Nghị quyết 36/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2017
Số hiệu: | 36/NQ-CP | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 15/04/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngân hàng, tiền tệ, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 4 NĂM 2017
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, tổ chức vào ngày 11 tháng 4 năm 2017,
QUYẾT NGHỊ:
I. VỀ DỰ ÁN LUẬT CƠ CẤU LẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU
1. Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và tính cấp bách của việc cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng, mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
2. Chính phủ thống nhất cơ bản với nội dung của dự thảo các quy định về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước trình. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, trình đồng thời Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
3. Về một số vấn đề cụ thể, Chính phủ thống nhất định hướng như sau:
- Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết về xử lý nợ xấu bao gồm việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; có cơ chế cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), các doanh nghiệp khác có chức năng kinh doanh mua bán nợ được tham gia bình đẳng vào quá trình xử lý nợ xấu.
- Về biện pháp chuyển giao bắt buộc, từ nay, nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Trường hợp các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho tổ chức tín dụng có năng lực tài chính tốt. Các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn, tài sản...của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về hậu quả do mình gây ra. Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể cho phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.
- Quy định cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để bảo đảm quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Việc xây dựng cơ chế này cần dựa trên nguyên tắc kế thừa quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP .
- Về cơ chế thuế, phí trong xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC, DATC...: cần có quy định về miễn phí thi hành án; miễn thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, bán toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và có cơ chế ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ của bên được bảo đảm trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế của bên bảo đảm để hỗ trợ xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC...
- Về thẩm quyền trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, cần quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, theo hướng Chính phủ quyết định phương án phá sản, phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương cơ cấu lại, phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt; Ngân hàng Nhà nước quyết định chủ trương cơ cấu lại, phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
- Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, việc quy định về miễn trách nhiệm là cần thiết, tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm về “kết quả” của việc thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình. Trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
- Về nguồn lực, cần quy định đầy đủ về các nguồn lực được sử dụng trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng nguồn lực nhà nước, kể cả trường hợp cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường thì làm rõ các trường hợp phải sử dụng và phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
- Việc phân bổ lãi dự thu chỉ áp dụng đối với lãi dự thu phải thoái đã ghi nhận đến 31 tháng 12 năm 2016 theo phương án cơ cấu lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan; giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký, trình Quốc hội.
II. VỀ DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH
1. Dự án Luật quy hoạch thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo bước thay đổi căn bản trong công tác lập và quản lý hệ thống quy hoạch; hoạch định không gian phát triển, tạo động lực phát triển trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Với những thay đổi nói trên, việc rà soát, chuẩn bị đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch là rất cần thiết, bảo đảm thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với hiệu lực của Luật quy hoạch dự kiến từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
2. Chính phủ thống nhất với Phương án trình Quốc hội ban hành kèm theo Luật quy hoạch Phụ lục danh mục các luật có quy định về quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ với Luật quy hoạch; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về đề nghị xây dựng và trình ban hành dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật nói trên theo hướng một luật sửa nhiều luật, bảo đảm phù hợp, đồng bộ với Luật quy hoạch, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 138/2016/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ Ban hành: 01/10/2016 | Cập nhật: 03/10/2016
Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm Ban hành: 22/02/2012 | Cập nhật: 25/02/2012
Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm Ban hành: 29/12/2006 | Cập nhật: 06/01/2007