Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND về thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: | 55/2012/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình | Người ký: | Nguyễn Văn Quang |
Ngày ban hành: | 06/12/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2012/NQ-HĐND |
Hòa Bình, ngày 06 tháng 12 năm 2012 |
THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2012-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật Ngân sách Nhà nước ngày 06 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020; Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 61/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về Đề án “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030.
(Có đề án kèm theo)
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, thay đổi Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình khoá XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ./.
|
CHỦ TỊCH |
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2012-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Hội Đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình)
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Xây dựng nông thôn mới dựa theo Bộ Tiêu chí Quốc gia được quy định tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; các nội dung triển khai xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, để từng bước đáp ứng yêu cầu của từng tiêu chí.
2. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm tính kế thừa, phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại, vừa giữ gìn đặc trưng, bản sắc văn hóa các dân tộc.
3. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ và quyết định.
4. Xây dựng nông thôn mới phải trên cơ sở lồng ghép các chương trình Mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn và có cơ chế chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp công sức của nhân dân.
5. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở rà soát xác định mục tiêu, thứ tự các tiêu chí để đầu tư có trọng điểm, trước hết là công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
6. Xây dựng nông thôn mới được thực hiện gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi địa phương (xã, huyện); có quy hoạch và cơ chế đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch (trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật do các Bộ chuyên ngành ban hành).
II. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng XHCN.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2012-2015: Phấn đấu xây dựng khoảng 15% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới).
- Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu xây dựng trên 90% số xã trong tỉnh đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.
3. Phạm vi của Đề án
- Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn 191 xã trong toàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2012 - 2030.
1. Nội dung 1: Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 1 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, cụ thể:
Năm 2012 hoàn thành quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới cho 100% số xã trong tỉnh và 40% số xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm cụm xã.
Đến năm 2015, 100% số xã hoàn thành các quy hoạch chi tiết, gồm: Quy hoạch phát triển sản xuất và quy hoạch khu trung tâm cụm xã, khu dân cư.
b) Nội dung quy hoạch
- Quy hoach chung
+ Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
+ Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới.
+ Quy hoạch bố trí dân cư, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hoá tốt đẹp.
- Quy hoạch chi tiết
+ Quy hoạch khu trung tâm xã.
+ Quy hoạch phát triển sản xuất.
- Quản lý và thực hiện quy hoạch
+ Cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật và ranh giới phân khu chức năng; Xây dựng các văn bản pháp lý cần thiết để quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn xã.
+ Thiết kế các mẫu công trình thuộc cơ sở hạ tầng công cộng, như trụ sở xã, nhà văn hoá xã, thôn, trạm xá, trường học; nhà ở...để người dân lựa chọn xây dựng.
c) Kinh phí thực hiện là 57.300 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của cấp huyện, cấp xã.
2. Nội dung 2. Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội
2.1. Hệ thống giao thông nông thôn
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung
- Đầu tư làm đường trục xã, liên xã dài là 1.053 km và các cầu, cống được xây dựng vĩnh cửu. (trong đó làm mới 803 km; cải tạo, nâng cấp là 250 km)
- Đầu tư cứng hóa đường trục thôn, bản dài 825 km và các cầu, cống được xây dựng vĩnh cửu..(trong đó làm mới 645 km; cải tạo, nâng cấp là 180 km)
- Đầu tư cứng hoá đường xóm, ngõ dài 1.347 km. (trong đó làm mới 1.227 km; cải tạo nâng cấp 120m)
- Đầu tư xây dựng và nâng cấp đường trục chính nội đồng đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện dài cho 1.297 km. (trong đó làm mới và cải tạo nâng cấp là 1.297 km)
c) Kinh phí thực hiện là 6.960.900 triệu đồng.
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 1.294.900 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 2.479.093 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 3.186.907 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đóng góp và huy động khác.
2.2. Thuỷ lợi
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 3 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung
- Cải tạo, nâng cấp, xây mới 853 công trình thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. (gồm xây mới 337 công trình; cải tạo nâng cấp 516 công trình: Tram bơm thủy luân, hồ chứa, đập dâng)
- Kiên cố hoá hệ thống kênh mương nội đồng do xã quản lý dài 1.202 km. (trong đó làm mới 902 km; nâng cấp, sửa chữa 300 km)
c) Kinh phí thực hiện là 4.506.600 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 906.400 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 1.794.913 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 1.805.287 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đóng góp và huy động khác.
2.3. Điện nông thôn
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung: Xây dựng mới kết hợp cải tạo đồng bộ hệ thống đường dây trung thế dài 303 km (làm mới 122 km, nâng cấp 181 km); đường hạ thế dài 1.843km (làm mới 323 km, nâng cấp 1.520km); trạm biến áp là 511 trạm (làm mới 74 trạm, nâng cấp 437 trạm).
c) Kinh phí thực hiện là 895.450 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 52.450 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 440.490 triệu đồng Giai đoạn 2021-2030: 402.510 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng.
2.4. Chợ nông thôn
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung: Đầu tư xây dựng mới, kết hợp cải tạo năng cấp 116 chợ nông thôn (trong đó làm mới 54 chợ nông thôn; Nâng cấp, cải tạo sửa chữa 62 chợ loại III đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng).
c) Kinh phí thực hiện là 726.000 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 72.000 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 331.491 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 322.509 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng.
2.5. Bưu điện
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung:
- Xây mới và nâng cấp cho 111 điểm bưu chính viễn thông xã.(Trong đó: Xây mới 13 điểm, nâng cấp 98 điểm)
- Xây dựng và cải tạo, nâng cấp các điểm truy cập intenet, gồm 1.161 điểm.
c) Kinh phí thực hiện là 134.350 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 15.050 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 59.842 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 59.458 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.
2.6. Nhà ở dân cư
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 9 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung: Xây dựng mới, nâng cấp, chỉnh trang nhà ở của nhân dân, gồm 56.514 nhà ở (trong đó xây mới 14.967 nhà, nâng cấp, chỉnh trang 33.556 nhà)
c) Kinh phí thực hiện là 1.718.810 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 235.490 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 673.508 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 809.812 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đầu tư và huy động khác.
2.7. Trụ sở xã
a) Mục tiêu: Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp trụ sở xã hiện có đảm bản bố trí cảnh quan hợp lý, trang nghiêm.
b) Nội dung: Xây dựng mới và cải tạo nâng cấp trụ sở xã, gồm 155 trụ sở (trong đó cải tạo nâng cấp 135 trụ sở, xây mới 20 trụ sở)
c) Kinh phí thực hiện là 875.000 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 95.000 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 392.370 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 387.630 triệu đồng
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước.
3. Nội dung 3: Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và củng cố quan hệ sản suất
a). Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 10,11,12,13 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, cụ thể:
* Giai đoạn 2012- 2015:
- Tốc độ tăng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,2%, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản trong GDP toàn tỉnh xuống 23,6%.
- Nâng thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn lên gấp 2 lần so với năm 2010. Tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 45%, trong đó qua đào tạo nghề là 40%, giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 16%.
* Giai đoạn 2016-2020:
- Tốc độ tăng ngành nông,lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 3.8%, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản trong GDP toàn tỉnh xuống 16,4%.
- Nâng thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn lên gấp 4 lần so với năm 2010. Tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 65%, trong đó qua đào tạo nghề là 55%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% .
b) Nội dung
Trên cơ sở diện tích hiện có, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ; ứng dụng giống mới, đẩy mạnh thâm canh, xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, chuyển diện tích trồng lương thực có năng suất thấp sang trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Duy trì ổn định diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hàng năm 76.000ha, trong đó lúa 40.000 ha; ngô 36.000 ha. Sản lượng lương thực cây có hạt hang năm 36 vạn tấn.
Tập trung chỉ đạo đến năm 2015 duy trì ổn định diện tích cây ăn quả 10.000ha, trong đó diện tích cây có múi 2.500 ha, năm 2020 diện tích cây có múi là 3000ha; mía 9.500ha; sắn 12.000ha; chè 4.000ha; đậu tương 2.000ha; lạc 6.000ha; rau các loại 10.500ha trong đó, rau và hoa công nghệ cao 1.000ha; trồng rừng đạt trung bình 7.000 ha/năm. Phát triển mạnh trồng rau, đậu và cây thực phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh, nhất là ở các đô thị và Khu công nghiệp lớn. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất rau, quả an toàn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục phát triển cây ăn quả, nhất là cam, bưởi…, tập trung cải tạo vườn tạp thành các vườn trồng hoa và quả có năng suất, chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Phát triển mạnh chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp và an toàn dịch bệnh, gắn với phát triển mạng lưới thú y cơ sở và công nghiệp chế biến, phấn đấu đến năm 2015 khối lượng sản phẩm từ chăn nuôi tập trung chiếm 28%, đến năm 2020 chiếm 50% tổng sản phẩm chăn nuôi; đàn bò đến năm 2015 đạt 73,5 ngàn con, năm 2020 đạt 130 ngàn con; đàn trâu đến năm 2015 đạt 126 ngàn con, năm 2020 đạt 149 ngàn con; đàn lợn đến năm 2015 đạt 560 ngàn con, năm 2020 đạt 680 ngàn con; đàn gia cầm đến năm 2015 đạt 5 triệu con, năm 2020 đạt 7,2 triệu con. Cùng với phát triển về số lượng, quan tâm nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là ở các vùng chăn nuôi tập trung.
Tiếp tục chỉ đạo, huy động các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo quy hoạch và theo các dự án; xác định rõ loại cây rừng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng; đẩy mạnh việc trồng mới và cải tạo rừng sản xuất, phấn đấu đến năm 2015 tổng diện tích rừng sản xuất đạt 93 ngàn ha. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 46%.
Phát triển ngành thủy sản cả về đánh bắt, nuôi trồng. Phấn đấu đến năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.450ha, sản lượng nuôi trồng đạt 3.800 tấn, năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản 2.800ha, sản lượng nuôi trồng 5.000 tấn. Nâng sản lượng khai thác năm 2015 lên 1.500 tấn, năm 2020 là 1750 tấn. Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ, ruộng cấy, hồ chứa quy mô lớn và nuôi cá lồng, bè trên sông.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hoá khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch và sơ chế ban đầu.
Tiến hành rà soát, điều chỉnh qui hoạch phát triển các cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; đẩy mạnh khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống; du nhập, nhân cấy nghề mới; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ hàng tiểu, thủ công nghiệp. Trước mắt, tập trung khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Lạc Sơn, Tân Lạc.
Xây dựng và thực thi cơ chế chính sách hiện đã có, đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã như đất đai, vốn, thị trường, chính sách thuế, bảo hiểm xã hội để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển và đạt hiệu quả cao. Thực hiện tuyên truyền phổ biến luật hợp tác xã (HTX), Nghị định số 151/NĐ-CP về tổ hợp tác (THT); tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng cho hộ nông dân, chủ trang trại; cán bộ, xã viên HTX và cán bộ quản lý nhà nước cấp xã về kinh tế tập thể; xây dựng các chương trình, đề án về hoạt động dịch vụ của các HTX và THT để từ đó hướng các hoạt động của kinh tế tập thể đáp ứng được yêu cầu mới của kinh tế hộ nông dân; xây dựng dự án đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất của các HTX, THT.
Trên cơ sở tích tụ, tập trung các yếu tố sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá có quy mô tập trung, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt trung bình 2%/năm;
Tiếp tục củng cố các Công ty TNHH Một thành viên (được chuyển đổi từ các nông lâm trường) hoạt động có hiệu quả; Củng cố và phát triển các HTX, phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã ít nhất có 01 Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác trong đó có trên 30% số Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; đến năm 2020 có trên 60% Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và đến năm 2030 có trên 90% Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; tập trung nâng cao khả năng hoạt động dịch vụ cho hộ nông dân.
c) Kinh phí thực hiện là 2.865.000 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 435.000 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 975.000 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 1.455.000 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đầu tư và huy động khác.
4. Nội dung 4: Phát triển văn hóa-xã hội- môi trường nông thôn
4.1. Giáo dục
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 5 và 14 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, cụ thể như sau:
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất 3 cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đảm bảo đến năm 2030 tất cả các trường đạt chuẩn quốc gia cho 177 trường mầm non, mẫu giáo; 139 trường tiểu học; 165 trường THCS.
- Nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo lên trên 45% vào năm 2015 và trên 55% vào năm 2020.
b) Nội dung
- Nâng cấp cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia.
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ các trường học đạt chuẩn, nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn.
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và giải pháp để đảm bảo cho các xã duy trì kết quả phổ cập tiểu học, phổ cập THCS đã có và thúc đẩy các xã chưa đạt phấn đấu đạt phổ cập THCS.
- Tập trung đào tạo nghề cho người dân đảm bảo trên 40% được dạy nghề vào năm 2015 và trên 55% vào năm 2020.
c) Kinh phí thực hiện là 1.786.000 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 236.000 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 836.474 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 713.526 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đầu tư và huy động khác.
4.2. Y tế
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, cụ thể như sau:
- Đầu tư theo các mục tiêu đảm bảo đến năm 2020 cơ bản các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có bác sĩ.
- Giáo dục tuyên truyền để tăng tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế lên trên 30%.
b) Nội dung
- Xây dựng mới hoặc nâng cấp 126 trạm y tế xã,(gồm xây mới 22 trạm; cải tạo nâng cấp 104 trạm). thực hiện các nội dung theo quy định của Bộ Y tế về xây dựng xã chuẩn về y tế.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế xã và chính sách khuyến khích y – bác sỹ về công tác ở các xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường công tác giáo dục truyền thông về sinh đẻ có kế hoạch, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; nỗ lực thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con.
- Mở rộng các mô hình, giải pháp can thiệp góp phần nâng cao chất lượng dân số nông thôn.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế và tăng cường công tác truyền thông để giúp người dân hiểu và tự giác tham gia các hình thức bảo hiểm y tế lên trên 30% (ngoài các đối tượng được nhà nước trợ cấp về bảo hiểm y tế).
c) Kinh phí thực hiện là 740.000 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 30.000 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 375.631 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 334.369 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đầu tư và huy động khác.
4.3. Văn hoá
a) Mục tiêu: Đạt tiêu chí số 6 và 16 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
b) Nội dung
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất nhà văn hoá và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch (gồm 186 nhà văn hóa xã; 152 khu thể thao xã)
- Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch (gồm 1.572 nhà văn hóa thôn, bản; 1.645 khu thể thao thôn, bản)
- Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, bài trừ thủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Khuyến khích học tập để vươn lên làm chủ cuộc sống, sống nhân ái đùm bọc nhau, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Xây dựng hình mẫu người nông dân văn minh biết sản xuất kinh doanh giỏi, sống có văn hoá, tích cực giúp đỡ cộng đồng.
- Bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá; duy trì các lễ hội truyền thống đặc sắc; Sưu tầm, phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc trên địa bàn xã.
- Đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ) phục vụ cho phát triển văn hoá - thể thao trên địa bàn xã.
- Nâng cao chất lượng phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"
- Xây dựng và thực thi cơ chế chính sách để đẩy nhanh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, dịch vụ ở nông thôn.
- Ban hành các quy ước làng, xã (hương ước) về xây dựng nếp sống văn minh; phòng chống các hủ tục và tệ nạn xã hội.
c) Kinh phí thực hiện là 1.591.800 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 304.600 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 659.010 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 628.190 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đầu tư và huy động khác.
4.4. Nước sinh hoạt và môi trường
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng trên địa bàn xã; thực hiện các yêu cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã.
b) Nội dung
- Xây dựng các công trình cấp nước đáp ứng nhu cầu chuẩn của cư dân.
- Lựa chọn, ứng dụng công nghệ tiên tiến về cấp nước sạch.
- Rà soát, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nước sạch nông thôn và khuyến khích người dân sử dụng nước sạch.
- Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm.
- Xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã.
- Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ dân cư, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế, trụ sở xã và các cơ sở công cộng khác trên địa bàn xã.
- Chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang theo quy hoạch.
- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề (đặc biệt là các làng nghề chế biến thực phẩm).
- Tôn tạo, bảo vệ các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng.
- Tăng cường công tác thông tin-giáo dục- truyền thông để thay đổi hành vi vệ sinh của người dân nông thôn.
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy các hộ nông thôn hoàn thiện các công trình vệ sinh gia đình và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; Xây dựng đầy đủ nhà vệ sinh cho các địa điểm công cộng thuộc xã phù hợp với đặc thù từng vùng.
c) Kinh phí thực hiện là 3.909.828 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 778.351 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 1.389.558 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 1.741.919 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước, huy động các doanh nghiệp, vốn tín dụng, nhân dân đầu tư và huy động khác.
5. Nội dung 5: Hệ thống chính trị và an ninh, trật tự xã hội
5.1. Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh
a) Mục tiêu: Đạt yêu cầu tiêu chí số 18 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
- Phấn đấu đến năm 2020 đào tạo 100% cán bộ các xã đạt chuẩn theo quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
- Củng cố bộ máy, nâng cao hiệu lực hoạt động của các tổ chức chính trị, đảm bảo tham gia tốt các hoạt động.
b) Nội dung
- Khảo sát, phân loại cán bộ xã theo chuẩn do Bộ Nội vụ quy định để xây dựng kế hoạch, thay thế, đào tạo đạt chuẩn. Đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ giúp việc ở cấp thôn, bản, xã.
- Xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ xã phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới thời kỳ CNH – HĐH.
- Xây dựng chính sách khuyến khích cán bộ trẻ đã đào tạo đủ chuẩn về công tác ở các xã vùng đặc biệt khó khăn để nhanh chóng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ ở các vùng này.
- Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới thời kỳ CNH – HĐH. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã.
- Bổ sung xây dựng quy chế hoạt động của các tổ chức, quy chế đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn liền với chế độ khen thưởng, kỷ luật để tăng trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức.
c) Kinh phí thực hiện là 38.200 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 9.200 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 12.734 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 16.266 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước.
5.2. An ninh, trật tự xã hội
a) Mục tiêu: Đạt yêu chí số 19 trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có 98% xã, giữ vững an ninh, trật tự xã hội
b) Nội dung
- Xây dựng, ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu.
- Điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, thôn hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
- Ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các TNXH và các hủ tục lạc hậu.
- Kiên quyết đấu tranh với các phần tử có hành vi tổ chức, kích động, lôi kéo quần chúng chống lại chế độ, gây mất ổn định an ninh trật tự (ANTT) ở nông thôn. Xem xét giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu kiện, tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa từ xa không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ tạo thành điểm nóng về ANTT.
- Xây dựng, kiện toàn và tăng phụ cấp cho lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và tự nguyện đảm bảo ANTT, đặc biệt là lực lượng công an xã ( Trưởng, Phó công an xã, công an viên), dân quân tự vệ, dự bị động viên…để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lảng phí góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống trong bộ phận nông dân, đảm bảo ANTT ổn định góp phần thúc đẩy sản xuất và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
c) Kinh phí thực hiện là 38.200 triệu đồng
Trong đó: Giai đoạn 2012-2015: 9.200 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020: 12.734 triệu đồng; Giai đoạn 2021-2030: 16.266 triệu đồng.
d) Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước.
IV. TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 26.843.438 triệu đồng (bình quân mỗi xã 140,5 tỷ đồng) cho các mục tiêu, như sau:
- Công tác quy hoạch: 57.300 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,2%.
- Đầu tư xây dựng CSHT: 15.817.110 triệu đồng, chiếm 58,9%.
- Phát triển kinh tế: 2.865.000 triệu đồng, chiếm 10,7%.
- Phát triển văn hoá- xã hội- môi trường: 8.027.628 triệu đồng, chiếm 29,9%.
- Hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng: 76.400 triệu đồng, chiếm 0,28%.
2. Phân bổ nguồn kinh phí thực hiện
- Vốn ngân sách: 11.875.759 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 44,2% ;
- Vốn tín dụng: 7.478.345 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 27,9%;
- Vốn của các doanh nghiệp: 4.418.470 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 16,5%;
- Vốn dân đóng góp: 3.070.864 triệu đồng,chiếm tỷ lệ 11,4%.
3. Phân kỳ đầu tư
a) Giai đoạn 2012-2015: (Phấn đấu 15% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, theo Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy)
Tổng kinh phí thực hiện là 4.530.941 triệu đồng (Kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư 100% nguồn vốn theo nhu cầu đầu tư của 30 xã phấn đấu để cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn I; đầu tư 15 % nhu cầu kinh phí 71 xã phấn đấu về đích trong giai đoạn II (2016-2020) và 5% cho 90 xã còn lại về đích giai đoạn III (2021-2030).
Trong đó: Vốn ngân sách 1.971.174 triệu đồng, chiếm 43,5%; vốn doanh nghiệp 699.114 triệu đồng, chiếm 15,4%; vốn tín dụng 1.309.586 triệu đồng, chiếm 28,9%; vốn dân đóng góp và huy động khác 551.067 triệu đồng, chiếm 12,1%.
b) Giai đoạn 2016-2020: 10.432.849 triệu đồng.
c) Định hướng đến năm 2030: 11.879.647 triệu đồng.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Công tác tuyên truyền, vận động
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về chủ trương xây dựng nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để người dân hiểu, tự giác tham gia chương trình.
- Tổ chức thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến để kịp thời động viên và khuyến khích việc học tập các mô hình, các điển hình .
- Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi để tranh thủ sự hỗ trợ của các nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
- Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. Các địa phương thường xuyên theo dõi, sơ kết, tổng kết, phát hiện các mô hình làm tốt, cách làm mới có hiệu quả, thành tích để phổ biến, nhân ra diện rộng.
- Khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích; phê phán các địa phương thực hiện kém hiệu quả; đấu tranh kiên quyết với mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí.
2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu xây dựng nông thôn mới
Hàng năm, tổ chức rà soát đánh giá chất lượng cán bộ để xây dựng phương án đào tạo kịp thời đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương với các nội dung: Bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ cơ sở; đào tạo kiến thức quản lý, hạch toán kinh tế cho cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại; tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp cho nông dân nông thôn.
Về đào tạo cán bộ: Tập trung đào tạo cho cán bộ các xã và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu cần thiết về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị của mỗi đối tượng cán bộ để nâng cao trình độ cán bộ đạt chuẩn theo quy định. Đào tạo theo số lượng cần thiết theo địa chỉ của mỗi xã, mỗi đơn vị để có đủ số lượng cán bộ cần thiết từ đó có đủ lực lượng cán bộ cho quá trình xây dựng nông thôn mới. Ban hành chính sách khuyến khích, thu hút, tăng cường cán bộ, tri thức trẻ đủ tiêu chuẩn về công tác tại các xã thuộc đề án xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở để đạt chuẩn theo quy định.
3. Về cơ chế chính sách
3.1. Cơ chế
- Ưu tiên bố trí nguồn lực vào những xã tự nguyện và có phong trào xây dựng nông thôn mới, có khả năng sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời bố trí đảm bảo tiến độ thực hiện xóa đói giảm nghèo đối với các xã đặc biệt khó khăn.
- Ban hành cơ chế để huy động mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia vào xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án, đề án của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng và huy động nguồn lực của các địa phương và trong nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân hợp tác với nông dân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để sử dụng đất có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người dân nông thôn. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
- Về cơ chế đầu tư: Các dự án công trình cơ sở hạ tầng giao cho UBND huyện và xã làm chủ đầu tư (tùy theo quy mô của từng công trình để giao chủ đầu tư như chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn của trung ương quy định). Nhân dân địa phương được hưởng lợi từ dự án đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công việc thủ công như: Đào đắp đất, vận chuyển thủ công và khai thác vật liệu xây dựng... tối thiểu 10% giá trị công trình.
3.2. Chính sách
Trên cơ sở các chính sách được quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và các chính sách hiện hành do UBND tỉnh ban hành trên địa bàn. Kế thừa các chính sách giai đoạn 2005 - 2010 còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung các chính sách mới, tỉnh Hòa Bình sẽ ban hành một số chính sách để tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn 2012 - 2020 như sau:
- Về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống thực hiện xóa đói, giảm nghèo:
+ Về sản xuất cây trồng: Chính sách khuyến khích sản xuất thâm canh, tăng vụ; sản xuất giống tốt, giống có năng xuất giá trị cao; chế biến, kinh doanh chè, cam, mía chất lượng cao; sản xuất hàng hóa (tùy theo từng dự án cụ thể: lúa chất lượng cao, cây ăn quả...); chính sách khuyến khích phát triển sản xuất rau an toàn; chế biến tiêu thụ nông sản; chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
+ Về phát triển chăn nuôi thủy sản bao gồm các chính sách: Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp đảm bảo an toàn dịch bệnh. Khuyến khích chuyển đổi sự dụng giống vật nuôi mới năng suất cao, chất lượng tốt; chính sách bảo vệ sản xuất vật nuôi.
- Chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn của tỉnh.
- Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn.
- Chính sách hỗ trợ lãi xuất cho nông dân vay để xây dựng nông thôn mới.
- Chính sách hỗ trợ xi măng để xây dựng hạ tầng trong nông thôn mới.
- Chính sách để hỗ trợ cho việc củng cố và phát triển hợp tác xã trong nông thôn.
- Văn hóa: Chính sách ưu tiên tuyển dụng và đãi ngộ để thu hút cán bộ văn hóa về công tác tại cơ sở; chính sách về đào tạo nghệ thuật dân tộc truyền thống. Chính sách hỗ trợ cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc; chính sách phát triển kinh tế du lịch, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
- Du lịch: Khuyến khích phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
- Môi trường: Chính sách hỗ trợ cho nhân dân thực hiện cải tạo môi trường sống (như hỗ trợ chuồng trại, nhà vệ sinh, sử dụng hầm BIOGAS...)
- Giáo dục: Chính sách hỗ trợ cho con em dân tộc ít người học đại học sau đó về công tác tại cơ sở.
- Y tế: Chính sách hỗ trợ, thu hút, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
- Giao thông: Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để kiên cố hóa, duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn hợp lý, phù hợp với tình hình hiện tại của địa phương
- Bưu chính, viễn thông: Hỗ trợ đào tạo kỹ năng quản lý và khai thác thông tin tại các điểm phục vụ bưu điện
- Thương mại, dịch vụ nông thôn: Xây dựng chính sách khuyến khích các thàng phần kinh tế tham gia phát triển mạng lưới dịch vụ thương mại ở khu vực nông thôn.
- Về chính sách cán bộ tăng cường cho các xã xây dựng nông thôn mới để giúp các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình.
4. Giải pháp huy động vốn để thực hiện đề án
Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình này.
4.1. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm:
- Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo gồm: chương trình giảm nghèo; chương trình quốc gia về việc làm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình phòng, chống tội phạm; chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; chương trình phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh nguy hiểm và HIV/AIDS chương trình thích ứng biến đổi khí hậu; chương trình về văn hóa; chương trình giáo dục đào tạo; chương trình 135; dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; hỗ trợ đầu tư trụ sở xã; hỗ trợ chia tách huyện, xã; hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi…; đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; kiên cố hóa kênh mương; phát triển đường giao thông nông thôn; phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề…;
- Vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của chương trình này, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ;
4.2. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới;
4.3. Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật;
4.4. Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua;
4.5. Các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư;
4.6. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng:
- Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được trung ương phân bổ cho các tỉnh, thành phố theo chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn và theo danh mục quy định tại Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;
- Vốn tín dụng thương mại theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
4.7. Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.
- Huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đóng góp bằng tiền mỗi quỹ một ngày lương để ủng hộ các xã xây dựng nông thôn mới.
5. Xây dựng mô hình điểm: Trên cơ sở khảo sát, báo cáo và đăng ký của các xã, huyện, sẽ tiến hành chọn một xã/ huyện để làm điểm trên địa bàn (xã điểm chỉ đạo của tỉnh) với thời gian 2 đến 3 năm để rút kinh nghiệm cho chỉ đạo ở địa phương và giúp cho tổng kết chung nhằm bổ khuyết cho đề án nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
6. Giải pháp về lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện
Thành lập bộ máy quản lý vận hành, cụ thể như sau:
6.1. Cấp tỉnh: Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh; Văn phồng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, theo hướng dẫn của Trung ương,
a) Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 800 tỉnh) có nhiệm vụ:
- Chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo việc xây dựng các đề án có liên quan của các ngành, các đơn vị thực hiện chương trình đầu tư, phát triển khu vực nông thôn của tỉnh. Hàng năm căn cứ vào mục tiêu, nội dung của đề án để bố trí kế hoạch và cân đối các nguồn lực để tổ chức thực hiện, hàng năm cần chuẩn bị đầu tư sớm và theo các hợp phần để tổ chức thực hiện.
- Ban hành cơ chế chính sách đặc thù để tổ chức thực hiện chương trình Bố trí nguồn lực hàng năm và các giai đoạn để thực hiện chương trình.
- Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp xây dựng dự án, kế hoạch tổ chức thực hiện đề án nông thôn mới cấp mình.
b) Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Văn phòng điều phối Chương trình) có nhiệm vụ
- Giúp việc cho Ban chỉ 800 tỉnh, đồng thời giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện là Cơ quan thường trực Chương trình.
- Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 800 tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh đồng thời phối hợp với các Sở, Ban, Ngành đôn đốc kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện chương trình. Tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết và báo cáo đột suất khi có yêu cầu.
6.2. Cấp huyện, thành phố: Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, có nhiệm vụ;
- Chỉ đạo, quản lý, điều hành việc thực hiện các nội dung của Chương trình NTM trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND cấp xã và giúp cấp xã xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới và tổ chức thực hiện đề án khi được phê duyệt. Lồng ghép, huy động nguồn lực trên địa bàn để tổ chức thực hiện chương trình.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm cho các nội dung để đạt yêu cầu tiêu chí nông thôn mới.
- Phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh hướng dẫn các xã trong quá trình thực hiện chương trình.
- Đôn đốc, kiểm tra các xã trong quá trình thực hiện xây dựng và thực hiện đề án. Thực hiện chế độ tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết và báo cáo đột suất khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh
6.3. Cấp xã
- Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng Ban, Phó Ban là Chủ tịch UBND xã thành viên là đại diện các đoàn thể chính trị của xã Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo toàn diện công tác tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
- Thành lập Ban quản lý xây dựng nông tthôn mới cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban, Phó chủ tịch UBND xã làm Phó Ban, thành viên là các cán bộ chuyên môn xã, các Trưởng Thôn.
- Thành lập Ban vận động xây dựng nông thôn mới ở các thôn bản do Trưởng thôn, hoặc Bí thư chi bộ làm Trưởng ban.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn hàng năm và cả giai đoạn./.
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2018 điều chỉnh nội dung Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 Ban hành: 02/07/2018 | Cập nhật: 05/07/2018
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 Ban hành: 07/05/2018 | Cập nhật: 10/05/2018
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình Ban hành: 15/04/2017 | Cập nhật: 18/04/2017
Quyết định 695/QĐ-TTg năm 2015 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập Ban hành: 21/05/2015 | Cập nhật: 23/05/2015
Quyết định 695/QĐ-TTg năm 2013 về quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ Ban hành: 07/05/2013 | Cập nhật: 09/05/2013
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2013 hỗ trợ gạo cứu đói cho tỉnh Lạng Sơn Ban hành: 20/03/2013 | Cập nhật: 22/03/2013
Quyết định 695/QĐ-TTg năm 2012 sửa đổi Nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 Ban hành: 08/06/2012 | Cập nhật: 12/06/2012
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2011 về xuất thuốc sát trùng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Quảng Trị Ban hành: 26/05/2011 | Cập nhật: 27/05/2011
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2011 phê chuẩn miễn nhiệm thành viên của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2004 - 2011 Ban hành: 05/04/2011 | Cập nhật: 07/04/2011
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 Ban hành: 04/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010
Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn Ban hành: 12/04/2010 | Cập nhật: 14/04/2010
Quyết định 695/QĐ-TTg năm 2009 về việc cử thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống Aids và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Ban hành: 29/05/2009 | Cập nhật: 02/06/2009
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới Ban hành: 16/04/2009 | Cập nhật: 25/04/2009
Nghị định 106/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước Ban hành: 19/09/2008 | Cập nhật: 24/09/2008
Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2008 về việc phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc Ban hành: 24/06/2008 | Cập nhật: 27/06/2008
Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2008-2010 Ban hành: 05/05/2008 | Cập nhật: 10/05/2008
Quyết định số 695/QĐ-TTg năm 2004 về việc duyệt đầu tư Dự án Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải giai đoạn đến năm 2010 Ban hành: 24/06/2004 | Cập nhật: 20/02/2014
Quyết định 04/2004/QĐ-BNV Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn Ban hành: 16/01/2004 | Cập nhật: 07/12/2012