Nghị quyết 58/2006/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển công nghiệp 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Phú Thọ
Số hiệu: 58/2006/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ Người ký: Ngô Đức Vượng
Ngày ban hành: 17/05/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58 /2006/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TỈNH PHÚ THỌ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và Quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 553/TTr-UBND 04/3/2006 của UBND tỉnh Phú Thọ về Kế hoạch phát triển công nghiệp 5 năm giai đoạn 2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành thông qua Kế hoạch phát triển công nghiệp 5 năm giai đoạn 2006 - 2010. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

1- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005:

Thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng: Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2005 là 6.389 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,6%/năm; tỷ trọng GDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38,4% trong GDP của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,9%/năm, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn; nộp ngân sách nhà nước chiếm gần 60% tổng số thu nội địa trên địa bàn. Số lao động làm việc trong ngành công nghiệp ngày càng tăng. Đã hình thành thêm các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, trong đó một số doanh nghiệp có qui mô vừa và lớn được đầu tư xây dựng. Một số ngành nghề, làng nghề được khôi phục, nhân cấy và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Hết năm 2005, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.600 cơ sở sản xuất, bao gồm 267 HTX, trên 18.000 cơ sở sản xuất quy mô hộ, 342 doanh nghiệp và 61 làng có nghề.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước, chư­a đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra; tốc độ tăng trưởng chưa thật sự đảm bảo ổn định và bền vững, hiệu quả sản xuất còn thấp, giá trị gia tăng công nghiệp chưa cao; quy hoạch chi tiết phát triển các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề chưa đồng bộ, triển khai còn chậm. ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để; đầu tư cho hoạt động khuyến công còn hạn chế. Trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề, đội ngũ quản lý, chỉ đạo công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở cấp huyện còn thiếu và chưa chủ động phát huy vai trò tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền để chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

2. Kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010:

2.1.Mục tiêu:

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân đạt 16-18%.

- Đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 45,8% trong GDP của tỉnh.

- Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt trên 12%/năm

- Lao động ngành công nghiệp: Chiếm tỷ trọng từ 14 - 15% lao động trong các ngành kinh tế quốc dân (hàng năm thu hút thêm từ 18 - 20 ngàn lao động).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn; đến 2010 giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt từ 290 - 300 triệu USD.

- Thu ngân sách Nhà nước chiếm từ 70 - 75% tổng số thu nội địa trên địa bàn.

- Sản phẩm chủ yếu đến năm 2010 phấn đấu đạt: 15 triệu lít cồn, rượu các loại; 130 triệu lít Bia; 35 ngàn tấn Chè; 400 ngàn tấn giấy và bột giấy ; 40 ngàn tấn bột ngọt; 3 triệu tấn xi măng; 800 triệu viên gạch xây; 150 ngàn tấn thép thành phẩm; 100 ngàn tấn quặng Fenspat, 90 ngàn tấn Caolin, 5 triệu m3 Cát, sỏi, đá các loại; 1,85 triệu tấn phân hoá học; 90 triệu mét vải, 15 triệu sản phẩm may mặc, 20 triệu mét thảm trải nền.

2.2. Giải pháp:

2.2.1. Đối với Doanh nghiệp:

a- Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu của những sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông, lâm sản thực phẩm; vật liệu xây dựng; sản phẩm may mặc..., bên cạnh đó cần quan tâm khai thác các mặt hàng sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày, hàng thủ công mỹ nghệ; tiếp tục đẩy mạnh chương trình cắt giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm (ISO 9000), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000), hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SA 8000) trong sản xuất kinh doanh để tạo dựng uy tín, thương hiệu; Sắp xếp tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp một cách khoa học, tiên tiến, hiệu quả phù hợp với cơ chế thị trường, tăng cường mối liên kết trong các ngành nghề để hỗ trợ phát triển.

b- Đẩy mạnh hoạt động đầu tư và nâng cao năng lực tài chính: tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư mới nâng cao năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ - trang thiết bị; tập trung sự chỉ đạo để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, có vai trò thúc đẩy nền kinh tế, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh như các dự án sản xuất bia, giấy, xi măng, hoá chất...; Tăng cường đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, đầu tư vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến bằng việc kêu gọi cổ phần của người dân trong vùng nguyên liệu và người sử dụng nguyên phụ liệu; tăng cường năng lực phân tích và kiểm soát chi phí, thực hành tiết kiệm các yếu tố đầu vào để giảm giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh dạn tham gia phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tham gia thị trường chứng khoán; đẩy mạnh cổ phần hoá và chuyển đổi sang các hình thức sở hữu khác đối với doanh nghiệp Nhà nước (chủ yếu các doanh nghiệp Trung ương) để huy động vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những dự án có hiệu quả đầu tư cao, cần nhiều vốn có thể phát hành trái phiếu công trình.

c- Phát triển thị trường, tạo dựng thương hiệu và hội nhập quốc tế: giữ vững thị trường đã có bằng cách duy trì và nâng cao uy tín sản phẩm của mình; chú trọng việc xây dựng, bảo vệ và khuyếch trương thương hiệu sản phẩm để nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp; tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, coi trọng các biện pháp hỗ trợ bán hàng truyền thống như quảng cáo, hội trợ, triển lãm, các hình thức khuyến mại vv... tích cực tìm hiểu về các kiến thức pháp luật, thị trường, kinh doanh trong điều kiện hội nhập để chủ động trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

d- Công tác đào tạo, khoa học công nghệ và giảm thiểu ô nhiểm môi trường: Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, đào tạo trình độ tay nghề cho người lao động; tăng cường công tác chuyên môn hoá và hợp tác hoá giữa các doanh nghiệp để đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trên đơn vị sản phẩm; đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến, các doanh nghiệp đang hoạt động cần có kế hoạch đầu tư để giải quyết giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đối với các dự án đầu tư mới phải có biện pháp xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy định.

e- Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề: đẩy mạnh công tác nhân cấy và truyền nghề mới, ưu tiên những ngành nghề có tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng làng có nghề và làng nghề ở các xã thuần nông, vùng núi, vùng sâu, các khu vực gần các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu và lựa chọn công nghệ sản xuất, kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền, khuyến khích áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, xây dựng thư­ơng hiệu sản phẩm; thành lập các câu lạc bộ, hiệp hội ngành nghề, tích cực tham gia các hội chợ, đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, khai thác tốt các nguồn vốn từ bên ngoài, đồng thời phát huy các nguồn nội lực trong dân, động viên người lao động tham gia góp vốn.

2.2.2. Đối với cơ quan quản lý:

a- Xây dựng và triển khai tốt quy hoạch phát triển công nghiệp, qui hoạch tổng thể các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qui hoạch làng nghề theo hướng tách khu sản xuất khỏi khu dân cư­ đối với những nghề gây ô nhiễm; công bố công khai quy hoạch công nghiệp, quy hoạch đất đai, các quy hoạch ngành liên quan và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên, các chính sách ưu đãi, khuyến khích của tỉnh... hỗ trợ và triển khai đầu tư­ xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo ra lợi thế thu hút đầu tư­.

b- Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khuyến khích đầu tư, thu hút hút vốn đầu tư để phát triển công nghiệp; phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư ở các tỉnh, thành phố lớn... để các nhà đầu tư biết được tiềm năng, thế mạnh và các chính sách ưu đãi đầu tư; tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp nói chung, trong đó cần có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút vào những ngành công nghiệp hạ tầng, công nghiệp mũi nhọn có thế mạnh, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

c- Tăng cường công tác đào tạo, phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật, thị trường, kinh doanh trong điều kiện hội nhập cho các doanh nghiệp... thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, các loại hình trường lớp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, ưu đãi các tổ chức đào tạo nghề ở nông thôn và đào tạo các nghề truyền thống ở các làng nghề; tạo các điều kiện cần thiết cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm; đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao và trẻ hoá đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học công nghệ có hiểu biết về chuyên môn, ngoại ngữ, có khả năng tiếp cận với khoa học và công nghệ cao.

d- Đẩy mạnh công tác Khuyến công, phát triển TTCN và làng nghề, thực hiện có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 42/NQ-TU của Tỉnh uỷ về phát triển TTCN giai đoạn 2006 - 2010; đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác Khuyến công, quan tâm công tác nhân cấy và truyền nghề mới, ưu tiên có trọng điểm cho những ngành nghề có tác động làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp ở nông thôn, bổ sung biên chế đội ngũ làm công tác khuyến công và thành lập trạm khuyến công cấp huyện; hàng năm bố trí một khoản kinh phí hợp lý để hỗ trợ, phát triển sự nghiệp Khuyến công.

e- Cải cách thủ tục hành chính - tăng cường công tác thanh kiểm tra, phối hợp với doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển.

Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính từ tỉnh đến các địa phương, doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mới trong cải cách thủ tục hành chính, duy trì và thực hiện tốt cơ chế "một cửa". Xây dựng phong cách làm việc khoa học, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ quản lý vận hành ở các cấp.

Điều 2: Hội đồng nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3: Thường trực HĐND, các Ban và Đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 12 tháng 5 năm 2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng