Nghị quyết 64/2006/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 64/2006/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Ngô Đức Vượng
Ngày ban hành: 17/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2006/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ QUYT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 58- CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá;

Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 425/TTr-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Đánh giá hiện trạng công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước đã được triển khai sớm, bước đầu đã hình thành một số mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN). Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên ngành. Một số cơ quan đã sử dụng thư tín điện tử, truyền dữ liệu, khai thác thông tin trên mạng và ứng dụng phần mềm quản lý chuyên ngành.

Một số ngành kinh tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thuế, kho bạc, hải quan... chương trình CNTT được triển khai thực hiện theo ngành dọc.

Các doanh nghiệp lớn đã khai thác có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện tại CNTT tỉnh Phú Thọ đạt mức trung bình yếu so với cả nước; việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT còn hạn chế; chưa hình thành mạng diện rộng kết nối giữa các cơ quan Đảng với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Số các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT còn ít và nhỏ lẻ.

Công nghiệp phần cứng mới được hình thành, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung và dịch vụ chưa phát triển.

Nhân lực CNTT của tỉnh nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

2. Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin đến năm 2010

2.1 Quan điểm và mục tiêu phát triển

Phát triển CNTT phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và gắn với các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.

CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh, trở thành phương tiện chủ lực để nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện đại hoá với chi phí thấp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đạt mức trung bình toàn quốc và đứng vào hàng đầu của các tỉnh miền núi. Đảm bảo đường truyền thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao; đủ điều kiện cho việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử.

Xây dựng và phát triển công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao và góp phần vào tăng trưởng GDP của tỉnh.

Đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh.

2.2 Các chỉ tiêu chủ yếu

- 100% các cơ quan Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh đến cấp huyện có mạng LAN, kết nối trong mạng Internet của tỉnh và Chính phủ, có kết nối Internet. 50-60% các trao đổi thông tin, gửi - nhận văn bản, xử lý, giải quyết các công việc trong nội bộ cơ quan, giữa các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước trong tỉnh với nhau và với các cơ quan Trung ương được thực hiện theo các quy trình thông tin hoạt động trên mạng máy tính; các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị được tin học hoá. 80-90% cán bộ công chức sử dụng thành thạo máy tính và mạng máy tính trong công việc.

- 100% các doanh nghiệp lớn có website riêng hoặc tham gia hoạt động trên sàn giao dịch điện tử. 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hệ thống thư điện tử, kết nối Internet, sử dụng máy tính trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Hình thành sàn giao dịch điện tử của tỉnh kết nối với các sàn giao dịch lớn trong cả nước; 50% các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch; 70% các doanh nghiệp truy nhập sàn giao dịch. 8-10% số hộ gia đình tại các khu đô thị có thói quen mua sắm và sử dụng dịch vụ trên mạng.

- 100% các điểm bưu điện văn hoá xã, các trường Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT), 50% các trường Tiểu học được kết nối Internet; 100% các trường THPT xây dựng các phòng máy tính với số lượng từ 30 đến 50 máy tính mỗi phòng và có giáo án điện tử hỗ trợ giảng dạy. 50-60% các trường THCS có phòng máy tính với quy mô 20-30 máy. 100% các bệnh viện tuyến tỉnh có mạng LAN, kết nối Internet và sử dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; tất cả các bệnh viện tuyến huyện có kết nối Internet và mạng diện rộng. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 25% trên tổng số dân.

- Khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có; xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh với công nghệ tiên tiến; xây dựng cổng giao tiếp điện tử tỉnh; phục vụ 3-5 dịch vụ công điện tử ở mức giao tiếp hoặc giao dịch; xây dựng 2-3 kho thông tin dữ liệu điện tử chung của tỉnh về dân cư, địa lý hành chính, thống kê kinh tế - xã hội, kết nối với mạng cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng về giá trị sản lượng hàng năm đạt trên mức bình quân của cả nước trong toàn ngành công nghiệp CNTT, đóng góp khoảng 2% GDP công nghiệp của tỉnh; hỗ trợ các ngành quan trọng phát triển, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao và bền vững của nền kinh tế.

- Đào tạo 2500 cán bộ và kỹ thuật viên về CNTT ở các trình độ khác nhau, trong đó có 50% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng.

3. Định hướng phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020

- Về ứng dụng CNTT: Thực hiện nền hành chính, công dân, doanh nghiệp, thương mại, trường học, bệnh viện điện tử và các dịch vụ công nghệ thông tin khác.

- Cơ sở hạ tầng CNTT phát triển toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng hiện đại đảm bảo cho các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh.

- Công nghiệp CNTT phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh, vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước.

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước, quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; xây dựng tại tỉnh Phú Thọ cơ sở đào tạo CNTT đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, chủ động trong công tác đào tạo xây dựng nguồn nhân lực CNTT phù hợp với yêu cầu phát triển CNTT của tỉnh và vùng trung du miền núi phía Bắc.

4. Giải pháp thực hiện

- Nâng cao nhận thức về vai trò và tác động to lớn của CNTT đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho cán bộ công chức, các doanh nghiệp và người dân; đồng thời tiến hành công bố rộng rãi Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin từ cấp tỉnh đến cấp huyện; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

- Tranh thủ mọi nguồn lực; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển công nghệ thông tin.

- Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT.

- Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ và quản lý; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Điều 2: Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 12 tháng 5 năm 2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng