Nghị quyết 41/NQ-CP năm 2012 phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật
Số hiệu: | 41/NQ-CP | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 15/08/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 27/08/2012 | Số công báo: | Từ số 571 đến số 572 |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Trong hai ngày 07 và 08 tháng 8 năm 2012, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.
1. Chính phủ đã thảo luận về các báo cáo: Tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ quý II, kết quả 6 tháng đầu năm 2012, nhiệm vụ trong quý III và 6 tháng cuối năm 2012; Tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ đã có chuyển biến tích cực; số lượng các dự án được thông qua và trình xin ý kiến đều đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, còn một số dự án phải điều chỉnh tiến độ ảnh hưởng đến Chương trình của Chính phủ và Quốc hội.
Công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có tiến bộ, số văn bản nợ đọng giảm được nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, nhiều văn bản chưa được ban hành để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh; việc xây dựng, trình ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một số bộ, cơ quan ngang bộ còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần tập trung chỉ đạo công tác xây dựng các dự thảo văn bản; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan chủ trì với các bộ, ngành liên quan cũng như với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo; áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng và ban hành một số văn bản; rút ngắn thời gian thẩm định; huy động lực lượng, bảo đảm kinh phí cho việc xây dựng văn bản.
2. Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình. Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh được xây dựng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Mọi công dân đều được phổ biến, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.
Chính phủ quy định đối tượng cụ thể bồi dưỡng quốc phòng - an ninh căn cứ vào tình hình, khả năng của đất nước và từng địa phương.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án. Luật trên, bảo đảm tính khả thi. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
3. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình. Luật Thủ đô được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tối đa các nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thủ đô ban hành năm 2000. Về phạm vi điều chỉnh, Luật Thủ đô chỉ quy định những nội dung quan trọng về xây dựng, phát triển Thủ đô nhưng chưa được quy định ở các luật khác hoặc đã có quy định nhưng chưa phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Những nội dung có tính phổ biến, không phải đặc thù thì thống nhất áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật trên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
4. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình. Luật Hộ tịch được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, có hiệu lực cao cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, tạo thuận tiện cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu đăng ký hộ tịch; chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa công chức thực hiện công tác đăng ký hộ tịch thông qua việc xây dựng chức danh Hộ tịch viên để phù hợp với mô hình đăng ký hộ tịch một cấp.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
5. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình. Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi, điều chỉnh nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, tạo sự thống nhất, đồng bộ các văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ tạo nền tảng pháp lý để giải quyết những bất cập, vướng mắc hiện nay; tăng cường và thu hút đầu tư của toàn xã hội cho khoa học và công nghệ; tạo cơ chế linh hoạt để khuyến khích công tác nghiên cứu, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ vào cuộc sống. Cần chú ý tiếp thu các nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Ngân sách.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
6. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình. Luật Việc làm được xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện thị trường lao động, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cần quy định cụ thể về nội dung và lộ trình thực hiện phát triển kỹ năng nghề trong Luật Việc làm để bảo đảm hiệu quả và tính khả thi của chính sách này trên thực tế; làm rõ mối liên hệ giữa Luật Việc làm với các Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ Luật lao động về một số nội dung có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
7. Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải cơ sở do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình. Luật Hòa giải cơ sở được ban hành sẽ hoàn thiện các chế định pháp lý về công tác hòa giải cơ sở; tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật trên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
8. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình. Luật Đất đai 2003 được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất; quy định minh bạch, rõ ràng hơn các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, khắc phục các tồn tại, bất cập đang bộc lộ trên thực tế, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai; bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan, giữ vững nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật về đất đai; bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về đất đai từ trung ương đến cơ sở, kết hợp hài hòa lợi ích của các bên liên quan; hoàn thiện cơ chế và những giải pháp để tài nguyên đất trở thành nguồn lực phục vụ hiệu quả quá trình phát triển đất nước.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật trên, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 8 năm 2012 trước khi trình Quốc hội.
9. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Tổng Thanh tra Chính phủ trình. Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng; tăng cường công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực quản lý; nâng cao hiệu quả việc thực hiện kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; cụ thể hóa về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật trên, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 8 năm 2012./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |