Nghị quyết 350/2014/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2015
Số hiệu: | 350/2014/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Điện Biên | Người ký: | Giàng Thị Hoa |
Ngày ban hành: | 10/12/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Quốc phòng, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 350/2014/NQ-HĐND |
Điện Biên, ngày 10 tháng 12 năm 2014 |
VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG AN NINH NĂM 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 tháng 2004;
Sau khi xem xét Báo cáo số 327/BC-UBND ngày 28/11/2014 của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2015; Báo cáo tổng hợp thẩm tra số: 237/BC-HĐND, ngày 07 tháng 12 năm 2014 của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và ý kiến Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2015 do UBND tỉnh trình tại kỳ họp, HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
I. Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2014
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn; nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước của tỉnh giảm so với năm trước và chưa đáp ứng được yêu cầu; bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhưng được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh năm 2014 đã đạt được đa số các mục tiêu đề ra.
Kinh tế của tỉnh đã ổn định và phát triển hơn năm trước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,08%; sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực có bước phát triển khá, tổng sản lượng lương thực ước đạt 247.047 tấn; thương mại, dịch vụ du lịch có khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 20,75% so với năm 2013; thu, chi ngân sách đạt kết quả khá, trong đó thu nội địa ước đạt 623 tỷ đồng bằng 109,29% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt 6.933,8 tỷ đồng, tăng 5,55% so với 2013.; hệ thống cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực, các địa phương tiếp tục được cải thiện; Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội có tiến bộ, mạng lưới, trường lớp học, cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục phát triển mở rộng theo quy hoạch, chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo được nâng lên; các chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm được triển khai tích cực và đạt một số kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng, hợp tác hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào tăng cường.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn: Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch chậm và chưa vững chắc; một số tiềm năng, thế mạnh của tỉnh chưa thực sự phát huy hiệu quả; đặc biệt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tiến độ giao đất, giao rừng chậm so với kế hoạch; việc trồng mới một số loại cây công nghiệp dài ngày gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện một số dự án thủy điện trọng điểm không đảm bảo kế hoạch; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; tiến độ triển khai một số chương trình dự án trọng điểm còn chậm; tình trạng nợ đọng trong XDCB, dư ứng ở các công trình đầu tư XDCB chưa giải quyết triệt để; hiệu quả đầu tư một số công trình hoàn thành chưa được phát huy; kết quả thực hiện giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định.
II. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2015
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển sự nghiệp y tế giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 10%; trong đó giá trị gia tăng khu vực nông lâm nghiệp tăng 4,5%, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,7%, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 11,82%.
- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xác định; phấn đấu cơ cấu GRDP năm 2015: Nông lâm nghiệp, thủy sản: 23,1%, giảm 1,01%; công nghiệp - Xây dựng: 31,35%, tăng 0,43%; dịch vụ: 45,54%, tăng 0,57% (so với năm 2014).
- Tổng sản lượng lương thực phấn đấu đạt 241,65 ngàn tấn; tốc độ phát triển đàn gia súc tăng 5,8%. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,84%
- Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 36 triệu USD, tăng 7,78% so với năm 2014, trong đó: Giá trị xuất khẩu đạt 27 triệu USD, tăng 16,38%; giá trị nhập khẩu đạt 9 triệu USD.
- Tổng thu ngân sách nhà nước 6.651 tỷ 424 triệu đồng; trong đó, thu ngân sách trên địa bàn 749,5 tỷ đồng, thu nội địa 705 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư phát triển 7.325,3 tỷ đồng,
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,5‰, dân số khoảng 542 ngàn người; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi còn 19,3%; thể chiều cao/tuổi còn 29,4%; giảm tỷ suất chết của trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 49‰, giảm 3,0‰ so với năm 2014.
- Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đẩy mạnh phổ cập GDTH đúng độ tuổi mức độ II. Huy động 93,3% số trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo; 99,2% trẻ 6 - 10 tuổi đi học tiểu học; 90,2% trẻ từ 11 - 14 tuổi học THCS; 55,2% dân số trong độ tuổi 15 - 18 học THPT. Nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày lên 88% ở cấp tiểu học, 50% ở cấp THCS.
- Phấn đấu 70/130 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em (trong đó 5 xã được công nhận mới).
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28,01%, giảm 3,48% so với năm 2014; đào tạo nghề cho 8.000 lao động (tăng 1,6% so với ước thực hiện 2014), tạo việc làm mới cho 8.500 lao động (bằng với ước thực hiện 2014); tổ chức cai nghiện cho 1.200 lượt người (tăng 38,4% so với ước thực hiện 2014); số người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng methadone là 4.400 người; 40 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
- 130/130 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 116/130 xã đi lại được quanh năm; 130/130 xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã (tăng 4 xã), 83,36% số hộ được dùng điện, tăng 1,39% so với năm 2014.
- 97,49% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 61,18% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
3. Nhiệm vụ chủ yếu
3.1. Phát triển kinh tế
a) Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn
- Tập trung phát triển sản xuất lương thực, tăng sản lượng lương thực hàng hóa tại các vùng sản xuất trọng điểm; đảm bảo diện tích gieo trồng cây lương thực đạt 78.986 ha. Tổng sản lượng lương thực phấn đấu đạt 241.654 tấn. Trong đó sản lượng thóc 166.212 tấn, riêng thóc ruộng đạt 133.763 tấn.
- Phát triển các loại cây công nghiệp, trọng tâm là cao su, cà phê; phấn đấu trồng mới 210 ha cà phê; 536 ha cao su, 20 ha chè; nâng tổng diện tích cao su lên 5.695,28 ha, cà phê 4.367,6 ha, chè 577,1 ha.
- Tăng cường hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, mở rộng chăn nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; phấn đấu đàn trâu tăng 3,09%, đàn bò tăng 6,2%, đàn lợn tăng 6,71%. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 16.302,5 nghìn tấn, tăng 6,73% so với năm 2014.
- Về lâm nghiệp: Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng; tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ nhất là vùng đầu nguồn các công trình cấp nước sinh hoạt tại các khu đô thị, các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm. Tăng cường quản lý khai thác, vận chuyển lâm sản, phòng chống cháy rừng. Mục tiêu: Khoanh nuôi tái sinh 8.844,1 ha; trồng rừng phòng hộ 1.085 ha; khoán bảo vệ rừng 12.915,8 ha; trồng 1,25 triệu cây phân tán.
- Về phát triển nông thôn: Đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới; lồng ghép với các chương trình dự án khác trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới được duyệt để thống nhất triển khai thực hiện; ưu tiên triển khai trước các công trình, các tiêu chí thiết yếu có số người hưởng lợi cao phù hợp với khả năng nguồn vốn huy động.
b) Công nghiệp - xây dựng
Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến hàng nông, lâm sản để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thủy điện (nhất là các dự án trọng điểm). Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Chú trọng hỗ trợ khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có ưu thế. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 2.517,7 tỷ đồng, tăng 23,64% so với năm 2014.
c) Phát triển các ngành dịch vụ
Tăng cường quản lý giá cả, bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phát triển mở rộng mạng lưới dịch vụ thương mại tại vùng sâu, vùng xa đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu và thu mua nông sản hàng hóa cho nhân dân. Phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ thương mại đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 8,88% so với năm 2014. Đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát huy tốt hơn giá trị của hệ thống di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư các cơ sở lưu trú, hỗ trợ xây dựng và phát triển các tua du lịch đặc thù. Mục tiêu đón 400 ngàn lượt khách, trong đó có 70 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt mức 500 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và bưu chính viễn thông đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tốc độ phổ cập dịch vụ bưu chính, viễn thông và CNTT tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.
d) Phát triển các thành phần kinh tế
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trên các nguồn lực vào địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Trong năm 2015, ngoài thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực truyền thống như thủy điện, nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ... mở rộng thu hút, tìm kiếm các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác như môi trường, biến đổi khí hậu... Phấn đấu có trên 10 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới, số vốn thực hiện và giải ngân khoảng 700 tỷ đồng.
Thực hiện nghiêm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các nhà đầu tư. Phấn đấu số doanh nghiệp đăng ký mới 110 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã, với tổng vốn đăng ký khoảng 480 tỷ đồng.
e) Thu chi ngân sách
Điều hành dự toán thu chi ngân sách linh hoạt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Tăng cường quản lý thu ngân sách trên địa bàn; tích cực đôn đốc xử lý nợ đọng thuế; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Phấn đấu tổng thu ngân sách địa phương đạt 6.651 tỷ 424 triệu đồng. Trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 749,5 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tiêu hành chính theo hướng mở rộng khoán chi đối với các cơ quan đơn vị gắn với kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng quy định của Luật ngân sách; các khoản dự phòng chi cho các nhiệm vụ chi cấp bách, đột xuất phát sinh.
Thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng trung ương. Phấn đấu huy động vốn tại địa phương tăng trên 10%, tổng dư nợ tín dụng tăng tối thiểu 12% so với năm 2014, khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.
3.2. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tập trung vào những ngành nghề trọng điểm, chiếm ưu thế của địa phương, như phát triển cây cao su, cây cà phê, cây chè, dịch vụ du lịch... Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề. Thực hiện dạy nghề cho 8.000 người, tăng 5,75% so với 2014. Giải quyết việc làm mới cho 8.500 lao động, huy động các nguồn lao động đã được đào tạo nhưng chưa có việc làm đi xuất khẩu lao động, phấn đấu xuất khẩu từ 100 lao động trở lên. Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh; phấn đấu cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28,01%, giảm 3,48% so với năm 2014.
- Tiếp tục đẩy mạnh, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập giáo dục THCS. Đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy cấp học phổ thông; thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo với các ngành nghề đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Mở rộng đối tượng, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và duy trì kết quả sau cai nghiện, mở rộng cơ sở điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ dân số KHHGĐ, gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh vững chắc, tập trung tuyên truyền thực hiện KHHGĐ vào những vùng có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba.
- Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư huấn luyện, bồi dưỡng năng khiếu một số môn thể thao thành tích cao mà tỉnh có thế mạnh.
- Đổi mới nội dung, chương trình phát thanh - truyền hình để đáp ứng tốt hơn yêu cầu tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu giải trí của nhân dân. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, khôi phục các lễ hội truyền thống; phát sóng, quảng bá chương trình phát thanh - truyền hình Điện Biên trên vệ tinh VinaSat.
3.3. Công tác tư pháp, xây dựng chính quyền, thanh tra, phòng chống tham nhũng
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Tiếp tục thực hiện tích cực công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ các ngành, các cấp. Phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch thanh tra, tập trung vào các vấn đề bức xúc trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tổ chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.
3.4. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại
- Tăng cường năng lực phòng thủ, theo sát diễn biến tình hình trên thế giới và trong khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh của tỉnh; xây dựng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới.
- Kết hợp củng cố quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm các điều kiện cơ bản về sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc ở các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới. Cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và tội phạm nghiêm trọng.
- Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước, tăng cường hợp tác đầu tư và quan hệ kinh tế đối ngoại với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ biên mậu, tăng cường vận động, tiếp xúc với các tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán tạo cơ hội trong đầu tư phát triển.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện hệ thống giải pháp, tổ chức chỉ đạo, điều hành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2015 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2014./.
|
KT. CHỦ TỊCH |