Nghị quyết 50/2002/NQ-HĐND về Quy chế giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan Tư pháp tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu: 50/2002/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Nguyễn Sáng Vang
Ngày ban hành: 07/09/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2002/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 07 tháng 9 năm 2002

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ 7

(Từ ngày 28 tháng 8 năm 2002 đến ngày 30 tháng 8 năm 2002)

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT CỦA HĐND TỈNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 6 năm 1996 "Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp";

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về công tác tư pháp;

Thực hiện Công văn số 738/CV-TU ngày 24 tháng 3 năm 2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc "Thực hiện chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2002", giao cho: "Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo việc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động tư pháp; xây dựng cơ chê giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp";

Căn cứ Tờ trình số 05/TTr-TTHĐND 15 ngày 26 tháng 8 năm 2002 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc "Ban hành Quy chế giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan Tư pháp tỉnh Tuyên Quang" và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

1. Ban hành Quy chế giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan Tư pháp tỉnh Tuyên Quang.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan Tư pháp, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 8 năm 2002.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Sáng Vang

 

QUY CHẾ GIÁM SÁT

CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/2002/NQ-HĐND ngày 07 tháng 9 năm 2002)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích giám sát:

Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan Tư pháp nhằm mục đích góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác trong lĩnh vực tư pháp, đảm bảo hoạt động của các cơ quan này theo đúng pháp luật.

Điều 2: Thực hiện chức năng giám sát:

Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan Tư pháp thông qua hoạt động giám sát tại các kỳ họp và hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp.

Điều 3: Nội dung giám sát:

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp về các lĩnh vực:

- Hoạt động điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra;

- Việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động Tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân;

- Hoạt động xét xử và giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân;

- Công tác thi hành án dân sự, hình sự;

- Các công tác khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4: Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh:

Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật và Quy chế này, đảm bảo trung thực, khách quan trong hoạt động giám sát và chịu trách nhiệm về hoạt động giám sát của mình.

Điều 5: Trách nhiệm của các cơ quan Tư pháp:

Thủ trưởng các cơ quan Tư pháp phải nghiêm chỉnh chấp hành sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh; có trách nhiệm xem xét, trả lời các yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện quyền giám sát.

Điều 6: Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và công dân:

Đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang và công dân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tư pháp cho Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 7: Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát:

Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các cơ quan Tư pháp trong tỉnh.

Khi thực hiện hoạt động giám sát và thẩm tra các báo cáo, đề án Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền yêu cầu các cơ quan Tư pháp và cá nhân cung cấp tài liệu, trình bày những vấn đề khi Đoàn giám sát yêu cầu; làm việc trực tiếp đối với những người có liên quan tới nội dung giám sát; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị và cơ sở về những nội dung liên quan.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã thực hiện giám sát, kiểm tra các nội dung liên quan đến địa phương, đơn vị và cơ sở.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A- ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 8: Giám sát kỳ họp:

Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét các báo cáo, đề án của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và báo cáo thuyết trình của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh về lĩnh vực hoạt động tư pháp trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm hành sự và hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; xem xét việc trả lời chất vấn của các cơ quan Tư pháp trong tỉnh.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra về những vụ việc cụ thể và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp tiếp theo.

Điều 9: Giám sát giữa 2 kỳ họp:

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện việc:

Thẩm tra các Báo cáo, đề án của các cơ quan Tư pháp về các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác.

Khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương, đơn vị và cơ sở trong việc thực thi pháp luật; tổ chức giám sát quá trình giải quyết đối với một số vụ án nổi cộm có khiếu kiện và đang được dư luận quan tâm.

Tiến hành làm việc đối với các cơ quan hữu quan và những người có liên quan về vấn đề cần thẩm tra, xác minh tại địa phương, đơn vị và cơ sở về những nội dung liên quan đến các vụ án tiến hành giám sát.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện quyền giám sát bằng cách chất vấn những vấn đề mà đại biểu đó quan tâm và yêu cầu các cơ quan Tư pháp kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước. Có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước những vấn đề thuộc lợi ích chung trong việc thi hành Hiến pháp, Luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

B- ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP

Điều 10: Trách nhiệm chấp hành sự giám sát của các cơ quan Tư pháp:

Các cơ quan Tư pháp trong tỉnh có trách nhiệm chấp hành sự giám sát và cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan và cá nhân có chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh như sau:

- Công an tỉnh: Chịu sự giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, việc tuân thủ pháp luật của lực lượng điều tra viên; trả lời các ý kiến chất vấn và các kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Chịu sự giám sát việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, việc tuân thủ pháp luật của Kiểm sát viên; trả lời các ý kiến chất vấn và kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Tòa án nhân dân tỉnh: Chịu sự giám sát việc thực hiện công tác xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính theo quy định của pháp luật và việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án; trả lời ý kiến chất vấn và kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Sở Tư pháp: Chịu sự giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công tác thi hành án dân sự, việc tuân thủ pháp luật của chấp hành viên cơ quan thi hành án.

Điều 11: Chế độ thông tin báo cáo:

- Các cơ quan: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ về công tác tư pháp theo quý, 6 tháng, năm; cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan tới công tác giám sát cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12: Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan Tư pháp, các Sở Ban, ngành và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo thực hiện Quy chế này.

Quy chế này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 8 năm 2002.

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.