Pháp lệnh Phát hành công trái xây dựng tổ quốc năm 1999
Số hiệu: 12/1999/PL-UBTVQH10 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nông Đức Mạnh
Ngày ban hành: 27/04/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 22/06/1999 Số công báo: Số 23
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1999/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 1999

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 12/1999/PL-UBTVQH10 NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 1999 VỀ PHÁT HÀNH CÔNG TRÁI XÂY DỰNG TỔ QUỐC

Để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, tạo nguồn vốn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Pháp lệnh này quy định về phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công trái xây dựng Tổ quốc do Chính phủ phát hành nhằm huy động nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước.

Điều 2

Việc mua công trái được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.

Nhà nước động viên mọi tổ chức và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua công trái, góp phần xây dựng Tổ quốc.

Nhà nước Việt Nam hoan nghênh tổ chức và cá nhân nước ngoài mua công trái.

Điều 3

Nhà nước bảo đảm giá trị công trái và bảo hộ quyền sở hữu, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người sở hữu công trái.

Điều 4

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân tham gia mua công trái xây dựng Tổ quốc.

Chương 2:

PHÁT HÀNH VÀ THANH TOÁN CÔNG TRÁI, QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI MUA CÔNG TRÁI

Điều 5

Việc phát hành công trái căn cứ vào nhu cầu huy động vốn từng thời kỳ.

Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc theo Nghị quyết của Quốc hội.

Điều 6

1. Công trái gồm:

a) Công trái thu và ghi bằng tiền Việt Nam;

b) Công trái thu và ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi;

c) Công trái thu và ghi bằng vàng.

2. Loại ngoại tệ tự do chuyển đổi, đơn vị đo lường, chất lượng vàng dùng để mua công trái do Chính phủ quy định khi phát hành công trái.

Điều 7

Công trái được phát hành theo hình thức sau đây:

1. Công trái có ghi tên, công trái không ghi tên;

2. Công trái có in trước mệnh giá, công trái không in trước mệnh giá.

Điều 8

Công trái có kỳ hạn năm năm, kỳ hạn mười năm.

Chính phủ quy định cụ thể kỳ hạn công trái khi phát hành.

Điều 9

Kích thước, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của công trái, việc in ấn, bảo quản, vận chuyển công trái do Chính phủ quy định.

Điều 10

1. Công trái được Nhà nước bảo đảm giá trị như sau:

a) Công trái thu và ghi bằng tiền Việt Nam được bảo đảm giá trị bằng chính số tiền ghi trên công trái cộng với mức trượt giá ở thời điểm thanh toán công trái so với thời điểm mua công trái;

b) Công trái thu và ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được bảo đảm giá trị bằng chính ngoại tệ ghi trên công trái;

c) Công trái thu và ghi bằng vàng được bảo đảm giá trị bằng chính loại vàng ghi trên công trái.

2. Người mua công trái được hưởng một tỷ lệ lãi suất không thấp hơn 1,5%/năm theo số tiền Việt Nam, số ngoại tệ tự do chuyển đổi, số lượng vàng đã được ghi trên công trái. Tỷ lệ lãi suất cụ thể cho từng đợt phát hành đối với công trái kỳ hạn năm năm, công trái kỳ hạn mười năm do Chính phủ quy định.

3. Tiền lãi thu được từ công trái quy định tại khoản 2 điều này không phải chịu thuế thu nhập.

Điều 11

1. Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc thanh toán công trái bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, đúng kỳ hạn; công trái được thanh toán một lần cả gốc và lãi tại hệ thống Kho bạc nhà nước hoặc tại các cơ quan, tổ chức khác do Chính phủ quy định.

2. Công trái mua bằng tiền Việt Nam được thanh toán bằng tiền Việt Nam; công trái mua bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được thanh toán bằng ngoại tệ khi mua; công trái mua bằng vàng được thanh toán bằng vàng cùng loại khi mua.

3. Người sở hữu công trái thu và ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi muốn được thanh toán bằng tiền Việt Nam thì được thanh toán theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán ghi trên công trái; người sở hữu công trái thu và ghi bằng vàng muốn thanh toán bằng tiền Việt Nam thì được thanh toán theo giá mua vàng cùng loại trên thị trường tại thời điểm thanh toán ghi trên công trái.

Điều 12

Công trái được mua, bán, tặng cho, thừa kế, cầm cố.

Người mua lại công trái; người được tặng cho, thừa kế công trái được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp như đối với người mua công trái; người nhận cầm cố công trái được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp như đối với người nhận cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc mua công trái xây dựng Tổ quốc, trong công tác vận động mua công trái, tổ chức phát hành công trái thì được Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 14

Người nào có hành vi làm giả công trái, cản trở việc phát hành, thanh toán công trái hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 15

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc phát hành, thanh toán công trái để chiếm đoạt, làm thất thoát nguồn vốn huy động từ công trái thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc ngày 25 tháng 11 năm 1983 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc ngày 30 tháng 5 năm 1985.

Các quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 17

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

 

- Bảo đảm giá trị công trái và quyền của người sở hữu công trái được hướng dẫn bởi Điều 6 và Điều 9 Nghị định 34/1999/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 03/01/2020)

Căn cứ Pháp lệnh phát hành công trái xây dựng Tổ quốc số 12/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27 tháng 4 năm 1999;
...
Điều 6. Bảo đảm giá trị tiền mua công trái và lãi suất công trái

Trên cơ sở bảo đảm giá trị tiền mua công trái và tỷ lệ lãi suất theo quy định tại Pháp lệnh phát hành công trái xây dựng Tổ quốc số 12/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27 tháng 4 năm 1999, lãi suất ghi trên công trái phát hành năm 1999 được quy định là 10%/năm (bao gồm cả mức trượt giá và tỷ lệ lãi suất 1,5%/năm) và lãi suất tính cho 5 năm là 50%.

Trường hợp mức trượt giá thực tế trong 5 năm cộng với lãi suất 5 năm (7,5%) lớn hơn 50% thì người sở hữu công trái sẽ được Nhà nước bù chênh lệch.

Trường hợp mức trượt giá thực tế trong 5 năm cộng với lãi suất năm (7,5%) thấp hơn hoặc bằng 50% thì người sở hữu công trái vẫn được hưởng lãi suất 50% như ghi trên phiếu công trái đã phát hành.
...
Điều 9. Quyền của người sở hữu công trái

1. Người sở hữu công trái có quyền bán, tặng cho, để lại thừa kế hoặc sử dụng để cầm cố.

2. Người sở hữu công trái không được dùng công trái để thay thế tiền trong lưu thông và sử dụng trực tiếp trong quan hệ thanh toán khác.

Xem nội dung VB
- Việc phát hành công trái xây dựng tổ quốc được hướng dẫn bởi Nghị định 34/1999/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 03/01/2020)

Căn cứ Pháp lệnh phát hành công trái xây dựng Tổ quốc số 12/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27 tháng 4 năm 1999;
...
Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích phát hành công trái
...
Điều 2. Đối tượng mua công trái
...
Chương 2: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Loại tiền, kỳ hạn, thời gian phát hành công trái và lượng vốn huy động
...
Điều 4. Mệnh giá công trái
...
Điều 5. Phiếu công trái
...
Điều 6. Bảo đảm giá trị tiền mua công trái và lãi suất công trái
...
Điều 7. Kỳ hạn thanh toán công trái
...
Điều 8. Thanh toán trước kỳ hạn
...
Điều 9. Quyền của người sở hữu công trái
...
Điều 10. Bảo quản, cất giữ phiếu công trái
...
Điều 11. Quản lý công trái do tổ chức mua
...
Điều 12. Địa điểm phát hành và thanh toán công trái
...
Điều 13. Chi phí phát hành và thanh toán công trái
...
Điều 14. Nguồn vốn huy động và nguồn vốn thanh toán công trái
...
Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm
...
Chương 3: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan
...
Điều 17. Hiệu lực thi hành

Xem nội dung VB
- Tổ chức triển khai phát hành Công trái giáo dục được hướng dẫn thực hiện bởi Chỉ thị 07/2003/CT-TTg

Thực hiện Pháp lệnh phát hành công trái xây dựng Tổ quốc số 12/1999/PL-UBTVQH10 ngày 17 tháng 04 năm 1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai thực hiện thắng lợi đợt phát hành Công trái giáo dục năm 2003 theo Nghị Quyết số 09/2002/QH11 ngày 28 tháng 11 năm 2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 2, nhằm huy động nguồn vốn để hỗ trợ các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và các tỉnh có nhiều khó khăn thực hiện mục tiêu không còn phòng học 3 ca; không còn phòng học tranh, tre, nứa, lá và kiên cố hoá trường học. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/CP-NĐ ngày 31 tháng 3 năm 2003 "Quy định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 2003 - Công trái giáo dục". Để đợt phát hành Công trái giáo dục đạt mục tiêu huy động vốn đề ra. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Lấy dịp kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để phát động trên phạm vi cả nước đợt tuyên truyền vận động mua Công trái giáo dục theo tinh thần toàn dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành tốt các công việc chuẩn bị để triển khai phát hành Công trái giáo dục từ ngày 05 tháng 5 năm 2003.

2. Trong thời gian phát hành công trái, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các địa phương phải xác định rõ việc vận động và hưởng ứng mua Công trái giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất; coi việc tích cực tham gia mua công trái được giao là nội dung quan trọng để đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, thể hiện sự chăm lo đến sự nghiệp giáo dục theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo toàn diện, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện cuộc vận động mua Công trái giáo dục trên địa bàn. Căn cứ chỉ tiêu vận động mua công trái được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phân tích, đánh giá khả năng cụ thể để giao chỉ tiêu vận động đến các đối tượng là cơ quan; đơn vị; đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cụm dân cư.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện rà soát, kiểm tra và bãi bỏ các khoản thu, các khoản đóng góp xây dựng trường học trái quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm vận động các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn, sử dụng vốn hợp lý để tham gia mua Công trái giáo dục theo đúng chỉ tiêu vận động được giao.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đến các đối tượng là cán bộ, công chức, công nhân viên chức thuộc trách nhiệm mình quản lý; đặc biệt, phải bố trí làm việc cụ thể với các tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý là các Tổng công ty, các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Quỹ Bảo hiểm xã hội, các tổ chức sự nghiệp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị này trong việc hoàn thành chỉ tiêu vận động mua công trái được giao.

6. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí thời lượng phát sóng, đưa tin thường xuyên, kịp thời về các vấn đề liên quan tới đợt phát hành Công trái giáo dục năm 2003 có hiệu quả, giúp nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi của công dân đối với đất nước; đồng thời động viên, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia mua công trái.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia mua Công trái giáo dục; thường xuyên thông tin, cổ vũ và giới thiệu kết quả triển khai cuộc vận động mua Công trái giáo dục ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát hành công trái.

7. Trong quá trình triển khai cuộc vận động mua Công trái giáo dục, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các đoàn thể quần chúng các cấp.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm hoàn thành kế hoạch vận động được giao. Không vận động và phân bổ chỉ tiêu vận động mua công trái một cách tràn lan. Đặc biệt, không giao chỉ tiêu kế hoạch vận động đối với các tổ chức có khó khăn về tài chính, các xã nghèo đặc biệt khó khăn, các đối tượng dân cư có thu nhập thấp.

- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của Trung ương và địa phương tổ chức lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình thực hiện chủ trương phát hành Công trái giáo dục và phải gương mẫu thực hành tiết kiệm, tham gia tích cực mua công trái.

- Trong quá trình tổ chức đợt vận động phải tránh phô trương hình thức, chống lãng phí; kinh phí sử dụng để triển khai cuộc vận động phải hết sức tiết kiệm và trong khuôn khổ dự toán ngân sách được giao đầu năm. Không đặt vấn đề bổ sung ngân sách cho công tác này ở các tỉnh, thành phố, các Bộ và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

8. Kết quả phát hành Công trái giáo dục và việc quản lý, sử dụng vốn huy động được từ phát hành công trái phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nguồn vốn huy động từ công trái phải được đầu tư đúng mục tiêu đã đặt ra và được quản lý chặt chẽ; không để thất thoát, lãng phí, sử dụng kém hiệu quả.

9. Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu để có hình thức biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức có thành tích tốt trong việc vận động và mua Công trái giáo dục.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và định kỳ gửi báo cáo kết quả mua Công trái giáo dục về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xem nội dung VB
- Tổ chức triển khai phát hành công trái xây dựng tổ quốc - công trái giáo dục được hướng dẫn thực hiện bởi Chỉ thị 07/2005/CT-TTg

Thực hiện Pháp lệnh Phát hành công trái xây dựng Tổ quốc số 12/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27 tháng 4 năm 1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 09/2002/QH11 ngày 28 tháng 11 năm 2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 2, trong năm 2003, cả nước đã triển khai thắng lợi nhiệm vụ huy động 2.500 tỷ đồng công trái phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.
...
Để phát hành Công trái giáo dục đạt mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Lấy dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 115 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát động trên phạm vi cả nước đợt tuyên truyền vận động mua Công trái giáo dục theo tinh thần toàn dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành tốt các công việc chuẩn bị để triển khai phát hành Công trái giáo dục từ ngày 19 tháng 5 năm 2005.

2. Trong thời gian phát hành công trái, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các địa phương phải xác định rõ việc vận động và hưởng ứng mua Công trái giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất; coi việc tích cực tham gia mua công trái theo chỉ tiêu vận động được giao là nội dung quan trọng để đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, thể hiện sự chăm lo đến sự nghiệp giáo dục theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người".

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo toàn diện, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện cuộc vận động mua Công trái giáo dục trên địa bàn; căn cứ chỉ tiêu vận động mua công trái được giao, cần phân tích, đánh giá khả năng cụ thể để giao chỉ tiêu vận động đến các đối tượng là cơ quan, đơn vị và từng cụm dân cư.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các đối tượng là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức của đơn vị; bố trí làm việc cụ thể với các tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý là các Tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước, Quỹ Bảo hiểm xã hội, các tổ chức sự nghiệp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc hoàn thành chỉ tiêu vận động mua công trái giáo dục được giao.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vận động các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn, sử dụng vốn hợp lý để tham gia mua công trái giáo dục theo chỉ tiêu vận động được giao; tổ chức in đủ ấn chỉ để phục vụ cho việc phát hành công trái.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, kiểm tra, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các khoản thu, các khoản đóng góp xây dựng trường học trái quy định của Nhà nước; đôn đốc, chỉ đạo việc xây dựng các công trình có sử dụng nguồn phát hành công trái theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, không để ứ đọng vốn.

6. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí thời lượng phát sóng, đưa tin thường xuyên, kịp thời về các vấn đề liên quan tới đợt phát hành Công trái giáo dục năm 2005, giúp nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi của công dân đối với đất nước; đồng thời động viên, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia mua công trái.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tham gia mua Công trái giáo dục; thường xuyên thông tin, cổ vũ và giới thiệu kết quả triển khai cuộc vận động mua Công trái giáo dục ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát hành công trái.

7. Trong quá trình triển khai cuộc vận động mua Công trái giáo dục, cần lưu ý một số vấn đề sau:

a) Thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các đoàn thể quần chúng các cấp.

b) Tổ chức tuyên truyền, vận động có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vận động được giao. Vận động và phân bổ chỉ tiêu vận động mua công trái phù hợp với thu nhập và khả năng tài chính của từng vùng, từng đối tượng. Không giao chỉ tiêu kế hoạch vận động đối với các tổ chức có khó khăn về tài chính, các xã nghèo đặc biệt khó khăn, các đối tượng dân cư có thu nhập thấp.

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của Trung ương và địa phương tổ chức chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình thực hiện chủ trương phát hành Công trái giáo dục và gương mẫu thực hành tiết kiệm, tham gia tích cực mua công trái.

d) Trong quá trình tổ chức đợt vận động, phải tránh phô trương hình thức, chống lãng phí; kinh phí sử dụng để triển khai cuộc vận động phải hết sức tiết kiệm và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao đầu năm. Không đặt vấn đề bổ sung ngân sách cho công tác này ở các tỉnh, thành phố, các Bộ và các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách.

8. Kết quả phát hành Công trái giáo dục và việc quản lý, sử dụng vốn huy động được từ phát hành công trái phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nguồn vốn huy động từ công trái phải được đầu tư đúng mục tiêu đã đặt ra và phải được quản lý chặt chẽ; tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng kém hiệu quả.

9. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất các hình thức biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc vận động và mua Công trái giáo dục.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và định kỳ gửi báo cáo kết quả mua Công trái giáo dục về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.