Nghị quyết 72/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Số hiệu: 72/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Phạm Văn Hiểu
Ngày ban hành: 09/12/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 ngày 30 tháng 9 năm 2015;

Xét Tờ trình số 139/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua “Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Phát triển mạng lưới đường huyện, đường xã tạo thành những tuyến kết nối thuận lợi, liên thông với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị;

- 100% (36/36) xã đạt tiêu chí giao thông trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (đảm bảo chỉ tiêu về giao thông trong xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020);

- 100% đường huyện được cứng hóa tối thiểu đạt cấp V; 100% đường trục xã, liên xã được cứng hóa đạt cấp đường loại A hoặc B; 50% đường trục ấp được cứng hóa đạt cấp đường loại B hoặc C; 30% đường xóm được cứng hóa đạt cấp đường loại D, sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa;

- Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường giao thông nông thôn phù hợp với cấp đường quy hoạch;

- Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn: 100% đường huyện và tối thiểu 35% đường xã được bảo trì;

- Phát triển các loại phương tiện vận tải phù hợp với địa hình, kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của nhân dân vùng nông thôn.

b) Định hướng đến năm 2030:

Hoàn thiện mạng lưới đường huyện, đường xã, rà soát nâng một số tuyến đường huyện lên thành đường tỉnh, đường xã lên thành đường huyện, tạo thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ thành phố đến huyện, từ huyện đến xã và từ xã về ấp với chất lượng tốt. Phấn đấu:

- 100% đường huyện, đường trục xã được vào cấp kỹ thuật, được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và được bảo trì theo kế hoạch;

- 100% đường trục ấp được cứng hóa, đạt tối thiểu đường loại B, C giao thông nông thôn.

- 100% đường xóm được cứng hóa đạt cấp đường loại D giao thông nông thôn;

- Nâng cao dịch vụ vận tải từ trung tâm huyện về các trung tâm xã, đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển của vùng nông thôn trong toàn thành phố Cần Thơ.

2. Nội dung quy hoạch

a) Quy hoạch phát triển mạng lưới đường huyện:

- Quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 gồm 26 tuyến, với tổng chiều dài là 156,89km, trong đó duy tu giữ cấp 2 tuyến dài 16,07km, nâng cấp 16 tuyến dài 72km, kéo dài 3 tuyến dài 61,82km, mở mới 2 tuyến dài 7km.

- Định hướng quy hoạch đến năm 2030 gồm 32 tuyến, với tổng chiều dài là 236,54km, trong đó duy tu giữ cấp 22 tuyến dài 144km, nâng cấp 3 tuyến dài 27,61km, kéo dài 4 tuyến dài 20,53km, mở mới 3 tuyến dài 44,4km.

b) Quy hoạch phát triển mạng lưới đường xã:

- Quy hoạch phát triển mạng lưới đường xã giai đoạn 2016 - 2020:

Toàn thành phố có 649 tuyến (không tính đến các tuyến đường xã tại các thị trấn), với tổng chiều dài 1.615,6km. Trong đó:

+ Đường trục xã: Đạt 100% cứng hóa, đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp A giao thông nông thôn (hoặc cấp B trong điều kiện khó khăn). Duy tu giữ cấp 133 tuyến, dài 532,31km; nâng cấp 11 tuyến, dài 29.96km.

+ Đường trục ấp: Đạt tối thiểu 30% cứng hóa đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp B, C giao thông nông thôn. Duy tu giữ cấp 262 tuyến, dài 720,33km; nâng cấp 27 tuyến, dài 66,09km; mở mới 2 tuyến, dài 1,9km.

+ Đường ngõ, xóm: Đạt tối thiểu 50% cứng hóa đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp C, D giao thông nông thôn. Duy tu giữ cấp 210 tuyến, dài 250,35km; nâng cấp 3 tuyến, dài 9km; mở mới 1 tuyến, dài 5,7km.

- Định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới đường xã đến năm 2030:

Toàn thành phố có 709 tuyến (không tính đến các tuyến đường xã tại các thị trấn), với tổng chiều dài 1.688,01km. Trong đó:

+ Đường trục xã: Đạt 100% cứng hóa, đạt tiêu chuẩn đường cấp A giao thông nông thôn, duy tu giữ cấp 11 tuyến, dài 49,35km; nâng cấp 132 tuyến, dài 532,94km; mở mới 15 tuyến, dài 43,9km.

+ Đường trục ấp: Đạt 100% cứng hóa, đạt tiêu chuẩn đường cấp B giao thông nông thôn. Duy tu giữ cấp 13 tuyến, dài 35,31km; nâng cấp 276 tuyến, dài 742km; mở mới 2 tuyến, dài 4,6km.

+ Đường ngõ, xóm: Đạt 100% cứng hóa, đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp C giao thông nông thôn. Duy tu giữ cấp 20 tuyến, dài 28,98km; nâng cấp 230 tuyến, dài 230,84km; mở mới 10 tuyến, dài 19,3km.

c) Quy hoạch phát triển các tuyến đường kết nối mạng lưới giao thông nông thôn và mạng lưới giao thông đô thị:

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Nâng cấp tuyến đường Hương lộ Bằng Tăng (đường Thái Thị Hạnh - quận Ô Môn), từ giao Quốc lộ 91 đến cặp sông Hậu, dài 6,3km đạt tiêu chuẩn đường trục chính đô thị thứ yếu 4 làn xe.

+ Nâng cấp tuyến đường dọc kênh Bà Chiêu từ ranh giới huyện Vĩnh Thạnh đến giao với đường Thới Thuận - Thạnh Lộc tại Thới Thuận (quận Thốt Nốt), dài 3km đạt tiêu chuẩn đường đô thị 2 làn xe.

- Định hướng quy hoạch đến năm 2030:

+ Kéo dài tuyến đường huyện 06 (từ ranh huyện Phong Điền đến giao với đường Lộ Hậu Tân Thạnh Tây, quận Cái Răng), dài 0,5km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường Lộ Hậu Tân Thạnh Tây dài 2,6km đạt tiêu chuẩn đường đô thị.

+ Xây dựng mới tuyến đường Huỳnh Phan Hộ (quận Bình Thủy) kéo dài qua phường Long Hòa, phường Thới An Đông đến giao với đường tỉnh 918 tại xã Giai Xuân - huyện Phong Điền, tuyến dài 8,6km đạt tiêu chuẩn đường trục chính đô thị chủ yếu 6 làn xe.

+ Xây dựng mới tuyến đường nối (thuộc quận Ô Môn) từ đường huyện 40 giáp ranh với huyện Thới Lai, đi theo đường nối Quốc lộ 91 - Cống Ông Tà, dài 5,5km, đạt tiêu chuẩn đường trục chính đô thị chủ yếu 6 làn xe.

+ Nâng cấp tuyến đường Nguyễn Trọng Quyền (quận Thốt Nốt) từ giao với Quốc lộ 91 tại Phường Trung Kiên đến nối với tuyến đường huyện 35 (điểm đầu ranh Thốt Nốt, điểm cuối Thị trấn Cờ Đỏ), dài 4,5km đạt tiêu chuẩn đường trục chính đô thị chủ yếu 6 làn xe.

+ Nâng cấp tuyến đường kênh Thơm Rơm (quận Thốt Nốt) từ giao Quốc lộ 91 tại cầu Thơm Rơm đến Tân Phú - Thuận Hưng, dài 6,4km đạt tiêu chuẩn đường trục chính đô thị thứ yếu 4 làn xe.

d) Kinh phí thực hiện:

- Giai đoạn 2016 - 2020: Nhu cầu vốn đầu tư là 702,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách của các huyện là 202 tỷ đồng, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước là 325,1 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 175 tỷ (nguồn vốn do nhân dân đóng góp mặt bằng, hoa màu, vật kiến trúc; vốn do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ).

- Giai đoạn 2021 - 2030: Nhu cầu vốn đầu tư là 3.196,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách của các huyện là 920,6 tỷ đồng, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước là 1478,75 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 796 tỷ (nguồn vốn do nhân dân đóng góp mặt bằng, hoa màu, vật kiến trúc; vốn do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ).

đ) Nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển giao thông nông thôn:

- Giai đoạn 2016 - 2020: Nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển giao thông nông thôn là 2.054,9 ha.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển giao thông nông thôn là 2.297,4 ha.

Điều 2. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và cụ thể hóa các giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu quy hoạch đề ra.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2016 và có hiệu từ ngày ký ban hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hiểu