Nghị quyết 96/2013/NQ-HĐND17 về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về địa phương trong tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu: 96/2013/NQ-HĐND17 Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Nguyễn Sỹ
Ngày ban hành: 12/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 96/2013/NQ-HĐND17

Bắc Ninh, ngày 12 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ các Thông tư: Số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ; Thông tư liên tịch số 41/2002/TTLT-BNN-BLĐTBXH-BVHTT, ngày 30/5/2002 của Liên bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và một số chính sách đối với nghệ nhân; Thông tư số 01/2007/TT-BCN ngày 11/01/2007, số 26/2011/TT-BCT ngày 11/7/2011 của Bộ Công thương hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú;

Sau khi xem xét tờ trình số 89/TTr-UBND ngày 01/7/2013 của UBND tỉnh đề nghị “V/v sửa đổi, bổ sung Quyết định số 82/2009/QĐ-UBND ngày 03/6/2009 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh”; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này “Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh”.

Điều 2. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường kỳ cuối năm của HĐND tỉnh.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 22/7/2013 và bãi bỏ Nghị quyết số 133/2009/NQ-HĐND16 ngày 23/4/2009 của HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Sỹ

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND17 ngày 12/7/2013 của HĐND tỉnh Bắc Ninh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu:

1. Việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển ngành nghề, làng nghề, nghề cổ truyền và nghề mới trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hiệu lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

2. Tôn vinh các thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức và cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của họ đối với việc xây dựng, khôi phục và phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Động viên thợ thủ công nâng cao trình độ về kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc: Phục hồi các sản phẩm cũ; nghiên cứu, sáng tác các sản phẩm mới có giá trị kinh tế, tính nghệ thuật để góp phần phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường xuất khẩu, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề, làng nghề phải gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ môi trường của từng vùng, từng thôn, xã.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Đối với các nghề và làng nghề: Quy định này áp dụng cho tất cả các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. Đối với thợ giỏi, nghệ nhân: Là công dân có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, làm việc trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh: Bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Nghề truyền thống”: Là nghề được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ mai một, thất truyền.

2. “Làng nghề”: Là một cụm dân cư sinh sống trong một làng (thôn, tương đương thôn) thuộc các xã, phường, thị trấn, có hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề ở từng hộ gia đình hoặc các cơ sở trong làng, sử dụng các nguồn lực trong và ngoài địa phương, sản xuất và kinh doanh một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.

3. “Làng nghề truyền thống”: Là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố gọi tắt là UBND cấp huyện; UBND xã, phường, thị trấn gọi tắt là UBND cấp xã.

Điều 4. Hội đồng xét công nhận nghề, làng nghề, danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân và tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh được UBND tỉnh quyết định thành lập gọi tắt là Hội đồng cấp tỉnh.

Chương 2.

TIÊU CHÍ CÔNG NHẬN, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Điều 5. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống:

1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống:

Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt đồng thời 3 tiêu chí sau:

a) Nghề có tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;

b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc;

c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

2. Tiêu chí công nhận làng nghề:

Làng nghề được công nhận phải đồng thời đạt 3 tiêu chí sau:

a) Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề.

b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

c) Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề.

3. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống:

Làng nghề truyền thống phải có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 quy định này và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề.

Điều 6. Trách nhiệm của làng nghề:

Tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Bám sát nhu cầu thị trường để sản xuất mặt hàng mới, du nhập nghề mới, đồng thời chú trọng đảm bảo môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững.

Điều 7. Quyền lợi của làng nghề, nghề truyền thống:

1. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề, nghề truyền thống do UBND tỉnh công nhận được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các chế độ ưu đãi nghề và làng nghề của UBND tỉnh.

2. Nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp giấy công nhận một lần, ngoài các chính sách ưu đãi như trong Khoản 1, Điều 7 quy định này, còn được hưởng các chính sách ưu đãi riêng của quốc gia và địa phương nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề.

Mỗi một làng nghề đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp giấy công nhận có giá trị trong 5 năm và tiền thưởng là 15.000.000 đồng đối với làng nghề; 30.000.000 đồng đối với làng nghề truyền thống, 100.000.000 đồng đối với làng nghề truyền thống có xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng nghề được Cục sở hữu trí tuệ công nhận.

Điều 8. Cấp giấy công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống:

Giấy công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống có giá trị 5 năm kể từ ngày được công nhận. Hàng năm địa phương tự đánh giá để có biện pháp duy trì và phát triển và giữ vững. Sau 5 năm, Hội đồng cấp tỉnh sẽ tổ chức đánh giá lại để tiếp tục công nhận, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được UBND tỉnh cấp giấy công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống nếu không đạt thì sau 2 năm có thể lập hồ sơ đề nghị công nhận.

Chương 3.

TIÊU CHUẨN, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH

Điều 9. Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu thợ giỏi cấp tỉnh:

1. Là thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật, kỹ xảo nghề nghiệp giỏi, có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ cao mà người thợ bình thường không làm được, những mẫu mã sản phẩm này được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, được thị trường chấp nhận.

2. Làm việc có năng suất, chất lượng cao, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt.

3. Có sản phẩm đạt giải từ giải 3 trở lên trong các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi cấp tỉnh trở lên. Hoặc phải có ít nhất một sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật cao, được tập thể cùng làm việc nhất trí suy tôn và Hội đồng cấp cơ sở thừa nhận.

Điều 10. Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh:

1. Là người có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện; có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ lành nghề khác không làm được.

2. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt.

3. Có tác phẩm do mình tạo ra đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, hay cá nhân được phong tặng bàn tay vàng, các danh hiệu cao quý khác trong các cuộc thi, triển lãm quốc gia hoặc quốc tế. Hoặc có ít nhất 2 sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật và giá trị kinh tế cao được tập thể cùng ngành nghề nhất trí suy tôn và Hội đồng cấp tỉnh thừa nhận.

4. Có công đóng góp trong việc giữ gìn, phát triển, đào tạo và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Điều 11. Tiêu chuẩn xét công nhận tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:

1. Nghề được du nhập vào các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh là nghề mới ở địa phương chưa có, sản phẩm phải có giá trị, hiệu quả kinh tế và được thị trường chấp nhận.

2. Nghề có khả năng thu hút được tối thiểu 150 lao động tại địa phương.

3. Thời gian duy trì và phát triển nghề mới tối thiểu là 2 năm trở lên.

Điều 12. Chế độ khen thưởng và quyền lợi:

1. Đối với thợ giỏi:

- Được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận danh hiệu thợ giỏi và được thưởng một lần bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 1 triệu đồng;

- Được tổ chức truyền, dạy nghề theo quy định của pháp luật;

- Được tham gia hội đồng trong các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi, do các tổ chức kinh tế, xã hội, Hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức.

2. Đối với nghệ nhân:

- Được UBND tỉnh cấp Bằng chứng nhận danh hiệu nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh, và được thưởng một lần bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 5 triệu đồng;

- Được tổ chức truyền, dạy nghề theo quy định của pháp luật;

- Được mời tham gia các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh;

- Được mời tham gia làm tư vấn cho Hội đồng xét thợ giỏi cấp tỉnh;

- Được nhà nước bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp với những sản phẩm làm ra theo Luật sở hữu trí tuệ;

- Khi đạt các tiêu chuẩn của nghệ nhân cấp nhà nước, sẽ được Hội đồng cấp tỉnh đề nghị Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân cấp nhà nước.

3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:

Được UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng một lần bằng tiền hoặc bằng hiện vật, trị giá 15 triệu đồng.

Chương 4.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, THỢ GIỎI, NGHỆ NHÂN VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ MỚI VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỈNH

Điều 13. Trình tự, thời gian và thủ tục xét duyệt công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống:

1. Trình tự, thủ tục:

- UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo Khoản 2, Điều 13 quy định này và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) lên UBND cấp huyện.

- UBND cấp huyện tập hợp hồ sơ do UBND cấp xã gửi, nhận xét đánh giá và lập danh sách (kèm theo hồ sơ), trình UBND tỉnh xét công nhận. Hồ sơ gửi trực tiếp về cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh.

- Hội đồng cấp tỉnh tổ chức thẩm định, xét duyệt trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống gồm có:

a) Đối với nghề truyền thống:

- Văn bản đề nghị xét công nhận nghề truyền thống của UBND cấp xã;

- Báo cáo tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống, trong báo cáo cần làm rõ thực trạng, nhu cầu cần gìn giữ, bảo tồn hoặc khả năng phát triển của nghề;

- Bản sao giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có);

Đối với nghề mà các tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống.

b) Đối với làng nghề:

- Văn bản đề nghị xét công nhận làng nghề của UBND cấp xã;

- Tổng hợp danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, tổng số hộ trong làng nghề;

- Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn trong 2 năm gần nhất;

- Bản báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề.

c) Đối với làng nghề truyền thống:

- Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống như Điểm a, Khoản 2, Điều 13 quy định này;

- Bản báo cáo thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề.

3. Hồ sơ đề nghị công nhận lại làng nghề, làng nghề truyền thống gồm có:

- Văn bản đề nghị của UBND cấp xã, có xác nhận của UBND cấp huyện gửi Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh;

- Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh của làng nghề trong 2 năm gần nhất.

4. Thời gian tổ chức xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống là một lần/năm vào quý 4 hàng năm.

Điều 14. Trình tự, thời gian, hồ sơ xét các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức và cá nhân có công đưa nghề mới về địa phương:

1. Trình tự:

- Trên cơ sở đề xuất của các tổ chức kinh tế, xã hội, hội nghề nghiệp tại các địa phương. UBND cấp xã xét những tổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn, lập hồ sơ, gửi văn bản đề nghị lên UBND cấp huyện.

- UBND cấp huyện tập hợp hồ sơ, lập danh sách, xác nhận và gửi văn bản đề nghị về cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh.

- Hội đồng cấp tỉnh tổ chức thẩm định, xét duyệt những tổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận.

2. Hồ sơ:

Hồ sơ xét công nhận các danh hiệu gồm:

- Đơn của tổ chức, cá nhân đề nghị xét công nhận danh hiệu.

- Bản thành tích của tổ chức do thủ trưởng đơn vị xác nhận; của cá nhân do tổ chức kinh tế, xã hội, hội nghề nghiệp hoặc chính quyền nơi người đó đang công tác, sinh sống xác nhận.

- Bản sao hợp lệ các giấy chứng nhận danh hiệu trong các cuộc thi, triển lãm cấp tỉnh, quốc gia, khu vực hoặc quốc tế (nếu có) mà thợ giỏi, nghệ nhân đã đạt được hoặc hồ sơ về các sản phẩm tiêu biểu được suy tôn và xét duyệt của Hội đồng cấp cơ sở (đối với thợ giỏi) hoặc cấp tỉnh (đối với nghệ nhân).

- Báo cáo việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, nghĩa vụ với địa phương có xác nhận của UBND cấp xã.

- Biên bản xét duyệt và văn bản đề nghị công nhận  của UBND cấp xã.

- Văn bản xác nhận và đề nghị của UBND cấp huyện.

3. Thời gian:

Thời gian tổ chức xét công nhận các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh một lần/năm vào quý 4 hàng năm.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí hoạt động gồm: Kinh phí in ấn giấy, bằng chứng nhận, làm khung, tiền thưởng, tổ chức xét duyệt vv…, được dự toán hàng năm từ kinh phí sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh, kinh phí năm không sử dụng hết được chuyển sang kinh phí dự toán năm sau.

Điều 16. Phân công trách nhiệm:

1. UBND cấp xã có trách nhiệm:

- Tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng, phát triển ngành nghề, làng nghề, gắn với xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.

- Chỉ đạo các làng nghề chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, hàng năm tiến hành sơ, tổng kết về tình hình hoạt động của nghề, làng nghề. Rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo để không ngừng phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống và du nhập nghề mới.

2. Các sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức hướng dẫn các địa phương không ngừng phát huy thế mạnh của mình, du nhập nghề mới để xây dựng nhiều làng nghề. Quan tâm phát huy vai trò của thợ giỏi, nghệ nhân trong sự nghiệp phát triển nghề và làng nghề.

3. Hàng năm cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND cấp huyện tiến hành tổng kết việc phát triển nghề, làng nghề, du nhập nghề gắn liền với công tác tổng kết hoạt động ngành nghề của địa phương.

4. Hội đồng cấp tỉnh do UBND tỉnh quyết định thành lập, theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh.

Điều 17. Điều khoản thi hành:

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh xét công nhận nghề, làng nghề, danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, báo cáo Hội đồng cấp tỉnh xem xét, thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức và cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh vấn đề mới, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành, các làng nghề, cơ sở sản xuất, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -  cơ quan thường trực Hội đồng cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.