và thông tin có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ đó.

Các Bộ và Uỷ ban nói trên phối hợp với các cơ quan hữu quan, với trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban thiếu niên, nhi đồng trung ương, vạch chương trình, kế hoạch, đề nghị những chính sách và chỉ tiêu kế hoạch trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 22

Hội đồng Chính phủ quy định một số mặt hàng ưu tiên phân phối cho các em, có chính sách giá hạ đối với hàng hoá và dịch vụ dành cho các em; quy định những văn hoá phẩm các em không được dùng và những loại hàng không được bán cho các em.

Điều 23

Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương mình. Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng Chính phủ và khả năng thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân có chương trình, kế hoạch thích hợp, chỉ đạo hoạt động của các ngành chuyên môn, tổ chức phối hợp hoạt động của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch hướng dẫn các cơ sở sản xuất tận dụng sức lao động và nguyên liệu tại chỗ sản xuất đồ chơi, đồ dùng để học tập và hàng hoá khác phục vụ trẻ em; quy định những nơi công cộng dành riêng cho các em.

Điều 24

Các khoản chi cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em dựa vào sự đóng góp của các xí nghiệp, công đoàn, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác và của nhân dân; mặt khác, Nhà nước dành một phần thích đáng trong ngân sách cho sự nghiệp đó.

Chương 4:

THƯỞNG, PHẠT

Điều 25

Cá nhân hay là tập thể có nhiều thành tích về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 26

Cha mẹ trốn trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hoặc ngược đãi con mình, những người trực tiếp trông coi trẻ em không làm tròn nhiệm vụ gây thiệt hại cho các em, thì bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp hành chính; trong trường hợp nghiêm trọng, thì bị truy tố và phạt về hình sự.

Cha mẹ phải chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi của con mình ở tuổi trẻ em đã gây thiệt hại cho người khác.

Những người lôi kéo, tổ chức, xúi giục trẻ em phạm pháp thì tuỳ mực độ nhẹ, nặng sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy tố và phạt về hình sự.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27

Hội đồng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Tôn Đức Thắng

(Đã ký)

 

- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13, 14 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
ĐỐI VỚI TRẺ EM LÀ CON LIỆT SĨ, TRẺ EM MỒ CÔI VÀ TRẺ EM TÀN TẬT

Điều 13. Trên cơ sở điều tra tình hình trẻ em là con liệt sĩ, trẻ em mồ côi, Bộ Thương binh và xã hội phối hợp với các ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã và các đoàn thể nhân dân xây dựng và mở rộng mạng lưới cơ sở nuôi dạy trẻ để dần dần thu nhận hết các trẻ em là con liệt sĩ, các trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

Trẻ em là con liệt sĩ được ưu tiên nhận vào các nhà trẻ, các lớp mẫu giáo và các trường học.

Điều 14. Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo các địa phương điều tra tình hình trẻ em tàn tật, trên cơ sở đó có kế hoạch điều trị, phục hồi chức năng lao động, dạy văn hoá và dạy nghề cho trẻ em tàn tật.

Xem nội dung VB
- Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được hướng dẫn từ Điều 1 đến Điều 12 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Điều 1. Trẻ em được hưởng đầy đủ các tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, vải mặc đã được Nhà nước quy định cho từng lứa tuổi. Bộ Lương thực, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Nội thương có trách nhiệm bảo đảm những tiêu chuẩn đó cho các em. Trong trường hợp có khó khăn, trẻ em là đối tượng được ưu tiên phân phối lương thực, thực phẩm và vải mặc. Về tiêu chuẩn cung cấp sữa cho trẻ em có mẹ bị thiếu sữa hoặc mất sữa, ngành thương nghiệp có trách nhiệm bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chất lượng và đúng kỳ hạn.

Điều 2. Trong việc chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, Bộ Y tế có trách nhiệm:

1. Từng bước thực hiện việc khám sức khoẻ định kỳ cho tất cả trẻ em và lập sổ theo dõi sức khoẻ trẻ em.

2. Có kế hoạch tổ chức sản xuất các thứ thuốc cần thiết cho từng lứa tuổi trẻ em; từng bước tăng tỷ lệ giường bệnh dành cho trẻ em, bảo đảm số lượng và chất lượng cán bộ, nhân viên làm việc ở các khoa nhi.

3. Cùng với Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em và Bộ Giáo dục xây dựng, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chế độ phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh cho những người có nhiệm vụ hằng ngày tiếp xúc với trẻ em.

Điều 3. Các cơ quan, xí nghiệp và các hợp tác xã, các đoàn thể không được phân công những người có bệnh truyền nhiễm vào những công tác có tiếp xúc với trẻ em.

Điều 4. Cấm đặt các loại kho chứa thuốc trừ sâu, phân bón, các chất hoá học, chất độc hại khác gần các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, cơ sở y tế và văn hoá phục vụ trẻ em.

Không được xây dựng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, sơ cở y tế và văn hoá phục vụ trẻ em gần những nơi có những kho tàng nói trên.

Điều 5. Cấm trẻ em uống rượu, uống bia, hút thuốc và sử dụng ma tuý, v.v... Người lớn có trách nhiệm giáo dục và ngăn chặn các em vi phạm điều này. Không ai được bán cho trẻ em những thứ có hại nói trên.

Điều 6. Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, Bộ Giáo dục và Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch tăng cường mạng lưới nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở theo đúng những tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, để hàng ngày thu nhận được nhiều và giáo dục tốt các trẻ em trong độ tuổi.

Điều 7. Không được dùng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học và các cơ sở khác phục vụ sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em vào những mục đích khác.

Nếu vì lợi ích chung mà cần phải dùng những cơ sở nói trên vào mục đích khác, thì phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cho phép, và phải bố trí những cơ sở tương xứng để thay thế.

Điều 8. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu hướng dẫn thực hiện kế hoạch và phương pháp luyện tập sức khoẻ phù hợp với các lứa tuổi trẻ em.

Điều 9. Bộ Giáo dục có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương củng cố và phát triển các trường năng khiếu cho trẻ em.

Điều 10. Bộ Văn hoá và Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban thiếu niên và nhi đồng, các đoàn thể nhân dân, các Hội văn học nghệ thuật và các ngành có liên quan xây dựng các kế hoạch phục vụ nhu cầu văn hoá, nghệ thuật của trẻ em, và chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền và các địa phương thực hiện các kế hoạch ấy, chú trọng các mặt sau đây:

a) Tổ chức việc sáng tác, xuất bản, phát hành các loại sách báo tranh ảnh, xây dựng các loại phim, các tiết mục múa, nhạc, kịch, xiếc v.v... thích hợp với trẻ em;

b) Tổ chức việc sản xuất các dụng cụ thể dục thể thao, các dụng cụ giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em;

c) Củng cố và xây dựng mới các thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá, rạp hát, cơ sở luyện tập v.v... dành cho trẻ em. (Nếu chưa có điều kiện xây dựng những công trình riêng cho trẻ em, thì phải quy định thích đáng thời gian dành cho trẻ em trong kế hoạch sử dụng các công trình chung).

Điều 11. Nghiêm cấm việc sản xuất, nhập khẩu, sao lại, tàng trữ và lưu hành những văn hoá phẩm có hại cho việc giáo dục trẻ em.

Khi phát hiện những văn hoá phẩm trên đây, bất cứ công dân nào cũng có quyền tịch thu và nộp cho cơ quan văn hoá sở tại từ cấp huyện, quận hoặc cấp tương đương trở lên.

Điều 12. Bộ Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm quy định những bộ phim và những tiết mục sân khấu mà trẻ em không được xem.

Khi chiếu những phim và biểu diễn những tiết mục đó, các rạp phải thông báo trước, nhân viên kiểm soát vé và giữ trật tự ở những nơi này không được cho trẻ em vào xem.

Khi chiếu trên vô tuyến truyền hình những phim, những tiết mục sân khấu không nên để trẻ em xem, các đài truyền hình phải thông báo trước.

Xem nội dung VB
- Trách nhiệm của gia đình được hướng dẫn bởi Điều 20, 21 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI TRẺ EM

Điều 20. Nhà nước khuyến khích việc thành lập các hội cha mẹ học sinh để phối hợp với các trường học, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Uỷ ban thiếu niên và nhi đồng và các đoàn thể nhân dân khác trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giúp đỡ các hội cha mẹ học sinh.

Điều 21. Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá và thông tin, căn cứ chức năng của mình, có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan và các đoàn thể nhân dân, tổ chức việc giáo dục, bồi dưỡng cho những người làm cha mẹ những kiến thức cần thiết về nuôi dạy con.

Xem nội dung VB
- Quyền kháng nghị của Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp phụ nữ được hướng dẫn bởi Điều 22, 23 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ QUYỀN KHÁNG NGHỊ CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH VÀ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐỐI VỚI NHỮNG HÀNH VI HOẶC QUYẾT ĐỊNH XÂM PHẠM QUYỀN LỢI CỦA TRẺ EM

Điều 22. Đối với những hành vi hoặc những quyết định xâm phạm quyền lợi của trẻ em, khi có kháng nghị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải kịp thời xem xét và có biện pháp xử lý ngay. Nếu thấy cần thiết, các cơ quan Nhà nước đó có quyền áp dụng những biện pháp xử lý nêu trong Điều 26 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979.

Việc xử lý bằng biện pháp hành chính sẽ theo những quy định trong các Điều 24, 25 và 26 của Nghị định này.

Việc xử lý bằng biện pháp hình sự sẽ theo những quy định của luật hình sự.

Điều 23. Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có hành vi hoặc quyết định xâm phạm quyền lợi của trẻ em, chậm nhất là 7 ngày sau khi nhận được kháng nghị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phải trả lời và thông báo cách giải quyết của mình cho tổ chức đã kháng nghị biết và chậm nhất là 1 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị phải giải quyết xong.

Nếu không đồng ý với kháng nghị, thì trong thời hạn 7 ngày, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội nói trên phải trả lời và nêu rõ lý do trong trường hợp này. Các đoàn thể đã kháng nghị có quyền khiếu nại lên cấp trên của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã vi phạm. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày được khiếu nại, tổ chức cấp trên của cơ quan hoặc tổ chức bị kháng nghị phải thông báo cho đoàn thể đã kháng nghị về cách giải quyết của mình.

Xem nội dung VB
- Trách nhiệm chung của các đơn vị cơ sở được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP VÀ CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ
...
Điều 19. Các xí nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh khác có trách nhiệm góp phần vào việc xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hằng năm, các đại hội công nhân, viên chức, đại hội xã viên phải quyết định trích quỹ phúc lợi hoặc quỹ công ích với tỷ lệ thích đáng để chi cho sự nghiệp đó.

Xem nội dung VB
- Trách nhiệm chung của chính quyền các cấp được hướng dẫn bởi Điều 17, 18 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP VÀ CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ

Điều 17. Trong kế hoạch Nhà nước 5 năm và hằng năm, các ngành và các địa phương phải ghi rõ các chỉ tiêu về các mặt bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nêu trong Pháp lệnh ngày 14-11-1979.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban kế hoạch các cấp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét duyệt và kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đó.

Điều 18. Hội đồng nhân dân các cấp thành lập "Ban bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em" theo tinh thần các điều 28-29 và 30 của Luật ngày 27-10-1962 về tổ chức hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, để giúp Hội đồng nhân dân nghiên cứu và giám sát việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương.

Xem nội dung VB
- Chính sách bán giá hạn các mặt hàng dành cho trẻ em được hướng dẫn bởi Điều 15, 16 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ CHÍNH SÁCH BÁN GIÁ HẠ CÁC MẶT HÀNG DÀNH CHO TRẺ EM

Điều 15. Căn cứ vào tình hình phát triển sản xuất từng thời kỳ, Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Nội thương trình Chính phủ xét duyệt danh mục các mặt hàng giá hạ dành bán cho trẻ em, chú trọng trước hết là học phẩm, thuốc chữa bệnh, khi có điều kiện thì mở rộng đến các mặt hàng khác.

Điều 16. Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, vào những nơi vui chơi, giải trí công cộng, trẻ em từ 7 tuổi đến 15 tuổi được giảm 50% tiền vé.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 24, 25, 26 Nghị định 293-CP năm 1981 (VB hết hiệu lực: 14/11/1991)

Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
...
VỀ PHẠT HÀNH CHÍNH

Điều 24. Các hình thức phạt hành chính theo Điều 26 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 bao gồm:

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền từ 1 đồng đến 50 đồng.

- Phạt lao động công ích từ 1 ngày đến 3 ngày.

Nếu trong khi thừa hành nhiệm vụ, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước vi phạm Pháp lệnh ngày 14-11-1979 thì ngoài những hình thức phạt hành chính trên đây, còn có thể bị thi hành kỷ luật theo điều lệ về kỷ luật do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 195/CP ngày 31-12-1964.

Điều 25. Uỷ ban nhân dân xã, phường và cấp tương đương có quyền cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đến 5 đồng; phạt lao động công ích 1 ngày.

Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc cấp tương đương có quyền áp dụng tất cả các hình thức phạt hành chính quy định ở điểm 24 trên đây.

Điều 26. Người bị phạt hành chính có quyền khiếu nại đối với những quyết định của Uỷ ban nhân dân nếu xét thấy không thoả đáng, thời gian để khiếu nại được quy định như sau:

- 5 ngày đối với quyết định của Uỷ ban nhân dân xã, phường.

- 7 ngày đối với quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, hoặc cấp tương đương.

Trong thời hạn 7 ngày sau khi nhận được khiếu nại, uỷ ban nhân dân cấp trên phải có quyết định chính thức giải quyết việc khiếu nại. Quyết định xử lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu là quyết định cuối cùng.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.