Nghị quyết 66/2007/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008
Số hiệu: | 66/2007/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Thuận | Người ký: | Huỳnh Văn Tí |
Ngày ban hành: | 07/12/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66/2007/NQ-HĐND |
Phan Thiết, ngày 07 tháng 12 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2008
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Trên cơ sở xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2007; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. HĐND tỉnh cơ bản tán thành những nội dung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Báo cáo của UBND tỉnh, Báo cáo của các ban của HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan, HĐND tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
I. Nhiệm vụ chung và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2008:
1. Nhiệm vụ chung:
Năm 2008 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng tạo đà cho việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010). Do đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách để giải phóng sức sản xuất, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo đảm thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; giải quyết tốt hơn các vấn đề văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường; giữ gìn ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
2. Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2008:
- Tốc độ tăng GDP : 15 %;
Trong đó: tốc độ tăng trưởng của các ngành :
+ Công nghiệp - xây dựng : 20 - 21%;
+ Khu vực dịch vụ : 16,5 %;
+ Nông lâm thủy sản : 7 %.
- Sản lượng lương thực : 490.000 tấn;
- Sản lượng hải sản khai thác : 160.000 tấn;
- Kim ngạch xuất khẩu : 180 triệu USD;
Trong đó: xuất khẩu sản phẩm hàng hóa : 150 triệu USD;
- Tổng thu ngân sách Nhà nước : 3.835 tỷ đồng;
Trong đó :
+ Thu nội địa : 1.845 tỷ đồng;
+ Thu từ dầu thô : 1.960 tỷ đồng;
+ Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu : 30 tỷ đồng.
- Chi cho đầu tư phát triển : 620 tỷ đồng;
(không kể chi đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết)
- Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 : 99,85%;
- Giải quyết việc làm : 23.000 lao động;
- Tỷ lệ giảm sinh : 0,05%;
- Tỷ lệ hộ nghèo còn : 6,85%;
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới : 18%.
II. Nhiệm vụ và các giải pháp chính:
1. Về kinh tế:
a) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chú trọng đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất. Đồng thời gắn phát triển công nghiệp với coi trọng bảo vệ môi trường. Phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp tăng 22,8%. Tập trung xây dựng hạ tầng và kêu gọi các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp chế biến Nam Cảng cá Phan Thiết, Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hàm Kiệm, tích cực chuẩn bị các bước triển khai các Khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án thủy điện và nhiệt điện Vĩnh Tân. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khuyến công và khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống. Hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc và đôn đốc các chủ đầu tư có dự án với quy mô lớn đẩy nhanh tiến độ xây dựng;
b) Tăng cường hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc và xử lý kiên quyết đối với các dự án chậm triển khai để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án du lịch. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né. Chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại các khu du lịch; tôn tạo, khai thác tốt các khu, điểm di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa. Khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí thể thao phù hợp với điều kiện lợi thế tự nhiên của tỉnh. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình hợp tác du lịch TP.Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng; đồng thời phát triển thêm các tuyến du lịch mới nối khu du lịch Phan Thiết với Hàm Thuận – Đa Mi, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh. Phấn đấu trong năm 2008 đón 2 triệu lượt khách du lịch với doanh thu tăng 20% so với năm 2007;
c) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp. Đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng trái thanh long đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; đẩy mạnh trồng cây cao su, điều ở những vùng thích hợp; tổ chức sản xuất rau sạch và xây dựng lò giết mổ tập trung để phục vụ tiêu dùng và du lịch. Chỉ đạo chặt chẽ thời vụ sản xuất, phát hiện và khống chế kịp thời các loại dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi, các công trình nối mạng các hệ thống thủy lợi toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, công tác trồng, quản lý và giao khoán bảo vệ rừng; phát triển trồng rừng kinh tế hiệu quả cao. Giải quyết cơ bản nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp, ngăn chặn không để phát sinh mới.
Sắp xếp tổ chức sản xuất nghề cá ven bờ; tạo điều kiện phát triển mạnh tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh, nuôi an toàn ở cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Có biện pháp tích cực thu hút nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu. Kiểm soát hiệu quả dư lượng hóa chất trong các khâu khai thác, bảo quản và chế biến thủy, hải sản. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kết cấu hạ tầng cảng, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền. Chú trọng công tác thông tin liên lạc đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, chủ động phòng tránh thiên tai trên biển. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành thủy sản tăng 8,5%, sản lượng thủy sản nuôi trồng 10.000 tấn, tôm giống 5,6 tỷ post;
d) Tập trung giải quyết các tồn tại và lồng ghép các chương trình để thực hiện tốt mục tiêu đầu tư phát triển dân sinh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình 134, 135 của Chính phủ. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ cho vay vốn giúp cho đồng bào có đủ điều kiện phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi. Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giá, trợ cước và tiêu thụ sản phẩm của đồng bào sản xuất ra;
e) Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quảng bá hàng hóa của địa phương và tích cực nghiên cứu mở rộng thị trường trong, ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm lợi thế của tỉnh như hải sản, thanh long, mủ cao su. Tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Kêu gọi đầu tư chợ phía Bắc Phan Thiết, Trung tâm thương mại Mũi Né, Phan Thiết, La Gi. Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ tài chính, tiền tệ, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả chương trình xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD;
g) Hoàn tất việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình. Tiếp tục thực hiện các biện pháp củng cố, đổi mới phương thức hoạt động các hợp tác xã. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh;
h) Hoàn thành cơ bản công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất. Đẩy mạnh công tác lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, xây dựng khu dân cư tập trung nông thôn. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch xây dựng, phát hiện và xử lý kịp thời các chồng lấn quy hoạch, các đề án quy hoạch xây dựng chưa khả thi, nhất là các vùng ven đô thị. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước;
i) Tích cực huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng dưới nhiều hình thức BT, BOT, BOO...tập trung vào các công trình: cảng, giao thông, điện... gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục....ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, bức xúc, công trình phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Trong điều kiện số vốn có hạn, UBND tỉnh cần bố trí tập trung đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào sử dụng. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” góp phần xây dựng hạ tầng, cải tạo bộ mặt khu dân cư;
k) Phấn đấu thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra, chú ý khai thác có hiệu quả các nguồn thu mới, bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách có cơ sở vững chắc; triển khai tốt các biện pháp khai thác khoản thu từ đất. Tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm Luật Quản lý thuế. Bảo đảm kinh phí đáp ứng nhu cầu chi lương, chi cho các hoạt động thường xuyên của bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể và chi thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Bố trí dự phòng ngân sách để chủ động đối phó với thiên tai, dịch bệnh và xử lý những trường hợp phát sinh đột xuất.
2. Về văn hóa - xã hội:
a) Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cấp học. Tiếp tục cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông, nâng cao đạo đức nhà giáo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; khuyến khích phát triển mạnh việc dạy và học ngoại ngữ. Chú trọng việc đầu tư xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo để bồi dưỡng nhân tài ở lứa tuổi học sinh; có biện pháp tích cực và giải quyết có hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học. Giữ vững và củng cố chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; có kế hoạch triển khai phổ cập trung học phổ thông ở một số địa phương có điều kiện. Tiếp tục nghiên cứu thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Khẩn trương đưa hoạt động của Trường Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Y tế vào hoạt động ổn định, hiệu quả;
b) Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề phục vụ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp tới đại học với phương châm đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho học sinh sinh viên nghèo vay vốn học tập. Tập trung chỉ đạo để phát triển nhanh đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đặc biệt là cho lực lượng lao động trẻ và xuất khẩu lao động. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm an toàn lao động. Phấn đấu cuối năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 23%; giải quyết việc làm cho 23.000 lao động;
c) Làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế và công tác y tế dự phòng. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, sức khỏe, vệ sinh môi trường. Tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phát hiện và khống chế kịp thời, có hiệu quả các loại dịch bệnh xảy ra. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế ngoài công lập. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và kết hợp chặt với thực hiện các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, phấn đấu đạt kế hoạch giảm sinh đã đề ra trong năm 2008. Phấn đấu có 108/126 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chiếm 85,7% số xã, phường, thị trấn);
d) Củng cố và nâng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường các biện pháp phòng, chống các tệ nạn xã hội. Xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn tại các đơn vị cơ sở, phường xã, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư. Chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao cả về quy mô và chất lượng;
e) Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa và vận động toàn xã hội tham gia chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và các đối tượng gia đình chính sách. Phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm giải quyết thiết thực về việc làm cho nông dân ở những nơi có chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phấn đấu cuối năm 2008, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 6,85%, hoàn thành cơ bản chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo.
3. Về quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội:
Bảo đảm giữ gìn ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố an ninh quốc phòng. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng, nắm chắc tình hình các mặt trên từng địa bàn và xử lý kịp thời có hiệu quả mọi tình huống phát sinh. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để thực hiện tốt mục tiêu “3 giảm”. Tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng án và phòng chống tệ nạn xã hội; xử lý triệt để tình trạng mua bán, sử dụng ma túy; kiên quyết triệt phá các băng nhóm lưu manh, côn đồ. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài và những vụ khiếu kiện đông người. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với người thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác và gây rối an ninh trật tự.
4. Về xây dựng chính quyền:
- Đẩy mạnh cải cách hành chính tập trung vào những nơi, những việc đang còn nhiều vướng mắc, phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản, thành lập doanh nghiệp, đất đai, nộp thuế, hộ tịch, hộ khẩu…Rà soát, loại bỏ các thủ tục không đúng quy định Nhà nước; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với nhiệm vụ được giao. Công khai, minh bạch những quy định về thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện và giám sát. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra của cấp trên để uốn nắn kịp thời những sai sót xảy ra;
- Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính, ngân sách Nhà nước. Xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng chức quyền để tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức và liên đới chịu trách nhiệm những vi phạm của cán bộ, công chức gây ra. Tiến hành sắp xếp bộ máy các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, huyện và thực hiện tinh giảm biên chế theo quy định của Chính phủ;
- Tiến hành tổng kết công tác cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp nhất là chất lượng điều tra và tranh tụng tại các phiên tòa. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại án hình sự, dân sự, hành chính. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, các chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Có giải pháp để tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự.
Điều 2. UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.
Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2007 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |