Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004
Số hiệu: 13/2004/PL-UBTVQH11 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 14/01/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 04/02/2004 Số công báo: Số 4
Lĩnh vực: Thi hành án, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2004/PL-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2004

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 13/2004/PL-UBTVQH11 NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2004 VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Pháp lệnh này quy định về thi hành án dân sự.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Pháp lệnh này quy định về tổ chức và thủ tục thi hành án dân sự.

2. Bản án, quyết định dân sự nói trong Pháp lệnh này bao gồm:

a) Bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế;

b) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

c) Quyết định về dân sự, phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí trong bản án, quyết định của Tòa án về hình sự;

d) Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về hành chính;

đ) Quyết định tuyên bố phá sản;

e) Quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam;

g) Bản án, quyết định khác do pháp luật quy định.

Điều 2. Những bản án, quyết định dân sự được thi hành

Những bản án, quyết định dân sự được thi hành theo Pháp lệnh này bao gồm:

1. Những bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh này đã có hiệu lực pháp luật:

a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;

d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam có hiệu lực thi hành;

2. Những bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh này chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay:

a) Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhận người lao động trở lại làm việc;

b) Quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án để bảo đảm cho việc xét xử và thi hành án.

Điều 3. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định dân sự

Bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật phải được người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án (gọi chung là đương sự) nghiêm chỉnh thi hành và được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân tôn trọng.

Điều 4. Căn cứ để đưa ra thi hành án

Bản án, quyết định dân sự được đưa ra thi hành khi có các căn cứ sau đây:

1. Bản án, quyết định dân sự được thi hành quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này;

2. Quyết định thi hành án.

Điều 5. Quyền yêu cầu thi hành án

1. Nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định dân sự có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

2. Người yêu cầu thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến Cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án, quyết định dân sự.

Điều 6. Tự nguyện thi hành án

1. Nhà nước khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận với nhau về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

3. Căn cứ vào quyết định thi hành án, Chấp hành viên định cho người phải thi hành án thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này.

Điều 7. Cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Pháp lệnh này.

Sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Pháp lệnh này, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không thi hành án thì Cơ quan thi hành án phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

2. Trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này.

3. Không được tổ chức cưỡng chế thi hành án trong các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật lao động và trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau hoặc vì l‎ý do đặc biệt khác do Chính phủ quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân trong việc thi hành án

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu của Chấp hành viên trong việc thi hành án.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương.

Tư lệnh quân khu và tương đương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án trên địa bàn quân khu và tương đương.

3. Cơ quan công an có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án. Trong trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên.

Điều 9. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan đến việc thi hành án

Người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án được tham gia vào việc thi hành án và có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 10. Kiểm sát việc thi hành án

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của đương sự, Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên và cơ quan nhà nước khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

Chương 2:

CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ CHẤP HÀNH VIÊN

Mục 1: CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 11. Cơ quan thi hành án dân sự

Các Cơ quan thi hành án dân sự gồm có:

1. Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan thi hành án cấp tỉnh);

2. Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Cơ quan thi hành án cấp huyện);

3. Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là Cơ quan thi hành án cấp quân khu).

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Cơ quan thi hành án do Chính phủ quy định.

Mục 2: CHẤP HÀNH VIÊN, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THI HÀNH ÁN

Điều 12. Chấp hành viên

1. Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này.

Chấp hành viên được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ năm năm.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.

3. Chấp hành viên được cấp trang phục, phù hiệu, thẻ Chấp hành viên để sử dụng khi làm nhiệm vụ và được hưởng thang bậc lương theo quy định của Chính phủ.

Điều 13. Tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên

1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định tại Điều này, có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án cấp huyện thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp huyện.

3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và đã làm Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp huyện từ năm năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án cấp tỉnh thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp tỉnh.

Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan thi hành án, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án cấp tỉnh thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp tỉnh.

4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ, có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án cấp quân khu thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp quân khu.

5. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.

Chính phủ quy định thành phần Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên Cơ quan thi hành án.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên

Chấp hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

2. Triệu tập đương sự, người có liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở Cơ quan thi hành án hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án; giải thích, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án;

3. Ấn định thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Pháp lệnh này;

4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác có liên quan đến việc thi hành án;

5. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Pháp lệnh này để bảo đảm việc thi hành án;

6. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành án; quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cùng cấp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

7. Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án giao.

Điều 15. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án được bổ nhiệm trong số các Chấp hành viên.

2. Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện có năng lực quản lý, điều hành công việc của Cơ quan thi hành án cấp huyện thì có thể được xét bổ nhiệm làm Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện.

3. Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện có năng lực quản lý, điều hành công việc của Cơ quan thi hành án cấp tỉnh thì có thể được xét bổ nhiệm làm Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh.

4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

5. Tiêu chuẩn, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Chính phủ quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng Cơ quan thi hành án.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án

Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Ra quyết định về thi hành án;

2. Phân công Chấp hành viên thực hiện việc thi hành án;

3. Hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên hoặc Cơ quan thi hành án cấp dưới theo quy định của pháp luật;

4. Đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân phối hợp tổ chức thi hành án;

5. Yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định đó để thi hành;

6. Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có căn cứ cho thấy có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc phát hiện có tình tiết mới;

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án và trả lời kháng nghị về thi hành án theo thẩm quyền;

8. Xử phạt hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

9. Báo cáo công tác thi hành án trước Cơ quan thi hành án cấp trên và Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Việc báo cáo về công tác thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án giúp Thủ trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc khi được uỷ quyền của Thủ trưởng.

Điều 17. Trang phục của công chức làm công tác thi hành án

Công chức làm công tác thi hành án dân sự được cấp trang phục theo quy định của Chính phủ.

Chương 3:

THỦ TỤC THI HÀNH ÁN

Điều 18. Cấp bản án, quyết định của Toà án

Khi bản án, quyết định của Toà án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này thì Toà án đã tuyên bản án, quyết định đó phải cấp cho người được thi hành án và người phải thi hành án bản án, quyết định có ghi "để thi hành".

Toà án phải giải thích cho người được thi hành án, người phải thi hành án về quyền yêu cầu, thời hạn yêu cầu thi hành án và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Gửi và giải thích bản án, quyết định của Toà án

1. Đối với bản án, quyết định của Toà án quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh này thì Toà án đã tuyên bản án, quyết định đó phải gửi bản án, quyết định cho Cơ quan thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Đối với bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Pháp lệnh này thì Toà án đã tuyên bản án, quyết định đó phải gửi bản án, quyết định cho Cơ quan thi hành án và Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày ra bản án, quyết định đó.

Đối với quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án đã ra quyết định phải chuyển giao ngay quyết định đó cho Cơ quan thi hành án cùng cấp.

3. Khi chuyển giao bản án, quyết định, Toà án phải gửi kèm theo biên bản kê biên, tạm giữ tang vật, tài sản, các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

4. Trong trường hợp nhận được yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án về việc giải thích bản án, quyết định thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Toà án đã ra bản án, quyết định đó phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Điều 20. Phí thi hành án

Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận.

Mức phí thi hành án, việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và xét miễn, giảm phí thi hành án do Chính phủ quy định.

Điều 21. Thẩm quyền ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện nhưng do tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều huyện mà xét thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

c) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao gửi cho Cơ quan thi hành án cấp tỉnh;

d) Bản án, quyết định do Cơ quan thi hành án nơi khác uỷ thác;

đ) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt nam công nhận và cho thi hành tại Việt nam;

e) Quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam.

2. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp quân khu ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự quân khu và tương đương;

b) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự khu vực trên địa bàn của Toà án quân khu và tương đương;

c) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự trung ương chuyển giao cho Cơ quan thi hành án cấp quân khu;

d) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Cơ quan thi hành án cấp quân khu;

đ) Bản án, quyết định do Cơ quan thi hành án nơi khác uỷ thác.

3. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao gửi cho Cơ quan thi hành án cấp huyện;

d) Bản án, quyết định do Cơ quan thi hành án nơi khác uỷ thác.

Điều 22. Chủ động ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành phần bản án, quyết định sau đây:

a) án phí, lệ phí Toà án, trả lại tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án;

b) Hình phạt tiền;

c) Tịch thu tài sản, truy thu thuế, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính;

d) Xử lý vật chứng, tài sản đã thu giữ;

đ) Thu hồi đất theo quyết định của Toà án;

e) Quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định; đối với quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án.

Điều 23. Ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu

Ngoài các trường hợp quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh này, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu của người được thi hành án hoặc người phải thi hành án.

Thời hạn ra quyết định thi hành án là năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

Điều 24. Uỷ thác thi hành án

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền uỷ thác thi hành án cho Cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc nơi có trụ sở.

Thời hạn ra quyết định uỷ thác thi hành án không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ uỷ thác.

2. Chính phủ quy định việc uỷ thác thi hành án.

Điều 25. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Toà án thì thời hạn ba năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn ba năm được áp dụng cho từng định kỳ, tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Pháp lệnh này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

3. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án xem xét, ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp không có căn cứ khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn của người đó.

4. Thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 26. Hoãn thi hành án

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án ốm nặng hoặc chưa xác định được nơi cư trú hoặc vì lý do chính đáng khác không thể thực hiện được nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định, người đó phải tự mình thực hiện;

b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn việc thi hành;

c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

d) Có tranh chấp về tài sản kê biên theo quy định tại khoản 5 Điều 41 của Pháp lệnh này mà đang được Toà án thụ lý, giải quyết.

2. Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Toà án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.

Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án.

3. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày điều kiện hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này không còn hoặc hết thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị mà không có kháng nghị thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

4. Trong trường hợp nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị mà bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị biết.

Điều 27. Tạm đình chỉ thi hành án

Việc thi hành án bị tạm đình chỉ trong những trường hợp sau đây:

1. Người phải thi hành án bị Toà án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi người phải thi hành án bị Toà án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, trừ việc thi hành các khoản tiền quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 51 của Pháp lệnh này;

2. Người đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ thi hành án không quá sáu tháng, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án hoặc khi có quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền kháng nghị.

Trong trường hợp nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị mà bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người đã kháng nghị biết.

Điều 28. Đình chỉ thi hành án

Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền ra quyết định đình chỉ việc thi hành án trong các trường hợp sau đây:

1. Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật;

2. Người được thi hành án chết mà quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật;

3. Người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

4. Người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ không được chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

5. Người phải thi hành án bị Toà án tuyên bố phá sản. Trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản;

6. Có quyết định miễn thi hành án theo quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh này;

7. Bản án, quyết định bị Toà án có thẩm quyền huỷ bỏ;

8. Thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết.

Điều 29. Trả lại đơn yêu cầu thi hành án

Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định cho người được thi hành án trong trường hợp có quyết định đình chỉ việc thi hành án hoặc có căn cứ xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh này, kể từ ngày có điều kiện thi hành.

Điều 30. Kết thúc việc thi hành án

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án ra quyết định kết thúc việc thi hành án khi người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định.

2. Việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Điều 31. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án

Khi người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là cá nhân chết hoặc pháp nhân hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chia, tách thì quyền và nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định thủ tục thi hành án trong trường hợp chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án.

Điều 32. Miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt

1. Nếu người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án thì có thể được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:

a) Năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch và tiền phạt trong vụ án hình sự về ma tuý, trừ trường hợp người phải thi hành án là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn thì thời hạn áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 của Điều này;

b) Mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí có giá ngạch và khoản tiền phạt khác.

2. Cơ quan thi hành án lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này xem xét việc miễn, giảm thi hành án. Hồ sơ phải có đơn xin miễn, giảm của người phải thi hành án có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người phải thi hành án cư trú hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án làm việc và biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án do Chấp hành viên lập.

3. Toà án cùng cấp với Cơ quan thi hành án đã đề nghị việc miễn, giảm thi hành án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt.

4. Đối tượng, điều kiện xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt và việc xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt đó do Chính phủ quy định.

Điều 33. Hỗ trợ tài chính để thi hành án

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành án hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp không có khả năng thi hành án thì được xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm thi hành án.

Việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với người gây ra thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để thi hành án.

Điều 34. Thông báo về thi hành án

1. Các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập về thi hành án phải được thông báo cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Người được thông báo có nghĩa vụ nhận thông báo và chịu trách nhiệm về việc cố tình không nhận thông báo.

2. Việc thông báo được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Chấp hành viên, cán bộ thi hành án giao trực tiếp các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này cho người được thông báo. Trong trường hợp có khó khăn trong việc giao trực tiếp thì việc thông báo được thực hiện bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.

Nếu người được thông báo vắng mặt thì các giấy tờ về thi hành án được giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác hoặc cán bộ tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình nhận thay. Người nhận thay phải cam kết chuyển kịp thời, đúng thời gian quy định đến tận tay cho người được thông báo. Việc giao, nhận thông báo phải được ký xác nhận;

b) Trong trường hợp không thể thực hiện được việc thông báo quy định tại điểm a khoản này thì phải niêm yết công khai bản chính thông báo tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được thông báo và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở cụ thể của người đó.

Việc niêm yết công khai phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết, có xác nhận của chính quyền địa phương;

c) Trong trường hợp không thể thực hiện việc thông báo theo quy định tại điểm a khoản này hoặc việc niêm yết công khai theo quy định tại điểm b khoản này không có kết quả thì thông báo liên tiếp hai lần trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của trung ương hoặc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu xác định đương sự đang ở tại địa phương đó.

Khi thực hiện việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo, đài phải có văn bản xác nhận đã thực hiện xong việc thông báo và gửi Cơ quan thi hành án để lưu hồ sơ thi hành án.

3. Người có nghĩa vụ thực hiện việc thông báo không làm đúng trách nhiệm của mình thì tuỳ theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

4. Các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 35. Xử lý tài sản đã tịch thu

Tài sản đã tịch thu là vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá được giao cho cơ quan nhà nước quản lý loại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Đối với tài sản khác, Chấp hành viên giao cho cơ quan tài chính xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Tiêu huỷ vật chứng, tài sản

1. Việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Vật chứng, tài sản phải tiêu huỷ theo bản án, quyết định của Toà án;

b) Tài sản mà bản án, quyết định tuyên trả cho đương sự, tài sản kê biên, thu giữ bị hư hỏng và không còn giá trị mà đương sự không nhận;

c) Tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 54 của Pháp lệnh này.

2. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ tài sản gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi xét thấy cần thiết. Viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản.

3. Kinh phí cho việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản theo bản án, quyết định của Toà án do ngân sách nhà nước cấp.

Chương 4:

CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Mục 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN

Điều 37. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án

Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau đây:

1. Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án;

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

3. Phong toả tài khoản, tài sản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước;

4. Kê biên, xử l‎ý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;

5. Buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất hoặc giao vật, tài sản khác;

6. Cấm hoặc buộc người phải thi hành án không làm hoặc làm công việc nhất định.

Điều 38. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có thể xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Chi phí cưỡng chế thi hành án được tạm ứng từ kinh phí của Cơ quan thi hành án và được hoàn trả lại ngay sau khi Cơ quan thi hành án thu được tiền của người phải thi hành án.

Chính phủ quy định cụ thể về chi phí cưỡng chế thi hành án và việc miễn, giảm, tạm ứng, hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án.

Mục 2: CƯỠNG CHẾ THI HÀNH NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN

Điều 39. Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án

1. Khi phát hiện người phải thi hành án có tiền trong tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước thì Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ để thi hành án.

Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước phải cung cấp số liệu về tài khoản của người phải thi hành án và thực hiện quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản của người đó.

Khi có căn cứ cho rằng người phải thi hành án có dấu hiệu tẩu tán tiền trong tài khoản thì Chấp hành viên có thể ra quyết định phong toả tài khoản.

2. Đối với các khoản tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ thì Chấp hành viên ra quyết định trừ vào tiền hoặc thu hồi giấy tờ có giá để thi hành án. Người đang giữ tiền của người phải thi hành án có trách nhiệm thực hiện quyết định của Chấp hành viên.

3. Quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải được gửi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Điều 40. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Thu nhập của người phải thi hành án bao gồm tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức và các thu nhập hợp pháp khác. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ hoặc khoản tiền phải thi hành án không lớn;

b) Bản án, quyết định ấn định biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án;

c) Do các bên thoả thuận.

2. Mức cao nhất được trừ vào lương là ba mươi phần trăm số lương hàng tháng. Đối với những khoản thu nhập khác thì mức trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà người phải thi hành án có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định của Chấp hành viên về việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án phải được gửi cho người được thi hành án, người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án. Trong thời hạn không quá bảy ngày làm việc, kể từ ngày khấu trừ thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân nói trên có nghĩa vụ chuyển cho Cơ quan thi hành án số tiền đó để chi trả cho người được thi hành án.

4. Khi có sự thay đổi nơi trả thu nhập và mức thu nhập của người phải thi hành án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đang thực hiện quyết định trừ vào thu nhập của người đó phải thông báo ngay cho Cơ quan thi hành án biết. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày xác định được nơi trả thu nhập mới hoặc mức thu nhập mới của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định khác về việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

Điều 41. Kê biên tài sản

1. Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản nếu có căn cứ cho rằng tài sản đó là của người phải thi hành án, kể cả quyền sử dụng đất hoặc tài sản đang do người thứ ba giữ, trừ các trường hợp quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh này.

2. Người phải thi hành án có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, Chấp hành viên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không cản trở việc thi hành án.

Nếu người phải thi hành án không đề nghị kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án được kê biên trước. Trong trường hợp tài sản riêng của người phải thi hành án không có hoặc không đủ để thi hành án thì Chấp hành viên mới được kê biên phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung với người khác. Chỉ kê biên quyền sử dụng đất, nhà ở, trụ sở của người phải thi hành án nếu sau khi kê biên hết các tài sản khác mà vẫn không đủ để thi hành án.

3. Chỉ được kê biên tài sản của người phải thi hành án đủ để bảo đảm thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án. Trong trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nghĩa vụ phải thi hành án mà không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản đó để bảo đảm thi hành án.

4. Trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản nào khác thì Chấp hành viên có quyền kê biên cả tài sản của người đó đang cầm cố, thế chấp, nếu tài sản đó có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Chấp hành viên có trách nhiệm thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết về việc kê biên.

5. Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho đương sự về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn ba tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản bị kê biên được xử lý để thi hành án.

Trong trường hợp cần xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung mà các bên không thoả thuận được thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

6. Khi kê biên tài sản phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người làm chứng. Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan được thông báo về thời gian, địa điểm kê biên tài sản. Nếu người phải thi hành án cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên tài sản của người đó, nhưng phải ghi rõ việc này vào biên bản kê biên.

7. Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì sau khi kê biên, Chấp hành viên phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm biết.

Điều 42. Tài sản không được kê biên

1. Không được kê biên các tài sản sau đây:

a) Lương thực, thuốc men cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình;

b) Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình;

c) Đồ dùng thờ cúng thông thường.

2. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp không được kê biên tài sản của các cơ quan, tổ chức; quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối của cá nhân, hộ gia đình.

Điều 43. Định giá tài sản đã kê biên

1. Tài sản đã kê biên được định giá theo thoả thuận giữa người được thi hành án, người phải thi hành án và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên đương sự thoả thuận về giá không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày tài sản được kê biên.

2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về giá thì sau khi kê biên, trong thời hạn không quá mười lăm ngày, kể từ ngày tài sản được kê biên, Chấp hành viên phải thành lập Hội đồng định giá gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá phải tiến hành việc định giá; người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định thuộc về Hội đồng định giá.

3. Đối với tài sản kê biên có giá trị dưới năm trăm ngàn đồng hoặc tài sản thuộc loại mau hỏng, nếu các bên không thoả thuận được với nhau về giá thì Chấp hành viên có trách nhiệm định giá.

4. Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà Nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do Nhà nước quy định.

5. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án tổ chức định giá lại tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Có căn cứ xác định vi phạm thủ tục định giá;

b) Có biến động lớn về giá;

c) Quá thời hạn sáu tháng, kể từ ngày định giá mà tài sản chưa bán được.

6. Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại về giá trước khi tài sản được bán.

Điều 44. Giao tài sản để thi hành án

1. Trong trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án thoả thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản và giao tài sản đó cho người được thi hành án trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thoả thuận.

2. Trong trường hợp có nhiều người được thi hành án mà chỉ có một tài sản duy nhất để thi hành án thì người được thi hành án nhận tài sản đó phải thanh toán lại cho những người được thi hành án khác số tiền tương ứng tỷ lệ giá trị mà họ được hưởng.

Điều 45. Bảo quản tài sản kê biên

1. Chấp hành viên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên:

a) Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của họ hoặc người đang sử dụng bảo quản;

b) Giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;

c) Bảo quản tại kho của Cơ quan thi hành án.

2. Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì việc bảo quản phải theo quy định của Chính phủ.

3. Chấp hành viên phải giải thích cho người được giao bảo quản tài sản đã kê biên về trách nhiệm của họ trong việc bảo quản tài sản.

Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Chi phí bảo quản do người phải thi hành án chịu.

4. Người được giao bảo quản tài sản gây hư hỏng, đánh tráo, làm mất hay huỷ hoại tài sản thì phải bồi thường và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Biên bản kê biên, giao bảo quản tài sản

Khi tiến hành kê biên, Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên; họ và tên Chấp hành viên, các bên đương sự, người chứng kiến việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, giá tài sản (nếu tài sản đã được định giá) và những yêu cầu của đương sự hoặc ý kiến của người chứng kiến việc kê biên.

Khi tiến hành bàn giao bảo quản tài sản, Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm bàn giao bảo quản; họ và tên Chấp hành viên, các bên đương sự, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản.

Chấp hành viên, đương sự, người tham gia, người chứng kiến việc kê biên và người được giao bảo quản tài sản ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Biên bản được giao cho các bên đương sự, người được giao bảo quản tài sản và Chấp hành viên mỗi người giữ một bản.

Điều 47. Bán tài sản đã kê biên

Tài sản đã kê biên để thi hành án được bán theo phương thức sau đây:

1. Đối với tài sản kê biên là bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất hoặc động sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày định giá, Cơ quan thi hành án phải làm thủ tục ký hợp đồng uỷ quyền cho tổ chức bán đấu giá để bán tài sản;

2. Đối với động sản có tổng giá trị từ năm trăm ngàn đồng đến dưới mười triệu đồng thì Cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày định giá.

Đối với động sản có tổng giá trị dưới năm trăm ngàn đồng hoặc tài sản mau hỏng thì Chấp hành viên tổ chức bán trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày kê biên;

3. Trước khi mở cuộc bán đấu giá một ngày, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.

Người phải thi hành án có trách nhiệm bồi hoàn phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được với nhau thì yêu cầu Toà án giải quyết;

4. Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 48. Xử lý tài sản kê biên không bán được

Trong trường hợp tài sản kê biên không bán được thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày bán đấu giá không thành, Cơ quan thi hành án tổ chức định giá lại theo hướng giảm giá để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

Nếu sau hai lần giảm giá mà tài sản vẫn không bán được thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm để thi hành án. Nếu người được thi hành án không nhận thì Chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế khác.

Điều 49. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất

1. Người mua được tài sản thi hành án, người nhận tài sản để thi hành án được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua, người nhận tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:

a) Bản sao bản án, quyết định;

b) Quyết định thi hành án, quyết định kê biên tài sản;

c) Văn bản bán đấu giá thành hoặc biên bản giao nhận tài sản để thi hành án;

d) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có).

4. Việc chuyển quyền sử dụng đất cho người mua, người nhận tài sản để thi hành án cũng được thực hiện theo quy định của Điều này.

Điều 50. Giải toả việc phong toả, kê biên tài sản

1. Chấp hành viên ra quyết định giải toả việc phong toả, kê biên tài sản và trả lại cho người phải thi hành án tài sản đó trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày có một trong các căn cứ sau đây:

a) Người phải thi hành án nộp đủ tiền thi hành án;

b) Có quyết định của người có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định kê biên tài sản;

c) Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh này;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với phần tài sản đã kê biên còn lại sau khi thi hành án và thanh toán xong các chi phí thi hành án thì Chấp hành viên ra ngay quyết định giải toả việc phong toả, kê biên tài sản và trả lại cho người phải thi hành án.

Điều 51. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí về thi hành án, trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày thu được, được thanh toán theo thứ tự sau đây :

a) Tiền cấp dưỡng;

b) Tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội;

c) Tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ;

d) án phí, lệ phí Toà án;

đ) Tiền phạt, tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, truy thu tiền thu lợi bất chính;

e) Các khoản phải trả khác;

g) Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

2. Thứ tự thanh toán tiền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

3. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án quy định tại Điều này không áp dụng cho trường hợp ưu tiên thanh toán quy định tại Điều 52 của Pháp lệnh này.

Điều 52. Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố, thế chấp, tài sản được kê biên để bảo đảm thi hành án

Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

Mục 3 CƯỠNG CHẾ THI HÀNH NGHĨA VỤ GIAO VẬT HOẶC GIAO NHÀ, CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 53. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ giao vật

Trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ giao vật cho người được thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định buộc người đó giao vật cho người được thi hành án.

Nếu vật phải trả không còn thì Chấp hành viên hướng dẫn để các bên thoả thuận thanh toán giá trị của vật. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Chấp hành viên buộc người phải thi hành án trả cho người được thi hành án số tiền tương ứng với giá trị của vật tại thời điểm thi hành án. Nếu vật có giá trị lớn hoặc khó xác định giá thì phải lập Hội đồng định giá.

Điều 54. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất

1. Trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà cho người được thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà. Nếu họ không tự nguyện thực hiện quyết định thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà.

Trường hợp họ từ chối nhận tài sản, Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của Cơ quan thi hành án và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.

2. Trường hợp người phải thi hành án cố tình vắng mặt mặc dù đã được thông báo quyết định cưỡng chế thì Chấp hành viên vẫn quyết định thực hiện việc cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Quá thời hạn sáu tháng, kể từ ngày nhận được thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người có tài sản không đến nhận, trừ trường hợp có lý do chính đáng thì tài sản đó được bán theo quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh này. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, bảo quản, xử lý tài sản được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại ngân hàng và thông báo cho người có tài sản biết để nhận khoản tiền đó.

4. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, Chấp hành viên tổ chức tiêu huỷ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 của Pháp lệnh này. Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu huỷ.

5. Quy định của Điều này cũng được áp dụng trong trường hợp cưỡng chế để giao nhà cho người mua được nhà bán đấu giá hoặc nhận nhà để trừ tiền được thi hành án.

6. Việc cưỡng chế thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất do Chính phủ quy định.

Mục 4: CƯỠNG CHẾ THI HÀNH NGHĨA VỤ BUỘC LÀM HOẶC KHÔNG ĐƯỢC LÀM CÔNG VIỆC NHẤT ĐỊNH

Điều 55. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc làm công việc nhất định theo bản án, quyết định của Toà án

Trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện công việc buộc phải làm theo bản án, quyết định của Toà án mà công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện. Chi phí do người phải thi hành án chịu.

Nếu công việc buộc phải làm theo bản án, quyết định của Toà án phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên xử lý theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh này.

Điều 56. Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được làm công việc nhất định theo bản án, quyết định của Toà án

Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt công việc không được làm theo bản án, quyết định của Toà án thì Chấp hành viên ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật và ấn định cho người phải thi hành án trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định xử phạt hành chính để thực hiện. Nếu họ vẫn không chấm dứt thực hiện công việc không được làm thì Chấp hành viên đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 57. Quản lý nhà nước về thi hành án dân sự

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước.

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Quản lý các Cơ quan thi hành án dân sự; quyết định việc thành lập, giải thể các Cơ quan thi hành án dân sự; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên; thực hiện chế độ, chính sách đối với Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự;

c) Hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, xử l‎ý vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự;

d) Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự;

e) Quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí, phương tiện cần thiết cho công tác thi hành án dân sự;

g) Hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự.

2. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội theo quy định của Chính phủ.

Điều 58. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về quản lý thi hành án dân sự ở địa phương

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, yêu cầu Cơ quan thi hành án báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

b) Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị ở địa phương;

c) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới, Cơ quan thi hành án, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể liên quan trên địa bàn trong công tác thi hành án dân sự;

d) Yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức kiểm tra, thanh tra; chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp kiểm tra, thanh tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

đ) Cử Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Cơ quan thi hành án ở địa phương;

e) Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh;

g) Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

b) Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện;

c) Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự;

d) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hỗ trợ Cơ quan thi hành án trong việc thi hành án.

3. Cơ quan tư pháp địa phương giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tư pháp cấp trên trong việc quản lý nhà nước về thi hành án dân sự.

Chương 6:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KHÁNG NGHỊ VỀ THI HÀNH ÁN

Mục 1: KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ THI HÀNH ÁN

Điều 59. Quyền khiếu nại về thi hành án

Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Thời hạn khiếu nại là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên.

Trong trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

Điều 60. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án

1. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp huyện thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện nơi có khiếu nại giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

2. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp tỉnh thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có khiếu nại giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

3. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi có khiếu nại giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh thì Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là quyết định giải quyết cuối cùng.

5. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tạm ngừng thi hành án trong thời gian giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại.

Điều 61. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại về thi hành án trong quân đội

1. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cấp quân khu thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp quân khu nơi có khiếu nại giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

2. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp quân khu thì Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là quyết định giải quyết cuối cùng.

3. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều này.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tạm ngừng thi hành án trong thời gian giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại.

Điều 62. Quyết định giải quyết khiếu nại

1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và phải gửi quyết định này cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn quy định tại Điều 60 và Điều 61 của Pháp lệnh này.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại và người bị khiếu nại;

c) Nội dung khiếu nại là đúng, sai một phần hoặc toàn bộ;

d) Giữ nguyên, sửa đổi một phần hoặc huỷ toàn bộ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên.

Điều 63. Tố cáo và giải quyết tố cáo về thi hành án

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Mục 2: KHÁNG NGHỊ QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN

Điều 64. Thẩm quyền kháng nghị các quyết định về thi hành án

Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với các quyết định của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên Cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Thời hạn kháng nghị là mười lăm ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và ba mươi ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp, kể từ ngày nhận được quyết định về thi hành án.

Điều 65. Trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân

1. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc Cơ quan thi hành án của mình trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.

2. Trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh phải xem xét, trả lời trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp xem xét và trả lời trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4. Trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp quân khu không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng phải xem xét và trả lời trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 66. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thi hành án dân sự thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 67. Xử lý vi phạm

1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định, không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 39 và Điều 40 của Pháp lệnh này không thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc Chấp hành viên thi hành án trái pháp luật, phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, huỷ hoại tài sản bị kê biên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

4. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra các quyết định về thi hành án trái pháp luật; Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định của Toà án, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật, vi phạm quy chế Chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chương 8

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 68. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 21 tháng 4 năm 1993.

Điều 69. Việc thi hành án có yếu tố nước ngoài

Các quy định của Pháp lệnh này cũng được áp dụng đối với việc thi hành án có liên quan đến tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Điều 70. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

 

- Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 13 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
13. Thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì cơ quan thi hành án dân sự thi hành "quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về hành chính". Tuy nhiên, trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, một số ít địa phương còn lúng túng trong việc xác định những cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính? Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thi hành phần nào trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính?

Về vấn đề này, theo quy định của pháp luật thì các quyết định về phần tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004. Đối với các bản án, quyết định của Toà án về hành chính, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và thụ lý thi hành đối với phần tài sản (như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, đất đai.v.v.) được tuyên rõ bản án, quyết định của Toà án. Đối với bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính mà nội dung phần quyết định chỉ tuyên bác đơn kiện hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên cụ thể các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành.

Ví dụ: Bản án Hành chính sơ thẩm số 01/HSST ngày 04/2/2004 của Toà án nhân dân huyện B tuyên: "Giữ nguyên Quyết định số 42/QĐ-UB ngày 02/5/2003 của UBND huyện B về việc ông Nguyễn Xuân An phải tháo dỡ công trình xây dựng nhà trái pháp luật. Ông An phải chịu án phí hành chính 50.000 đồng”, thì việc thi hành quyết định số 42/QĐ-UB nêu trên của Uỷ ban nhân dân huyện B do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành. Cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành khoản buộc ông An nộp 50.000 đồng án phí hành chính theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 và điểm a khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 6 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
6. Về thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án

Về thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án, các cơ quan thi hành án cần lưu ý:

6.1. Trong trường hợp Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 102, Điều 119 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 145, Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 55 Luật Phá sản và Điều 34 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án theo đúng nội dung quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án. Trong trường hợp phát hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án chưa rõ, có sai sót hoặc vi phạm, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải có văn bản yêu cầu Toà án giải thích, đính chính sai sót hoặc đề nghị người có thẩm quyền xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

6.2. Trường hợp trong bản án, quyết định của Toà án có tuyên nội dung duy trì quyết định khẩn cấp tạm thời hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mới thì trong quyết định thi hành án phải có nội dung này.

Trong quá trình thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 37 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 để đảm bảo thi hành án.

Xem nội dung VB
- Đơn yêu cầu thi hành án được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 6. Đơn yêu cầu thi hành án

1. Yêu cầu thi hành án, việc đề nghị tự nguyện thi hành án (gọi chung là đơn yêu cầu thi hành án) phải được thể hiện bằng văn bản; nếu đơn yêu cầu không dùng tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt có công chứng của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đơn yêu cầu thi hành án gồm những nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan; ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu thi hành án;

b) Nội dung yêu cầu thi hành án; các nội dung không yêu cầu thi hành án. Nội dung yêu cầu phải phù hợp với nội dung bản án, quyết định được thi hành;

c) Số bản án, quyết định; ngày, tháng, năm ra bản án, quyết định; Toà án ra bản án, quyết định, Tổ chức Trọng tài ra quyết định; tình hình tài sản, thu nhập, nơi cư trú của người phải thi hành án và các thông tin cần thiết khác (nếu có).

3. Nếu người được thi hành án, người phải thi hành án trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói tại cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án phải lập biên bản ghi rõ các nội dung trên, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của cán bộ lập biên bản. Biên bản thay cho đơn yêu cầu thi hành án.

4. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án phải có bản án, quyết định và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Xem nội dung VB
- Trường hợp người phải thi hành án tự nguyện nộp tiền nhưng người được thi hành án không nhận được hướng dẫn bởi Khoản 10 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
10. Xử lý khoản tiền người phải thi hành án tự nguyện nộp nhưng người được thi hành án không nhận

Đây là vấn đề chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ. Vì vậy, cơ quan thi hành án cần lưu ý:

10.1. Trường hợp người phải thi hành án có đơn tự nguyện thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành vụ việc. Nếu sau đó người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản người phải thi hành án đã có đơn tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án chỉ lưu đơn vào hồ sơ mà không ra quyết định thi hành án đối với khoản phải thi hành án đó nữa.

10.2. Trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày thu được số tiền, tài sản do người phải thi hành án nộp, cơ quan thi hành án thông báo cho người được thi hành án đến nhận. Hết thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm theo quy định tại Thông tư số 67/TT-THA ngày 05/7/1996 của Bộ Tư pháp, giữ tài sản tại kho của cơ quan thi hành án. Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà người được thi hành án không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục sung công số tiền, tài sản đó.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 5. Thoả thuận về thi hành án

1. Các đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án nhưng việc thoả thuận không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

2. Trường hợp vụ việc đang do cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ nội dung thoả thuận. Nếu các đương sự không tự nguyện thi hành theo đúng nội dung thoả thuận thì cơ quan thi hành án căn cứ nội dung bản án, quyết định để tổ chức thi hành.

Trường hợp các đương sự thoả thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án lập biên bản về nội dung thoả thuận và ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thoả thuận không yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Nếu việc thoả thuận nói trên thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án theo đúng quy định của pháp luật thì phải được sự nhất trí của người mua hoặc người nhận tài sản đó để thi hành án theo quy định tại Điều 44 và Điều 48 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Xem nội dung VB
- Việc thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân được hướng dẫn bởi Khoản 18 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
18. Thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân về thi hành án

Điều 10, Điều 64 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 5 Điều 24 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị đối với “cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì Viện Kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị đối với các quyết định và yêu cầu chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Khi nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân đối với các quyết định hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, thì cơ quan thi hành án thực hiện việc trả lời kháng nghị theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điểm 3 Công văn số 135/TP-THA năm 2004

Ngày 14/1/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004, theo đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết một số nội dung của Pháp lệnh. Trong khi chưa có văn bản chính thức quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp, Phòng quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng và Phòng thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lưu ý một số vấn đề sau đây:
...
3. Hiện nay chưa có quy định của Chính phủ về thành phần Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên theo quy định tại khoản 5 Điều 13 của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, do đó, Bộ Tư pháp chỉ tiếp tục xem xét giải quyết các hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng (kể cả các cơ quan thi hành án trong quân đội) đã gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 01/7/2004.

Đối với việc tuyển dụng, tiếp nhận, phân bổ biên chế, xử lý kỷ luật (trừ cách chức đối với Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng) tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 141/QĐ-QLTA-THA ngày 21/9/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Riêng đối với trường hợp Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng vi phạm kỷ luật trước ngày 30/6/2004 nhưng chưa hoàn tất thủ tục để xử lý kỷ luật, thì Giám đốc Sở Tư pháp hoàn tất thủ tục gửi về Bộ Tư pháp xem xét kỷ luật cách chức theo quy định tại Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật về kỷ luật công chức.

Xem nội dung VB
- Điều kiện thi hành án được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 8. Xác minh điều kiện thi hành án

1. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành của người phải thi hành án. Chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật cho cơ quan thi hành án trong việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự.

Nếu người phải thi hành án không có tài sản để thi hành thì phải làm đơn trình bày, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc tổ chức nơi công tác, nơi quản lý thu nhập về việc người đó không có tài sản để thi hành án. Người được thi hành án có quyền chứng minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án.

2. Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản trong những trường hợp sau đây:

a) Không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc tuy có tài sản nhưng tài sản có giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ để chi phí về thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc tài sản không bán được, tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án;

b) Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra.

3. Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nếu đang ốm nặng hay vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện được nghĩa vụ đó.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 5 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
5. Về xác minh điều kiện thi hành án

Trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án cần lưu ý:

5.1. Điều 8 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành của người phải thi hành án; chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật cho cơ quan thi hành án trong việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự.

Để thực hiện đúng quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án, thì cần lưu ý:

- Chấp hành viên phải trực tiếp xác minh, không uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (trừ trường hợp chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành đối với những vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng). Khi xác minh trực tiếp, Chấp hành viên phải xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế, không chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

- Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm, thì nhất thiết phải thông qua các cơ quan có chức năng đăng ký đó để xác minh.

- Thực tế rất nhiều trường hợp mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng các tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhưng các bên mua, bán đã không thực hiện quy định này nhằm trốn tránh việc thi hành án. Để có căn cứ kê biên tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục 4 Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chấp hành viên cần xác minh chính xác tài sản đó đã được mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho hợp pháp hay chưa hoặc có tranh chấp hay không. Việc xác minh căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho; thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng, như: xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán...; mặt khác, có thể thông báo rộng rãi để người có quyền, nghĩa vụ liên quan bảo vệ lợi ích của họ.

- Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp không thuộc diện được kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì Chấp hành viên phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án và yêu cầu họ thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản khi người cầm cố, thế chấp thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp.

- Đối với người phải thi hành án là các cơ quan hoặc tổ chức, Chấp hành viên cần xác minh tài sản bằng việc trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản.v.v. và thông qua các cơ quan khác như: cơ quan quản lý vốn, tài sản hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cá nhân, tổ chức liên quan khác để xác minh điều kiện tài sản của các cơ quan, tổ chức này.

- Chấp hành viên phải giải thích cho người được thi hành án biết quyền và trách nhiệm của họ trong việc chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; phải xem xét và nếu cần thiết thì xác minh lại nội dung thông tin mà người được thi hành án đưa ra về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

- Để xác định người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Về nguyên tắc, việc xác minh điều kiện thi hành án thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên; việc xác minh phải lập biên bản ghi rõ trách nhiệm của người cung cấp thông tin. Trong trường hợp cán bộ thi hành án giúp Chấp hành viên thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, thì Chấp hành viên phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh đó.

5.2. Trên cơ sở kết quả xác minh, Chấp hành viên căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ để xác định người phải thi hành án có hay chưa có điều kiện thi hành án. Căn cứ kết quả xác minh, tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành thì Chấp hành viên giải quyết theo quy định tại Điều 26 hoặc Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Người được thi hành án có quyền chứng minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án và yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án.

Đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án thì ít nhất mỗi quý (3 tháng) phải thục hiện một lần xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Trong trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù và họ không có tài sản, thì thời hạn xác minh này không nhất thiết phải thực hiện mỗi quý một lần theo hướng dẫn tại Công văn số 2059/VKSTC-KSTHA ngày 08/11/2001 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Xem nội dung VB
- Chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự trong quân đội được hướng dẫn bởi Quyết định 86/2006/QĐ-BQP (VB hết hiệu lực: 21/12/2015)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về Chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự trong quân đội, đối tượng thực hiện báo cáo là Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quan (sau đây gọi tắt là Thi hành án cấp quân khu); cơ quan nhận báo cáo là Tư lệnh các quân khu, quân chủng Hải quân và Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.

Phạm vi báo cáo công tác thi hành án dân sự là toàn bộ tình hình, kết quả hoạt động của Thi hành án cấp quân khu trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo quy định của Pháp lệnh về thi hành án dân sự.

Điều 2. Các loại báo cáo

1. Báo cáo kế hoạch công tác thi hành án dân sự.

2. Báo cáo tình hình công tác thi hành án dân sự.

3. Báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự.

4. Báo cáo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.

5. Báo cáo đột xuất.

6. Báo cáo chuyên đề.

Điều 3. Kỳ báo cáo

Kỳ báo cáo là khoảng thời gian nhất định mà đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo tình hình, kết quả hoạt động theo nội dung quy định cho từng loại báo cáo. Kỳ báo cáo được tính theo ngày dương lịch, bao gồm:

1. Báo cáo tháng

Báo cáo tháng được tính bắt đầu từ ngày mùng 1 cho đến ngày cuối cùng của tháng.

2. Báo cáo 3 tháng

Báo cáo 3 tháng được tính bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo đến ngày cuối cùng của tháng thứ 3 của kỳ báo cáo đó.

3. Báo cáo 6 tháng

Báo cáo 6 tháng được tính bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo cho đến ngày cuối cùng của tháng thứ 6 của kỳ báo cáo đó.

4. Báo cáo 9 tháng

Báo cáo 9 tháng được tính bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo cho đến ngày cuối cùng của tháng thứ 9 của kỳ báo cáo đó.

5. Báo cáo 12 tháng

Báo cáo 12 tháng được tính bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng đầu tiên của kỳ báo cáo cho đến ngày cuối cùng của tháng thứ 12 của kỳ báo cáo đó.

Điều 4. Thực hiện báo cáo

1. Báo cáo kế hoạch công tác thi hành án dân sự

a) Báo cáo kế hoạch công tác thi hành án năm được thực hiện một lần trong năm; báo cáo bổ sung kế hoạch công tác thi hành án năm được thực hiện một lần vào kỳ báo cáo 6 tháng.

b) Báo cáo kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án các vụ việc lớn phức tạp được thực hiện theo yêu cầu của các vụ việc thi hành án trong năm.

2. Báo cáo tình hình công tác thi hành án dân sự

a) Báo cáo tháng được thực hiện 12 lần trong năm;

b) Báo cáo 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng được thực hiện một lần trong năm.

Ngày mùng 1 tháng 10 hàng năm được tính là ngày khởi đầu để thực hiện kỳ báo cáo, chế độ báo cáo. Năm báo cáo công tác thi hành án dân sự được tính từ ngày mùng 1 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau.

3. Báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định về Chế độ báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4. Báo cáo giải quyết đơn thu khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được mở thành một mục riêng trong văn bản báo cáo tình hình công tác thi hành án dân sự.

5. Báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề được thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ của Thi hành án cấp quân khu hoặc theo yêu cầu quản lý nghiệp vụ của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.

6. Ngày lập, gửi báo cáo công tác thi hành án dân sự

a) Ngày lập báo cáo là ngày cuối cùng của kỳ báo cáo; ngày gửi báo cáo là ngày mùng 4 của kỳ báo cáo kế tiếp.

b) Nếu ngày quy định cuối cùng của thời hạn lập, gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần thì ngày lập, gửi báo cáo là ngày tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.

c) Ngày gửi báo cáo thực tế được tính là ngày cơ quan nhận báo cáo nhận được báo cáo nếu báo cáo được gửi trực tiếp, là ngày ghi trên dấu bưu điện nơi tiếp nhận báo cáo gửi đi nếu gửi bằng đường bưu điện hoặc là ngày gửi báo cáo bằng Fax, thư điện tử nếu báo cáo gửi bằng Fax, thư điện tử (trong trường hợp gửi báo cáo bằng Fax, thư điện tử thì chậm nhất là 3 ngày ngay sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản về cơ quan nhận báo cáo).

Điều 5. Hình thức báo cáo

Báo cáo công tác thi hành án dân sự được thực hiện bằng văn bản, thể hiện trên khổ giấy A4 và tuân thủ đầy đủ các quy định của Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn về thể thức văn bản và Quyết định số 206/2005/QĐ-BQP ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Quy định ban hành và quản lý văn bản hành chính (hình thức của báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự có quy định riêng).

Điều 6. Nội dung báo cáo

Nội dung báo cáo yêu cầu ngắn gọn, có tính tổng hợp, khái quát cao.

1. Báo cáo kế hoạch công tác thi hành án dân sự:

Báo cáo kế hoạch công tác thi hành án dân sự bao gồm: báo cáo kế hoạch công tác thi hành án hàng năm, báo cáo bổ sung kế hoạch công tác thi hành án hàng năm; kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án các vụ việc lớn phức tạp. Yêu cầu của loại báo cáo này phải có sự phê duyệt của Tư lệnh cấp quân khu và được gửi về Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng để quản lý, theo dõi, chỉ đạo về nghiệp vụ và bổ sung vào kế hoạch công tác năm của ngành. Nội dung cụ thể như sau:

Đối với báo cáo kế hoạch công tác thi hành án năm, báo cáo bổ sung kế hoạch công tác thi hành án năm cần phải cụ thể đến số vụ việc, giá trị phải thi hành án trong 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.

Đối với kế hoạch cưỡng chế thi hành án phải nêu tóm tắt nội dung vụ việc, điều kiện thi hành án của đương sự, các tài sản đã xác minh nguồn gốc; thời gian địa điểm cưỡng chế, lực lượng tham gia cưỡng chế, phương tiện công cụ hỗ trợ; dự kiến tình huống và biện pháp xử lý tình huống xảy ra; biện pháp bảo quản, xử lý tài sản kê biên và kinh phí bảo đảm.

2. Báo cáo tình hình công tác thi hành án dân sự:

a) Nêu rõ tình hình trong công tác thi hành án dân sự thuộc phạm vi chức năng quản lý của đơn vị mình.

b) Đánh giá tình hình thực hiện những công tác trọng tâm theo kế hoạch tổ chức thi hành án năm đã được Tư lệnh cấp quân khu phê duyệt; kế hoạch công tác năm của ngành đã triển khai có liên quan đến Thi hành án cấp quân khu; kế hoạch công tác của Thi hành án cấp quân khu trong kỳ báo cáo; những công tác thi hành án phát sinh trong kỳ báo cáo (có thể minh họa bằng số liệu cụ thể); hoạt động hành chính tư pháp trong công tác thi hành án dân sự.

c) Xác định các công việc chính hoặc phương hướng nhiệm vụ chính cho kỳ báo cáo sau, các hoạt động chủ yếu của Trưởng Thi hành án cấp quân khu.

d) Đối với báo cáo 6 tháng, 12 tháng cần có mục đánh giá cụ thể những ưu điểm, khuyến điểm, nguyên nhân của ưu, khuyết điểm đó; có số liệu so sánh với cùng kỳ năm trước.

3. Báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự:

Báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định về Chế độ báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

4. Báo cáo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:

Nêu được tình hình khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự trong phạm vi quản lý của Thi hành án cấp quân khu; đánh giá kết quả thụ lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; những tồn đọng kéo dài và nguyên nhân, biện pháp để giải quyết dứt điểm.

5. Báo cáo đột xuất:

Dùng trong trường hợp cần báo cáo những việc đột xuất xảy ra mà ngành cần nắm để có chủ trương, biện pháp xử lý; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn. Loại báo cáo này cần phải nêu rõ:

a) Tóm tắt diễn biến sự việc và nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng hoặc thiệt hại (nếu có).

b) Tóm tắt nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn (kèm theo hồ sơ vụ việc xin ý kiến chỉ đạo).

c) Những biện pháp đã áp dụng để xử lý, kết quả đạt được.

d) Nội dung xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng (có ý kiến của Tư lệnh cấp quân khu).

e) Báo cáo đột xuất phải gửi đến Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng bằng biện pháp nhanh nhất.

6. Báo cáo chuyên đề:

Dùng trong trường hợp báo cáo kết quả xây dựng các chuyên đề theo sự phân công nhiệm vụ của Cục trưởng Cục Thi hành án hoặc báo cáo sau khi đã hoàn thành một nhiệm vụ, một công tác lớn được ngành giao.

Điều 7. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự của Thi hành án cấp quân khu; Thẩm tra báo cáo thống kê của Chấp hành viên và Thi hành án cấp quân khu. Việc kiểm tra và thẩm tra báo cáo công tác thi hành án dân sự được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất, theo kế hoạch công tác hàng năm của Cục Thi hành án đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê chuẩn.

2. Trưởng Thi hành án cấp quân khu có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự của Thi hành án cấp quân khu; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các Chấp hành viên về việc thực hiện Chế độ báo cáo thống kê công tác thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Quy định chế độ báo cáo công tác thi hành án dân sự số 221/QLTHA ngày 21 tháng 12 năm 2001 của Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; Trưởng Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân và Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
- Chương này được hướng dẫn bởi Chương 2 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Chương 2: THỦ TỤC THI HÀNH ÁN

Điều 9. Nhận bản án, quyết định; nhận đơn yêu cầu thi hành án

1. Cơ quan thi hành án phải vào Sổ nhận bản án, quyết định ngay sau khi nhận được bản án, quyết định của Toà án. Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ nội dung quyết định của bản án, quyết định; nội dung biên bản kê biên, tạm giữ tài sản, biên bản thu giữ vật chứng (nếu có). Khi chuyển giao bản án, quyết định, Toà án đã ra bản án, quyết định đó có trách nhiệm chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ (nếu có) cho cơ quan thi hành án.

2. Cơ quan thi hành án phải vào Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp cho đương sự Phiếu nhận đơn ngay sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự. Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự.

3. Đối với trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không đúng quy định tại Điều 6 của Nghị định này thì cơ quan thi hành án hướng dẫn người yêu cầu thi hành án làm đơn đúng quy định.

Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của mình thì cơ quan thi hành án hướng dẫn đương sự nộp đơn đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Nếu có căn cứ xác định đơn yêu cầu thi hành án đã hết thời hiệu thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.

Điều 10. Ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định. Đối với các khoản trả lại tài sản, hoàn trả tiền tạm ứng án phí thì mỗi đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án cho mỗi đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp vụ việc phức tạp, một người phải thi hành án nhưng có nhiều người được thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thể ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều đơn yêu cầu thi hành án.

Đối với thi hành nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.

2. Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải vào Sổ thụ lý thi hành án.

Việc thi hành án được tính từ ngày ra quyết định thi hành án.

3. Sổ nhận bản án, quyết định, Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, Sổ thụ lý thi hành án và các sổ sách khác về thi hành án được lập theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định.

Điều 11. Nguyên tắc ủy thác thi hành án

1. Chỉ được ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc trụ sở.

2. Trường hợp có nhiều người phải thi hành án ở các địa phương khác nhau hoặc tài sản, thu nhập của họ ở những địa phương khác nhau thì được ủy thác từng phần cho cơ quan thi hành án ở các địa phương đó, trừ trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới.

3. Việc ủy thác thi hành án được thực hiện giữa các cơ quan thi hành án không phân biệt địa bàn hoạt động, cơ quan thi hành án dân sự hay cơ quan thi hành án trong quân đội.

4. Cơ quan thi hành án cấp huyện không được ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh của địa phương mình.

Điều 12. Thẩm quyền ra quyết định ủy thác thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh ủy thác thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi khác thi hành các vụ việc sau:

- Thi hành bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên;

- Thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ;

- Thi hành bản án, quyết định tuyên bố phá sản; quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam;

- Thi hành bản án, quyết định mà nhiều người phải thi hành án có trách nhiệm liên đới ở nhiều quận, huyện, thị xã, thành phố khác nhau trong tỉnh nơi ủy thác đến;

b) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành những vụ việc thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhưng thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án cấp quân khu;

c) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành các vụ việc khác, trừ những trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện có thể ủy thác những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp quân khu, cơ quan thi hành án cấp huyện nơi khác thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có thể ủy thác những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác, cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành.

Điều 13. Thủ tục ủy thác thi hành án

1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án phải xử lý xong các tài sản tạm giữ, vật chứng do Toà án chuyển giao, tài sản kê biên có liên quan trực tiếp đến phần ủy thác để thi hành án. Trong trường hợp việc xử lý các tài sản trên có khó khăn, kéo dài và xét thấy giá trị tài sản không đủ để thi hành án thì có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành mà không chờ xử lý xong các tài sản đó.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.

2. Quyết định ủy thác phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản cần tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.

Quyết định ủy thác phải kèm theo bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản. Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì cơ quan thi hành án có thể sao chụp bản án, quyết định thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác.

Trong thời gian không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ủy thác, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án ủy thác về việc nhận được ủy thác.

3. Cơ quan thi hành án nhận ủy thác, nếu xét thấy người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương mình thì giải quyết như sau:

a) Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ủy thác chủ động ra quyết định thi hành thì cơ quan nhận ủy thác phải ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành;

b) Trong trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án thì ra quyết định trả lại đơn yêu cầu và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu (kèm theo quyết định trả đơn và tài liệu liên quan) đến cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành. Cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự.

4. Quyết định ủy thác phải được gửi cho Toà án đã chuyển giao bản án, quyết định, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện Kiểm sát nhân dân nơi nhận ủy thác, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Điều 14. Hoãn thi hành án

1. Trong trường hợp chủ động thi hành án thì thời hạn hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án; trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc chưa xác định được địa chỉ của họ thì thời hạn hoãn có thể quá chín mươi ngày. Trong thời gian hoãn thi hành án, nếu phát hiện thấy người phải thi hành án có điều kiện thi hành án hoặc đã hết thời hạn hoãn thi hành án thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

2. Trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp đang được Toà án thụ lý, giải quyết, thời hạn hoãn thi hành án được tính từ ngày Toà án thụ lý vụ việc đến khi bản án, quyết định của Toà án về việc giải quyết tranh chấp đó có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ chấp nhận đề nghị hoãn thi hành án của người được thi hành án, nếu được sự đồng ý của người phải thi hành án.

Yêu cầu hoặc đồng ý hoãn thi hành án của đương sự phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung yêu cầu và thời hạn hoãn thi hành án, có chữ ký của các đương sự.

Khi điều kiện hoãn thi hành án không còn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án.

4. Trong trường hợp hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì việc yêu cầu hoãn thi hành án phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án, ghi rõ thời hạn hoãn thi hành án. Văn bản yêu cầu hoãn thi hành án phải do người có thẩm quyền kháng nghị ký. Trong trường hợp đã có văn bản mà cần thông báo ngay bằng điện thoại, điện tín thì phải thông báo cho cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc đó biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung của văn bản và người ký văn bản đó.

Khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, trong thời hạn không quá một ngày làm việc cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án.

Trường hợp khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, nhưng vụ việc đang được tổ chức cưỡng chế thi hành án nếu xét thấy việc dừng cưỡng chế thi hành án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhưng phải thông báo ngay cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án và cơ quan thi hành án cấp trên biết. Nếu vụ việc đã được thi hành một phần hay thi hành xong thì trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành phải có văn bản thông báo cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.

Khi nhận được văn bản của người có thẩm quyền về việc không có cơ sở để xem xét kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoặc hết thời gian hoãn thi hành án mà bản án, quyết định không bị kháng nghị hay không bị tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.

Điều 15. Tạm đình chỉ thi hành án

1. Trong trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Thời hạn tạm đình chỉ thi hành án theo thời hạn giải quyết việc tuyên bố phá sản của Toà án.

Cơ quan thi hành án không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án mà tiếp tục thực hiện các quyết định về thi hành án liên quan đến phần nghĩa vụ thi hành các khoản về cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Số tiền thi hành án thu được, sau khi chi trả các khoản trên, cơ quan thi hành án tiếp tục tạm giữ để chờ kết quả giải quyết của Toà án.

2. Trong trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định kháng nghị của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án ra thông báo về việc tạm đình chỉ.

Trong trường hợp cần thiết, việc yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự có thể được thông báo bằng điện thoại, điện tín cho cơ quan thi hành án biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung chủ yếu của văn bản kháng nghị và người ký kháng nghị. Cơ quan thi hành án phải dừng việc thi hành án khi nhận được thông báo và chậm nhất không quá một ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo phải ra thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án.

Thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án phải gửi cho các bên đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và người ra kháng nghị.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án trong các trường hợp sau:

a) Có quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;

b) Toà án đình chỉ việc giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phải thi hành án;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị.

Điều 16. Đình chỉ thi hành án

1. Trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hay hủy bỏ bản án, quyết định đang được thi hành để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành bản án, quyết định trước đây và ra quyết định thi hành án theo quyết định của bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc khôi phục quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hoặc hủy bỏ bản án, quyết định đã được thi hành.

2. Việc từ bỏ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án trong bản án, quyết định phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản mà người được thi hành án từ bỏ quyền, lợi ích của mình. Trong trường hợp này, người được thi hành án sau đó không còn quyền yêu cầu thi hành án trở lại.

Điều 17. Xử lý tài sản tịch thu

1. Đối với tài sản tịch thu là vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, thì cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục giao cho cơ quan nhà nước quản lý loại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

2. Đối với tài sản tịch thu không phải là tài sản quy định tại khoản 1 của Điều này thì cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục giao cho cơ quan Tài chính xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc giao nhận tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải được lập biên bản, mô tả cụ thể, chi tiết tài sản và có chữ ký của các bên giao, nhận.

Điều 18. Miễn, giảm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt

1. Người phải thi hành án được coi là không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án khi có 1 trong các điều kiện quy định tại điểm a (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung nhưng chưa được phân chia hoặc tài sản vì lý do khách quan nên không xử lý được để thi hành án) hoặc điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

Người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn nói tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được xác định theo quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Việc xét miễn thi hành án được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều này có số tiền phải thi hành án còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;

b) Người bị kết án hình phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành hình phạt tiền còn lại hoặc lập công lớn thì việc xét miễn thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Bộ luật Hình sự.

3. Việc xét giảm thi hành án được áp dụng khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 của Điều này trong những trường hợp sau đây:

a) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/2 số tiền còn lại phải thi hành án;

b) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án;

c) Đối với số tiền còn lại phải thi hành trên một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.

4. Việc xem xét miễn, giảm thi hành án được tiến hành hàng quý trong năm, nhưng mỗi đối tượng thi hành án chỉ được xem xét miễn, giảm không quá một lần trong một năm.

5. Cơ quan thi hành án đang thụ lý thi hành vụ việc lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, kể cả trường hợp vụ việc đã được chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành.

6. Quyết định xét miễn, giảm thi hành án sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp phát hiện người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản để trốn tránh việc thi hành án dẫn đến việc xét miễn, giảm thi hành án không đúng thực tế.

Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục xét miễn, giảm thi hành án.

Xem nội dung VB
- Việc tính lãi suất chậm thi hành án được hướng dẫn bởi Khoản 14 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
14. Việc tính lãi suất chậm thi hành án

Cơ quan thi hành án cần lưu ý thực hiện như sau:

14.1. Theo quy định tại điểm b khoản 4 mục IV Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, thì đối với trường hợp tài sản phải thi hành án không phải là hiện vật theo bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật (15/7/1997), thì cơ quan thi hành án thi hành đúng theo quyết định của Toà án, kể cả các khoản lãi mà bên phải thi hành án phải chịu do chậm thi hành án gây ra.

14.2. Đối với khoản tiền suất lãi chậm thi hành án, theo quy định tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, thì kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chủ động thi hành) và từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định khung lãi suất quá hạn cho các ngân hàng thương mại áp dụng (ví dụ quy định khung lãi suất quá hạn là 100% đến 150% mức lãi suất trong hạn). Mặt khác, Thông tư 01/TTLT nêu trên không quy định tiền lãi do chậm thi hành án được tính theo lãi suất của loại vay nào (có kỳ hạn hay không kỳ hạn...)

Vì vậy, để thực hiện thống nhất việc tính lãi chậm thi hành án, từ ngày 15/3/2005 trở đi, cơ quan thi hành án tính theo mức thấp nhất của khung lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định cho các Ngân hàng thương mại áp dụng theo từng thời kỳ với mức lãi suất vay trung hạn.

Ví dụ: Giả sử người phải thi hành án chậm thi hành 01 tháng và nếu lãi suất vay trung hạn là 1%/tháng và khung lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định là từ 100% đến 150% mức lãi suất trong hạn. Trong trường hợp này, lãi suất chậm thi hành án sẽ được tính:

Số tiền lãi chậm thi hành án = (Số tiền chậm thi hành án x 1%) x 100% x 01 tháng chậm thi hành).

14.3. Về việc một số địa phương phản ánh Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất quá hạn (mức trần) để các ngân hàng thương mại áp dụng. Vấn đề này Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn cụ thể.

Xem nội dung VB
- Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 43/2006/TTLT-BTC-BTP (VB hết hiệu lực: 22/08/2008)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án, như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản hoặc số tiền mà người đó thực nhận theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Không thu phí thi hành án đối với trường hợp thi hành các khoản sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng;

b) Tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm;

c) Tiền lương, tiền công lao động;

d) Tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Người được thi hành án nhận hiện vật chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi và không tính được giá trị vật chất;

- Tiền được thi hành án là khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước, như: xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ, giáo dục của nhân dân mà không vì mục đích kinh doanh, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Nhà nước.

II. MỨC THU, VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

1. Mức thu

Mức thu phí thi hành án được tính trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận, như sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án

a) Cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc là cơ quan thu phí thi hành án (dưới đây gọi là cơ quan thu phí).

b) Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án chưa phải nộp phí thi hành án. Cơ quan thu phí chỉ được thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án, cụ thể như sau:

- Trường hợp chi trả tiền: Khi chi trả, cơ quan thu phí được trích lại số tiền phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp vào số tiền mà người thi hành án thực nhận.

- Trường hợp giao tài sản: Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày dự kiến giao trả tài sản, cơ quan thu phí có trách nhiệm ra thông báo thu phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thu phí lập Hội đồng định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Trong trường hợp khi giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong toả tài sản đã giao cho người được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Nếu quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.

- Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

c) Đối với các vụ án chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.

Thí dụ cụ thể như sau: Có 3 người được chia thừa kế một tài sản có giá trị 1 tỷ đồng. Người thứ nhất được nhận 20% giá trị tài sản. Người thứ hai được nhận 30% giá trị tài sản. Người thứ ba được nhận 50% giá trị tài sản. Số phí thi hành án phải nộp của từng người theo quy định trên được xác định như sau:

- Xác định tổng số phí thi hành án phải nộp của các bên:

= 18 triệu đồng + 2% x 500 triệu đồng.

= 18 triệu đồng + 10 triệu đồng.

= 28 triệu đồng.

- Xác định số phí thi hành án phải nộp của từng người:

+ Người thứ nhất phải nộp = 20% x 28 triệu đồng = 5,6 triệu đồng.

+ Người thứ hai phải nộp = 30% x 28 triệu đồng = 8,4 triệu đồng.

+ Người thứ ba phải nộp = 50% x 28 triệu đồng = 14 triệu đồng.

d) Đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các bên đương sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau:

- Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

- Nếu người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau:

+ Nếu người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án;

+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn;

+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế, đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

đ) Đối với những vụ việc mà theo bản án, quyết định của Toà án, người được thi hành án được thi hành số tiền hoặc tài sản có giá trị từ trên 1.000.000 đồng trở lên nhưng người được thi hành án có yêu cầu thi hành án khác với số tiền hoặc giá trị tài sản được thi hành án thì thực hiện như sau:

- Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu thi hành án với số tiền hoặc tài sản có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống, thì không phải nộp phí thi hành án.

- Trường hợp người được thi hành án yêu cầu thành nhiều lần với tổng số tiền hoặc giá trị tài sản yêu cầu có giá trị từ trên 1.000.000 đồng thì số phí thi hành án được tính trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận. Số phí thi hành án phải nộp của từng lần được thi hành án được xác định tương ứng với số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận từng lần, tương tự như cách tính phí thi hành án phải nộp trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn quy định tại điểm c, mục này.

e) Trường hợp cơ quan thi hành án đã thi hành được tiền, tài sản, nhưng phải chi trả cho người được thi hành án thành nhiều lần theo quy định của pháp luật thì số phí thi hành án phải nộp được tính trên tổng số tiền, giá trị tài sản thực nhận. Số phí thi hành án phải nộp của từng lần được thi hành án được xác định tương ứng với số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận từng lần, tương tự như cách tính phí thi hành án phải nộp trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn quy định tại điểm c, mục này.

g) Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí thi hành án phải nộp, thì phí thi hành án được tính toán lại theo quy định và người được thi hành án phải nộp thêm nếu số phí thi hành án đã nộp thấp hơn số phí thi hành án được xác định lại hoặc người thi hành án được trả lại phần còn thừa nếu số phí thi hành án đã nộp cao hơn số phí thi hành án được xác định lại.

Cơ quan thu phí có trách nhiệm thu bổ sung khoản phí mà người được thi hành án nộp còn thiếu hoặc làm thủ tục hoàn trả khoản phí thi hành án mà người được thi hành án nộp thừa. Nếu người được thi hành án không tự nguyện nộp khoản phí thi hành án còn thiếu, thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu bổ sung khoản phí thi hành án còn thiếu.

h) Phí thi hành án là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

h.1) Cơ quan thu phí được trích 70% (bảy mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí hỗ trợ cho việc thi hành án và thu phí. Việc sử dụng cụ thể như sau:

- Cơ quan thu phí được sử dụng 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để chi theo các nội dung sau:

+ Chi trả các khoản tiền thù lao, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ hiện hành cho những người tham gia vào hoạt động thi hành án (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định); chi bồi dưỡng cho các cán bộ của các ngành, các cấp trong việc phối hợp để thi hành án;

+ Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thi hành án và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

+ Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thi hành án và thu phí;

+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hội nghị tổng kết, sơ kết, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thi hành án và thu phí;

+ Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án và thu phí theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.

- Cơ quan thu phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí thi hành án. Căn cứ vào tình hình thu phí (số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc nhà nước...) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ quan thu phí phải gửi số tiền phí thi hành án đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Cơ quan thu phí có trách nhiệm nộp 20% (hai mươi phần trăm) số tiền phí thu được vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với cơ quan thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) tại Kho bạc nhà nước cùng thời gian với việc nộp tiền phí thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí để Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) điều hoà cho các cơ quan thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ kinh phí hoạt động theo những nội dung chi quy định tại điểm h.1 mục này. Cơ quan thực hiện việc điều hoà tiền phí thi hành án được phép chi phí quản lý điều hoà tiền phí thi hành án (như chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, kiểm tra, báo cáo... có liên quan trực tiếp đến việc quản lý điều hoà tiền phí thi hành án) nhưng số chi hàng năm không vượt quá 5% (năm phần trăm) tính trên tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về.

- Hàng năm, cơ quan thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Tiền phí để lại cho cơ quan thu phí quy định tại điểm h.1 mục này không phản ánh vào ngân sách nhà nước.

h.2) Cơ quan thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại (30%) vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 044, tiểu mục 14 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

i) Trường hợp người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

III. MIỄN, GIẢM PHÍ THI HÀNH ÁN

Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau:

1. Giảm 50% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010.

2. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

4. Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án theo mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau kéo dài). Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) được nộp cho cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

5. Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do về việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Thời gian xem xét việc miễn hoặc giảm phí thi hành án không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các vấn đề khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, quyết toán phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

2. Đối với các trường hợp đã tạm thu trước đây với mức thu cao hơn mức thu quy định tại Thông tư này thì thực hiện thu, nộp phí theo mức thu quy định tại Thông tư này.

3. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về phí, lệ phí hiện hành.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.
...
Mẫu 1. Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Chương 4 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Chương 4: PHÍ THI HÀNH ÁN

Điều 29. Đối tượng chịu phí; cơ quan thu phí thi hành án; mức phí, việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án

1. Người được thi hành án theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản hoặc số tiền mà người đó thực nhận, trừ trường hợp thi hành các khoản sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng;

b) Tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm;

c) Tiền lương, tiền công lao động;

d) Tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc thu phí thi hành án.

3. Mức phí, việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và miễn, giảm phí thi hành án do Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể.

Điều 30. Miễn, giảm phí thi hành án

1. Trong các trường hợp sau đây, người được thi hành án có thể được xét miễn, giảm phí thi hành án:

a) Có khó khăn về kinh tế;

b) Thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng;

c) Thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

2. Để được xét miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, sinh sống hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc.

Đơn đề nghị xét miễn, giảm phí thi hành án được nộp cho cơ quan thi hành án nơi thu phí thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi nhận đơn đề nghị xem xét, quyết định việc miễn, giảm phí thi hành án.

Điều 31. Khiếu nại về phí thi hành án

Mọi khiếu nại liên quan đến việc thu phí thi hành án được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại thi hành án.

Xem nội dung VB
- Việc thu phí thi hành án được hướng dẫn bởi Điểm 4 Công văn số 135/TP-THA năm 2004

Ngày 14/1/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004, theo đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết một số nội dung của Pháp lệnh. Trong khi chưa có văn bản chính thức quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp, Phòng quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng và Phòng thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lưu ý một số vấn đề sau đây:
...
4. Về việc thu phí thi hành án, theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận. Vì vậy, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, các Cơ quan thi hành án tạm thu 5% số tiền hoặc giá trị tài sản mà người được thi hành án thực nhận và làm thủ tục gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn mang tên của người được thi hành án. Số tiền này được dùng để thanh toán phí thi hành án khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; số tiền còn lại (nếu có), cùng với lãi suất được trả cho người được thi hành án.

Xem nội dung VB
- Việc tạm thu phí thi hành án được hướng dẫn bởi Khoản 9 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
9. Vấn đề tạm thu phí thi hành án

Điều 20 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định việc thu phí thi hành án. Ngày 27/7/2004, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 135/TP-THA hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, trong đó có hướng dẫn một số nội dung về việc tạm thu phí thi hành án. Tại Chương IV của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về đối tượng chịu phí thi hành án; việc miễn, giảm phí thi hành án và khiếu nại về phí thi hành án. Quá trình triển khai thực hiện quy định và hưóng dẫn trên, một số cơ quan thi hành án đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể hơn về việc tạm thu phí thi hành án.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch về phí thi hành án. Trong khi chưa ban hành Thông tư và hướng dẫn mới, cơ quan thi hành án cần lưu ý:

9.1. Cơ quan thi hành án tạm thu 5% số tiền hoặc giá trị tài sản mà người được thi hành án thực nhận. Trường hợp đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2004, thì cơ quan thi hành án chỉ tạm thu phí thi hành nếu từ 01/7/2004 mới thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự; trường hợp cơ quan thi hành án đã thu được tiền, tài sản trước ngày 01/7/2004 mà chưa chi trả cho đương sự, thì không tạm thu phí thi hành án.

9.2. Đối tượng chịu phí thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ. Trường hợp không phải chịu phí thi hành án theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, thì không tạm thu phí thi hành án dân sự. Nếu cơ quan đã tạm thu trước khi Nghị định 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục hoàn trả.

9.3. Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người làm đơn chưa phải nộp phí thi hành án, cơ quan thi hành án chỉ thu khi chi trả tiền hoặc giao tài sản cho người được thi hành án. Số tiền, giá trị tài sản còn lại (95%), cơ quan thi hành án chi trả cho người được thi hành án. Sau khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về mức thu, cơ quan thi hành án sẽ thu tiếp phần phí còn thiếu (nếu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án cao hơn 5%) hoặc trả lại cho người được thi hành án phần thu vượt quá (nếu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án thấp hơn 5% hoặc được miễn, giảm phí thi hành án).

Nếu tài sản thực nhận là hiện vật, thì cơ quan thi hành án yêu cầu người nhận hiện vật tạm nộp phí thi hành án khi nhận hiện vật. Nếu bản án, quyết định không tuyên giá trị hoặc có tuyên nhưng hiện vật không còn phù hợp với giá thị trường, thì cơ quan thi hành án lập Hội đồng định giá để tính giá trị hiện vật, trên cơ sở đó tạm thu 5% giá trị hiện vật. Đối với những hiện vật chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi và không tính được giá trị vật chất, thì cơ quan thi hành án không tạm thu số tiền 5% nêu trên.

Trường hợp số tiền, tài sản mà người được thi hành án được nhận nhiều đợt, thì cơ quan thi hành án tạm thu phí 5% trên số tiền, giá trị tài sản đương sự thực nhận mỗi đợt.

9.4. Công văn số 135/TP-THA ngày 27/7/2004 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn xử lý đối với số tiền tạm thu phí thi hành án, theo đó cơ quan thi hành án làm thủ tục gửi vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn mang tên người được thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm thuận tiện trong việc gửi và xử lý số tiền này, thì cơ quan thi hành án lập danh sách tên từng người và từng vụ án. Căn cứ vào bản danh sách này, kế toán làm thủ tục gửi tiết kiệm theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Sổ tiết kiệm ghi tên thủ quỹ (Thủ trưởng cơ quan thi hành án làm thủ tục uỷ quyền).

9.5. Trong trường hợp người được thi hành án không tự nguyện nộp phí thi hành án, thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào tiền, khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá, phong toả tài khoản, tài sản, trừ vào thu nhập hoặc kê biên, xử lý tài sản của người đó để đảm bảo thu phí thi hành án.

9.6. Khi tạm thu phí thi hành án, cơ quan thi hành án sử dụng biên lai mẫu C27-H quy định tại Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp số tiền thu được đang trong tài khoản của cơ quan thi hành án quản lý, thì kế toán của đơn vị thực hiện thu theo hình thức kết chuyển trên tài khoản. Sau khi thực hiện, kế toán giao cho người được thi hành án 01 liên (liên giao cho người nộp tiền). Sau đó kế toán làm thủ tục xuất quỹ hoặc trích từ tài khoản số tiền 95% còn lại trả cho người được thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án nhận tài sản và nộp phí thi hành án, thì Chấp hành viên lập biên lai thu tiền theo mẫu C27-H quy định tại Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT nêu trên.

Việc hạch toán và ghi sổ kế toán thực hiện như sau:

+ Khi tạm thu, kế toán (thu phí trên giá trị tài sản) hạch toán, ghi sổ:

Nợ TK 111 hoặc 112 (kết chuyển thu phí trên tổng số tiền chi trả);

Có TK 34211 (theo dõi chi tiết mục thu của từng đối tượng ).

+ Khi chi trả số tiền còn lại cho người được thi hành án, kế toán hạch toán, ghi sổ:

Nợ TK 331.111;

Có TK 111 hoặc 112.

Xem nội dung VB
- Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 68/2008/TTLT-BTC-BTP (VB hết hiệu lực: 06/11/2010)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án, như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản hoặc số tiền mà người đó thực nhận theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Không thu phí thi hành án đối với trường hợp sau đây:

a) Tiền được thi hành án là các khoản:

- Tiền cấp dưỡng;

- Tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm;

- Tiền lương, tiền công lao động;

- Tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Trường hợp người yêu cầu thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án với tổng số tiền hoặc giá trị tài sản dưới 1.000.000 (Một triệu đồng).

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Người được thi hành án nhận hiện vật chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi và không tính được giá trị vật chất;

- Tiền được thi hành án là khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước, như: xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ, giáo dục của nhân dân mà không vì mục đích kinh doanh, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Nhà nước;

- Việc chi trả cho các chủ nợ thực hiện theo Luật Phá sản ngày 15/6/2004;

- Các trường hợp Toà án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.

II. MỨC THU, VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

1. Mức thu

Mức thu phí thi hành án được tính bằng 2,5% (Hai phẩy năm phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 100 triệu đồng/ 01 đơn yêu cầu thi hành án.

2. Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án

a) Cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc là cơ quan thu phí thi hành án (dưới đây gọi là cơ quan thu phí). Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thu phí thi hành án. Đối với vụ việc phải thu phí thi hành án nhiều lần thì mỗi lần thu phí thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thu phí thi hành án.

b) Khi nộp đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án chưa phải nộp phí thi hành án. Cơ quan thu phí chỉ được thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án, cụ thể như sau:

b.1) Trường hợp chi trả tiền: Khi chi trả, cơ quan thu phí được trích lại số tiền phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp vào số tiền mà người thi hành án thực nhận.

b.2) Trường hợp giao tài sản: Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc trước ngày dự kiến giao trả tài sản, cơ quan thu phí có trách nhiệm ra thông báo thu phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp theo hướng dẫn tại Thông tư này.

- Nếu quyết định của Toà án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí lập Hội đồng định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại.

- Nếu giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thu phí có thể kê biên, phong toả tài sản được thi hành án và ấn định thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày giao trả tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản do người được thi hành án chi trả.

Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án.

b.3) Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

c) Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.

Thí dụ 1: Có 3 người được chia thừa kế một tài sản có giá trị 1 tỷ đồng. Người thứ nhất được nhận 20% giá trị tài sản. Người thứ hai được nhận 30% giá trị tài sản. Người thứ ba được nhận 50% giá trị tài sản. Số phí thi hành án phải nộp của từng người theo quy định trên được xác định như sau:

- Xác định tổng số phí thi hành án phải nộp: 2,5% x 1 tỷ đồng = 25 triệu đồng.

- Xác định số phí thi hành án phải nộp của từng người:

+ Người thứ nhất phải nộp = 20% x 25 triệu đồng = 5 triệu đồng.

+ Người thứ hai phải nộp = 30% x 25 triệu đồng = 7,5 triệu đồng.

+ Người thứ ba phải nộp = 50% x 25 triệu đồng = 12,5 triệu đồng.

Thí dụ 2: Toà xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500 triệu đồng và phải thanh toán cho ông A 200 triệu đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:

Số phí thi hành án ông A phải nộp là: 2,5% x 200 triệu đồng = 5 triệu đồng;

Số phí thi hành án bà B phải nộp là: 2,5% x (500 - 200) triệu đồng = 7,5 triệu đồng.

d) Đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các bên đương sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau:

- Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án và cơ quan thi hành án đã có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

- Nếu người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau:

+ Nếu người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự hoặc có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án;

+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn;

+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế, đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

đ) Đối với những vụ việc mà theo bản án, quyết định của Toà án, người được thi hành án được thi hành số tiền hoặc tài sản có giá trị từ trên 1.000.000 đồng trở lên nhưng người được thi hành án có yêu cầu thi hành án khác với số tiền hoặc giá trị tài sản được thi hành án thì thực hiện như sau:

- Trường hợp người được thi hành án chỉ yêu cầu thi hành án với số tiền hoặc tài sản có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống và có văn bản từ bỏ phần tiền, giá trị tài sản còn lại thì không phải nộp phí thi hành án.

- Trường hợp người được thi hành án yêu cầu thành nhiều lần với tổng số tiền hoặc giá trị tài sản yêu cầu có giá trị từ trên 1.000.000 đồng thì số phí thi hành án được tính trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận. Số phí thi hành án phải nộp của từng lần được thi hành án được xác định tương ứng với số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận từng lần, tương tự như cách tính phí thi hành án phải nộp trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn quy định tại điểm c, mục này.

e) Trường hợp cơ quan thi hành án đã thi hành được tiền, tài sản, nhưng phải chi trả cho người được thi hành án thành nhiều lần theo quy định của pháp luật thì số phí thi hành án phải nộp được tính trên tổng số tiền, giá trị tài sản thực nhận. Số phí thi hành án phải nộp của từng lần được thi hành án được xác định tương ứng với số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận từng lần, tương tự như cách tính phí thi hành án phải nộp trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế, chia tài sản trong ly hôn quy định tại điểm c, mục này.

g) Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí thi hành án phải nộp, thì phí thi hành án được tính toán lại theo quy định và người được thi hành án phải nộp thêm nếu số phí thi hành án đã nộp thấp hơn số phí thi hành án được xác định lại hoặc người thi hành án được trả lại phần còn thừa nếu số phí thi hành án đã nộp cao hơn số phí thi hành án được xác định lại.

Cơ quan thu phí có trách nhiệm thu bổ sung khoản phí mà người được thi hành án nộp còn thiếu hoặc làm thủ tục hoàn trả khoản phí thi hành án mà người được thi hành án nộp thừa. Nếu người được thi hành án không tự nguyện nộp khoản phí thi hành án còn thiếu, thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu bổ sung khoản phí thi hành án còn thiếu.

h) Trường hợp uỷ thác thi hành án liên quan đến thu phí thi hành án, cơ quan uỷ thác thi hành án phải uỷ thác cả những nội dung về nộp phí thi hành án, trong đó ghi rõ số phí thi hành đã nộp, số phí thi hành án còn phải thu (nếu có).

Cơ quan nhận uỷ thác phải căn cứ vào số phí thi hành án mà người được thi hành án đã nộp trước đây để tiếp tục thu phí thi hành án và được quản lý, sử dụng tiền phí thu được theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư này.

i) Phí thi hành án là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

i.1) Cơ quan thu phí được trích 70% (bảy mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí hỗ trợ cho việc thi hành án và thu phí. Việc sử dụng cụ thể như sau:

- Cơ quan thu phí được sử dụng 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để chi theo các nội dung sau:

+ Chi trả các khoản tiền thù lao, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ hiện hành cho những người tham gia vào hoạt động thi hành án (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định);

+ Chi bồi dưỡng cho các cán bộ của các ngành, các cấp trong việc phối hợp để thi hành án, mức chi do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét, quyết định nhưng phải được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định hiện hành về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đối với cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn hiện hành và quy định tại Thông tư này;

+ Chi phí trực tiếp phục vụ cho việc thi hành án và thu phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

+ Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thi hành án và thu phí;

+ Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, hội nghị tổng kết, sơ kết, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thi hành án và thu phí;

+ Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ công tác thi hành án và thu phí;

+ Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án và thu phí theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước.

- Cơ quan thu phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí thi hành án. Căn cứ vào tình hình thu phí (số tiền phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí xa hay gần Kho bạc nhà nước...) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ quan thu phí phải gửi số tiền phí thi hành án đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp.

- Cơ quan thu phí có trách nhiệm nộp 20% (hai mươi phần trăm) số tiền phí thu được vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với cơ quan thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) tại Kho bạc nhà nước cùng thời gian với việc nộp tiền phí thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí để Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) điều hoà cho các cơ quan thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ kinh phí hoạt động theo những nội dung chi quy định tại điểm i.1 khoản này. Cơ quan thực hiện việc điều hoà tiền phí thi hành án được phép chi quản lý điều hoà tiền phí thi hành án (như chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, kiểm tra, báo cáo... có liên quan trực tiếp đến việc quản lý điều hoà tiền phí thi hành án); chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, công chức theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 2 (hai) tháng lương; nhưng số chi hàng năm không vượt quá 5% (năm phần trăm) tính trên tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về.

- Hàng năm, cơ quan thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

i.2) Cơ quan thu phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại (30%) vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 044, tiểu mục 14 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

k) Trường hợp người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

III. MIỄN, GIẢM PHÍ THI HÀNH ÁN

Người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau:

1. Giảm 50% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010.

2. Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng ngày 29/6/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

4. Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án theo mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau kéo dài). Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (kèm theo các tài liệu có liên quan nếu có) được nộp cho cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.

5. Trường hợp người làm đơn không được miễn hoặc giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lý do về việc không được miễn hoặc giảm phí thi hành án. Thời gian xem xét việc miễn hoặc giảm phí thi hành án không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 43/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 19/5/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án.

2. Các vấn đề khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, quyết toán phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

3. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về phí, lệ phí hiện hành.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.
...
Mẫu 1. Đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điểm 1.1, Điểm 1.2 Khoản 1 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Vấn đề ra quyết định thi hành án

1.1. Việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định có nhiều khoản chủ động thi hành thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 173/2004/ NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, như sau:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định.

- Đối với các khoản trả lại tài sản, hoàn trả tiền tạm ứng án phí (mặc dù thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án) thì với mỗi đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án.

- Đối với thi hành nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.

Trong trường hợp nhiều người được thi hành án đối với một tài sản (có quyền liên đới, ví dụ: nhiều người trong dòng tộc được sở hữu ngôi nhà để làm từ đường) mà chỉ một người trong số những người đó có đơn yêu cầu thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, đồng thời thông báo cho những người được thi hành khác theo bản án, quyết định đó biết và tổ chức giao tài sản đó cho người có đơn yêu cầu thi hành án.

1.2. Trong trường hợp trước đây cơ quan thi hành án đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu, thì cơ quan thi hành án phải có văn bản hướng dẫn cho người được thi hành làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Trong trường hợp nêu trên, nếu người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án không yêu cầu thi hành án, thì hết thời hạn 3 năm kể từ ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành (01/7/2004), cơ quan thi hành án căn cứ khoản 8 Điều 28 Pháp lệnh này ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điểm 1.3, Điểm 1.4, Điểm 1.5 Khoản 1 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Vấn đề ra quyết định thi hành án
...
1.3. Đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu khi yêu cầu thi hành án, người được thi hành án chỉ yêu cầu thi hành số tiền gốc theo bản án, quyết định của Toà án mà chưa yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án, thì cơ quan thi hành án giải thích cho người được thi hành án biết về quyền yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án. Nếu người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án mà cơ quan thi hành án chưa ra quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho số tiền gốc và lãi suất chậm thi hành án; nếu người được thi hành không yêu cầu thi hành phần lãi suất chậm thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án đối với số tiền gốc mà họ đã yêu cầu thi hành án.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án đối với số tiền gốc, sau đó người được thi hành án mới có đơn yêu cầu thi hành khoản lãi suất chậm thi hành án thì nếu bản án, quyết định của Toà án còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với khoản lãi suất chậm thi hành án (áp dụng như một khoản của bản án, quyết định của Toà án). Việc tính lãi suất chậm thi hành án trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.

Nếu bản án, quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án quá hạn đối với khoản lãi suất chậm thi hành án đó theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.

1.4. Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của người có quyền yêu cầu thi hành án mà thấy thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, thì cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án quá hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án mà xét thấy thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định huỷ quyết định thi hành án, đồng thời đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành án đó. Người có lỗi trong việc ra quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 47/CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ.

Trong trường hợp người phải thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó họ không có điều kiện thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án căn cứ Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 ra quyết định trả lại đơn cho người phải thi hành án.

1.5. Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án đã được trả lại cho người đã yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, nhưng sau đó người phải thi hành án lại có điều kiện thi hành, thì nếu người được thi hành án (kể cả người phải thi hành) có đơn yêu cầu thi hành án trở lại, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và thụ lý việc thi hành án mới.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn từ Điều 11 đến Điều 13 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 11. Nguyên tắc ủy thác thi hành án

1. Chỉ được ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc trụ sở.

2. Trường hợp có nhiều người phải thi hành án ở các địa phương khác nhau hoặc tài sản, thu nhập của họ ở những địa phương khác nhau thì được ủy thác từng phần cho cơ quan thi hành án ở các địa phương đó, trừ trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới.

3. Việc ủy thác thi hành án được thực hiện giữa các cơ quan thi hành án không phân biệt địa bàn hoạt động, cơ quan thi hành án dân sự hay cơ quan thi hành án trong quân đội.

4. Cơ quan thi hành án cấp huyện không được ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh của địa phương mình.

Điều 12. Thẩm quyền ra quyết định ủy thác thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh ủy thác thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi khác thi hành các vụ việc sau:

- Thi hành bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên;

- Thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ;

- Thi hành bản án, quyết định tuyên bố phá sản; quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam;

- Thi hành bản án, quyết định mà nhiều người phải thi hành án có trách nhiệm liên đới ở nhiều quận, huyện, thị xã, thành phố khác nhau trong tỉnh nơi ủy thác đến;

b) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành những vụ việc thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhưng thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án cấp quân khu;

c) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành các vụ việc khác, trừ những trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện có thể ủy thác những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp quân khu, cơ quan thi hành án cấp huyện nơi khác thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có thể ủy thác những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác, cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành.

Điều 13. Thủ tục ủy thác thi hành án

1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án phải xử lý xong các tài sản tạm giữ, vật chứng do Toà án chuyển giao, tài sản kê biên có liên quan trực tiếp đến phần ủy thác để thi hành án. Trong trường hợp việc xử lý các tài sản trên có khó khăn, kéo dài và xét thấy giá trị tài sản không đủ để thi hành án thì có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành mà không chờ xử lý xong các tài sản đó.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.

2. Quyết định ủy thác phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản cần tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.

Quyết định ủy thác phải kèm theo bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản. Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì cơ quan thi hành án có thể sao chụp bản án, quyết định thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác.

Trong thời gian không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ủy thác, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án ủy thác về việc nhận được ủy thác.

3. Cơ quan thi hành án nhận ủy thác, nếu xét thấy người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương mình thì giải quyết như sau:

a) Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ủy thác chủ động ra quyết định thi hành thì cơ quan nhận ủy thác phải ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành;

b) Trong trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án thì ra quyết định trả lại đơn yêu cầu và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu (kèm theo quyết định trả đơn và tài liệu liên quan) đến cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành. Cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự.

4. Quyết định ủy thác phải được gửi cho Toà án đã chuyển giao bản án, quyết định, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện Kiểm sát nhân dân nơi nhận ủy thác, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 7. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay thì thời hiệu vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu.

Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án của đương sự được tính từ ngày ghi ở dấu bưu điện (nếu đơn được gửi qua đường bưu điện), ngày đương sự nộp tại cơ quan thi hành án (nếu đương sự trực tiếp nộp tại cơ quan thi hành án) hoặc ngày đương sự trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói tại cơ quan thi hành án.

2. Những trường hợp sau đây được coi là sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn:

a) Người được thi hành án, người phải thi hành án không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ;

b) Người được thi hành án, người phải thi hành án do yêu cầu công tác, chữa bệnh, thiên tai, hoả hoạn hay do trở ngại khách quan khác mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn;

c) Người được thi hành án, người phải thi hành án chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hoá mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật;

d) Do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan khác dẫn đến việc người được thi hành án không thể yêu cầu đúng hạn.

Người được thi hành án phải làm đơn kèm theo các tài liệu chứng minh lý do không yêu cầu thi hành án đúng hạn đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét khôi phục thời hiệu thi hành án. Đơn đề nghị khôi phục thời hiệu phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác về việc vắng mặt không yêu cầu thi hành án đúng hạn.

Người phải thi hành án có quyền chứng minh thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 14. Hoãn thi hành án

1. Trong trường hợp chủ động thi hành án thì thời hạn hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án; trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc chưa xác định được địa chỉ của họ thì thời hạn hoãn có thể quá chín mươi ngày. Trong thời gian hoãn thi hành án, nếu phát hiện thấy người phải thi hành án có điều kiện thi hành án hoặc đã hết thời hạn hoãn thi hành án thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

2. Trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp đang được Toà án thụ lý, giải quyết, thời hạn hoãn thi hành án được tính từ ngày Toà án thụ lý vụ việc đến khi bản án, quyết định của Toà án về việc giải quyết tranh chấp đó có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ chấp nhận đề nghị hoãn thi hành án của người được thi hành án, nếu được sự đồng ý của người phải thi hành án.

Yêu cầu hoặc đồng ý hoãn thi hành án của đương sự phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung yêu cầu và thời hạn hoãn thi hành án, có chữ ký của các đương sự.

Khi điều kiện hoãn thi hành án không còn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án.

4. Trong trường hợp hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì việc yêu cầu hoãn thi hành án phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án, ghi rõ thời hạn hoãn thi hành án. Văn bản yêu cầu hoãn thi hành án phải do người có thẩm quyền kháng nghị ký. Trong trường hợp đã có văn bản mà cần thông báo ngay bằng điện thoại, điện tín thì phải thông báo cho cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc đó biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung của văn bản và người ký văn bản đó.

Khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, trong thời hạn không quá một ngày làm việc cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án.

Trường hợp khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, nhưng vụ việc đang được tổ chức cưỡng chế thi hành án nếu xét thấy việc dừng cưỡng chế thi hành án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhưng phải thông báo ngay cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án và cơ quan thi hành án cấp trên biết. Nếu vụ việc đã được thi hành một phần hay thi hành xong thì trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành phải có văn bản thông báo cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.

Khi nhận được văn bản của người có thẩm quyền về việc không có cơ sở để xem xét kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoặc hết thời gian hoãn thi hành án mà bản án, quyết định không bị kháng nghị hay không bị tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 15. Tạm đình chỉ thi hành án

1. Trong trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Thời hạn tạm đình chỉ thi hành án theo thời hạn giải quyết việc tuyên bố phá sản của Toà án.

Cơ quan thi hành án không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án mà tiếp tục thực hiện các quyết định về thi hành án liên quan đến phần nghĩa vụ thi hành các khoản về cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Số tiền thi hành án thu được, sau khi chi trả các khoản trên, cơ quan thi hành án tiếp tục tạm giữ để chờ kết quả giải quyết của Toà án.

2. Trong trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định kháng nghị của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án ra thông báo về việc tạm đình chỉ.

Trong trường hợp cần thiết, việc yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự có thể được thông báo bằng điện thoại, điện tín cho cơ quan thi hành án biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung chủ yếu của văn bản kháng nghị và người ký kháng nghị. Cơ quan thi hành án phải dừng việc thi hành án khi nhận được thông báo và chậm nhất không quá một ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo phải ra thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án.

Thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án phải gửi cho các bên đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và người ra kháng nghị.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án trong các trường hợp sau:

a) Có quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;

b) Toà án đình chỉ việc giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phải thi hành án;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị.

Xem nội dung VB
- Tạm đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được hướng dẫn bởi Điểm 3.1 Khoản 3 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
3. Về vấn đề tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản

3.1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và khoản 1 Điều 15 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, thì việc thi hành án bị tạm đình chỉ trong trường hợp người phải thi hành án bị Toà án ra quyết định mở thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 27 Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004, thì việc thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản phải tạm đình chỉ khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Do đó, trong trường hợp Toà án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án căn cứ Luật Phá sản 2004 ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành án, trừ việc thi hành các khoản tiền quy định các điểm a, b và c khoản 1 Điều 51 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 16. Đình chỉ thi hành án

1. Trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hay hủy bỏ bản án, quyết định đang được thi hành để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành bản án, quyết định trước đây và ra quyết định thi hành án theo quyết định của bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc khôi phục quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hoặc hủy bỏ bản án, quyết định đã được thi hành.

2. Việc từ bỏ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án trong bản án, quyết định phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản mà người được thi hành án từ bỏ quyền, lợi ích của mình. Trong trường hợp này, người được thi hành án sau đó không còn quyền yêu cầu thi hành án trở lại.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 4 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
4. Về trường hợp đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì trong trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền lợi và lợi ích mà họ được hưởng theo bản án, quyết định thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án không phân biệt người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Khi xem xét, quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo bản án, quyết định của Toà án, các cơ quan thi hành án cần lưu ý:

4.1. Trong trường hợp khoản phải thi hành án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xoá nợ (ví dụ các khoản nợ mà Ngân hàng thương mại được Nhà nước xoá nợ để giải quyết nợ tồn đọng theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ hoặc Cục Dự trữ quốc gia, các hợp tác xã .v.v được xoá nợ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì cơ quan thi hành án yêu cầu đương sự cung cấp bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc xoá nợ để lưu vào hồ sơ thi hành án.

4.2. Khoản 3 Điều 28 cũng quy định “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” thì người được thi hành án không có quyền “từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng”. Đó là các trường hợp mà pháp luật quy định họ không được từ bỏ hoặc việc từ bỏ quyền và lợi ích đó ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước hoặc của người khác.

Ví dụ: Bản án, quyết định của Toà án tuyên thu nợ của doanh nghiệp A trả cho B để B thanh toán cho C, thì trường hợp này B không có quyền từ bỏ quyền lợi được thi hành từ A hoặc trong trường hợp đương sự vừa là người được thi hành án, vừa là người phải thi hành án, mà việc từ bỏ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác hoặc trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước gửi tại cơ quan, doanh nghiệp hoặc Nhà nước chỉ giao cho cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng (không được định đoạt) thì cơ quan, doanh nghiệp đó không được quyền từ bỏ.

Xem nội dung VB
- Đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được hướng dẫn bởi Điểm 3.2 Khoản 3 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
3. Về vấn đề tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
...
3.2. Trong trường hợp Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Phá sản 2004.

Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Phá sản 2004.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 3. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án

1. Trong trường hợp tổ chức được thi hành án hoặc phải thi hành án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, cổ phần hoá thì việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đối với trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia tách phải xác định rõ cá nhân, tổ chức được quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia tách;

c) Đối với trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan thi hành án biết trước khi ra quyết định. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể trong việc xử lý tài sản của tổ chức bị giải thể để thi hành án. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc Toà án xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.

Nếu tổ chức bị giải thể không còn tài sản do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể trái pháp luật phải chịu trách nhiệm thi hành thay nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với phần tài sản đó;

d) Trường hợp tổ chức phải thi hành án tiến hành cổ phần hoá thì trước đó phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình. Nếu quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức đó được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án;

đ) Trường hợp tổ chức phải thi hành án phá sản thì quyền và nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định tuyên bố phá sản.

2. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Nếu người được thi hành án, người phải thi hành án chết mà quyền, nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành hoặc phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Nghị định này.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra các quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao; đồng thời ra quyết định thu hồi các quyết định thi hành án trước đây.

Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC (VB hết hiệu lực: 01/08/2010)

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định về miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí (sau đây gọi tắt là miễn, giảm thi hành án) của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giải thích từ ngữ
...
2. Nguyên tắc xét miễn, giảm thi hành án
...
3. Các trường hợp được miễn thi hành án
...
4. Các trường hợp được giảm thi hành án
...
II. THỦ TỤC XÉT MIỄN, GIẢM THI HÀNH ÁN

1. Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án
...
2. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án
...
3. Thẩm quyền đề nghị miễn, giảm thi hành án và thẩm quyền của Toà án trong việc xét miễn, giảm thi hành án
...
4. Thủ tục xét miễn, giảm thi hành án
...
5. Kháng nghị quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án
...
6. Hiệu lực của quyết định của Toà án về việc miễn, giảm thi hành án
...
III. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA THÔNG TƯ

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 18. Miễn, giảm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt

1. Người phải thi hành án được coi là không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án khi có 1 trong các điều kiện quy định tại điểm a (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung nhưng chưa được phân chia hoặc tài sản vì lý do khách quan nên không xử lý được để thi hành án) hoặc điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

Người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn nói tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được xác định theo quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Việc xét miễn thi hành án được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều này có số tiền phải thi hành án còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;

b) Người bị kết án hình phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành hình phạt tiền còn lại hoặc lập công lớn thì việc xét miễn thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Bộ luật Hình sự.

3. Việc xét giảm thi hành án được áp dụng khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 của Điều này trong những trường hợp sau đây:

a) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/2 số tiền còn lại phải thi hành án;

b) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án;

c) Đối với số tiền còn lại phải thi hành trên một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.

4. Việc xem xét miễn, giảm thi hành án được tiến hành hàng quý trong năm, nhưng mỗi đối tượng thi hành án chỉ được xem xét miễn, giảm không quá một lần trong một năm.

5. Cơ quan thi hành án đang thụ lý thi hành vụ việc lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, kể cả trường hợp vụ việc đã được chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành.

6. Quyết định xét miễn, giảm thi hành án sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp phát hiện người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản để trốn tránh việc thi hành án dẫn đến việc xét miễn, giảm thi hành án không đúng thực tế.

Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục xét miễn, giảm thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 4. Hỗ trợ tài chính để thi hành án

1. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với tổ chức phải thi hành án hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp khi việc thi hành án làm cho tổ chức phải thi hành án bị ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao, ngừng hoạt động, giải thể hoặc ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng.

2. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tổ chức phải thi hành án là các đơn vị dự toán của ngân sách trung ương; ngân sách địa phương hỗ trợ cho các tổ chức phải thi hành án là đơn vị dự toán của ngân sách địa phương.

3. Tổ chức phải thi hành án nói tại khoản 1 Điều này phải thực hiện các biện pháp tài chính cần thiết để thi hành án theo quy định của pháp luật. Sau khi áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì tổ chức đó phải có văn bản đề nghị cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét việc hỗ trợ tài chính để thi hành án.

Thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Tổ chức phải thi hành án được ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính để thi hành án có trách nhiệm thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền, tài sản của người đã gây ra thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
2. Thông báo về thi hành án

Việc thông báo về thi hành án đã được quy định tại Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan thi hành án cần lưu ý:

2.1. Trong trường hợp các thông báo về thi hành án không giao trực tiếp cho người được nhận thông báo, mà phải thực hiện việc thông báo bằng hình thức giao qua người nhận thay (Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác, cán bộ Tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sống cùng trong một gia đình của người được thông báo), thì việc xác định thời điểm người được thông báo nhận được thông báo là thời điểm người nhận thay cam kết chuyển cho người được thông báo. Ví dụ: Trong trường hợp thông báo quyết định thi hành án cho chồng là người phải thi hành án nhưng người chồng vắng mặt, ngày 03/1/2005 vợ của người đó nhận thay và cam kết sẽ chuyển quyết định thi hành án cho người phải thi hành án vào ngày 04/1/2005, thì ngày 04/1/2005 được xác định là thời điểm người phải thi hành án nhận được thông báo.

Khi thực hiện việc thông báo, cơ quan thi hành án phải lập biên bản xác định rõ trách nhiệm của người nhận thay trong việc chuyển thông báo cho người được nhận thông báo.

Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người đã cam kết nhận thay thông báo không chuyển được thông báo cho người được nhận thông báo, thì phải báo cho cơ quan thi hành án biết. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án thực hiện việc thông báo bằng hình thức niêm yết công khai hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

2.2. Khi tiến hành niêm yết công khai, Chấp hành viên cần ấn định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày niêm yết, người phải thi hành án phải đến cơ quan thi hành án để giải quyết việc thi hành án.

Việc ấn định thời gian bao nhiêu lâu, cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo thông báo.

2.3. Trường hợp có cơ sở xác định người được thông báo ở tại địa phương thì thông báo trên các Đài, Báo địa phương. Nếu có cơ sở xác định người đó không ở tại địa phương thì cơ quan thi hành án phải thông báo trên Đài, Báo trung ương.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 17. Xử lý tài sản tịch thu

1. Đối với tài sản tịch thu là vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, thì cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục giao cho cơ quan nhà nước quản lý loại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

2. Đối với tài sản tịch thu không phải là tài sản quy định tại khoản 1 của Điều này thì cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục giao cho cơ quan Tài chính xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc giao nhận tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải được lập biên bản, mô tả cụ thể, chi tiết tài sản và có chữ ký của các bên giao, nhận.

Xem nội dung VB
- Xử lý trường hợp đương sự tái chiếm tài sản khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc giao tài sản được hướng dẫn bởi Khoản 16 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
16. Xử lý trường hợp đương sự tái chiếm tài sản khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc giao tài sản.

Một số cơ quan thi hành án đề nghị hướng dẫn giải quyết trường hợp đương sự tái chiếm tài sản khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế giao nhà, giao quyền sử dụng đất hoặc giao tài sản khác.

Về vấn đề này, cơ quan thi hành án thực hiện như sau:

Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án không có trách nhiệm cưỡng chế để giao lại tài sản cho người được thi hành án khi đã thực hiện xong việc cưỡng chế giao tài sản. Việc cưỡng chế giao xong tài sản thể hiện:

- Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được thi hành án;

- Người được thi hành án đã ký nhận vào biên bản giao tài sản;

- Hội đồng cưỡng chế không còn tại nơi cưỡng chế thi hành án.

Trong trường hợp tái chiếm nêu trên, nếu nhận được đơn khiếu nại của đương sự, thì cơ quan thi hành án giải thích và hướng dẫn đương sự đề nghị Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xem xét giải quyết.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Chương 3: CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ

Điều 19. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án

1. Chấp hành viên chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án sau khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án, trừ trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Không được tổ chức cưỡng chế trong khoảng thời gian quy định tại khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; mười lăm ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án và các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

3. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án.

4. Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ của nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế ở địa phương để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp.

Điều 20. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Các khoản thu nhập hợp pháp khác của người phải thi hành án ngoài tiền lương, trợ cấp hưu trí, mất sức theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự là những khoản thu nhập của cán bộ, công nhân trong các tổ chức kinh tế; thu nhập của xã viên hợp tác xã; tiền thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp khác mà họ được nhận từ một tổ chức, cá nhân đang quản lý số thu nhập đó.

Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào điều kiện cụ thể từng địa phương nơi họ sinh sống.

2. Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập theo quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án.

Điều 21. Kê biên, giao tài sản

1. Trước khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cung cấp thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên có đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với người có quyền hay không hoặc tài sản do người phải thi hành án quản lý, sử dụng có phải là tài sản thuê mua tài chính hay không. Trong thời hạn năm ngày làm việc, các cơ quan nói trên phải trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên về những nội dung yêu cầu đó.

2. Khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải tạm tính trị giá các tài sản định kê biên để kê biên tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và thanh toán các chi phí thi hành án. Chấp hành viên căn cứ vào giá thị trường, đồng thời có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng và của các bên đương sự để tạm tính giá trị tài sản kê biên.

3. Trong trường hợp kê biên tài sản là nhà ở hoặc đồ vật đang bị khoá hay đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản đó mở khoá, mở gói; nếu người phải thi hành án, người quản lý, sử dụng tài sản không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên lập biên bản (có ít nhất hai người làm chứng và sự tham gia của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp) mở khoá hay mở gói để kiểm tra, liệt kê cụ thể các tài sản và kê biên theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua giám thị trại giam. Người đang bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ về thi hành án của mình theo quy định của pháp luật.

4. Khi phát hiện người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người đang giữ tài sản chuyển cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Trường hợp người thứ ba không tự nguyện thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đó để thi hành án.

Nếu phát hiện người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án mà khoản nợ đó đã được xác định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thì Chấp hành viên yêu cầu người đó chuyển số tiền cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Nếu người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án nói trên không thực hiện thì Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết để thu hồi khoản tiền đó để thi hành án.

Khi kê biên tài sản, nếu có các tranh chấp mà việc tranh chấp đó đương sự chưa khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết thì Chấp hành viên hướng dẫn cho các bên liên quan khởi kiện ra Toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Hết thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được hướng dẫn mà các bên không khởi kiện thì Chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản đó để thi hành án (trừ trường hợp có trở ngại khách quan quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này mà các bên không khởi kiện đúng hạn).

5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:

a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;

c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;

d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc thông báo về quyết định kê biên tài sản có giá trị đối với bên thứ ba, kể từ ngày thông báo đó được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày giải toả kê biên tài sản hay hoàn tất việc bán hoặc giao tài sản kê biên để thi hành án, cơ quan thi hành án phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại khoản 5 của Điều này biết.

7. Việc cưỡng chế giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp chia tài sản chung.

Điều 22. Tài sản không được kê biên

1. Trường hợp người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản sau để thi hành án:

a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc men cần dùng cho nhu cầu phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;

b) Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình như cày, bừa, cuốc, xẻng, xe đạp thồ, xích lô và các công cụ có giá trị không lớn.

Các công cụ lao động có giá trị như xe máy, ô tô, tàu thuyền, máy cày, máy xay xát và các công cụ có giá trị khác thì Chấp hành viên vẫn kê biên, phát mại để thi hành án và trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án có thể thay thế bằng một công cụ lao động khác có giá trị thấp hơn;

c) Số quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình theo mức tối thiểu ở từng địa phương như nồi, xoong, bát đĩa, giường, tủ, bàn ghế và các vật dụng thông thường khác có giá trị không lớn. Những đồ dùng sinh hoạt hay tư trang như ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, máy giặt, máy vi tính, nhẫn vàng, giường, tủ và những đồ dùng có giá trị, thì cơ quan thi hành án vẫn kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương.

2. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (gọi chung là tổ chức kinh tế) thuộc mọi thành phần kinh tế, cơ quan thi hành án không được kê biên các tài sản sau để thi hành án:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng;

đ) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hoá chất độc hại nguy hiểm hoặc tài sản không được phép lưu hành;

e) Số nguyên - vật liệu bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín;

g) Các trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thì cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản do ngân sách nhà nước trực tiếp cấp mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thi hành án theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Điều 4 của Nghị định này.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu hợp pháp khác thì cơ quan thi hành án kê biên các tài sản có nguồn gốc từ nguồn thu đó để thi hành án, trừ các tài sản sau đây:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công chức;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của cơ quan, tổ chức;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Trụ sở làm việc.

Điều 23. Định giá tài sản

1. Sau khi kê biên, nếu các đương sự thoả thuận được giá tài sản đã kê biên thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ thoả thuận đó, có chữ ký của các đương sự.

Thời hạn để cho các bên đương sự thoả thuận về giá không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản. Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng thì khi kê biên, các bên đương sự phải thoả thuận ngay về giá.

2. Chấp hành viên lập Hội đồng định giá với thành phần quy định tại khoản 2 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự do Chấp hành viên làm Chủ tịch để định giá tài sản đã kê biên khi các đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá tài sản cần thiết phải có sự tham gia của cán bộ chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có quyền thuê hoặc trưng cầu giám định về giá trị của tài sản. Khi có yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm cử người có chuyên môn tham gia việc định giá.

Đại diện cơ quan chuyên môn trong Hội đồng định giá là người có chuyên môn, kỹ thuật thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý về mặt chuyên môn - nghiệp vụ đối với tài sản định giá. Nếu tài sản định giá là nhà ở thì phải có đại diện của cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan quản lý xây dựng tham gia Hội đồng định giá.

Hội đồng định giá tài sản căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm định giá và ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức giám định tài sản để xác định giá tài sản. Hội đồng định giá quyết định về giá của tài sản theo đa số; trong trường hợp các bên có ý kiến ngang nhau về giá tài sản thì bên nào có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là căn cứ xác định giá khởi điểm để bán tài sản. Các thành viên Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình, kiến nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét lại việc định giá.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, nếu khi kê biên các bên không thoả thuận được về giá tài sản thì Chấp hành viên tổ chức định giá ngay để bán.

3. Việc giải quyết khiếu nại về định giá tài sản được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại về thi hành án.

Điều 24. Định giá lại tài sản

Việc định giá lại tài sản theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được thực hiện như sau:

1. Việc định giá tài sản bị coi là vi phạm thủ tục nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng định giá không đúng thành phần theo quy định;

b) Các đương sự không được thông báo hợp lệ để tham gia vào việc định giá tài sản;

c) Áp dụng không đúng các quy định về giá tài sản trong trường hợp tài sản do nhà nước thống nhất quản lý về giá;

d) Có sai sót nghiêm trọng trong việc phân loại, xác định phần trăm giá trị của tài sản;

đ) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Tài sản kê biên được xem là có biến động lớn về giá trong các trường hợp sau đây:

a) Giá tài sản biến động từ 20% trở lên đối với tài sản có giá trị dưới một trăm triệu đồng;

b) Giá tài sản biến động từ 10% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

c) Giá tài sản biến động từ 5% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.

3. Các đương sự có quyền đề nghị cơ quan thi hành án xem xét lại giá khi có biến động về giá trước khi có thông báo công khai đối với tài sản được bán đấu giá. Cơ quan thi hành án căn cứ vào giá thị trường, giá do cơ quan quản lý giá cung cấp để xác định có biến động về giá hay không và quyết định việc tổ chức định giá lại.

Điều 25. Bảo quản tài sản thi hành án

1. Cơ quan thi hành án thực hiện việc bảo quản tài sản để thi hành án theo bản án, quyết định. Trong trường hợp bản án, quyết định không xác định người có trách nhiệm bảo quản tài sản thì việc bảo quản tài sản được thực hiện như sau:

a) Tài sản kê biên được giao cho người phải thi hành án, chủ sở hữu hoặc thân thích của người đó bảo quản;

b) Nếu tài sản không phải đang do người phải thi hành án, chủ sở hữu bảo quản thì tài sản kê biên được giao cho người đang sử dụng, quản lý tài sản bảo quản;

c) Nếu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản, người thân thích của người phải thi hành án không nhận bảo quản hoặc xét thấy có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản, cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể tài sản kê biên được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

2. Tài sản chưa xử lý là vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ được bảo quản theo quy định sau đây:

a) Trường hợp tài sản thuộc diện tịch thu sung công mà chưa xử lý thì Chấp hành viên phải gửi các tài sản này tại kho bạc nhà nước cùng cấp theo quy định chung;

b) Trường hợp tài sản bị kê biên để bảo đảm thi hành các nghĩa vụ về tài sản thì Chấp hành viên phải làm thủ tục gửi các tài sản này vào ngân hàng.

Điều 26. Bán tài sản kê biên

1. Đối với loại tài sản kê biên quy định tại khoản 1 Điều 47 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày định giá, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá để bán tài sản.

Trong trường hợp ở địa phương chưa thành lập tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc đối với những nơi xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét, quyết định việc cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thủ tục bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

2. Đối với tài sản có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở xuống hoặc tài sản mau hỏng theo quy định tại khoản 2 Điều 47 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên tổ chức bán, có sự chứng kiến của người làm chứng mà không cần thông qua thủ tục bán đấu giá.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, nếu không có ai trả giá cao hơn thì Chấp hành viên bán tài sản theo giá đã định hay giá do các bên đương sự thoả thuận. Nếu tài sản đó không bán được, để tránh hư hỏng, Chấp hành viên có thể bán với giá thấp hơn giá do đương sự thoả thuận hay giá đã định. Trong trường hợp vẫn không bán được thì Chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải thi hành án. Nếu người phải thi hành án không nhận lại tài sản mà tài sản bị hư hỏng, không còn giá trị thì Chấp hành viên tổ chức tiêu hủy theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. Những người sau đây không được tham gia mua tài sản bán để thi hành án:

a) Người đã trực tiếp xét xử vụ án có tài sản được đưa ra bán đấu giá, thành viên Hội đồng định giá, Chấp hành viên, công chức trực tiếp thi hành vụ việc, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành vụ việc và cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bán đấu giá tài sản do tổ chức bán đấu giá tài sản bán được thực hiện theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bán tài sản do cơ quan thi hành án tổ chức bán thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

Điều 27. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

1. Việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Số tiền thi hành án thu được theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì được thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án đó. Nếu có nhiều người được thi hành án thì thứ tự ưu tiên thanh toán cho những người được thi hành án được thực hiện theo thứ tự thanh toán quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Nếu trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì số tiền thi hành án đã thu được thanh toán cho những người này theo tỷ lệ số tiền họ được thi hành án;

b) Số tiền còn lại (nếu có) sẽ được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán, theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Trường hợp trong một bản án mà có nhiều người được thi hành án, nhưng chỉ một số người làm đơn yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án thì khi xử lý số tiền bán tài sản thu được, cơ quan thi hành án tạm thời trích ra và gửi vào ngân hàng một số tiền tương ứng với tỷ lệ mà những người chưa làm đơn yêu cầu thi hành án sẽ được nhận. Cơ quan thi hành án thông báo và ấn định thời hạn không quá một tháng cho những người được thi hành án khác về quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án không nhận được các đơn yêu cầu thi hành án mới thì số tiền tạm gửi tại ngân hàng còn lại sẽ được thanh toán tiếp cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này.

3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản đã được Toà án tuyên kê biên bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ đó.

Điều 28. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí cho việc kê biên tài sản: tiền bồi dưỡng cho Hội đồng cưỡng chế; chi phí bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ (nếu có); chi phí xây ngăn, trừ trường hợp bản án, quyết định xác định rõ người được thi hành án phải chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn;

b) Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 của Điều này; chi phí bán đấu giá tài sản: tiền bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng định giá, chi phí tổ chức định giá lại tài sản (nếu người phải thi hành án đề nghị định giá lại); tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá (nếu có); phí bán đấu giá theo quy định (trong trường hợp Chấp hành viên ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản bán tài sản);

c) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản;

d) Chi phí thông báo về cưỡng chế.

Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia cưỡng chế được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản chi phí khác phải căn cứ theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên. Các khoản chi phí cưỡng chế phải được thông báo cho đương sự biết.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí định giá lại tài sản (nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự );

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn.

3. Ngân sách nhà nước chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp định giá lại tài sản theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 5 của Điều này và các chi phí cần thiết khác (nếu có).

Người có lỗi trong việc vi phạm thủ tục về định giá tài sản, quyết định việc cho miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án sai quy định dẫn đến việc ngân sách nhà nước phải chịu chi phí cưỡng chế có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đó cho ngân sách nhà nước.

4. Trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án phê duyệt kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung: thời gian, lực lượng tham gia, phương án tiến hành cưỡng chế; dự trù mức chi phí cưỡng chế. Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế. Khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

Dự trù về mức chi phí cưỡng chế được thông báo cho đương sự trước khi tiến hành cưỡng chế.

5. Trường hợp đương sự thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 30 của Nghị định này thì có thể làm đơn (có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan nơi làm việc), đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành án xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 28 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 28. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí cho việc kê biên tài sản: tiền bồi dưỡng cho Hội đồng cưỡng chế; chi phí bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ (nếu có); chi phí xây ngăn, trừ trường hợp bản án, quyết định xác định rõ người được thi hành án phải chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn;

b) Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 của Điều này; chi phí bán đấu giá tài sản: tiền bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng định giá, chi phí tổ chức định giá lại tài sản (nếu người phải thi hành án đề nghị định giá lại); tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá (nếu có); phí bán đấu giá theo quy định (trong trường hợp Chấp hành viên ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản bán tài sản);

c) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản;

d) Chi phí thông báo về cưỡng chế.

Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia cưỡng chế được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản chi phí khác phải căn cứ theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên. Các khoản chi phí cưỡng chế phải được thông báo cho đương sự biết.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí định giá lại tài sản (nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự );

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn.

3. Ngân sách nhà nước chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp định giá lại tài sản theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 5 của Điều này và các chi phí cần thiết khác (nếu có).

Người có lỗi trong việc vi phạm thủ tục về định giá tài sản, quyết định việc cho miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án sai quy định dẫn đến việc ngân sách nhà nước phải chịu chi phí cưỡng chế có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đó cho ngân sách nhà nước.

4. Trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án phê duyệt kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung: thời gian, lực lượng tham gia, phương án tiến hành cưỡng chế; dự trù mức chi phí cưỡng chế. Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế. Khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

Dự trù về mức chi phí cưỡng chế được thông báo cho đương sự trước khi tiến hành cưỡng chế.

5. Trường hợp đương sự thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 30 của Nghị định này thì có thể làm đơn (có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan nơi làm việc), đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành án xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 20 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 20. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Các khoản thu nhập hợp pháp khác của người phải thi hành án ngoài tiền lương, trợ cấp hưu trí, mất sức theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự là những khoản thu nhập của cán bộ, công nhân trong các tổ chức kinh tế; thu nhập của xã viên hợp tác xã; tiền thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp khác mà họ được nhận từ một tổ chức, cá nhân đang quản lý số thu nhập đó.

Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào điều kiện cụ thể từng địa phương nơi họ sinh sống.

2. Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập theo quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 21 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 21. Kê biên, giao tài sản

1. Trước khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cung cấp thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên có đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với người có quyền hay không hoặc tài sản do người phải thi hành án quản lý, sử dụng có phải là tài sản thuê mua tài chính hay không. Trong thời hạn năm ngày làm việc, các cơ quan nói trên phải trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên về những nội dung yêu cầu đó.

2. Khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải tạm tính trị giá các tài sản định kê biên để kê biên tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và thanh toán các chi phí thi hành án. Chấp hành viên căn cứ vào giá thị trường, đồng thời có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng và của các bên đương sự để tạm tính giá trị tài sản kê biên.

3. Trong trường hợp kê biên tài sản là nhà ở hoặc đồ vật đang bị khoá hay đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản đó mở khoá, mở gói; nếu người phải thi hành án, người quản lý, sử dụng tài sản không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên lập biên bản (có ít nhất hai người làm chứng và sự tham gia của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp) mở khoá hay mở gói để kiểm tra, liệt kê cụ thể các tài sản và kê biên theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua giám thị trại giam. Người đang bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ về thi hành án của mình theo quy định của pháp luật.

4. Khi phát hiện người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người đang giữ tài sản chuyển cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Trường hợp người thứ ba không tự nguyện thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đó để thi hành án.

Nếu phát hiện người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án mà khoản nợ đó đã được xác định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thì Chấp hành viên yêu cầu người đó chuyển số tiền cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Nếu người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án nói trên không thực hiện thì Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết để thu hồi khoản tiền đó để thi hành án.

Khi kê biên tài sản, nếu có các tranh chấp mà việc tranh chấp đó đương sự chưa khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết thì Chấp hành viên hướng dẫn cho các bên liên quan khởi kiện ra Toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Hết thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được hướng dẫn mà các bên không khởi kiện thì Chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản đó để thi hành án (trừ trường hợp có trở ngại khách quan quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này mà các bên không khởi kiện đúng hạn).

5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:

a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;

c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;

d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc thông báo về quyết định kê biên tài sản có giá trị đối với bên thứ ba, kể từ ngày thông báo đó được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày giải toả kê biên tài sản hay hoàn tất việc bán hoặc giao tài sản kê biên để thi hành án, cơ quan thi hành án phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại khoản 5 của Điều này biết.

7. Việc cưỡng chế giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp chia tài sản chung.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
7. Kê biên, xử lý tài sản chung, tài sản đang cầm cố, thế chấp, bảo lãnh

Thời gian qua, một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc kê biên tài sản chung, tài sản đang cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặc biệt là tài sản của vợ chồng để thi hành nghĩa vụ của một người (vợ hoặc chồng) theo bản án, quyết định của Toà án. Một số trường hợp, khi thi hành nghĩa vụ của một người vợ hoặc chồng, Chấp hành viên đã kê biên tài sản chung của vợ chồng, nhưng sau khi bán tài sản đã chi trả hết số tiền bán tài sản để thi hành án mà không trả lại phần tài sản cho vợ hoặc chồng là người không phải thi hành án.

Vì vậy, khi kê biên tài sản cần lưu ý:

7.1. Chấp hành viên phải thực hiện đúng thứ tự kê biên tài sản theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Trong trường hợp người phải thi hành án vừa có bất động sản là tài sản riêng vừa có phần động sản là tài sản chung với người khác mà phần tài sản trong khối tài sản chung đủ để thi hành án, thì Chấp hành viên phải giải thích để người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản nào trước đảm bảo thi hành án.

Trong trường hợp người phải thi hành án không đề nghị kê biên tài sản nào trước, thì Chấp hành viên lập biên bản về việc họ không đề nghị kê biên tài sản nào trước để tiến hành kê biên tài sản riêng của người phải thi hành án để thi hành án.

Trong trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên phần tài sản chung là động sản của họ trong khối tài sản chung với người khác thì Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản đó, nhưng phải bảo đảm quyền ưu tiên mua tài sản của người đồng sở hữu tài sản. Tuy nhiên cần lưu ý như sau:

- Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản riêng là căn nhà để ở và có tài sản chung là chiếc xe máy, mà phần tài sản chung đủ để thi hành án thì, cơ quan thi hành án kê biên chiếc xe máy để thi hành án.

- Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung là chiếc xe ô tô với người khác mà đó là phương tiện kiếm sống chủ yếu của gia đình họ, nhưng lại có một số bất động sản (như nhà ở hoặc quyền sử đất mà đó không phải là tài sản duy nhất để người phải thi hành án và gia đình ở), thì mặc dù giá trị tài sản là động sản của người phải thi hành án đủ để thi hành án, Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất) của người phải thi hành án để thi hành án.

7.2. Về kê biên tài sản chung của vợ chồng:

Theo Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình, thì vợ, chồng có thể có tài sản chung và tài sản riêng. Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung; trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ chồng trong trường hợp chia tài sản chung.

Theo các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước đây, thì tài sản chung của vợ chồng thuộc diện phải đăng ký có thể đứng tên một người vợ hoặc chồng. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng (Điều 27). Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết (Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Theo quy định tại Điều 42 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét đến công sức đóng góp của mỗi bên và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, người tàn tật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

Căn cứ các quy định trên, khi kê biên tài sản chung của vợ chồng để thi hành án, Chấp hành viên cần lưu ý:

- Nếu bản án, quyết định của Toà án tuyên buộc vợ hoặc chồng phải thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ được kê biên tài sản thuộc sở hữu riêng của người đó để thi hành án. Nếu người phải thi hành án không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành án thì kê biên phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trước khi kê biên, Chấp hành viên phải yêu cầu vợ, chồng phân chia tài sản. Trường hợp vợ, chồng không phân chia hoặc không thoả thuận được về phân chia và cũng không khởi kiện ra Toà án để phân chia tài sản, thì tuỳ theo số tiền, tài sản phải thi hành án và các yếu tố khác (như quyền, lợi ích của vợ, con chưa thành niên, người tàn tật...) để kê biên tài sản, nhưng không vượt quá 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm thi hành án. Nếu tài sản chung không thể phân chia, thì Chấp hành viên có quyền kê biên toàn bộ tài sản; Chấp hành viên giải thích cho vợ hoặc chồng quyền ưu tiên mua phần tài sản của người kia theo quy định tại điểm d khoản 3 Mục 4 của Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu vợ hoặc chồng không mua thì sau khi bán tài sản, Chấp hành viên thanh toán lại cho họ 1/2 giá trị tài sản và trích lại cho người phải thi hành án số tiền cần trợ cấp cho việc nuôi con chưa thành niên, người tàn tật hoặc những người khác mà người phải thi hành án đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Nếu bản án, quyết định của Toà án tuyên buộc cả hai vợ chồng cùng có nghĩa vụ thi hành án, thì khi kê biên tài sản chung của vợ chồng để thi hành án, Chấp hành viên phải tính đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của con chưa thành niên, người tàn tật, người được cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

7.3. Trong trường hợp khối tài sản chung của người phải thi hành án với người khác (kể cả tài sản chung của vợ chồng) gồm nhiều loại tài sản thì Chấp hành viên căn cứ vào giá trị của từng tài sản để kê biên loại tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phải thi hành án và chi phí về thi hành án.

Ví dụ: Anh A và vợ là chị B có tài sản chung gồm 01 ngôi nhà trị giá 100.000.000 đồng, 01 chiếc xe môtô Dream II Thái Lan trị giá 29.000.000 đồng và 01 chiếc xe môtô YAMAHA trị giá 28.000.000 đồng. Bản án tuyên buộc anh A phải thi hành tổng số tiền là 27.000.000 đồng, thì Chấp hành viên có thể kê biên chiếc xe Dream II Thái Lan hoặc chiếc xe YAMAHA để đảm bảo thi hành án, mà không phải kê biên tất cả các loại tài sản của vợ chồng anh A.

7.4. Trong trường hợp bản án, quyết định của Toà án phân chia tài sản (chia tài sản thừa kế, tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.v.v.) xác định một bên đương sự được nhận tài sản (là hiện vật) và phải thanh toán cho người khác số tiền tương ứng với phần giá trị tài sản mà họ được nhận, thì khi thi hành án cần lưu ý:

- Trong trường hợp người được nhận tài sản tự nguyện nộp đủ số tiền phải thanh toán cho người được nhận tiền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án (kể cả trường hợp ngay sau khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, người được nhận tài sản tự nguyện nộp đủ số tiền phải thanh toán cho người được nhận tiền khi người được nhận tiền chưa yêu cầu thi hành án) thì cơ quan thi hành án xử lý số tiền đó theo hướng dẫn tại mục 10 của Công văn này, sau đó tổ chức việc thi hành giao tài sản cho người được nhận tài sản theo bản án, quyết định của Toà án nếu họ đã yêu cầu thi hành án.

- Trong trường hợp người được nhận tiền đã có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng người được nhận tài sản không tự nguyện thi hành án, thì khi thi hành án, nếu giá trị tài sản giảm thấp hơn so với thời điểm bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan thi hành án buộc người được nhận tài sản phải thanh toán số tiền theo bản án, quyết định của Toà án cho người được nhận tiền (kể cả lãi suất chậm thi hành án, nếu có).

Trường hợp giá trị tài sản tăng cao hơn nhiều so với thời điểm bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan thi hành án buộc người được nhận tài sản phải thanh toán cho người được nhận tiền theo giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án, nhưng không tính lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu người được nhận tài sản không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế, kể cả biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đó để thi hành án.

Ví dụ: Bản án của Toà án xử việc ly hôn giữa anh A và chị B quyết định chia tài sản chung là ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng cho anh A, anh A phải thanh toán cho chị B 1/2 giá trị ngôi nhà là 50 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, anh A không tự nguyện thanh toán cho chị B số tiền 50 triệu đồng, đến khi thi hành án thì giá trị ngôi nhà là 300 triệu đồng. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án buộc anh A phải thanh toán 1/2 giá trị ngôi nhà là 150 triệu đồng cho chị B; nếu anh A không tự nguyện thanh toán tiền cho chị B, thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý ngôi nhà để thi hành án.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điểm 7.1 Khoản 7 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
7. Kê biên, xử lý tài sản chung, tài sản đang cầm cố, thế chấp, bảo lãnh

Thời gian qua, một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc kê biên tài sản chung, tài sản đang cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặc biệt là tài sản của vợ chồng để thi hành nghĩa vụ của một người (vợ hoặc chồng) theo bản án, quyết định của Toà án. Một số trường hợp, khi thi hành nghĩa vụ của một người vợ hoặc chồng, Chấp hành viên đã kê biên tài sản chung của vợ chồng, nhưng sau khi bán tài sản đã chi trả hết số tiền bán tài sản để thi hành án mà không trả lại phần tài sản cho vợ hoặc chồng là người không phải thi hành án.

Vì vậy, khi kê biên tài sản cần lưu ý:

7.1. Chấp hành viên phải thực hiện đúng thứ tự kê biên tài sản theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Trong trường hợp người phải thi hành án vừa có bất động sản là tài sản riêng vừa có phần động sản là tài sản chung với người khác mà phần tài sản trong khối tài sản chung đủ để thi hành án, thì Chấp hành viên phải giải thích để người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản nào trước đảm bảo thi hành án.

Trong trường hợp người phải thi hành án không đề nghị kê biên tài sản nào trước, thì Chấp hành viên lập biên bản về việc họ không đề nghị kê biên tài sản nào trước để tiến hành kê biên tài sản riêng của người phải thi hành án để thi hành án.

Trong trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên phần tài sản chung là động sản của họ trong khối tài sản chung với người khác thì Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản đó, nhưng phải bảo đảm quyền ưu tiên mua tài sản của người đồng sở hữu tài sản. Tuy nhiên cần lưu ý như sau:

- Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản riêng là căn nhà để ở và có tài sản chung là chiếc xe máy, mà phần tài sản chung đủ để thi hành án thì, cơ quan thi hành án kê biên chiếc xe máy để thi hành án.

- Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung là chiếc xe ô tô với người khác mà đó là phương tiện kiếm sống chủ yếu của gia đình họ, nhưng lại có một số bất động sản (như nhà ở hoặc quyền sử đất mà đó không phải là tài sản duy nhất để người phải thi hành án và gia đình ở), thì mặc dù giá trị tài sản là động sản của người phải thi hành án đủ để thi hành án, Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản là bất động sản (nhà ở, quyền sử dụng đất) của người phải thi hành án để thi hành án.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 22 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 22. Tài sản không được kê biên

1. Trường hợp người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản sau để thi hành án:

a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc men cần dùng cho nhu cầu phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;

b) Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình như cày, bừa, cuốc, xẻng, xe đạp thồ, xích lô và các công cụ có giá trị không lớn.

Các công cụ lao động có giá trị như xe máy, ô tô, tàu thuyền, máy cày, máy xay xát và các công cụ có giá trị khác thì Chấp hành viên vẫn kê biên, phát mại để thi hành án và trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án có thể thay thế bằng một công cụ lao động khác có giá trị thấp hơn;

c) Số quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình theo mức tối thiểu ở từng địa phương như nồi, xoong, bát đĩa, giường, tủ, bàn ghế và các vật dụng thông thường khác có giá trị không lớn. Những đồ dùng sinh hoạt hay tư trang như ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, máy giặt, máy vi tính, nhẫn vàng, giường, tủ và những đồ dùng có giá trị, thì cơ quan thi hành án vẫn kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương.

2. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (gọi chung là tổ chức kinh tế) thuộc mọi thành phần kinh tế, cơ quan thi hành án không được kê biên các tài sản sau để thi hành án:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng;

đ) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hoá chất độc hại nguy hiểm hoặc tài sản không được phép lưu hành;

e) Số nguyên - vật liệu bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín;

g) Các trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thì cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản do ngân sách nhà nước trực tiếp cấp mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thi hành án theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Điều 4 của Nghị định này.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu hợp pháp khác thì cơ quan thi hành án kê biên các tài sản có nguồn gốc từ nguồn thu đó để thi hành án, trừ các tài sản sau đây:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công chức;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của cơ quan, tổ chức;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Trụ sở làm việc.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 23. Định giá tài sản

1. Sau khi kê biên, nếu các đương sự thoả thuận được giá tài sản đã kê biên thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ thoả thuận đó, có chữ ký của các đương sự.

Thời hạn để cho các bên đương sự thoả thuận về giá không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản. Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng thì khi kê biên, các bên đương sự phải thoả thuận ngay về giá.

2. Chấp hành viên lập Hội đồng định giá với thành phần quy định tại khoản 2 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự do Chấp hành viên làm Chủ tịch để định giá tài sản đã kê biên khi các đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá tài sản cần thiết phải có sự tham gia của cán bộ chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có quyền thuê hoặc trưng cầu giám định về giá trị của tài sản. Khi có yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm cử người có chuyên môn tham gia việc định giá.

Đại diện cơ quan chuyên môn trong Hội đồng định giá là người có chuyên môn, kỹ thuật thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý về mặt chuyên môn - nghiệp vụ đối với tài sản định giá. Nếu tài sản định giá là nhà ở thì phải có đại diện của cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan quản lý xây dựng tham gia Hội đồng định giá.

Hội đồng định giá tài sản căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm định giá và ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức giám định tài sản để xác định giá tài sản. Hội đồng định giá quyết định về giá của tài sản theo đa số; trong trường hợp các bên có ý kiến ngang nhau về giá tài sản thì bên nào có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là căn cứ xác định giá khởi điểm để bán tài sản. Các thành viên Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình, kiến nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét lại việc định giá.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, nếu khi kê biên các bên không thoả thuận được về giá tài sản thì Chấp hành viên tổ chức định giá ngay để bán.

3. Việc giải quyết khiếu nại về định giá tài sản được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại về thi hành án.

Xem nội dung VB
- Định giá lại tài sản được hướng dẫn bởi Điều 24 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 24. Định giá lại tài sản

Việc định giá lại tài sản theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được thực hiện như sau:

1. Việc định giá tài sản bị coi là vi phạm thủ tục nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng định giá không đúng thành phần theo quy định;

b) Các đương sự không được thông báo hợp lệ để tham gia vào việc định giá tài sản;

c) Áp dụng không đúng các quy định về giá tài sản trong trường hợp tài sản do nhà nước thống nhất quản lý về giá;

d) Có sai sót nghiêm trọng trong việc phân loại, xác định phần trăm giá trị của tài sản;

đ) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Tài sản kê biên được xem là có biến động lớn về giá trong các trường hợp sau đây:

a) Giá tài sản biến động từ 20% trở lên đối với tài sản có giá trị dưới một trăm triệu đồng;

b) Giá tài sản biến động từ 10% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

c) Giá tài sản biến động từ 5% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.

3. Các đương sự có quyền đề nghị cơ quan thi hành án xem xét lại giá khi có biến động về giá trước khi có thông báo công khai đối với tài sản được bán đấu giá. Cơ quan thi hành án căn cứ vào giá thị trường, giá do cơ quan quản lý giá cung cấp để xác định có biến động về giá hay không và quyết định việc tổ chức định giá lại.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 21 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 21. Kê biên, giao tài sản

1. Trước khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cung cấp thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên có đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với người có quyền hay không hoặc tài sản do người phải thi hành án quản lý, sử dụng có phải là tài sản thuê mua tài chính hay không. Trong thời hạn năm ngày làm việc, các cơ quan nói trên phải trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên về những nội dung yêu cầu đó.

2. Khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải tạm tính trị giá các tài sản định kê biên để kê biên tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và thanh toán các chi phí thi hành án. Chấp hành viên căn cứ vào giá thị trường, đồng thời có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng và của các bên đương sự để tạm tính giá trị tài sản kê biên.

3. Trong trường hợp kê biên tài sản là nhà ở hoặc đồ vật đang bị khoá hay đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản đó mở khoá, mở gói; nếu người phải thi hành án, người quản lý, sử dụng tài sản không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên lập biên bản (có ít nhất hai người làm chứng và sự tham gia của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp) mở khoá hay mở gói để kiểm tra, liệt kê cụ thể các tài sản và kê biên theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua giám thị trại giam. Người đang bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ về thi hành án của mình theo quy định của pháp luật.

4. Khi phát hiện người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người đang giữ tài sản chuyển cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Trường hợp người thứ ba không tự nguyện thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đó để thi hành án.

Nếu phát hiện người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án mà khoản nợ đó đã được xác định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thì Chấp hành viên yêu cầu người đó chuyển số tiền cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Nếu người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án nói trên không thực hiện thì Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết để thu hồi khoản tiền đó để thi hành án.

Khi kê biên tài sản, nếu có các tranh chấp mà việc tranh chấp đó đương sự chưa khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết thì Chấp hành viên hướng dẫn cho các bên liên quan khởi kiện ra Toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Hết thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được hướng dẫn mà các bên không khởi kiện thì Chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản đó để thi hành án (trừ trường hợp có trở ngại khách quan quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này mà các bên không khởi kiện đúng hạn).

5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:

a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;

c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;

d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc thông báo về quyết định kê biên tài sản có giá trị đối với bên thứ ba, kể từ ngày thông báo đó được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày giải toả kê biên tài sản hay hoàn tất việc bán hoặc giao tài sản kê biên để thi hành án, cơ quan thi hành án phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại khoản 5 của Điều này biết.

7. Việc cưỡng chế giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp chia tài sản chung.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 25 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 25. Bảo quản tài sản thi hành án

1. Cơ quan thi hành án thực hiện việc bảo quản tài sản để thi hành án theo bản án, quyết định. Trong trường hợp bản án, quyết định không xác định người có trách nhiệm bảo quản tài sản thì việc bảo quản tài sản được thực hiện như sau:

a) Tài sản kê biên được giao cho người phải thi hành án, chủ sở hữu hoặc thân thích của người đó bảo quản;

b) Nếu tài sản không phải đang do người phải thi hành án, chủ sở hữu bảo quản thì tài sản kê biên được giao cho người đang sử dụng, quản lý tài sản bảo quản;

c) Nếu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản, người thân thích của người phải thi hành án không nhận bảo quản hoặc xét thấy có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản, cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể tài sản kê biên được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

2. Tài sản chưa xử lý là vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ được bảo quản theo quy định sau đây:

a) Trường hợp tài sản thuộc diện tịch thu sung công mà chưa xử lý thì Chấp hành viên phải gửi các tài sản này tại kho bạc nhà nước cùng cấp theo quy định chung;

b) Trường hợp tài sản bị kê biên để bảo đảm thi hành các nghĩa vụ về tài sản thì Chấp hành viên phải làm thủ tục gửi các tài sản này vào ngân hàng.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 26 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 26. Bán tài sản kê biên

1. Đối với loại tài sản kê biên quy định tại khoản 1 Điều 47 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày định giá, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá để bán tài sản.

Trong trường hợp ở địa phương chưa thành lập tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc đối với những nơi xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét, quyết định việc cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thủ tục bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

2. Đối với tài sản có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở xuống hoặc tài sản mau hỏng theo quy định tại khoản 2 Điều 47 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên tổ chức bán, có sự chứng kiến của người làm chứng mà không cần thông qua thủ tục bán đấu giá.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, nếu không có ai trả giá cao hơn thì Chấp hành viên bán tài sản theo giá đã định hay giá do các bên đương sự thoả thuận. Nếu tài sản đó không bán được, để tránh hư hỏng, Chấp hành viên có thể bán với giá thấp hơn giá do đương sự thoả thuận hay giá đã định. Trong trường hợp vẫn không bán được thì Chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải thi hành án. Nếu người phải thi hành án không nhận lại tài sản mà tài sản bị hư hỏng, không còn giá trị thì Chấp hành viên tổ chức tiêu hủy theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. Những người sau đây không được tham gia mua tài sản bán để thi hành án:

a) Người đã trực tiếp xét xử vụ án có tài sản được đưa ra bán đấu giá, thành viên Hội đồng định giá, Chấp hành viên, công chức trực tiếp thi hành vụ việc, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành vụ việc và cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bán đấu giá tài sản do tổ chức bán đấu giá tài sản bán được thực hiện theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bán tài sản do cơ quan thi hành án tổ chức bán thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

Xem nội dung VB
- Việc huỷ kết quả bán đấu giá thành của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp được hướng dẫn bởi Khoản 11 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
11. Việc huỷ kết quả bán đấu giá thành của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp

Một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc huỷ kết quả bán đấu giá thành của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp do có vi phạm trong quá trình kê biên, định giá hoặc có sai sót trong quá trình bán đấu giá tài sản để thi hành án.

Về vấn đề này, trong trường hợp cơ quan thi hành án ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm thì thực hiện quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Theo đó, trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp Toà án có quyết định khác.

Trong quá trình thi hành án, nếu có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyết định có liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật của cơ quan thi hành án trong việc kê biên, định giá, bảo quản tài sản.v.v hoặc do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá có vi phạm thủ tục bán đấu giá tài sản, vi phạm hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá, thì cơ quan thi hành án đề nghị Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá huỷ kết quả bán đấu giá và tổ chức lại theo quy định. Nếu Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không huỷ kết quả bán đấu giá, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc Giám đốc Sở Tư pháp huỷ kết quả bán đấu giá theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP nêu trên.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 27 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Điều 27. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

1. Việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Số tiền thi hành án thu được theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì được thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án đó. Nếu có nhiều người được thi hành án thì thứ tự ưu tiên thanh toán cho những người được thi hành án được thực hiện theo thứ tự thanh toán quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Nếu trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì số tiền thi hành án đã thu được thanh toán cho những người này theo tỷ lệ số tiền họ được thi hành án;

b) Số tiền còn lại (nếu có) sẽ được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán, theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Trường hợp trong một bản án mà có nhiều người được thi hành án, nhưng chỉ một số người làm đơn yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án thì khi xử lý số tiền bán tài sản thu được, cơ quan thi hành án tạm thời trích ra và gửi vào ngân hàng một số tiền tương ứng với tỷ lệ mà những người chưa làm đơn yêu cầu thi hành án sẽ được nhận. Cơ quan thi hành án thông báo và ấn định thời hạn không quá một tháng cho những người được thi hành án khác về quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án không nhận được các đơn yêu cầu thi hành án mới thì số tiền tạm gửi tại ngân hàng còn lại sẽ được thanh toán tiếp cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này.

3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản đã được Toà án tuyên kê biên bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ đó.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 15 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
15. Về thanh toán tiền thi hành án

Việc thực hiện thanh toán tiền thi hành án đã được quy định tại Điều 51, Điều 52 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.

Tuy nhiên, khi thực hiện cơ quan thi hành án cần lưu ý:

15.1. Đối với số tiền, tài sản thi hành án thu được trước ngày 01/7/2004 mà chưa chi trả, nhưng đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2004, thì việc thanh toán vẫn thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993, kể cả việc xử lý số tiền thuộc diện chủ động thi hành án.

15.2. Nếu từ ngày 01/7/2004 đương sự mới có đơn yêu cầu thi hành án, thì thực hiện việc thanh toán theo quy định tại Điều 51, Điều 52 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, nhưng cần lưu ý:

- Nếu số tiền thi hành án thu được không phải do áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, thì thứ tự ưu tiên thanh toán không áp dụng điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ. Trong trường hợp này, số tiền thu được sẽ được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

- Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định của Toà án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể, thì được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm theo quy định tại Điều 52 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và khoản 3 Điều 27 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.

Nếu bản án chỉ tuyên kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án (không tuyên bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể nào), thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được thanh toán cho tất cả các nghĩa vụ trong các bản án, quyết định mà người phải thi hành án phải thi hành tính đến thời điểm thanh toán theo thứ tự quy định tại Điều 51 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và Điều 27 của Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.

15.3. Trong trường hợp một bản án, quyết định có nhiều khoản phải thi hành hoặc trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều bản án, quyết định của Toà án, nhưng chỉ có một hoặc một số người làm đơn yêu cầu thi hành mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo các bản án, quyết định của Toà án, thì cơ quan thi hành án xử lý số tiền thu được theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 12 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
12. Vấn đề cưỡng chế trả nhà, nhưng nhà đã được đương sự cải tạo, sửa chữa; cưỡng chế giao đất, nhưng trên đất có bất động sản.

Trong quá trình thi hành án, một số cơ quan thi hành án gặp vướng mắc trong việc tổ chức thi hành cưỡng chế trả nhà, nhưng nhà đã được đương sự cải tạo, sửa chữa; cưỡng chế giao đất, nhưng trên đất có bất động sản.

Đây là những vấn đề chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, vì vậy khi thực hiện cơ quan thi hành án cần lưu ý:

12.1. Nếu việc xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa được thực hiện trước khi có bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án yêu cầu Toà án đã ra bản án giải thích rõ nội dung bản án, quyết định hoặc đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

12.2. Nếu việc xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa được thực hiện sau khi có bản án, quyết định, thì cơ quan thi hành án tổ chức cho các bên thoả thuận, nếu các bên không thỏa thuận được, thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và thực hiện theo hướng dẫn tại mục 8 của Công văn này để giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất cho người được thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án. Đối với những vụ việc phức tạp, cơ quan thi hành án cần báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan thi hành án cấp trên hoặc cơ quan thi hành án cấp tỉnh báo cáo Cục Thi hành án dân sự để có biện pháp chỉ đạo giải quyết cụ thể.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 8 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
8. Về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Toà án

Theo quy định tại khoản 6 Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thì việc cưỡng chế thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất cho người được thi hành án do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tại Điều 29 Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ “Về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án” chỉ quy định cưỡng chế giao quyền sử dụng cho người trúng đấu giá hoặc người nhận quyền sử dụng đất đã kê biên, đấu giá để đảm bảo thi hành án.

Vì vậy, trong trường hợp thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Toà án, thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất theo đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án. Khi tiến hành giao đất nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được giao.

Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, thì Chấp hành viên căn cứ Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 ra quyết định cưỡng chế buộc họ phải thi hành nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất theo nội dung bản án, quyết định của Toà án.

Trường hợp trên đất có tài sản thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải giao cho người được thi hành án. Nếu họ không tự chuyển thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế chuyển tài sản của họ ra khỏi diện tích đất phải giao, trừ trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết tài sản đó. Trong trường hợp người có tài sản trên đất từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản. Nếu người có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 54 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Trong trường hợp tài sản có trên đất trước khi có bản án, quyết định của Toà án thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 12.1 của Công văn này.

Xem nội dung VB
- Việc xác định thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án dân sự được hướng dẫn bởi Khoản 17 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
17. Vấn đề xác định thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án dân sự

Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 không quy định thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án dân sự, nhưng Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định tại Điều 59 “thời hạn khiếu nại là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Trong trường hợp có trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hạn khiếu nại” và tại Điều 64 “thời hạn kháng nghị là mười lăm ngày đối với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và ba mươi ngày đối với Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp, kể từ ngày nhận được quyết định về thi hành án”.

Vì vậy, thời hạn khiếu nại và kháng nghị về thi hành án được xác định như sau:

17.1. Trường hợp khiếu nại, kháng nghị đối với các quyết định, hành vi về thi hành án của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án thực hiện trước ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành, thì thời hạn khiếu nại, kháng nghị nêu trên được tính từ ngày 01/7/2004.

Trong trường hợp khiếu nại của đương sự đã được giải quyết qua hai cấp theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 thì việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp chỉ được thực hiện khi có căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 60 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

17.2. Đối với các khiếu nại, kháng nghị về thi hành án sau ngày 01/7/2004, thì thời hạn khiếu nại, kháng nghị xác định theo quy định tại Điều 59 và Điều 64 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 18 Công văn 404/TP-THA năm 2005 (VB hết hiệu lực: 27/04/2009)

Thời gian qua, trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án gặp nhiều vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án. Những vướng mắc này đã được Bộ Tư pháp đưa thảo luận tại Hội nghị ngành Tư pháp năm 2005. Sau khi trao đổi, thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau đây:
...
18. Thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân về thi hành án

Điều 10, Điều 64 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị đối với “cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì Viện Kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị đối với các quyết định và yêu cầu chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên. Khi nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân đối với các quyết định hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, thì cơ quan thi hành án thực hiện việc trả lời kháng nghị theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Xem nội dung VB
- Xử phạt vi phạm hành chính được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 173/2004/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 20/03/2019)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
...
Chương 5: XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 32. Hành vi và mức phạt vi phạm hành chính

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây của người phải thi hành án:

a) Cố tình không nhận giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án;

b) Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây của người phải thi hành án:

a) Cố tình không thực hiện quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay;

b) Không thực hiện công việc buộc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định của Toà án;

c) Có điều kiện thi hành án nhưng trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án;

d) Phân tán hoặc làm hư hại tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản để thi hành án;

đ) Không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao các giấy tờ liên quan đến tài sản xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chống đối, cản trở hay xúi giục người khác chống đối, cản trở; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong khi tiến hành việc thi hành án; gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án mà chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Không chấp hành quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

Điều 33. Thẩm quyền xử phạt vi phạm

1. Chấp hành viên đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 32 của Nghị định này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 32 của Nghị định này.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 32 của Nghị định này.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này.

Điều 34. Thủ tục xử phạt vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và trình tự, thủ tục xử phạt cụ thể thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các văn bản pháp luật liên quan.

2. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử phạt vi phạm hành chính về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Xem nội dung VB
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp được hướng dẫn bởi Nghị định 76/2006/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 18/09/2009)

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 28 tháng 01 năm 2004;
...
Chương 1 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm bành chính, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong xử phạt vi phạm hành
...
Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 5. Hình thức xử phạt vi phạm bành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
...
Điều 6. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính
...
Chương 2 HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP

Mục 1: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN ĐÂN SỰ

Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động thi hành án dân sự
...
Mục 2: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ, bản dịch giấy tờ
...
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định liên quan đến việc dịch tài liệu để công chứng của người dịch là cộng
...
Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch
...
Điều 11. Hành vi môi giới trong công chứng, chứng thực
...
Mục 3: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
...
Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn
...
Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử
...
Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký giám hộ; đăng ký việc nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính
...
Điều 16. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý quốc tịch
...
Điều 17. Hành vi vi phạm các quy định về cấp phiếu lý lịch tư pháp
...
Mục 4: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Điều 18. Hành vi vi phạm của người giám định tư pháp
...
Mục 5: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Điều 19. Vi phạm quy định trong đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính
...
Điều 20. Vi phạm quy định về khai thác thông tin trong sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, sổ đăng ký hợp đồng
...
Mục 6: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ VÀ TƯ VẤN PHÁP ...
Điều 21. Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động hành nghề của luật sư
...
Điều 22. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
...
Điều 23. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật
...
Điều 24. Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động tư vấn pháp luật của tư vấn viên pháp luật, cộng tác
...
Mục 7 HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Điều 25. Hành vi vi phạm quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản
...
Điều 26. Hành vi vi phạm của người tham gia đấu giá tài sản
...
Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng Thẻ đấu giá viên
...
Điều 28. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động bán đấu giá
...
Mục 8: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÀI THUƠNG MẠI

Điều 29. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động trọng tài của Trung tâm trọng tài và trọng tài
...
Mục 9: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỦ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 30. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật
...
Điều 31. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên trợ
...
Mục 10 HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG CHO, NHẬN, NUÔI CON NUÔI

Điều 32. Hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi của cá nhân
...
Điều 33. Hành vi vi phạm quy định về nuôi con nuôi của văn phòng con nuôi nước ngoài
...
Mục 11: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH KHÁC VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT

Điều 34. Hành vi vi phạm quy định về phí và lệ phí
...
Điều 35. Hành vi đưa hối lộ; gây rối hoặc cản trở người thi hành công vụ trong lĩnh vực tư pháp
...
Chương 3 THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

Điều 36. Thầm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
Điều 37. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thanh tra chuyên ngành Tư pháp
...
Điều 38. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự
...
Điều 39. Việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp, thanh tra
...
Điều 40. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác
...
Chương IV THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 41. Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính
...
Điều 42. Lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 43. Quyết định xử phạt
...
Điều 44. Thủ tục phạt tiền
...
Điều 45. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu và xử lý tang vật, phương
...
Điều 46. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoãn chấp hành quyết định phạt tiền
...
Điều 47. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển quyết định xử phạt vi phạm
...
Điều 48. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
...
Chương V KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 49. Khiếu nại, tố cáo
...
Điều 50. Xử lý đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp
...
Điều 51. Xử lý vi phạm đối với người bị xử phạt vi phạm hành chính
...
Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 52. Hiệu lực thi hành
...
Điều 53. Trách nhiệm thi hành

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.