Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng năm 2008
Số hiệu: 02/2008/PL-UBTVQH12 Loại văn bản: Pháp lệnh
Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 26/01/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/03/2008 Số công báo: Từ số 157 đến số 158
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 02/2008/PL-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2008

 

PHÁP LỆNH

CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011) và năm 2008;
Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; chính sách đối với công nghiệp quốc phòng; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Điều 3. Vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng

1. Công nghiệp quốc phòng là một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh; là bộ phận của công nghiệp quốc gia.

2. Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ:

a) Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng;

b) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

2. Tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

4. Tự chủ, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

Điều 5. Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng

1. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Bảo đảm bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;

c) Ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý các hoạt động đối ngoại quân sự; quy chế xuất nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng và các quy định khác liên quan đến công nghiệp quốc phòng.

2. Nội dung hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước;

b) Trao đổi thông tin, tài liệu kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng;

c) Các hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất, sửa chữa lớn; hợp tác nghiên cứu ứng dụng, triển khai sản xuất phục vụ công nghiệp quốc phòng;

d) Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tiết lộ bí mật nhà nước về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp quốc phòng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Phá hoại, mua, bán, tặng, cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.

3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và sản phẩm chuyên dụng do công nghiệp quốc phòng sản xuất.

4. Chiếm đoạt, sử dụng và chuyển giao trái phép những thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

5. Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Chương 2:

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 7. Cơ sở công nghiệp quốc phòng

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật được Nhà nước đầu tư phục vụ quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt);

b) Cơ sở sản xuất công nghiệp được Nhà nước đầu tư xây dựng năng lực sản xuất phục vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp động viên).

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và bộ, ngành có liên quan lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 8. Hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng theo đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

2. Hướng dẫn chuyển giao công nghệ, đào tạo, huấn luyện nhân lực, chuẩn bị động viên công nghiệp.

3. Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm theo yêu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị khi đất nước chuyển sang thời chiến.

4. Liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế để sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh và tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt theo Chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng.

Điều 9. Hoạt động của cơ sở công nghiệp động viên

1. Trong thời bình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản, sản xuất thử để duy trì năng lực thiết bị dây chuyền; tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng.

2. Thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp.

Điều 10. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng là tổ chức không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 7 Pháp lệnh này và cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh do Chính phủ quy định.

3. Điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 11. Đặt hàng quốc phòng

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch đặt hàng quốc phòng, điều kiện đặt hàng, danh mục, giá sản phẩm, dịch vụ và thủ tục thanh toán.

2. Bộ Quốc phòng thực hiện đặt hàng quốc phòng với tổ chức, cá nhân để sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 3:

QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 12. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, tiên tiến;

b) Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

c) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

3. Nội dung quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm;

b) Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng;

c) Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

Điều 13. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trình Chính phủ.

Điều 14. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng.

Chương 4:

NGUỒN LỰC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 16. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Quỹ phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt;

c) Đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

2. Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng phải thực hiện theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

Điều 17. Nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng

1. Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

a) Những người có ngành nghề và trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, có nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng;

b) Cán bộ, công chức và công nhân trong và ngoài quân đội được cấp có thẩm quyền điều động vào phục vụ trong tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng;

c) Lao động hợp đồng.

2. Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp động viên và tổ chức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được thực hiện theo pháp luật động viên công nghiệp và pháp luật lao động.

Điều 18. Nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng

1. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với việc nhập khẩu các loại vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp quốc phòng mà trong nước chưa sản xuất được, thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp quốc phòng.

3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan lập Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 19. Đất phục vụ công nghiệp quốc phòng

1. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Điều 20. Nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng

1. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan xác định và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng.

Chương 5:

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 21. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

a) Ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, ngành nghề mũi nhọn và đặc thù của công nghiệp quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế;

b) Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của dự án quan trọng trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

2. Chính sách của Nhà nước đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:

a) Chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

b) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề tại các trường trong, ngoài quân đội và ở nước ngoài;

c) Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật trong trường hợp bị thương hoặc bị chết khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Điều 22. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp động viên

1. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp động viên bao gồm:

a) Các chính sách theo quy định của pháp luật khi chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp;

b) Ưu đãi về thuế, chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi tham gia sản xuất hàng quốc phòng.

c) Hỗ trợ ngân sách để đầu tư hoàn thiện công nghệ lưỡng dụng.

2. Người lao động khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật động viên công nghiệp và theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh này.

Điều 23. Chính sách đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được hưởng các chính sách quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh này.

2. Người lao động trong tổ chức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng, ngoài tiền lương còn được hưởng phụ cấp ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả phụ cấp ưu đãi. Phụ cấp ưu đãi chi trả cho người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

3. Người nước ngoài khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 24. Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng

1. Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng.

2. Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ về công nghiệp quốc phòng.

3. Tổ chức, hướng dẫn đăng ký hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghiệp quốc phòng.

5. Tổ chức, quản lý hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng.

6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng.

Điều 25. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật công nghiệp quốc phòng.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.

Điều 27. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

 

TM.UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Trọng

 

- Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 2. Xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng

1. Nguyên tắc xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng phải: thực hiện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ pháp luật, các quy định của Nhà nước, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; được quản lý chặt chẽ, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả;

b) Chỉ nhập khẩu hàng quốc phòng có tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn hoặc tương đương hàng quốc phòng do cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất trong trường hợp trong nước không đáp ứng được nhu cầu về số lượng;

c) Cấm nhập khẩu, mua sắm sản phẩm là vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự của tổ chức, cá nhân nước ngoài không rõ lai lịch, nguồn gốc, xuất xứ; gian lận thương mại; không bảo đảm tính năng kỹ thuật, chiến thuật, mục đích sử dụng;

d) Xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng được thực hiện thông qua các hợp đồng.

2. Hàng quốc phòng đảm bảo cho quân đội thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bao gồm: vũ khí, trang bị kỹ thuật, các dây chuyền công nghệ, sản phẩm công nghệ, dịch vụ, vật tư và các hàng hóa khác.

3. Hàng quốc phòng gồm 2 loại: hàng chuyên dùng quân sự và hàng lưỡng dụng.

a) Hàng chuyên dùng quân sự bao gồm: vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, vật tư chuyên dùng quốc phòng;

b) Hàng lưỡng dụng bao gồm: trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, vật tư, hàng hóa, có thể sử dụng cho quốc phòng và cả trong lĩnh vực kinh tế - xã hội;

4. Nhập khẩu hàng quốc phòng trực tiếp từ nước ngoài để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân đội, bằng các nguồn ngân sách nhà nước giao Bộ Quốc phòng quản lý.

5. Xuất khẩu hàng quốc phòng bao gồm: các vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ chuyên dùng cho quân sự, quốc phòng của công nghiệp quốc phòng; các hàng quân sự mua sắm giúp hoặc viện trợ cho quân đội các nước theo Điều nước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Mua sắm hàng quốc phòng bao gồm: các trang thiết bị, vật tư kỹ thuật, hàng hóa khác phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân đội bằng các nguồn ngân sách nhà nước giao Bộ Quốc phòng quản lý.

7. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan quy định trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu và mua sắm hàng quốc phòng; xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng.

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau:

“1. Tiết lộ bí mật nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp quốc phòng, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh.”.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng

1. Tiêu chí để được công nhận là cơ sở công nghiệp quốc phòng

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Đủ điều kiện, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Được Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch để sản xuất, cung ứng một hoặc một số sản phẩm, chi tiết sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hàng năm, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh sách cơ sở công nghiệp quốc phòng.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 4. Hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.

2. Mọi hoạt động liên doanh, liên kết kinh tế đều được thực hiện bằng hợp đồng theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bán, cho mượn, cho thuê tư cách pháp nhân trong các hoạt động kinh tế.

4. Khi liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải chấp hành quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế tại Điều 5 của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và tại Điều 2 của Nghị định này. Trong hoạt động liên doanh, liên kết cần:

a) Xác minh rõ đối tác nước ngoài thông qua sự thẩm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia;

b) Ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực và ngành mà các cơ sở công nghiệp quốc phòng có thế mạnh, các lĩnh vực cần có công nghệ cao hoặc lĩnh vực vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 5. Sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh

1. Tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh;

a) Là sản phẩm, dịch vụ cần thiết bảo đảm cho quốc phòng, an ninh;

b) Việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí;

c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng hoặc đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.

2. Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trong từng thời kỳ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh.

Xem nội dung VB
- Chương này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
2. Sửa đổi, bổ sung Chương III như sau:

“Chương III

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 12. Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, tiên tiến;

b) Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

c) Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Căn cứ để xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng;

d) Kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

3. Nội dung kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm;

b) Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng;

c) Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

Điều 13. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 14. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Căn cứ vào quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng.”.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
2. Sửa đổi, bổ sung Chương III như sau:

“Chương III

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 12. Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ngày càng hiện đại, tiên tiến;

b) Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

c) Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Căn cứ để xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng;

d) Kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

3. Nội dung kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bao gồm:

a) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm;

b) Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng;

c) Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
2. Sửa đổi, bổ sung Chương III như sau:

“Chương III

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG
...
Điều 13. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
2. Sửa đổi, bổ sung Chương III như sau:

“Chương III

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG
...
Điều 14. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Căn cứ vào quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
2. Sửa đổi, bổ sung Chương III như sau:

“Chương III

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG
...
Điều 15. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp quốc phòng.”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 6. Nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp quốc phòng

1. Vật tư kỹ thuật nhập khẩu cho công nghiệp quốc phòng thuộc hàng hóa nhập khẩu được xét miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Vật tư kỹ thuật phục vụ cho công nghiệp quốc phòng được dự trữ theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan liên quan lập Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu và vật tư dự trữ cho công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Trong từng thời kỳ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh.

Xem nội dung VB
- Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

“Điều 19. Đất phục vụ công nghiệp quốc phòng

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng trong đó có đất phục vụ công nghiệp quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 7. Nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng

1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; chuyển giao công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng được nhà nước tạo điều kiện về thành lập tổ chức và đăng ký hoạt động; hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, tổ chức quản lý thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng, cơ – điện tử, tự động hóa, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, hóa chất, vật liệu mới.

4. Các đề tài nghiên cứu, chế thử vũ khí, trang thiết bị mới và đưa vào sản xuất trang bị cho lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có trách nhiệm:

a) Đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm và bảo hành sản phẩm quốc phòng theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm quốc phòng theo tài liệu thiết kế, công nghệ, điều kiện kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình;

c) Mở rộng các hình thức liên kết để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh và quản lý. Tổ chức công tác thông tin khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng tin học vào công tác quản lý, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 8 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 8. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt

1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng được hưởng chính sách ưu tiên, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, cụ thể sau:

a) Được Nhà nước đầu tư đủ vốn để hình thành tài sản trực tiếp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

b) Được Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng đối với nơi chưa có sẵn các hệ thống bảo đảm giao thông và cung cấp năng lượng;

c) Được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất cần thiết được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; được miễn tiền thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về Thuế giá trị gia tăng;

d) Được hạch toán một số khoản chi phí đặc thù vào giá thành sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng, bao gồm: chi phí trả lương cho người nghỉ chuẩn bị hưu (trường hợp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng không đủ); chi đảm bảo quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng;

đ) Được sử dụng các nguồn lực được giao để tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ quốc phòng và hoạt động kinh doanh bổ sung khi không ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được giao, nhưng phải hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật;

e) Được nhà nước cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa các dây chuyền sản xuất quốc phòng trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí;

g) Được nhà nước xem xét hỗ trợ hai quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng hai tháng lương thực hiện, trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập hai quỹ đó;

h) Được nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá;

i) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt hoạt động trên các địa bàn chiến lược, kết hợp nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi và hỗ trợ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 8. Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở và lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt
...
2. Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

a) Lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, trừ tiền lương thực lĩnh hàng tháng theo kết quả sản xuất kinh doanh;

b) Lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật những ngành nghề đặc thù quốc phòng, công nhân kỹ thuật đầu ngành được hưởng phụ cấp thu hút;

c) Lao động trực tiếp tham gia nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, bảo quản, vận chuyển sản phẩm quốc phòng là vũ khí, trang bị hoặc đảm nhiệm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao được hưởng phụ cấp trách nhiệm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ; được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành nghề, công việc quốc phòng đặc thù;

d) Công nhân quốc phòng, ngoài chế độ tiền lương còn được hưởng thêm chế độ phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

đ) Lao động trong biên chế thuộc các dây chuyền sản xuất quốc phòng trong thời gian tạm ngừng sản xuất quốc phòng mà doanh nghiệp không đủ điều kiện bù đắp chi phí thì được nhà nước hỗ trợ lương;

e) Lao động khi làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh mà bị tai nạn thì được xét hưởng chế độ thương binh hoặc nếu bị chết thì được xét hưởng chế độ liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 9 và Điều 10 Nghị định 46/2009/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Điều 9. Chính sách của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Tổ chức, cá nhân khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng phục vụ công nghiệp quốc phòng theo quy định tại nhóm 1, nhóm 2 thuộc Danh mục A kèm theo Nghị định này được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi như sau:

a) Được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đối với diện tích đất cần thiết được sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ quốc phòng;

b) Được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng đặc thù quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này; trường hợp bị thương hoặc bị chết được xét công nhận và hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ như đối với lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt quy định tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng phục vụ công nghiệp quốc phòng theo quy định tại Danh mục B kèm theo Nghị định này được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 10. Chính sách của Nhà nước đối với người nước ngoài khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được nhà nước Việt Nam cho thuê đất; các trường hợp được thuê đất của doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã được nhà nước giao đất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng trong trường hợp sản xuất sản phẩm, chi tiết sản phẩm, nghiên cứu khoa học công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ chế tạo sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh thì được miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư góp vốn bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng giá trị phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem nội dung VB
- Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
...
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 24 như sau:

“2. Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch, nhiệm vụ về công nghiệp quốc phòng, nội dung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.”.

Xem nội dung VB
- Xử phạt vi phạm hành chính về công nghiệp quốc phòng được hướng dẫn bởi Mục 4 Chương 2 Nghị định 120/2013/NĐ-CP

Căn cứ Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng ngày 26 tháng 01 năm 2008;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu,
...
Chương 2. XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG
...
MỤC 4. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG

Điều 18. Vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đã cấp đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định về sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng có thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đã cấp đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 20. Vi phạm các quy định về thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng với cơ quan ký hợp đồng và cơ quan cấp giấy chứng nhận tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng;

b) Không thực hiện chế độ báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng không bảo đảm đúng chủng loại, số lượng, chỉ tiêu kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng;

b) Thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng không đúng với nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đã được cấp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng khi chưa ký hợp đồng hoạt động công nghiệp quốc phòng.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì được các điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng như đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động công nghiệp quốc phòng khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng đã cấp từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.