Nghị quyết 42/2011/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu: 42/2011/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Long An Người ký: Đặng Văn Xướng
Ngày ban hành: 09/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2011/NQ-HĐND

Long An, ngày 09 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MỚI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) và Chương trình số 10-CTr/TU ngày 02/11/2011 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3894/TTr-UBND ngày 14/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 02/11/2011 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất kế hoạch đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao thường trực, các ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ QH (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- VP.QH, VP.CP (TP.HCM) (b/c);
- TT.TU (b/c);
- UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII;
- Thủ trưởng các sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thành phố;
- VP.UBND tỉnh;
- Lãnh đạo và CV VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lưu: VT. (P)

CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Văn Xướng

 

NỘI DUNG

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN MỚI TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 42/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh)

I. Mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015

1. Mục tiêu:

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị ổn định, phát triển, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

2. Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015:

- Có 22% số xã (36 xã) đạt xã nông thôn mới; trong đó đến năm 2013, có 6 xã đạt 19 tiêu chí (Dương Xuân Hội, Mỹ Yên, Mỹ Lệ, Mỹ Hạnh Nam, Hậu Thạnh Đông, Khánh Hưng).

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gấp 2 lần so năm 2010.

* Chỉ tiêu đến năm 2015 trên từng tiêu chí (TC) của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (19 tiêu chí):

- Quy hoạch (TC 1): hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới 100% số xã (166 xã) trong năm 2012. Trong đó, 36 xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 hoàn thành quy hoạch trong 6 tháng đầu năm 2012.

- Giao thông (TC 2): có 22% số xã (36 xã) hoàn thành tiêu chí 2.

- Hệ thống thủy lợi (TC 3): có trên 42% số xã (70 xã) hệ thống công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.

- Điện (TC 4): Có 85% số xã (141 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới.

- Trường học (TC 5): Có 45% số xã (70 xã) đạt chuẩn.

- Cơ sở vật chất văn hóa (TC 6): Có 50% xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, trong đó có 50% (42 xã) đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có 70% ấp (116 ấp) có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao, trong đó 15% ấp (25 ấp) đạt chuẩn. Có 50% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có 25% dân số nông thôn luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.

- Chợ nông thôn (TC 7): có 22% số xã (36 xã) đạt chuẩn.

- Bưu điện (TC 8): Có 50 xã (30%) đạt chuẩn (có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet).

- Nhà ở dân cư (TC 9) kiên cố hóa, chuẩn hóa nhà ở nông thôn: có 36 xã đạt chuẩn.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập (TC 10): Có 22% số xã (36 xã) đạt chuẩn.

- Giảm nghèo và an sinh xã hội (TC 11): có 60% số xã (100 xã) đạt tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% (Theo chuẩn nghèo của tỉnh).

- Chuyển dịch cơ cấu lao động (TC 12): có 22% số xã (36 xã) đạt chuẩn (tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp ≤ 35%).

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn (TC 13): Có 90% số xã (150 xã) có tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

- Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn (TC 14): có 52% số xã (86 xã) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; 62,5% số xã (103 xã) có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề) trên 80%; có 45% số xã (75 xã) có tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 30%.

- Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn (TC 15): có 50% số xã (83 xã) đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế các loại đạt 70% trở lên.

- Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn (TC 16): có 80% số xã (133 xã) có trên 70% ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa.

- Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (TC 17): có 95% hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.

- Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn(TC 18): có 85% số xã (141 xã) các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt trong sạch, vững mạnh.

- Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn (TC 19): phấn đấu 100% số xã an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

II. Nhiệm vụ, giải pháp:

1. Thực hiện công tác tuyên truyền và vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới:

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nội dung của Chương trình đến từng cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân.

- Phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh.

- Thường xuyên cập nhật và nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến.

2. Xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng với các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với phát triển công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường.

- Hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn xã đến năm 2020, gắn với tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư tập trung và tổ chức lại sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch, tập trung triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa và kinh tế nông thôn; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao ở những nơi có điều kiện.

- Xây dựng nông thôn mới có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế về hoạt động văn hóa, thể thao;

- Xây dựng quy ước của ấp về xây dựng đời sống văn hóa.

- Triển khai, hướng dẫn, theo dõi thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; phòng ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm về nguồn nước, về không khí trên địa bàn.

3. Xây dựng, triển khai thực hiện việc đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hoạt động văn hóa, xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn

4. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới

- Nhu cầu vốn thực hiện Chương trình rất lớn, cần xây dựng cơ chế, chính sách huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư; trong đó quán triệt quan điểm "huy động nội lực là chính”, không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.

+ Tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 – 2015 là 15.731 tỷ đồng (ngân sách nhà nước: 6.192 tỷ đồng, doanh nghiệp: 2.790 tỷ đồng, dân góp: 5.363 tỷ đồng, tín dụng: 1.386 tỷ đồng). Trong đó, vốn đầu tư cho 36 xã đạt xã nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 khoảng 5.740 tỷ đồng (bình quân 160 tỷ đồng/xã), gồm ngân sách: 2.815 tỷ đồng, doanh nghiệp: 642 tỷ đồng, dân đóng góp: 1.255 tỷ đồng, tín dụng: 874 tỷ đồng, vốn khác: 155 tỷ đồng.

- Nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách (bao gồm của trung ương, tỉnh, huyện, xã): ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác quy hoạch và các việc mà nhân dân không thể, hoặc không đủ nguồn lực tự đầu tư, tự thực hiện; ưu tiên hỗ trợ vốn cho các xã thực hiện tốt chương trình, xã chưa tự cân đối ngân sách.

- Nguồn vốn dân đóng góp bao gồm: đóng góp mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi công cộng (giao thông, thủy lợi); Vốn xây dựng đồng ruộng; thủy lợi nội đồng; đường giao thông nội bộ xóm, ấp v.v...

- Thực hiện huy động đa dạng hóa các nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình:

+ Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ do Trung ương phân bổ hàng năm. Huy động các khoản viện trợ, hỗ trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và các nguồn tài chính hợp pháp khác cho các dự án đầu tư; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng.

+ Huy động hợp lý nguồn lực tại địa phương để triển khai Chương trình (các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể,...); huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

5. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể:

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện. Tăng cường mối quan hệ phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan và thực hiên lồng ghép chương trình này với các chương trình đột phá khác trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chương trình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, tham gia phối hợp thực hiện; vận động đoàn viên, hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, gương mẫu trong việc đầu tư xây dựng, phát triển nông thôn mới./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.