Nghị quyết 50/2013/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020
Số hiệu: | 50/2013/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tiền Giang | Người ký: | Nguyễn Văn Danh |
Ngày ban hành: | 11/07/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2013/NQ-HĐND |
Tiền Giang, ngày 11 tháng 7 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Công văn số 23/CP-KTN ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;
Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 91/TTr-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 133/BC-HĐND ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu
a) Về kinh tế
Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh đến năm 2020 diện tích đạt 9.707 ha. Tập trung đầu tư, phát triển trồng rừng nhằm góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
b) Về môi trường
- Phấn đấu đến năm 2020 nâng độ che phủ của rừng lên 4,0%;
- Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng đặc trưng, tăng cường tính đa dạng sinh học của tài nguyên rừng, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm Đồng Tháp Mười.
c) Về xã hội
Tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, năng lực và mức sống của người dân vùng rừng; từng bước tạo cho người dân làm nghề rừng có thể sống và gắn bó với rừng.
d) Về quốc phòng, an ninh
Cùng với chương trình, dự án khác góp phần ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt là vùng ven biển.
2. Nhiệm vụ
a) Bảo vệ rừng
Đến năm 2020 bảo vệ 9.707 ha, trong đó rừng phòng hộ 3.695 ha; rừng sản xuất 6.012 ha.
- Giai đoạn 2011 - 2015: 8.598 ha, trong đó rừng phòng hộ 2.965 ha; rừng sản xuất 5.633 ha;
- Giai đoạn 2016 - 2020: 9.707 ha, trong đó rừng phòng hộ 3.695 ha; rừng sản xuất 6.012 ha.
b) Trồng mới rừng
Diện tích 6.502 ha, trong đó trồng rừng phòng hộ: 3.136 ha; trồng rừng sản xuất: 3.366 ha, được phân kỳ:
- Giai đoạn 2011 - 2015: trồng rừng phòng hộ: 1.263 ha;
- Giai đoạn 2016 - 2020: 5.239 ha, trong đó: trồng rừng phòng hộ: 1.873 ha, trồng rừng sản xuất 3.366 ha.
c) Trồng cây phân tán: 10 triệu cây (giai đoạn 2011 - 2015: 5 triệu cây; giai đoạn 2016 - 2020: 5 triệu cây).
d) Khai thác gỗ, củi dùng cho khu vực nông thôn duy trì ở mức từ 50 - 60 ngàn m3/năm, chủ yếu khai thác từ cây phân tán, rừng tràm và tỉa thưa rừng.
đ) Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua cơ chế phát triển sạch (CDM), du lịch sinh thái, phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói lở bờ biển.
e) Đầu tư xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển lâm nghiệp gồm xây dựng vườn ươm, trạm bảo vệ rừng, chòi canh và băng cản lửa.
3. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
a) Bảo vệ, phát triển rừng
Tổng diện tích rừng đến năm 2020 là 9.707 ha, trong đó: rừng phòng hộ 3.695 ha, rừng sản xuất: 6.012 ha.
- Đối với rừng phòng hộ:
+ Tập trung đầu tư xây dựng kè mềm gây bồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Đến năm 2020, diện tích rừng phòng hộ huyện Gò Công Đông là 1.431 ha và huyện Tân Phú Đông là 1.715 ha, nhằm hạn chế tác động biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, nâng độ che phủ của rừng, cải thiện và ổn định môi trường sinh thái;
+ Mở rộng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước với diện tích 549 ha, gắn với du lịch sinh thái.
- Đối với rừng sản xuất:
+ Bảo vệ, giữ ổn định diện tích rừng sản xuất huyện Tân Phước đến năm 2020 là 2.646 ha;
+ Ưu tiên đầu tư, phát triển rừng sản xuất huyện Tân Phú Đông (cồn Ngang và cồn Thới Trung) với diện tích là 3.366 ha, kết hợp với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển diện tích rừng.
b) Các hoạt động khác
- Xây dựng vườn ươm: đầu tư xây dựng mới 2 vườn ươm với tổng diện tích 2 ha, nhằm đáp ứng nhu cầu giống phục vụ tiến độ trồng rừng hàng năm;
- Xây dựng trạm chốt bảo vệ: xây dựng mới 1 trạm bảo vệ rừng tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông và 4 chốt bảo vệ rừng cho khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười;
- Phòng cháy chữa cháy rừng: xây dựng phương án phòng chống cháy rừng hàng năm và xây dựng công trình phòng cháy chữa cháy rừng gồm 04 chòi canh lửa, sửa chữa nâng cấp 20 km đê bao khu vực rừng tràm Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước;
- Xây dựng mô hình nông - lâm - ngư kết hợp với diện tích 100 ha, để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất rừng, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân sống trong và ven khu rừng;
- Thu hồi đất mở rộng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước.
4. Kinh phí thực hiện và nguồn vốn đầu tư
a) Kinh phí thực hiện: 1.316,98 tỷ đồng. Trong đó phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2011 - 2015: 362,04 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016 - 2020: 954,094 tỷ đồng.
b) Dự kiến nguồn vốn đầu tư
- Vốn ngân sách Trung ương: 267,74 tỷ đồng, chiếm 20,33% tổng vốn đầu tư;
- Vốn ngân sách tỉnh: 24,8 tỷ đồng, chiếm 1,88% tổng vốn đầu tư;
- Vốn dự án kêu gọi đầu tư: 823,44 tỷ đồng, chiếm 62,53% tổng vốn đầu tư;
- Vốn doanh nghiệp, hộ gia đình: 201 tỷ đồng, chiếm 15,26% tổng vốn đầu tư.
5. Giải pháp thực hiện
a) Về đất đai và cơ chế chính sách
- Diện tích quy hoạch lâm nghiệp được giao chủ quản lý cụ thể, rõ ràng;
- Quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng rừng và đất rừng theo đúng quy định;
- Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, ban hành một số chính sách của địa phương nhằm tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.
b) Về tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh
- Công bố quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước;
- Rà soát hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, thu hồi diện tích đất đã giao chưa đúng đối tượng và sử dụng không đúng mục đích, giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu;
- Tăng cường các biện pháp phòng, chống phá rừng, cháy rừng, tổ chức tốt lực lượng bảo vệ rừng đến đơn vị xã. Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng có sự phối hợp tốt của lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng với các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn;
- Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển rừng;
- Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho bảo vệ phát triển rừng gồm trạm bảo vệ rừng, chòi canh, đường băng cản lửa.
c) Về sự phối hợp đa ngành
- Phân công trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý bảo vệ rừng;
- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong lập và thực hiện kế hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện tốt các quy định về đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án trên đất lâm nghiệp.
d) Về khoa học công nghệ
- Tiếp thu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng, nhằm đạt mục tiêu và nâng cao hiệu quả phát triển rừng trong các thời kỳ quy hoạch;
- Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin vào công tác quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng;
- Nghiên cứu, tuyển chọn các loài cây trồng rừng thích nghi trên các dạng lập địa. Xây dựng vườn ươm đảm bảo cung ứng giống kịp thời để trồng rừng;
- Khuyến khích hỗ trợ cán bộ lâm nghiệp trong nghiên cứu khoa học.
đ) Về kỹ thuật lâm sinh
Tùy điều kiện lập địa phân bố loài cây cho phù hợp, kích thước và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với độ nông, sâu của bãi triều.
e) Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ quản lý và công chức của ngành, năng lực hoạt động cho cán bộ lâm nghiệp ở các cấp; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, cộng đồng và hộ gia đình làm nghề rừng; từng bước nâng cao năng lực xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
g) Về tài chính
- Nhà nước đầu tư vốn để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học;
- Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng. Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân sống gần rừng.
6. Danh mục các dự án ưu tiên thực hiện
- Dự án gây bồi, trồng rừng phòng hộ ven biển huyện Gò Công Đông bằng công nghệ kè mềm;
- Dự án gây bồi, trồng rừng phòng hộ bằng công nghệ kè mềm xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông;
- Dự án mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước;
- Dự án trồng rừng sản xuất kết hợp du lịch sinh thái xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
- Dự án trồng rừng phòng hộ trên đất chưa sử dụng, ven sông Cửa Tiểu huyện Gò Công Đông;
- Dự án trồng rừng phòng hộ trên đất chưa sử dụng huyện Tân Phú Đông.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020 và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả với Hội đồng nhân dân tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để thực hiện, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.
|
Công văn 23/CP-KTN về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia Ban hành: 23/02/2012 | Cập nhật: 01/03/2012
Thông tư 05/2008/TT-BNN hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Ban hành: 14/01/2008 | Cập nhật: 23/02/2008
Nghị định 23/2006/NĐ-CP thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng Ban hành: 03/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006