Nghị quyết 59/2006/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 59/2006/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Ngô Đức Vượng
Ngày ban hành: 17/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2006/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH NÔNG, LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 01 ngày 7 tháng 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 550/TTr-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh về Điều chỉnh quy hoạch nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành thông qua Điều chỉnh quy hoạch nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch nông, lâm nghiệp - thuỷ sản giai đoạn 2001 - 2005

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng tốc độ cao; năm 2005 tăng 47,7% so năm 2000, bình quân tăng 8,1%/năm (mục tiêu đề ra 5%/năm). Giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp - thuỷ sản năm 2005 tăng 40,2% so với năm 2000, bình quân tăng 6,97%/năm.

- Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản chuyển dịch tích cực, cụ thể: Trồng trọt giảm từ 72% (năm 2000) xuống còn 63% (năm 2005); chăn nuôi tăng từ 25,6% lên 34%; lâm nghiệp giảm từ 9,1% xuống 8,8%; thuỷ sản tăng từ 4,4% lên 4,5%. Cơ cấu lao động trong nông nghiệp giảm từ 79,8% (năm 2000) xuống 72,2% (năm 2005).

- Các chương trình nông nghiệp trọng điểm được chú trọng đầu tư và chỉ đạo: Chương trình lương thực, chương trình phát triển chè, chăn nuôi lợn xuất khẩu, chương trình trồng mới 8 vạn ha rừng đạt và vượt mục tiêu đề ra; chương trình cây ăn quả, chương trình phát triển thuỷ sản, phong trào chăn nuôi bò thịt đã có những kết quả bước đầu và triển vọng phát triển tốt; các mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng.

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhất là tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng kỹ thuật thâm canh đã tăng nhanh năng suất và sản lượng. Năng suất lúa tăng 24,4%, ngô tăng 37,9%, chè tăng 39,5%, rau thực phẩm tăng 8,4%.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn được chú trọng: Trung bình 141,8 tỷ đồng/ năm; đảm bảo diện tích tưới chủ động 2 vụ tăng từ 34 ngàn ha lên 45 ngàn ha, tiêu chủ động 5 ngàn ha lên 7,5 ngàn ha. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.

- Công tác trồng chăm sóc, bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, nâng độ che phủ của rừng từ 35,8% (năm 2000) lên 45,2% (năm 2005).

- Sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản phát triển góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, không còn hộ đói.

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp về tổng thể là tích cực, nhưng trong nội bộ ngành chậm, chưa vững chắc và hiệu quả thấp; tỷ trọng giá trị ngành trồng trọt cao. Sản phẩm hàng hoá ít, khối lượng nhỏ, chưa phong phú, chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập. Hạ tầng nông nghiệp thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá, tỷ suất hàng hoá nông nghiệp thấp. Chưa có được những mô hình ứng dụng công nghệ cao, những điển hình sản xuất nổi trội, nhiều mô hình chậm được nhân rộng trong sản xuất. Chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, chưa thu hút được nhiều các nguồn vốn đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân. Huy động các nguồn lực cho phát triển nông, lâm nghiệp - thuỷ sản có nhiều hạn chế.

2. Quy hoạch nông, lâm nghiệp - thuỷ sản đến năm 2010, định hướng quy hoạch đến năm 2020

2.1. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản đạt 5 - 5,5%/năm (giai đoạn 2006 - 2010) và 4,5 - 5%/năm (giai đoạn 2011 - 2020).

GDP của ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản chiếm tỷ trọng từ 18 -19% (năm 2010) và 10 - 12% vào năm 2020 trong tổng GDP của tỉnh.

Cơ cấu ngành nông nghiệp: Ngành trồng trọt 59 - 60% (năm 2010) và khoảng 45 - 46% (năm 2020); tỷ trọng chăn nuôi 38 - 40% (năm 2010) và đạt trên 50% (năm 2020); dịch vụ 3,4% (năm 2010) và trên 3,5% (năm 2020).

Giá trị sản phẩm trồng trọt - thuỷ sản bình quân/ha đất sản xuất đạt 32 triệu đồng (năm 2010) và 45 triệu đồng (năm 2020) theo giá thực tế.

2.2. Điều chỉnh quy hoạch nông, lâm nghiệp - thuỷ sản đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

2.2.1. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp

2.2.1.1. Diện tích đất nông nghiệp đến năm 2010 là 100,9 ngàn ha, bao gồm:

- Đất trồng cây hàng năm: 55,4 ngàn ha. Trong đó: Đất ruộng lúa, lúa màu 46,4 ngàn ha; đất đồng cỏ dùng cho chăn nuôi 1,5 ngàn ha; đất chuyên màu và trồng cây hàng năm khác: 7,5 ngàn ha.

- Đất trồng cây lâu năm: 38,1 ngàn ha, trong đó bố trí: Đất trồng chè 14,5 ngàn ha (vùng trồng chè tập trung có 10 ngàn ha); đất trồng cây ăn quả 12 ngàn ha; diện tích trồng cây lâu năm khác 11,6 ngàn ha.

- Đất nuôi trồng thuỷ sản: 7,45 ngàn ha (chuyên nuôi thuỷ sản)

2.2.1.2. Đến năm 2020 tổng diện tích đất nông nghiệp là 95,5 ngàn ha, bao gồm:

- Đất trồng cây hàng năm: 52,4 ngàn ha. Trong đó: Đất ruộng lúa, lúa màu 44,7 ngàn ha; đất đồng cỏ dùng cho chăn nuôi 1,9 - 2,5 ngàn ha; đất chuyên màu và trồng cây hàng năm khác 6,2 ngàn ha.

- Đất trồng cây lâu năm: 36,27 ngàn ha, trong đó bố trí: Đất trồng chè 14,5 ngàn ha (vùng trồng chè tập trung có 10 ngàn ha); đất trồng cây ăn quả 13 - 15 ngàn ha; đất trồng cây lâu năm khác 4,5 - 6,7 ngàn ha.

- Đất nuôi trồng thuỷ sản: 6,4 ngàn ha (chuyên nuôi thuỷ sản).

2.2.2. Quy hoạch chuyển đổi theo ngành sản xuất

2.2.2.1. Ngành trồng trọt

- Cây lúa: Đến năm 2010 tổng diện lúa cả năm 69 - 70 ngàn ha, sản lượng lúa đạt trên 370 ngàn tấn; định hướng đến năm 2020 tổng diện tích gieo trồng lúa 65 - 66 ngàn ha, sản lượng lúa trên 380 ngàn tấn.

- Cây ngô: Đến năm 2010 diện tích ngô trên 20 ngàn ha, sản lượng trên 80 ngàn tấn. Năm 2020 diện tích gieo trồng ngô ổn định 20 ngàn ha, sản lượng trên 100 ngàn tấn.

- Cây công nghiệp hàng năm:

+ Cây đậu tương: Đến năm 2010 diện tích gieo trồng 3 ngàn ha, sản lượng đạt 6 ngàn tấn; đến năm 2020 diện tích 4 ngàn ha, sản lượng khoảng 10 ngàn tấn.

+ Cây lạc: Đến năm 2010 diện tích gieo trồng 7 ngàn ha, sản lượng trên 14 ngàn tấn và ổn định diện tích đến năm 2020, sản lượng trên 17,5 ngàn tấn.

- Rau thực phẩm: Bố trí diện tích 11 ngàn ha vào năm 2010, sản lượng rau đạt 150 - 160 ngàn tấn và đến năm 2020 đạt 12 - 12,5 ngàn ha, sản lượng rau đạt 180 - 200 ngàn tấn.

- Cây chè: Đến năm 2010 phấn đấu diện tích đạt 14 - 15 ngàn ha, sản lượng chè búp tươi đạt 100 - 110 ngàn tấn; ổn định diện tích đến năm 2020, phấn đấu sản lượng chè búp tươi 130 - 140 ngàn tấn.

- Cây ăn quả: Diện tích năm 2010 đạt 12 ngàn ha (trong đó Bưởi Đoan Hùng 1.200 - 1.300 ha, Hồng không hạt 150 - 200 ha); đến năm 2020 đạt diện tích 14 - 15 ngàn ha.

2.2.2.2. Ngành chăn nuôi

- Phát triển đàn trâu đến năm 2010 đạt 105 ngàn con; năm 2020 đạt trên 120 ngàn con.

- Đến năm 2010 tổng đàn bò trên 140 ngàn con; định hướng đến năm 2020 đạt trên 180 ngàn con. Trong đó đàn bò thịt chất lượng cao: Năm 2010 đạt 23 ngàn con; đến năm 2020 đạt trên 50 ngàn con (chiếm 30% tổng đàn bò toàn tỉnh).

- Đàn lợn: Đến năm 2010 phấn đấu tổng đàn lợn 760 ngàn con (đàn lợn chất lượng cao 28 - 30 ngàn con); định hướng đến năm 2020 đạt trên 1.200 ngàn con (đàn lợn chất lượng cao đạt trên 100 ngàn con).

- Đàn gia cầm: Phấn đấu đến năm 2010 tổng đàn gia cầm đạt trên 10 triệu con; định hướng đến năm 2020 đàn gia cầm đạt 15 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 16,5 ngàn tấn năm 2010 và đạt 35 ngàn tấn năm 2020.

2.2.2.3. Nuôi trồng thuỷ sản

Phấn đấu diện tích nuôi trồng đạt trên 10,2 ngàn ha (cả diện tích 1 lúa - 1 cá), sản lượng 24 - 25 nghìn tấn vào năm 2010 và đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 12,5 nghìn ha, sản lượng 40 - 45 nghìn tấn.

2.2.2.4. Phát triển lâm nghiệp

Đến năm 2010 diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 196,3 ngàn ha; độ che phủ của rừng đạt 48 - 50%.

Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) và Kế hoạch số 334/BNN-LN của Bộ Nông nghiệp & PTNT ngày 15/2/2006 về kế hoạch rà soát 3 loại rừng. Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tiến hành điều tra, rà soát và báo cáo kết quả với UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Bộ Nông nghiệp & PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu giấy tập trung: Từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo toàn tỉnh sẽ trồng ổn định 60 ngàn ha rừng nguyên liệu giấy tập trung, đảm bảo định hình hàng năm cung cấp 35 - 40% nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Diện tích hàng năm khai thác 6 - 7,5 ngàn ha, sản lượng đạt 600 - 750 ngàn m3 gỗ.

2.2.3. Quy hoạch chuyển đổi theo vùng

Sản xuất nông nghiệp trong vùng kinh tế động lực: Chú trọng các dự án có khối lượng sản phẩm lớn, trình độ công nghệ cao, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Sản xuất nông nghiệp trong vùng phát triển kinh tế miền núi: Tập trung phát triển vùng trồng cây nguyên liệu (chè, giấy,...); phát triển chăn nuôi; phát triển nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch; phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp trong vùng kinh tế ven sông Hồng, sông Lô, sông Đà cần tập trung đầu tư thâm canh; phát triển công nghiệp chế biến, làng nghề gắn với du lịch.

2.3. Một số giải pháp chủ yếu

- Về đất đai: Tiếp tục thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung, bố trí đất chăn nuôi hợp lý.

- Về thị trường và tiêu thụ sản phẩm: Chỉ đạo tốt việc thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính Phủ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng cơ sở chế biến, chợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

- áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật: Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ về giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức tốt công tác bảo vệ thực vật, thú y; đưa cây lấy gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao vào sản xuất lâm nghiệp; từng bước thực hiện cơ giới hoá một số khâu trong sản xuất.

- Về quan hệ sản xuất trong nông nghiệp: Giải quyết dứt điểm những tồn đọng của các hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi; khuyến khích thành lập hợp tác xã chuyên doanh, các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại.

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho chủ hộ, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, cán bộ huyện, xã, cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Đề xuất về cơ chế, chính sách: Tiếp tục thực hiện, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đã được tỉnh ban hành cho phù hợp; ban hành chính sách mới để hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản.

- Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thuỷ lợi, tưới tiêu, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch hệ thống thuỷ lợi; đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn.

- Xác định khâu đột phá:

+ Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

+ Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thuỷ lợi trong đó tập trung đầu tư cho thuỷ lợi vùng đồi theo hướng đa mục tiêu.

- Xác định các chương trình trọng điểm phát triển giai đoạn 2006-2010:

+ Chương trình phát triển lương thực: Đẩy mạnh công tác thâm canh, duy trì tỷ lệ diện tích lúa lai 32 - 35%, ngô lai trên 95%; mở rộng diện tích lúa cao sản, lúa chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu các trà lúa, tạo điều kiện ổn định và nâng cao năng suất, mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông.

+ Chương trình phát triển chè: Cải tạo, thâm canh diện tích chè hiện có và trú trọng phát triển chè giống mới, nhất là khâu giống (chè trồng dặm và trồng mới thay giống có năng suất, chất lượng cao).

+ Chương trình phát triển cây ăn quả: Tập trung chỉ đạo hoàn thành trồng mới Bưởi đặc sản Đoan Hùng, Hồng không hạt.

+ Chương trình phát triển chăn nuôi: Tập trung đầu tư khâu giống, thức ăn, vệ sinh thú y, tiến tới mở rộng quy mô chế biến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; trong đó trọng điểm là phát triển đàn bò thịt.

+ Chương trình phát triển thuỷ sản: Tập trung đầu tư khâu giống, thức ăn và vệ sinh thuỷ sản; chú ý phát triển nuôi các loại thủy đặc sản, thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao; chú trọng chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

+ Chương trình lâm nghiệp: Điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng (Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) giảm diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, tăng diện tích rừng sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật giống cây lâm nghiệp và thâm canh rừng; xây dựng đề án phát triển cây lấy gỗ.

- Về tổng mức vốn và phân kỳ đầu tư:

Dự kiến tổng mức vốn đầu tư 2006 - 2020 là 5.542 tỷ đồng, trong đó:

+ Giai đoạn 2006 - 2010 là 2.242 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2011 - 2020 là 3.300 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn vốn:

+ Vốn ngân sách 1.940 tỷ đồng (chiếm 35% tổng vốn đầu tư);

+ Vốn vay 1.108 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư);

+ Vốn tự có của dân 831 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư);

+ Vốn khác 1.663 tỷ đồng (chiếm 30% tổng vốn đầu tư).

Điều 2: Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 12 tháng 5 năm 2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng