Nghị quyết 48/2006/NQ-HĐND về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XV, kỳ họp thứ 6 ban hành
Số hiệu: | 48/2006/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa | Người ký: | Phạm Văn Tích |
Ngày ban hành: | 28/07/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2006/NQ-HĐND |
Thanh Hóa, ngày 28 tháng 07 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ VI.
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Căn cứ Luật đầu tư ngày 12 tháng 12 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 2946/TTr-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số:155/BC-KTNS.HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Tán thành Tờ trình số: 2946/TTr-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN ÁP DỤNG:
1. Đối tượng áp dụng:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, du nhập nhân cấy nghề mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là cơ sở tiểu thủ công nghiệp), thuộc các ngành sau:
- Chế biến nông- lâm- thuỷ sản- dược liệu;
- Sản xuất nguyên liệu, xử lý phế liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp;
- Các nghề thủ công: dệt thổ cẩm, thêu, cói, gốm, sứ, thủy tinh, mây, tre, luồng, nứa, gỗ và nghề sản xuất hàng thủ công từ các nguyên liệu tại chỗ khác;
- Sản xuất phụ tùng, cơ khí sửa chữa, cơ khí sản xuất hàng tiêu dùng, nông cụ;
- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp trong từng thời kỳ, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ sung ngành nghề thuộc đối tượng khuyến khích.
2. Địa bàn áp dụng:
a) Khu vực 1: Thành phố Thanh Hoá, Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Sầm Sơn.
b) Khu vực 2: Các huyện: Đông Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định (trừ các xã miền núi).
c) Khu vực 3: Các huyện: Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Như Thanh, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Như Xuân, Quan Hoá, Quan Sơn, Thường Xuân, Thạch Thành; các xã miền núi thuộc Khu vực 2 và các xã bãi ngang.
II. CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH:
Các đối tượng quy định ở Điểm 1, Mục I được lựa chọn hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước hoặc cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh sau đây:
1. Cơ chế chính sách về đất đai và xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề.
a) Về đất đai, mặt bằng sản xuất:
- Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của địa phương và của tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND huyện) lập quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp, cụm làng nghề, đáp ứng kịp thời nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh.
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp, ổn định vào mục đích sản xuất, thu mua sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và quy định của Pháp luật thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đất đang sử dụng vào mục đích khác và chủ sử dụng đất có nhu cầu làm mặt bằng sản xuất, thu mua hàng tiểu thủ công nghiệp thì được chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải quyết xong các thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
b) Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề:
- UBND các huyện chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng chung trong Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề đến hàng rào các dự án;
- Tỉnh đảm bảo có đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến hàng rào Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề.
c) Về giá cho thuê đất:
- Chủ đầu tư được thuê đất với mức giá thấp nhất trong khung giá đất tại địa phương do UBND tỉnh quy định tại thời điểm ký hợp đồng thuê đất.
- Đối với đất trong Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề do tổ chức, cá nhân đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng thì giá cho thuê lại đất theo thoả thuận giữa tổ chức, cá nhân thuê đất làm mặt bằng sản xuất và chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề.
2. Chính sách ưu đãi đầu tư:
Các đối tượng quy định tại Điểm 1, Mục I được tạo điều kiện để vay các nguồn vốn có lãi suất ưu đãi; trường hợp không vay được vốn ưu đãi, phải vay vốn của các Ngân hàng thương mại thì được hỗ trợ 50% chênh lệch lãi suất vay trong thời gian tối đa 2 năm kể từ khi phải trả nợ theo hợp đồng tín dụng.
3. Chính sách khuyến khích thu hút lao động:
Các cơ sở sản xuất mới thành lập, hoặc mở rộng sản xuất tuyển dụng mới từ 100 lao động (đối với khu vực 1), 70 lao động (đối với khu vực 2) và 50 lao động (đối với khu vực 3) trở lên theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã đóng BHXH, BHYT cho người lao động từ 12 tháng trở lên, đảm bảo việc làm ổn định và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của Luật Lao động thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng cho 1 lao động để bổ sung vào vốn sản xuất kinh doanh.
4. Cơ chế chính sách về đào tạo:
- Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp có nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân được ưu tiên tham gia các chương trình, dự án đào tạo của tỉnh và được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình, dự án đào tạo của các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp;
- Nghệ nhân mở các lớp truyền nghề, dạy nghề cho lao động được thu tiền học của học viên theo nguyên tắc thoả thuận và được miễn, giảm các loại thuế với mức tối đa theo quy định hiện hành của nhà nước.
5. Chính sách về khoa học, công nghệ:
- Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp được quyền đăng ký, đề xuất đề tài, nhiệm vụ khoa học - công nghệ và tham gia tuyển chọn thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học - công nghệ do ngân sách nhà nước cấp kinh phí.
- Tổ chức, cá nhân sáng tạo mẫu mã hàng hoá mới được thị trường chấp nhận, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp.
- Tổ chức, cá nhân cải tiến công cụ sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp hoặc chế tạo công cụ mới được thị trường chấp nhận, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, phát minh sáng chế.
6. Chính sách thị trường, tiêu thụ sản phẩm:
- Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để tham gia các hội trợ, triển lãm, đi nghiên cứu tìm kiếm thị trường ở trong nước và nước ngoài; được Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh, các ngành chức năng liên quan, phổ biến, cung cấp miễn phí thông tin về tình hình, giá cả thị trường các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp trong nước và thế giới;
- UBND tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, ngành hàng tiểu thủ công nghiệp;
- Các cơ sở sản xuất, xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp được hưởng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu hiện hành của tỉnh.
7. Chính sách khen thưởng:
- Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Hàng năm tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, bầu ra đơn vị đạt thành tích xuất sắc nhất. Huyện (thị xã, thành phố) đạt thành tích xuất sắc nhất được thưởng 50 triệu đồng; xã đạt thành tích xuất sắc nhất được thưởng 30 triệu đồng.
Điều 2.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2006 và thay cho Nghị quyết số 28/2003/NQ-HĐNDK14 ngày 12 tháng 01 năm 2003 của HĐND tỉnh khoá XIV về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. Định kỳ báo cáo HĐND tỉnh.
Điều 3
Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2006./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Nghị định 66/2006/NĐ-CP về việc phát triển ngành nghề nông thôn Ban hành: 07/07/2006 | Cập nhật: 13/07/2006
Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn Ban hành: 09/06/2004 | Cập nhật: 23/05/2012
Nghị quyết 28/2003/NQ-HĐNDK14 tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2002; nhiệm vụ năm 2003 do Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XIV, kỳ họp thứ 8 ban hành Ban hành: 12/01/2003 | Cập nhật: 30/06/2012