Nghị quyết 96/2013/NQ-HĐND về mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: 96/2013/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Đức Long
Ngày ban hành: 19/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2013/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 19 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM TRONG THANH NIÊN, THIẾU NIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;

Căn cứ Luật thanh niên năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 07/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3366/TTr-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 49/BC-HĐND ngày 10/7/2013 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số mục tiêu, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nội dung như sau:

1. Mục tiêu

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên, thiếu niên; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống, tấn công, trấn áp tội phạm nhằm từng bước kiềm chế, tiến tới giảm vi phạm pháp luật và tội phạm; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục, định hướng và xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn giúp thanh niên, thiếu niên phát triển toàn diện.

2. Chỉ tiêu

- Hàng năm có 85% trở lên thanh niên, thiếu niên được tiếp cận về các thông tin phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tăng từ 1-2% thanh niên được tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm;

- Mỗi năm giảm ít nhất 10% thanh niên, thiếu niên vi phạm pháp luật và 5% thanh niên, thiếu niên phạm tội trên tổng số thanh niên, thiếu niên vi phạm, phạm tội của năm trước liền kề;

- 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh không để hình thành các băng, nhóm tội phạm có tổ chức;

- 100% các địa phương, trường học có quy chế phối hợp trong quản lý, giáo dục thanh niên, thiếu niên; hàng năm có 10% trường Tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp ngoại khóa giáo dục kỹ năng ứng xử pháp luật;

- 100% đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách, cán bộ quản lý nhà nước về công tác thanh niên, lực lượng bảo vệ dân phố và trật tự viên cấp cơ sở được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

3. Đối tượng áp dụng: Thanh niên, thiếu niên cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (có độ tuổi từ 09 tuổi đến 30 tuổi).

4. Giải pháp thực hiện

4.1. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên. Xây dựng và triển khai một số mô hình về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Biểu dương, tôn vinh khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên;

4.2. Tạo môi trường học tập lành mạnh; tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Quy hoạch đồng bộ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế đầu tư điểm vui chơi giải trí; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, định hướng các trào lưu mới, tạo các môi trường phù hợp;

4.3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên;

4.4. Nâng cao hiệu quả vai trò phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và công tác quản lý nhà nước của các ngành chức năng về giáo dục phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên. Lấy gia đình là nền tảng; nhà trường là nòng cốt trong giáo dục, hình thành nhân cách; xã hội là cầu nối chăm lo, bồi dưỡng phát triển toàn diện thanh niên, thiếu niên;

4.5. Hàng năm thường xuyên mở các đợt cao điểm trấn áp, triệt xóa các ổ nhóm tội phạm; Đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là thanh niên, thiếu niên được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Tăng cường xét xử lưu động các vụ án điểm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung;

4.6. Hàng năm, căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương, UBND tỉnh bố trí dự toán kinh phí phù hợp để tổ chức các hoạt động: (1)- Tổ chức các lớp học giáo dục kỹ năng ứng xử pháp luật, lớp năng khiếu; (2)- Xét xử lưu động vụ án điểm liên quan đến tội phạm là thanh niên, thiếu niên; (3)- Tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; (4)- Biên tập và tăng số lượng phát hành các bản tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; (5)- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng mô hình về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này;

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết;

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/7/2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, LĐ-TB&XH (b/c)
- TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Các vị Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các H, TX, TP thuộc tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh;
- V1, V2, V3;
- Chuyên viên thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT, PC2 (3b).
Hường: 100 bản.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long