Nghị quyết 81/2007/NQ-HĐND về phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2015
Số hiệu: | 81/2007/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Nguyễn Văn Sỹ |
Ngày ban hành: | 25/04/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/2007/NQ-HĐND |
Tam Kỳ, ngày 25 tháng 4 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 01/01/2007;
Sau khi xem xét Tờ trình số 833/TTr-UBND ngày 05/4/2007 của UBND tỉnh kèm theo Đề án phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. HĐND tỉnh thống nhất đánh giá tình hình, kết quả hoạt động Công nghệ thông tin (CNTT); quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp thực hiện phát triển CNTT tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 với những nội dung như sau:
I. Tình hình, kết quả hoạt động CNTT:
Trong những năm qua, công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển CNTT của tỉnh có bước biến chuyển tích cực nên công tác ứng dụng và phát triển CNTT đã đạt được một số kết quả quan trọng, từng bước đổi mới phương thức hoạt động trong các cơ quan của Đảng; phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành trong hệ thống các cơ quan nhà nước cũng như các thành phần kinh tế, tạo nên động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với các chương trình công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) còn phân tán. Tỉnh chưa có cơ chế, chính sách dành riêng cho khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT; hệ thống văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Lĩnh vực CNTT-TT trên địa bàn tỉnh phát triển chậm, kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đề ra của Đề án tin học hóa hoạt động trong các cơ quan Đảng giai đoạn
2001-2005 (Đề án 47) và Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Đế án 112).
II. Quan điểm, mục tiêu và chỉ tiêu phát triển:
1. Quan điểm, mục tiêu:
CNTT là công cụ quan trọng hàng đầu để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ứng dụng CNTT là yếu tố có ý nghĩa quyết định chiến lược, làm tăng năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng trong phát triển. Phát triển CNTT phải gắn với quá trình đổi mới và bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015.
Công nghiệp CNTT là ngành kinh tế được ưu tiên, quan tâm hỗ trợ và khuyến khích phát triển, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Đầu tư ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực CNTT trọng điểm, đột phá để nâng cao hiệu quả đầu tư. Xã hội hóa công tác đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng CNTT.
Xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin, truyền thông bảo đảm công nghệ hiện đại, quản lý và khai thác hiệu quả. Phát triển nguồn nhân lực về CNTT là yếu tố quyết định đối với việc phát triển, ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển ngành công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
2. Chỉ tiêu định hướng phát triển:
Ứng dụng CNTT trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng để đổi mới tổ chức, phương thức quản lý, quy trình điều hành, trợ giúp đắc lực cho hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, của các đơn vị, doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2015, Quảng Nam xây dựng thành công “chính quyền điện tử cấp tỉnh”.
Tổ chức thực hiện việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, đến năm 2015 đảm bảo có đủ nguồn nhân lực CNTT; mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ; cấp xã có 1 cán bộ được đào tạo chuyên về CNTT phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh. Chú trọng nâng cao năng lực CNTT cho cán bộ quản lý, kinh doanh, đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề nhằm tăng năng lực cạnh tranh và khả năng hợp tác trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ từ tỉnh đến xã với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để mọi cơ quan, tổ chức, công dân có nhu cầu đều được khai thác, chia sẻ thông tin. Kết nối Internet băng rộng đến hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện; ít nhất 60% các trường trung học cơ sở; 90% các bệnh viện cấp huyện; 70%- 80% các xã trong toàn tỉnh được kết nối Internet.
III. Các giải pháp thực hiện:
1. Nâng cao nhận thức:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về CNTT. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNTT trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; năng lực ứng dụng CNTT cho toàn dân thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về CNTT trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác.
Thực hiện tốt các quy định về bản quyền phần mềm và sử dụng phần mềm có bản quyền trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Coi CNTT là lĩnh vực ưu tiên của tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo cần gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, trước hết là trong cơ quan, đơn vị mình.
2. Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước:
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về CNTT từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức và cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về CNTT các cấp, các ngành đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”.
Từng bước xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành CNTT, trong đó ban hành các văn bản thống nhất về quy định chế độ quản lý, sử dụng hệ thống tin học trên địa bàn, chế độ bảo mật thông tin trên mạng, chế độ cập nhật dữ liệu và kết nối mạng để tạo cơ sở pháp lý về cập nhật, khai thác hiệu quả của liên kết mạng, làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước; chấn chỉnh, đưa các hoạt động quản lý nhà nước về CNTT vào nề nếp.
Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư phát triển hạ tầng và tham gia vào các hoạt động kinh doanh về CNTT. Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế, các hình thức đầu tư nước ngoài, kể cả hình thức 100% vốn nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần mềm.
Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp… cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và cân đối kinh phí để tổ chức, triển khai có hiệu quả các kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm về ứng dụng và phát triển CNTT, quan tâm đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, coi đây là một trong những nội dung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của địa phương, của đơn vị mình.
3. Đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT:
Tập trung đầu tư một số chương trình, dự án trọng điểm có tính đột phá, tạo điều kiện cho phát triển và ứng dụng CNTT. Trong năm 2007 - 2008, ưu tiên xây dựng đường truyền kết nối mạng cục bộ và diện rộng, phát triển ứng dụng CNTT tại các Sở, Ban, ngành (gọi chung là cấp Sở), huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện), xây dựng ít nhất từ 02 đến 03 Sở và từ 01 đến 02 huyện ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, tiến đến xây dựng Quảng Nam trở thành “chính quyền điện tử cấp tỉnh” vào năm 2015.
Huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện từng phần các chương trình dự án trọng điểm, như: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp bưu chính - viễn thông và CNTT, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn trong nhân dân thông qua xã hội hóa, hợp tác Quốc tế… Trước hết, cần dành một phần kinh phí cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, chuẩn hóa thông tin, chuẩn hóa các chỉ số báo cáo, thống kê, các chế định đảm bảo cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác để phục vụ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng CNTT tại các vùng nông thôn, miền núi.
4. Phát triển thị trường CNTT:
Mở rộng thị trường sản phẩm CNTT ra các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và liên doanh, liên kết để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu; công tác dự báo thị trường và cung cấp thông tin về thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng cáo sản phẩm tại các cuộc triển lãm trong nước và Quốc tế, đẩy mạnh tiếp thị để tạo thị trường mới, đồng thời mở rộng thị trường hiện có.
5. Mở rộng hợp tác, liên kết CNTT trong nước và Quốc tế:
Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ; tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thực hiện công tác tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về năng lực, thiết bị CNTT-TT, phục vụ cho quá trình phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các hiệp hội nghề nghiệp về điện tử, viễn thông, CNTT.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2015, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa VII, Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2007./.
|
CHỦ TỊCH |