Nghị quyết 42/2006/NQ-HĐND về Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: | 42/2006/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Thuận | Người ký: | Huỳnh Văn Tí |
Ngày ban hành: | 10/07/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2006/NQ-HĐND |
Phan Thiết, ngày 10 tháng 7 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét Tờ trình số 2145/TTr-UBND ngày 01/6/2006 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 – 2010, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2006 – 2010 với các mục tiêu và các giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu:
a) Hàng năm, giải quyết việc làm cho 22.000 người, trong đó xuất khẩu lao động từ 300 người trở lên.
b) Giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 4% vào năm 2010.
c) Gắn giải quyết việc làm với chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế, đến năm 2010 cơ cấu lao động làm việc trong các ngành như sau: Nông – Lâm - Thủy sản chiếm 62%; Công nghiệp – Xây dựng chiếm 12,7%; Thương mại - Dịch vụ chiếm 25,3%.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
a) Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề để tạo việc làm mới cho người lao động tại địa phương.
b) Đồng thời triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xuất khẩu lao động. Tổ chức tốt việc giới thiệu, tuyển dụng và cung ứng lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, nhất là ở các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ.
c) Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh, tập trung cho vay vốn các dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến, làng nghề thủ công truyền thống và dịch vụ.
d) Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và xuất khẩu lao động đi đôi với việc giáo dục ý thức, tác phong và tính kỷ luật lao động phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề.
e) Tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm và học nghề. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh để các trung tâm thực sự là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động.
g) Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động; chú ý đúng mức giáo dục ý thức trách nhiệm của người lao động trong việc tự tìm và tự tạo việc làm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
h) Thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chủ trương, chính sách có tác động trực tiếp tạo thêm nguồn việc làm, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, đa dạng hóa hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ công cộng, chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển các vùng và các thành phần kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ phát triển các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo, các chính sách cần thiết để phát triển các ngành nghề và sản phẩm lợi thế của tỉnh; chính sách giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách, hộ nghèo, chiến sĩ các lực lượng vũ trang xuất ngũ, phục viên, học sinh, sinh viên mới ra trường và việc làm cho nhân dân thuộc vùng giải tỏa đền bù.
k) Ngoài ngân sách Trung ương đầu tư, nguồn vốn huy động từ cộng đồng, hàng năm ngân sách địa phương cân đối kinh phí phù hợp để thực hiện chương trình.
Điều 2. Giao trách nhiệm cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm, báo cáo kết quả để HĐND tỉnh theo dõi, giám sát.
Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 06 tháng 7 năm 2006./.
|
CHỦ TỊCH |