Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998
Số hiệu: | 09/1998/PL-UBTVQH10 | Loại văn bản: | Pháp lệnh |
Nơi ban hành: | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 25/12/1998 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 08/02/1999 | Số công báo: | Số 5 |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/1998/PL-UBTVQH10 |
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 1998 |
Để phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, nâng cao kết quả giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân ở cơ sở, góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ, việc phải xét xử tại Toà án;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ hai về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1998;
Pháp lệnh này quy định về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Hoà giải ở cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân.
Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động hoà giải, các hình thức hoà giải ở cộng đồng dân cư.
1- Việc hoà giải được tiến hành đối với những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, bao gồm:
a) Mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau;
b) Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình;
c) Những việc vi phạm pháp luật khác mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính.
2- Các vụ, việc sau đây không hoà giải :
a) Tội phạm hình sự, trừ trường hợp mà người bị hại không yêu cầu xử lý về hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;
b) Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính;
c) Vi phạm pháp luật và các tranh chấp mà theo quy định của pháp luật thì không được hoà giải.
3- Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc hoà giải để trốn tránh xử lý bằng biện pháp hình sự, hành chính.
Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
1- Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân;
2- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải;
3- Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
4- Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước hữu quan, động viên nhân dân trong việc xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở; tham gia hoà giải theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Quản lý nhà nước về công tác hoà giải
1- Nội dung quản lý nhà nước về công tác hoà giải bao gồm:
a) Ban hành văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động hoà giải;
b) Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động hoà giải;
c) Tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải;
d) Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải.
2- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác hoà giải trong phạm vi cả nước.
TỔ HOÀ GIẢI VÀ TỔ VIÊN TỔ HOÀ GIẢI
1- Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hoà giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật.
2- Tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do Uỷ ban nhân dân cùng cấp công nhận.
Chính phủ quy định chi tiết thủ tục bầu, miễn nhiệm tổ trưởng và tổ viên Tổ hoà giải.
1- Tổ trưởng Tổ hoà giải là người phụ trách Tổ hoà giải, đồng thời tham gia hoạt động hoà giải với tư cách tổ viên.
2- Tổ trưởng Tổ hoà giải có các nhiệm vụ sau đây:
a) Phân công, điều hoà, phối hợp hoạt động của các tổ viên Tổ hoà giải; phối hợp hoạt động với Tổ hoà giải khác khi xét thấy cần thiết;
b) Tổ chức rút kinh nghiệm về công tác hoà giải;
c) Báo cáo Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn về công tác hoà giải.
Điều 9. Tiêu chuẩn của tổ viên Tổ hoà giải
Tổ viên Tổ hoà giải có các tiêu chuẩn sau đây:
1- Có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân;
2- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật;
3- Tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hoà giải.
Điều 10. Tiến hành việc hoà giải
Việc hoà giải được tiến hành trong các trường hợp sau đây:
1- Tổ viên Tổ hoà giải chủ động hoà giải hoặc tổ chức việc hoà giải theo sáng kiến của mình;
2- Theo sáng kiến của tổ trưởng Tổ hoà giải;
3- Theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác;
4- Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên tranh chấp.
Điều 11. Người tiến hành hoà giải
Việc hoà giải có thể do một hoặc một số tổ viên Tổ hoà giải tiến hành. Trong trường hợp cần thiết, tổ viên Tổ hoà giải có thể mời người ngoài Tổ hoà giải cùng tham gia hoà giải.
Điều 12. Hoà giải tranh chấp mà các đương sự ở các cụm dân cư khác nhau
Trong trường hợp các bên tranh chấp ở các cụm dân cư có các Tổ hoà giải khác nhau, thì các Tổ hoà giải đó phối hợp để thực hiện việc hoà giải.
Việc hoà giải được tiến hành theo phương thức sau đây:
1- Bằng lời nói;
2- Trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc được các bên đồng ý, việc hoà giải được tổ viên Tổ hoà giải lập biên bản;
3- Tuỳ từng trường hợp cụ thể, tổ viên Tổ hoà giải có thể tiến hành việc hoà giải bằng cách gặp gỡ từng bên hoặc các bên;
4- Sau khi tìm hiểu sự việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tham khảo ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan, lắng nghe ý kiến của các bên, tổ viên Tổ hoà giải phân tích, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó.
Điều 14. Kết thúc việc hoà giải
Việc hoà giải được kết thúc khi các bên đã đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó.
Tổ viên Tổ hoà giải động viên, thuyết phục các bên thực hiện thoả thuận.
1- Tổ hoà giải và tổ viên Tổ hoà giải có thành tích trong công tác hoà giải thì được khen thưởng.
2- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng, củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoà giải ở cơ sở, tích cực tham gia hoà giải thì được khen thưởng.
Người nào có hành vi vi phạm Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về hoà giải ở cơ sở, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1- Pháp lệnh này áp dụng đối với việc tổ chức và hoạt động của Tổ hoà giải ở cơ sở.
Đối với những Tổ hoà giải ở cơ sở đã được thành lập trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh này để kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò trong hoạt động hoà giải.
2- Các quy định của Pháp lệnh này được áp dụng đối với hoạt động hoà giải của các tổ chức thích hợp khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư ở cơ sở.
Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 19. Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh
Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
|
Nông Đức Mạnh (Đã ký) |