Nghị quyết 98/NQ-HĐND năm 2013 về Kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự, dân sự của Cơ quan thi hành án và Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”
Số hiệu: | 98/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ninh | Người ký: | Nguyễn Đức Long |
Ngày ban hành: | 19/07/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thi hành án, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HÔI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98/NQ-HĐND |
Quảng Ninh, ngày 19 tháng 7 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT “VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ, DÂN SỰ CỦA CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN VÀ BAN CHỈ ĐẠO THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHOÁ XII - KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;
Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát số 48/BC-HĐND ngày 10/7/2013 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh “Về việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự và dân sự của các Cơ quan thi hành án và Ban Chỉ đạo thi hành án Dân sự các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”;
Ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát số 48/BC-HĐND ngày 10/7/2013 của Ban pháp chế HĐND tỉnh “Về việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, hình sự của các cơ quan thi hành án và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với những đánh giá về ưu điểm, tồn tại, hạn chế và các kiến nghị, giải pháp khắc phục, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
Trong những năm qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2013, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những vụ việc tranh chấp về kinh tế, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình và tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Công tác thi hành án nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng các bản án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình của Toà án nhân dân phải thi hành ngày càng nhiều. Công tác thi hành án là khâu cuối cùng để đảm bảo Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thực hiện trên thực tiễn, góp phần bảo vệ pháp luật, kỷ cương và trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Kết quả công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn từ 01/01/2011 đến 31/3/2013: Tổng số việc các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong đạt 87,84%. Tổng số tiền giải quyết xong đạt 71,5%.
Kết quả thi hành án hình sự: Các cơ quan thi hành án hình sự đã lập hồ sơ, tổ chức đưa phạm nhân đi thi hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an tỉnh, Công an các địa phương, chuyển giao hồ sơ thi hành án đối với các trường hợp án treo, cải tạo không giam giữ và công tác giam giữ, quản lý phạm nhân, thực hiện các chế độ chính sách đối với người thi hành án bảo đảm theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của một số Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện còn chậm. Công tác rà soát, xác minh, phân loại án và thực hiện thủ tục, trình tự trong công tác thi hành án còn hạn chế. Số lượng việc và tiền tồn đọng còn nhiều, tỷ lệ giải quyết còn thấp. Hệ thống kho, bãi để tạm giữ phương tiện, tang vật hiện nay chưa đảm bảo. Kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của các cơ quan thi hành án và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trong lĩnh vực thi hành án hình sự: Công tác quản lý, giam giữ phạm nhân còn để xảy ra một số sai phạm, thiếu sót, còn để phạm nhân đánh nhau, trốn trại, vi phạm kỷ luật. Trong việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật với đối tượng có án phạt tù, còn để một số đối tượng có án phạt tù trốn ngoài xã hội chưa bắt được; hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân còn hạn chế, số người tái phạm còn chiếm một tỷ lệ nhất định. Hiệu quả việc giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự án treo, án cải tạo không giam giữ tại cộng đồng chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nêu trên là:
- Luật thi hành án dân sự 2008 và Luật thi hành án hình sự 2010 chưa được hướng dẫn một cách cụ thể nên có việc áp dụng chưa thực sự được thuận lợi, thống nhất, một số quy định của pháp luật có tính thực tế không cao, khó đảm bảo thi hành, gây khó khăn trong công tác áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án.
- Tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trụ sở và trang thiết bị làm việc của các cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn, trong khi việc hỗ trợ hoạt động của địa phương cho các cơ quan thi hành án còn nhiều hạn chế;
- Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện nhiều nơi chưa thường xuyên, chưa sâu sát, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, việc tham mưu của một số lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện cho Trưởng Ban chỉ đạo, cấp ủy và chính quyền địa phương còn hạn chế, thiếu chủ động.
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp của một số cán bộ, công chức và Chấp hành viên của Cơ quan Thi hành án dân sự còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã còn ít, khối lượng công việc nhiều nên chưa đáp ứng được yêu cầu, do vậy việc quản lý, giám sát giáo dục đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ chưa được quan tâm đúng mức.
Điều 2. Để khắc phục, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại trong công tác thi hành án hình sự, dân sự của các cơ quan thi hành án và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các Cơ quan thi hành án hình sự và dân sự, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp tỉnh, huyện và UBND các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác thi hành án hình sự, dân sự như Báo cáo kết quả giám sát số 48/BC-HĐND ngày 10/7/2013 của Ban Pháp chế đã nêu. Đồng thời thực hiện các công việc sau đây:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh: Có kế hoạch chỉ đạo các ngành, UBND cấp dưới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, tổ chức tốt công tác cưỡng chế thi hành án dân sự; Căn cứ khả năng ngân sách địa phương để xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ thêm cho hoạt động của các Cơ quan thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự về: Kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc, hỗ trợ hoạt động cưỡng chế thi hành án, bồi dưỡng cán bộ công chức thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án; Quan tâm hơn trong việc tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Luật thi hành án hình sự và Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ; Chỉ đạo, giải quyết việc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 282,4 ha của Trại giam Quảng Ninh trên địa phận huyện Hoành Bồ để đảm bảo việc sử dụng đất an ninh quốc phòng đúng mục đích và an toàn trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân (thực hiện xong trước Quý I, năm 2014).
2. Các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp tỉnh, huyện: Tăng cường tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo về thi hành án; Chủ động trong việc đề xuất các biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thi hành án của địa phương, trong việc xây dựng kế hoạch chỉ đạo trong công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc cưỡng chế thi hành án; Thường xuyên kiểm tra và chủ động phối hợp kiểm tra với các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan; Chú trọng công tác đánh giá đề nghị khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.
3. Yêu cầu đối với Các cơ quan thi hành án dân sự hai cấp tỉnh, huyện: Chỉ đạo các Chấp hành viên thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại án, bảo đảm chính xác; kiên quyết không để xảy ra tình trạng án có điều kiện thi hành chuyển sang án chưa có điều kiện thi hành, gắn trách nhiệm về hiệu quả công tác thi hành án với thủ trưởng đơn vị và Chấp hành viên nhằm hoàn thành chỉ tiêu thi hành án được Quốc hội và Bộ Tư pháp giao phải hoàn thành trong năm 2013 (Tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành); Chủ động tham mưu có hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền và Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp; Kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành các trường hợp có điều kiện nhưng chây ỳ, chống đối không thi hành án; Xây dựng đề án giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, khó thi hành để báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện, giải quyết dứt điểm.
4. Công an tỉnh và Cơ quan thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh:
Tiếp tục và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý và cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thi hành án hình sự, trong đó chú ý hướng dẫn nghiệp vụ đối với Công an xã và cán bộ tư pháp thuộc UBND cấp xã; Quan tâm trang bị, đầu tư cải tạo và hoàn thiện hơn về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự. Khắc phục các vi phạm trong việc đảm bảo các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định; Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, khắc phục các vi phạm trong việc quản lý phạm nhân đảm bảo đúng quy định (có biện pháp truy bắt hiệu quả đối với các đối tượng có án phạt tù còn trốn ngoài xã hội; Không để xảy ra các trường hợp phạm nhân đánh nhau, vi phạm pháp luật, phạm tội mới trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ)
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao và đề nghị:
- UBND tỉnh; các Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện; Cơ quan thi hành án dân sự hai cấp tỉnh, huyện; Công an tỉnh và các Cơ quan thi hành án hình sự trên địa bàn trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2014.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/7/2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù Ban hành: 16/09/2011 | Cập nhật: 21/09/2011