Nghị quyết 62/2013/NQ-HĐND điều chỉnh Nghị quyết 101/2006/NQ-HĐND thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
Số hiệu: 62/2013/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Nguyễn Văn Danh
Ngày ban hành: 12/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2013/NQ-HĐND

Tiền Giang, ngày 12 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 101/2006/NQ-HĐND NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÔNG QUA QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN CÁT LÒNG SÔNG TIỀN, TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 179/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 101/2006/NQ-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 176/BC-HĐND ngày 16 tháng 11 năm 2013 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 101/2006/NQ-HĐND ngày 27 tháng 9 tháng 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

1. Điều chỉnh tên Quy hoạch thành: “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020”.

2. Khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 101/2006/NQ-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2006 quy định Nội dung cơ bản của Quy hoạch được thay thế như sau:

a) Về tổng hợp tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh:

Tổng trữ lượng tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là: 96,24 triệu m3, bao gồm trữ lượng cát trên sông Tiền là 94,91 triệu m3 và trên sông Vàm Cỏ là 1,33 triệu m3; trữ lượng có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là: 50,30 triệu m3.

Lượng cát bổ cập trên sông Tiền khu vực hạ lưu ngã 3 sông Cổ Chiên là 6,4 triệu m3/ năm.

b) Quy hoạch khung các khu vực thăm dò, khai thác:

- Không gian:

Các khu vực khung được phép thăm dò, khai thác đến năm 2020 như sau:

+ Khu vực I: từ xã Tân Thanh đến xã An Hữu huyện Cái Bè, được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -15m; đới giữa sông sâu -20m.

+ Khu vực II: từ xã Hòa Hưng đến Vàm Cái Thia huyện Cái Bè, được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -15m; đới giữa sông sâu -20m.

+ Khu vực III: các nhánh phía Bắc và phía Nam cù lao Tân Phong:

Nhánh phía Bắc cù lao Tân Phong: được khai thác đến độ sâu -15m; thường xuyên kiểm tra lòng dẫn; khoảng cách khai thác cách bờ 100m.

Nhánh phía Nam cù lao Tân Phong: được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -15m đới giữa sông sâu -20m.

+ Khu vực IV: Nhánh sông Tiền bờ Nam cồn Tân Phong huyện Cai Lậy, được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -15m; đới giữa sông sâu -17m.

+ Khu vực V: từ xã Ngũ Hiệp (cuối cù lao Tân Phong) đến sông Rạch Gầm xã Kim Sơn, huyện Châu Thành được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -12m; đới giữa sông sâu -17m.

+ Khu vực VI: phía Tây, phía Bắc, Nam Cồn Thới Sơn gồm các xã: Song Thuận, huyện Châu Thành; xã Bình Đức, Thới Sơn, Thành phố Mỹ Tho được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -10m; đới giữa sông sâu -15m.

+ Khu vực VII: xã Xuân Đông, Hòa Định huyện Chợ Gạo được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -9m; đới giữa sông sâu -14m.

+ Khu vực VIII: sông Cửa Tiểu được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -8m; đới giữa sông sâu -12m;

+ Khu vực IX: sông Cửa Đại được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -8m; đới giữa sông sâu -12m.

Bổ sung khu vực được đầu tư thăm dò khai thác cát trên sông Vàm Cỏ thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang:

+ Khu vực X: sông Vàm Cỏ được khai thác trong phạm vi: đới cách bờ 200m, sâu -15m; đới giữa sông sâu -20m.

- Công suất khai thác:

Điều chỉnh công suất khai thác theo từng thời kỳ như sau:

+ Từ năm 2013 đến năm 2015: 4,5 triệu m3/năm.

+ Từ năm 2016 đến năm 2020: 7,5 triệu m3/năm.

c) Khu vực hạn chế khai thác:

Khu vực III (Nhánh phía bắc cù lao Tân Phong): tạm dừng cấp giấy phép thăm dò, khai thác; đối với các doanh nghiệp đang khai thác tại khu vực này: hết thời hạn giấy phép thì dừng; theo dõi diễn biến bồi tụ để xem xét.

d) Các khu vực cấm khai thác bao gồm:

- Cầu Mỹ Thuận: có tọa độ VN-2000 từ: 515.500- 518.000.

- Khu vực xoáy Cái Thia: có tọa độ VN-2000 từ 526.200 đến 527.600.

- Khu vực xoáy Ngũ Hiệp: có tọa độ VN-2000 từ 538.400 đến 540.200.

- Cầu Rạch Miễu: có tọa độ VN-2000 từ 564.200 đến 565.400.

- Khu vực thành phố Mỹ Tho - Rạch Kỳ Hôn: có tọa độ VN-2000 từ 562.300 đến 571.000.

- Khu vực phà Mỹ Lợi: có tọa độ VN-2000 từ 596.000 đến 597.300.

3. Một số giải pháp thực hiện

- Ban hành và hoàn thiện các quy định về quản lý thăm dò, khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định của Luật Khoáng sản và đặc thù hoạt động khoáng sản tại địa phương.

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có khoáng sản.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên việc tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác cát để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm và đề xuất các biện pháp phù hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát sông. Trong đó, tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị tham mưu cấp phép hoạt động khai thác cát với các đơn vị liên quan, nhất là đơn vị thu thuế trong quản lý tình hình hoạt động, tình hình đăng ký nộp thuế và phí của các doanh nghiệp.

- Định kỳ hàng năm kiểm tra diễn biến đường bờ và địa hình đáy sông để điều chỉnh vị trí, độ sâu, số lượng thiết bị khai thác cho phù hợp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó, cần quan tâm:

- Nghiên cứu, xem xét ban hành cơ chế khoán thu thuế và phí so với sản lượng cấp phép khai thác hàng năm của từng mỏ đúng theo quy định pháp luật, nhằm hạn chế thất thu ngân sách.

- Nghiên cứu ban hành cơ chế nhằm phát huy sức mạnh của các đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương và nhất là sức mạnh toàn dân cùng phối kết hợp với các ngành chức năng để tăng cường nguồn lực cho công tác kiểm tra, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép, khai thác ngoài các khu vực đã quy hoạch làm sạt lỡ bờ sông như: giao quyền cụ thể nhất định cho địa phương cấp xã; trích phần trăm mức xử phạt để lại cho địa phương; khen thưởng bằng hiện vật cho cá nhân và tập thể kịp thời phát hiện, báo tin cho lực lượng chức năng...

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Danh