Nghị quyết 95/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: | 95/2012/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Tháp | Người ký: | Lê Vĩnh Tân |
Ngày ban hành: | 08/12/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95/2012/NQ-HĐND |
Đồng Tháp, ngày 08 tháng 12 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Đa dạng sinh học năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartasena về An toàn sinh học”;
Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;
Sau khi xem xét Tờ trình số 30/TTr-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung sau:
1. Quan điểm
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) phải gắn kết chặt chẽ việc quy hoạch phát triển KT-XH của Tỉnh nhằm mục tiêu phát triển du lịch sinh thái; hướng đến hỗ trợ cho các dự án, chương trình phát triển nông thôn mới; tính đến sự hợp lý giữa diện tích rừng trồng sản xuất và rừng trồng đặc dụng dành cho bảo tồn ĐDSH; quy hoạch không gian xanh dành cho các khu bảo tồn văn hóa lịch sử, công viên, nghĩa trang, hành lang cây xanh giao thông ... của tỉnh Đồng Tháp khi quỹ đất đai càng ngày càng khan hiếm.
2. Mục tiêu tổng quát
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của Tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm bảo tồn và bảo vệ sinh cảnh cũng như các loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
a) Giai đoạn 2011 — 2015:
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn: 50% các khu bảo tồn thiên nhiên và cảnh quan được củng cố, hoàn thiện và phát triển; 50% các loài động vật, thực vật quý, hiếm, nguy cấp có nguy cơ bị tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được bảo vệ hiệu quả (các loài như sếu đầu đỏ, Vịt trời, Gà lôi nước, Rắn hổ mang, Rùa đất, Rắn hổ hành, Trăn đất, Kỳ đà, cầy hương, Cá sấu xiêm,...); Giữ ổn định và cân đối diện tích đất lâm nghiệp có rừng nằm trong khoảng 12.834 ha (tỷ lệ che phủ rừng 4,2% tổng; diện tích tự nhiên của Tỉnh).
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước: 50% diện tích đất ngập nước trong VQG Tràm Chim được bảo vệ hữu hiệu, củng cố, hoàn thiện và ổn định; 50% diện tích đất ngập nước trong các khu bảo tồn thiên nhiên và cảnh quan được quy hoạch cho bảo tồn các loài thủy sinh vật đặc hữu và có giá trị.
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp: 50% các loài cây ăn trái có đặc hữu và có giá trị ở tỉnh Đồng Tháp được lên kế hoạch bảo tồn; 50% các khu trại bảo tồn và sản xuất giống cây ăn trái, cây cảnh, cây dược liệu, cây lúa hiện nay được đầu tư nâng cấp về trang thiết bị và trình độ để tiếp cận dần công nghệ gen; Xây dựng 01 vườn bảo tồn giống thuần chủng của các loài cây ăn trái đặc hữu và có giá trị ở tỉnh Đồng Tháp.
- Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật: 100% sản phẩm biến đổi gen lưu hành trên tỉnh Đồng Tháp được thống kê và đánh giá; 100% các loài sinh vật lạ xâm lấn, gây hại được đánh giá, thống kê đầy đủ và 50% trong số này có kế hoạch hành động kiểm soát ngăn chặn; 100% các điểm nuôi, kinh doanh và tiêu thụ động vật hoang dã được quản lý và kiểm soát. 100% các loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp trong các điểm này có hồ sơ theo dõi; Chọn lọc, mở rộng 10 loài cây gỗ thích nghi với đặc điểm sinh thái của từng vùng trong tỉnh nhằm đa dạng hóa tổ thành loài bản địa và giá trị sử dụng; 50% các điểm du lịch sinh thái có đề án quy hoạch chi tiết phát triển du lịch sinh thái và nâng cấp cơ sở dịch vụ du lịch sinh thái; 50% phương thức khai thác tài nguyên thủy sản mang tính hủy diệt bị loại bỏ; 50% các huyện có 1 - 2 mô hình vườn rừng của các cây lâm nghiệp bản địa khác ngoài Sao, Dầu.
Phấn đấu có trên 25% dân số thường xuyên được tiếp cận thông tin về đa dạng sinh học, an toàn sinh học và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Xây dựng 01 trạm quan trắc giám sát có định kỳ và không định kỳ sự thay đổi ĐDSH dưới tác động biến đổi khí hậu tại Vườn quốc gia Tràm Chim; Xây dựng 02 trạm quan trắc đánh giá lưu lượng nước và chất lượng nước sông Tiền, sông Hậu kết hợp quan trắc biến đổi ĐDSH hệ sinh thái thủy vực phục vụ cho đánh giá tác động biến đổi khí hậu và các dự án trên sông Mekong.
Tiếp tục định hướng các nội dung quy hoạch như giai đoạn 2011 - 2015 theo hướng cao hơn.
4. Phương án quy hoạch:
Phương án Quy hoạch được chọn là phương án bảo tồn dựa trên hiện trạng các khu bảo tồn đa dạng sinh học hiện có, như Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu di tích Gò Tháp,... Định hướng đến năm 2020 sẽ mở rộng và phát triển ĐDSH mang tính đột phá, lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào các hoạt động phát triển KTXH khác ở mức cao, nhằm khai thác tận dụng các hoạt động của các ngành có liên quan để bảo tồn và phát triển ĐDSH trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến tổng diện tích sử dụng đất cho bảo tồn đa dạng sinh học và đất có rừng trồng đến năm 2020 là 12.834 ha (để đưa vào quy hoạch sử dụng đất của Tỉnh).
5. Các nội dung của phương án quy hoạch:
a) Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn tại chỗ: quy hoạch hệ thống Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu di tích lịch sử Xẻo Quýt, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu di tích Gò Tháp, Làng hoa kiểng Sa Đéc và các khu vực đất có rừng trồng.
Các khu bảo tồn được giữ nguyên trạng. Quỹ đất dành cho ĐDSH của Tỉnh là hiện trạng đất hiện nay, không có quy hoạch thêm các khu ĐDSH mà chỉ mở rộng trên cơ sở mở rộng diện tích các khu du lịch, các tuyến dịch vụ phục vụ tham quan khu bảo tồn, cụ thể là:
- Diện tích khu bảo tồn tại chỗ đối với VQG Tràm Chim là 7.313 ha.
- Diện tích khu bảo tồn tại chỗ đối với Khu di tích Xẻo Quýt là 43,17 ha.
- Diện tích khu bảo tồn tại chỗ đối với Khu di tích Gò Tháp là 320 ha.
- Diện tích khu bảo tồn tại chỗ đối với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là 1.657 ha (không có dự kiến mở rộng diện tích bảo tồn).
- Diện tích khu bảo tồn tại chỗ đối với Làng hoa kiểng Sa Đéc là 343,6 ha.
- Diện tích phát triển đất có rừng; trồng trên địa bàn Tỉnh đến năm 2020 là 3.156,7 ha.
b) Quy hoạch bảo tồn trên các lĩnh vực:
- Các hệ sinh thái thủy vực: bảo vệ môi trường sống của các loài trên sông rạch, bảo vệ hành lang thực vật hiện hữu và từng bước thiết lập hành lang di cư của các loài động vật hoang dã.
- Trong nông nghiệp: quy hoạch bảo tồn giống cây ăn quả tại trung tâm giống nông nghiệp, quy hoạch phát triển tính đa dạng; trong vườn tạp và quy hoạch phát triển Làng hoa kiểng Sa Đéc. Quy hoạch phát triển Làng hoa kiểng Sa Đéc dựa trên cơ sở nâng cấp cảnh quan hiện trạng Làng hoa kiểng Sa Đéc (343,6 ha của năm 2011), không có quy hoạch phát triển thêm.
- Sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên ĐDSH: quy hoạch sử dụng bền vững các vùng đất có rừng, quy hoạch phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên cây gỗ, tài nguyên đất ngập nước, hành lang sông rạch, và nâng cấp cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái.
c) Quy hoạch hệ thống quan trắc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên ĐDSH: từng bước xây dựng các trạm quan trắc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên ĐDSH, kết nối thông tin và phân tích thông tin đa ngành phục vụ cho đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
6. Giải pháp thực hiện
a) Giải pháp về quản lý: Xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH, từng bước đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ và kiến thức ĐDSH cho cộng đồng; phát triển các mô hình phát triển KTXH bền vững; xã hội hóa công tác quản lý bảo tồn ĐDSH.
b) Giải pháp về quy hoạch: Quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bảo tồn và sinh thái, trong đó chú ý đến mảng xanh cho khu dân cư, khu công cộng, và cần quy hoạch theo hướng hình thành một mạng liên kết giữa đô thị và vùng nông thôn, giữa vùng nông thôn với các khu bảo tồn nhằm tạo thành luồng hành lang di cư cho các loài động vật hoang dã (nhất là chim, lưỡng cư, bò sát, côn trùng); du lịch sinh thái theo hướng tôn tạo cảnh quan và bảo tồn ĐDSH.
c) Giải pháp về kỹ thuật: Nâng cấp cấu trúc các quần thể tự nhiên bị suy thoái, ứng dụng kỹ thuật sinh thái bảo vệ hệ sinh thái thủy vực, gia tăng số loài bản địa trong các quần thể nhân tác, nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, bảo tồn gen.
d) Giải pháp về nguồn vốn: Đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho bảo tồn ĐDSH và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Ưu tiên lồng ghép các hoạt động; bảo tồn ĐDSH vào các hoạt động phát triển KTXH của các ngành, lĩnh vực.
Dự kiến tổng nguồn vốn là 87,7 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách nhà nước: 61,4 tỷ đồng (giai đoạn 2011 -2015 là 35,6 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 25,8 tỷ đồng), trong đó:
+ Vốn quản lý hành chính là 2,4 tỷ đồng;
+ Vốn sự nghiệp môi trường là 33,6 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư phát triển là 18,2 tỷ đồng;
+ Vốn sự nghiệp kinh tế là 7,2 tỷ đồng.
- Vốn xã hội hóa là 17,5 tỷ đồng.
- Vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế: 8,8 tỷ đồng.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, có kế hoạch theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |